''Cơ hội ngàn năm có một'' để cùng nhau ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa

  • Cập nhật: Chủ nhật, 4/6/2023 | 9:40:34 AM

QLMT - Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) - bà Inger Andersen nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế đang đứng trước “cơ hội ngàn năm có một” để cùng nhau đoàn kết và thống nhất các quy định cần thiết giúp ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa ở cấp độ toàn cầu.

Có khoảng 460 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm
Có khoảng 2/3 lượng nhựa sản xuất hằng năm bị thải ra môi trường. Ảnh minh hoạ: ITN

Theo UNEP, có khoảng 460 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm và có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2060. Điều đáng lo lắng là hiện có khoảng 2/3 lượng nhựa sản xuất hằng năm bị thải ra môi trường sau khi được sử dụng một hoặc vài lần. Đặc biệt, chưa đến 10% trong số chúng được tái chế. Hoạt động sản xuất, sử dụng nhựa có thể thải ra 19% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2040. Đó là trở ngại lớn để hiện thực hóa cam kết giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Trước tình hình đó, tháng 3/2022, Liên hợp quốc nhất trí khởi động đàm phán hiệp ước quốc tế đầu tiên về ô nhiễm rác thải nhựa để bảo vệ Trái đất khỏi những nguy cơ do ô nhiễm rác thải nhựa gây ra. 

Tại phiên đàm phán vừa diễn ra tại Paris từ ngày 29/5 đến 2/6, các bên liên quan đã thảo luận các quy định như cấm sản phẩm nhựa dùng một lần, giới hạn sử dụng một số hóa chất nhất định, cắt giảm sản xuất và tiêu thụ, cũng như tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất. Cho dù vẫn tồn tại những khác biệt về mục tiêu và tham vọng của mỗi quốc gia, song giới phân tích cho rằng, cuộc đàm phán đã khẳng định lại quyết tâm xây dựng một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhằm ngăn chặn một trong những thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất hành tinh.

Cuộc đàm phán vừa qua tại Paris đã đánh dấu giai đoạn thứ hai trong năm giai đoạn đàm phán được kỳ vọng để dẫn đến một thỏa thuận lịch sử liên quan việc sản xuất, sử dụng sản phẩm nhựa và xử lý rác thải nhựa. Cuộc đàm phán thu hút hàng nghìn đại biểu đến từ 175 quốc gia và hơn 1.500 nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp trên thế giới. Các giai đoạn đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức trong năm 2023, 2024 trước khi thỏa thuận được thông qua vào giữa năm 2025.

Bà Inger Andersen nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế đang đứng trước "cơ hội ngàn năm có một” để cùng nhau đoàn kết và thống nhất các quy định cần thiết giúp ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa ở cấp độ toàn cầu. UNEP kêu gọi thế giới tăng cường triển khai các biện pháp tái sử dụng và tái chế nhựa, đồng thời thúc đẩy sản xuất các vật liệu thay thế. 

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc khẳng định những nỗ lực trên sẽ giúp giảm 80% mức ô nhiễm nhựa hằng năm vào năm 2040 và giảm 50% sản phẩm nhựa sử dụng một lần, qua đó góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.

ĐAN VY

Tags ô nhiễm rác thải nhựa rác thải nhựa hiệp định Paris

Các tin khác

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Công ty TNHH GreenYellow Smart Solutions Việt Nam (GreenYellow) đã ký một hiệp định vay trị giá 13,8 triệu USD cho các hệ thống quang điện mặt trời áp mái tại Việt Nam.

Ngày 17/9, Tổng Thư ký Cơ quan Tài nguyên Nước quốc gia (ONWR) của Thái Lan, Surasee Kittimonthon cho biết 6 quốc gia dọc sông Mekong đã cam kết ứng phó vấn đề biến đổi khí hậu.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp Sở NNPTNT tỉnh An Giang khởi động dự án khôi phục cảnh quan đất ngập nước rừng tràm Trà Sư.

Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Gaia phối hợp Công ty British American Tobacco (BAT) Việt Nam tổ chức chương trình khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 40 ha bãi bồi tại vùng lõi thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục