Cán bộ y tế tại bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh đổ rác, phun khử khuẩn rác. Ảnh minh họa: Xuân Khu/TTXVN
Bổ sung đơn vị, nâng công suất xử lý lên mức tối đa
TP Hồ Chí Minh đang là tâm dịch của cả nước khi mỗi ngày có hàng nghìn ca mắc mới. Thành phố đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, trong đó tập trung vào việc bổ sung thêm đơn vị xử lý chất thải tham gia hỗ trợ, nâng công suất xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch lên mức tối đa.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, thành phố chỉ định hai đơn vị xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế phát sinh từ các bệnh viện dã chiến, khu cách ly gồm Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Môi trường Việt Úc. Tuy nhiên, dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, thành phố tiếp tục phát sinh thêm nhiều điểm cần thu gom rác nguy hại. Hiện thành phố có 151 khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19… với khối lượng rác thải nguy hại phát sinh gần 70 tấn/ngày.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã đề xuất và được Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý tăng cường 3 đơn vị chuyên xử lý rác thải nguy hại liên quan đến COVID-19 gồm: Công ty Cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh đều có hai lò đốt công suất mỗi lò 1.000 kg/giờ, Công ty Cổ phần Ðầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa với hệ thống 14 lò đốt xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Tây Bắc. Công ty Cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh đã bắt đầu tham gia tăng cường thu gom rác thải y tế liên quan COVID-19 với công suất trung bình của mỗi đơn vị khoảng 10 tấn/ngày.
Để xử lý kịp thời rác thải có yếu tố dịch tể, tránh gây ảnh hưởng tới môi trường điều trị, không để tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thiết lập mạng lưới trực tuyến trên ứng dụng Zalo và Viber với hai nhóm gồm nhóm 1 là các khối đơn vị quản lý, nơi phát sinh nguồn thải và đơn vị thu gom; nhóm 2 gồm đại diện các khu cách ly và lãnh đạo sở. Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo hằng ngày việc xử lý chất thải nguy hại phát sinh do dịch bệnh cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, khi có sự cố, vướng mắc, các đơn vị sẽ tương tác ngay và tìm cách tháo gỡ kịp thời.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tổ chức phương án thu gom, vận chuyển rác thải lây nhiễm phù hợp với đặc thù địa phương. Sở giao Công ty Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh làm đơn vị chủ lực, đảm bảo duy trì thực hiện một cách an toàn, hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển xử lý rác thải tại các khu vực cách ly tập trung do thành phố thành lập. Đơn vị này sẽ xây dựng các giải pháp, kịch bản ứng phó trong tình hình hiện nay khi lượng rác thải y tế gia tăng.
Công ty Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh là đơn vị xuyên suốt xử lý chất thải nguy hại cho thành phố với 3 lò đốt nhiệt độ cao được vận hành theo công nghệ hiện đại, công suất 42 tấn/ngày. Các lò đốt vẫn đang hoạt động 24/24 giờ nhằm xử lý nhanh, kịp thời chất thải phát sinh do đại dịch. Công ty cùng các đơn vị đồng hành đã thống nhất thu gom dựa theo lượng rác phát sinh, nơi phát sinh nhiều sẽ thu gom 5- 6 lần/ngày, nơi lượng rác ít thu gom một lần/ngày. Ngoài ra, để công tác thu gom nhanh, tiện lợi, những nơi có lượng rác ít, các đơn vị thu gom bố trí thùng nhựa loại 240 lít, nơi có lượng rác lớn ngoài thùng nhựa sẽ bố trí thêm xuồng lớn, dễ dàng đưa rác lên xe ép.
Không theo quy trình thông thường, rác thải y tế và rác thải từ khu vực cách ly sau khi tiếp nhận sẽ được nhân viên vệ sinh môi trường bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh. Nhân viên thu gom của các công ty được trang bị đồ bảo hộ an toàn. Rác trước khi thu gom để đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng có khoang kín sẽ được phun xịt khử khuẩn. Khi về đến công trường, rác tiếp tục được phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao. Tro chất thải sau khi đốt xong được hóa rắn và chôn lấp tại bãi chôn lấp an toàn dành riêng cho chất thải nguy hại.
