Nhiều công trình ngăn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đang phát huy hiệu quả. Ảnh minh họa: Tấn Phong
Đặc biệt, với giải pháp công trình, nhiều dự án đã và đang làm tốt nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt, nước cho sản xuất công nghiệp, ổn định vùng sản xuất cây ăn trái trọng điểm và diện tích nuôi trồng thủy sản.
Nhiều công trình sắp về đích
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp, để ứng phó với hạn mặn, ĐBSCL cần tăng cường các nguồn nước ngọt cho các hệ thống thủy lợi vùng ven biển. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư các công trình kiểm soát mặn, nâng cấp hệ thống thủy lợi.
Thực tế, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL thời gian qua đã chủ động triển khai các dự án cấp bách này. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cuối tháng 6/2024, hồ chứa nước ngọt rộng 102 ha thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL với chi phí xây lắp gần 300 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới sẽ chính thức được đưa vào sử dụng.
Hồ chứa nước khi hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho hơn 11.000 hộ dân ở huyện U Minh, nhằm hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm. Ngoài ra, công trình còn trữ nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và cung cấp một phần nước phục vụ sản xuất vào mùa khô, giúp giảm thiệt hại đối với cây trái, hoa màu của người dân. Trong tương lai, hồ có khả năng trữ nước phục vụ thêm cho khu vực huyện Trần Văn Thời, huyện Thới Bình và Khu công nghiệp Khánh An, huyện U Minh. Hiện các nhà thầu đang hoàn tất những hạng mục cuối cùng của công trình trước khi đưa vào sử dụng.
Tại Bến Tre, Dự án Xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư đang trong quá trình thi công. Dự án có nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân huyện Ba Tri, đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận với nước sạch không gián đoạn, nhất là trong mùa khô. Hồ chứa nước ngọt Lạc Địa dự kiến hoàn thành trong năm 2025, có dung tích 2,3 triệu mét khối, với tổng mức đầu tư 352 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bến Tre, khối lượng thực hiện Gói thầu Thi công xây dựng các hạng mục hồ chứa nước ngọt (Gói 01) hiện đạt khoảng 54% giá trị hợp đồng. Gói thầu do Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Chấn Hưng - Công ty CP Xây dựng hạ tầng giao thông thủy lợi Hà Nội - Công ty CP Xây dựng Thương mại Thới Bình đảm nhận thi công.
Bến Tre cũng đang hoàn thiện hệ thống thủy lợi và các cống, đê bao trên địa bàn Tỉnh. Dự kiến, đến năm 2028, khi Bộ NN&PTNT hoàn chỉnh các cống của Dự án Quản lý nước Bến Tre sẽ giúp địa phương này cơ bản làm chủ các đê bao bảo vệ toàn tỉnh.
Trong khi đó, Dự án Kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 10 làm chủ đầu tư đang được các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, Gói XL01 Xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị cống âu Rạch Mọp do Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng 40 - Công ty CP LILAMA 10 - Công ty TNHH Thủy lực Yến Linh - Công ty TNHH Trần Trân - Công ty CP Đầu tư DTC thực hiện (giá trúng thầu 528,571 tỷ đồng, thời gian thi công 26 tháng). Chủ đầu tư cho biết, các đơn vị thi công phấn đấu hoàn thành công tác lắp đặt cửa van, vận hành ngăn mặn trên sông Rạch Mọp vào cuối năm 2024.
Sớm trình Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long
Theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu, trong bối cảnh hiện tại cũng như tác động lâu dài khi kênh Phù Nam - Techo vận hành, việc đảm bảo toàn bộ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch là thách thức lớn, đặc biệt trong mùa khô khi nguồn nước ngọt tại ĐBSCL bị xâm nhập mặn sâu. Trong khi đó, nhiều công trình cấp nước, hệ thống thủy lợi của khu vực đã xuống cấp, năng lực cấp nước hạn chế, không còn đáp ứng yêu cầu. Việc ứng phó hạn mặn cần các giải pháp đồng bộ từ cấp trung ương, điều phối liên tỉnh, liên vùng và mang tính chiến lược dài hạn, không thể mỗi địa phương tự lên kế hoạch độc lập.
Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, toàn vùng ĐBSCL có 17 cửa sông, tổng chiều rộng khoảng 25 km, dẫn đến sự trao đổi nước từ biển vào tiếp tục tăng từ 25 - 65%, làm cho diện tích bị ngập do triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, thời gian xuất hiện sớm hơn. Để giải quyết yêu cầu cấp thiết hiện nay, Bộ NN&PTNT đang rà soát Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2024. "Các công trình thủy lợi trước đây chủ yếu được thiết kế thuần túy để phục vụ sản xuất nông nghiệp (đa phần là tưới lúa). Hiện nay, để triển khai các dự án thủy lợi, cần phải đánh giá để đáp ứng yêu cầu phục vụ nguồn nước đa mục tiêu (sản xuất nông, thủy sản, cung cấp nước sinh hoạt). Do đó, quy mô, tính chất, cấp công trình cũng phải có tính toán cẩn trọng hơn, đầu tư bài bản hơn, đáp ứng nhiều công năng để đạt hiệu quả cao hơn. Các dự án thủy lợi cần có tầm nhìn mang tính vĩ mô và lâu dài hơn cho ĐBSCL”, Cục Thủy lợi cho biết.
Theo GS. Võ Tòng Xuân, tình trạng giảm nước ngọt do tác động của tuyến kênh Phù Nam - Techo là hiện hữu, cần mạnh dạn đầu tư cho các công trình thủy lợi nội vùng. Trước mắt, cần củng cố lại các kênh vùng Tứ giác Long Xuyên, nạo vét thêm các con kênh hiện có để trữ nước từ sông Vàm Nao đưa vào dự trữ, đi liền với kè chống sạt lở và xây dựng thêm các hồ chứa nước ngọt. Hệ thống nước ngọt sẽ chủ động được từ An Giang sang Kiên Giang. Bên cạnh đó, hệ thống kênh vùng Đồng Tháp Mười cũng cần được nâng cấp, cải tạo, củng cố thêm.
Theo Báo Đấu thầu