Các đơn vị thu gom đã thành lập Tổ kiểm tra để giám sát tình hình thu gom, xử lý rác tại điểm cách ly, điều trị; phối hợp theo dõi, kịp thời phát hiện điểm xảy ra ùn ứ, quá tải rác y tế có yếu tố dịch tễ để tổng hợp báo cáo ban giám đốc các công ty cùng Sở Tài nguyên và Môi trường; vận chuyển, xử lý nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Trong trường hợp có vấn đề phát sinh, các đơn vị cùng nghiên cứu, đề xuất giải pháp, bảo đảm không để tồn đọng rác làm ô nhiễm môi trường và hạn chế lây lan mầm bệnh.
Hiện tại, công suất xử lý rác thải y tế của các công ty tham gia có thể đạt tối đa 120 tấn/ngày và các kịch bản xử lý đã được chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm không để xảy ra tình trạng quá tải. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch phải được thực hiện bởi các cơ sở xử lý chất thải đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Quản lý chặt chất thải ở các khu vực cách ly tập trung
Dù dịch COVID-19 không bùng phát mạnh như một số tỉnh, thành khác nhưng các khu vực cách ly ở Hà Nội đã hình thành với khối lượng chất thải sinh hoạt, rác thải nhựa từ đồ ăn sẵn và rác thải y tế phát sinh cũng tăng theo.
Để đảm bảo an toàn môi trường, góp phần hạn chế lây lan dịch trên địa bàn Thủ đô, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại phát sinh, tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý chất thải theo đúng quy định.
Tại các cơ sở cách ly y tế tập trung, rác thải sinh hoạt của người mắc COVID-19 phải được phân loại, xử lý theo quy định cụ thể tại Quyết định số 3455 ngày 05/8/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Quyết định số 5188 ngày 14/12/2020 của Bộ Y tế và các hướng dẫn của Sở Y tế.
Đối với chất thải như khẩu trang, khăn, giấy lau, rác thải sinh hoạt phát sinh của các trường hợp cách ly khác thì việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch phải được thực hiện bởi các cơ sở xử lý chất thải đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại và có chức năng xử lý chất thải y tế. Trong đó, ưu tiên lựa chọn cơ sở xử lý có khoảng cách thu gom, vận chuyển ngắn nhất từ nơi phát sinh đến cơ sở xử lý.
Trường hợp cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trữ, việc quản lý rác thải sinh hoạt của người được cách ly có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 phải được thực hiện như đối với trường hợp người mắc và nghi ngờ mắc COVID-19 tại khu cách ly, phòng cách ly tại cơ sở cách ly tập trung.
Để đảm bảo an toàn môi trường, phòng, chống dịch COVID-19 và tránh lãng phí ngân sách trong việc xử lý chất thải, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn tăng cường hướng dẫn các khu cách ly tập trung, người cách ly y tế tại nhà nghiêm túc thực hiện phân loại chất thải triệt để, xử lý các loại chất thải phát sinh theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường việc tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị để lẫn chất thải y tế, đặc biệt chất thải y tế lây nhiễm vào chất thải rắn sinh hoạt.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu các khu cách ly tập trung phải chuyển giao chất thải nguy hại lây nhiễm cho cơ sở xử lý; phối hợp với cơ sở xử lý chất thải lập phương án cụ thể về số lượng phát sinh, địa điểm phát sinh để có phương án thu gom, vận chuyển đảm bảo về thời gian, tuyến đường vận chuyển, tránh phát triển dịch.
Theo đó, các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế phải tích cực phối hợp, hỗ trợ việc xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 khi có yêu cầu theo phạm vi hoạt động đã được cấp phép đảm bảo đúng chủng loại, công suất xử lý chất thải đã được cấp phép.
Các cơ sở cung cấp đầy đủ túi đựng chất thải lây nhiễm, thiết bị thu gom, phân loại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho người cách ly tại khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú; bố trí đầy đủ trang thiết bị, bảo hộ lao động cho nhân viên làm công tác thu gom, vận chuyển chất thải lây nhiễm; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã kiểm tra, xử lý các trường hợp không phân loại và lưu giữ chất thải phát sinh theo quy định.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội có trách nhiệm hướng dẫn người dân phân loại rác từ khu cách ly thành 2 loại là rác thải sinh hoạt thông thường và rác thải có nguy cơ nghi nhiễm; tăng cường thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, đặc biệt, tại các khu cách ly tập trung, rác sẽ được thu gom theo quy trình đặc biệt.
Vận chuyển và xử lý với quy trình nghiêm ngặt
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, rác thải liên quan đến dịch COVID-19 ở các khu cách ly, khu vực phong tỏa cách ly tạm thời, các cơ sở y tế… được Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế thu gom, vận chuyển và xử lý với quy trình nghiêm ngặt, góp phần đảm bảo an toàn, tránh phát tán, lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Hằng ngày, Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế thu gom, vận chuyển và xử lý rác tại 19 điểm cách ly với tổng khối lượng rác thải gần 1 tấn/ngày. Phương tiện vận chuyển là xe tải thùng kín khít chuyên dụng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, các thùng chứa rác có dung tích 240 lít có nắp đậy kín, có dán nhãn "chất thải có nguy cơ chứa Sars-CoV-2”, bảo đảm trong quá trình vận chuyển tuyệt đối không để chất thải phát tán ra môi trường.
Toàn bộ phương tiện, thiết bị vận chuyển chất thải được khử khuẩn bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính trước khi xuất phát. Chất thải được thu gom bằng hình thức thùng đổi thùng nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp với chất thải. Những thùng chứa chất thải được công nhân thu gom phun khử khuẩn bên ngoài, bên trong thùng; đồng thời cân ghi chép khối lượng và di chuyển thùng rác lên xe vận chuyển. Mỗi chuyến xe vận chuyển được 18 thùng rác 240 lít.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, đội ngũ thu gom còn phải phun khử khuẩn khu vực lưu chứa chất thải và xe vận chuyển trước khi di chuyển xe ra khỏi điểm nhận chất thải. Về đến khu xử lý, chất thải được xử lý phun khử khuẩn thêm 1 lần nữa, sau đó được xử lý bằng lò đốt nhiệt độ cao ngay trong ngày. Kết thúc quá trình vận chuyển, các thùng rác được phun khử khuẩn, xịt rửa sạch và đem phơi nắng để tiếp tục cho lần sau.
Bên cạnh lò đốt Actree công suất 100kg/giờ với công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, nhằm đảm bảo phục vụ việc xử lý chất thải y tế lây nhiễm phát sinh đột biến, Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế tiếp tục trưng dụng tạm thời thêm lò đốt Inciner 8A400 có công suất 500kg/giờ và lò đốt Stepro có công suất 250kg/giờ.
Tại Đà Nẵng, tất cả rác thải phát sinh do dịch COVID-19 được cho vào thùng rác chứa chuyên dụng, đã được đặt ở đúng nơi quy định, dán kín miệng tránh rơi vãi, đồng thời xịt khử khuẩn trong quá trình di chuyển theo đường riêng, khung giờ cố định. Sau đó, rác được đưa về nơi thu, lưu giữ đến 7-9h sáng hàng ngày. Xe thu gom sau khi nhận rác sẽ phải chạy qua khu vực khử trùng trước khi rời bệnh viện để tránh lây lan virus, đảm bảo xử lý triệt để trước khi mang ra ngoài khu cách ly.
Tất cả chất thải rắn phát sinh từ khu vực/phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân đều được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.
Các chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao gồm mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm của người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 phát sinh từ quá trình lấy mẫu xét nghiệm đều được xử lý sơ bộ bằng thiết bị hấp hoặc thiết bị khử khuẩn trước khi tiếp tục phân loại, thu gom, xử lý.
Minh Nguyệt
Nguồn: TTXVN