Nỗi lo bùn thải từ bể phốt, hệ thống thoát nước

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/7/2024 | 10:58:25 AM

Thời gian qua, tốc độ đô thị hóa của Hải Dương khá nhanh nên lượng rác thải nói chung và lượng bùn thải từ hệ thống thoát nước, các công trình vệ sinh (gọi chung là bùn thải) ngày càng nhiều.


Lượng bùn thải phát sinh từ bể phốt và hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức

Mới quan tâm xử lý nước thải

Tính đến hết năm 2023, Hải Dương có 16 đô thị gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 40,7%. Đô thị phát triển kéo theo lượng nước thải, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước cũng tăng nhanh đáng kể. Nhưng không phải đô thị nào cũng có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, bùn thải tập trung.

Thị xã Kinh Môn là đô thị loại IV, đang phấn đấu lên đô thị loại III nhưng chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải nói chung và bùn thải nói riêng. Khu vực trung tâm thị xã có hệ thống thoát nước mưa và nước thải chung nhưng chỉ mới được đầu tư ở một số trục giao thông chính. Nước thải sinh hoạt của nhà ở và các công trình được xử lý cục bộ qua các bể tự hoại trước khi thoát vào hệ thống cống chung và thoát ra môi trường. Ở các khu vực khác, nước thải thoát theo địa hình tự nhiên và tự thấm xuống đất, gây ô nhiễm môi trường. Các mô hình chung tại Kinh Môn vẫn là các hộ dân xây dựng hố ga hoặc hầm biogas chứa nước thải. Sau đó nước thải, bùn thải xả trực tiếp vào hệ thống thoát nước nói chung mà chưa được xử lý. Khu dân cư – Dịch vụ thương mại – Văn hóa thể thao Minh Tân do Công ty TNHH Đức Dương làm chủ đầu tư là một trong 3 khu đô thị mới của Kinh Môn có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Với khoảng 600 hộ dân sinh sống, nhà máy xử lý nước thải có công suất 670 m3/ngày, đêm này mới chỉ vận hành khoảng 50% công suất. Công trình này cũng được đầu tư hơn 7 tỷ đồng ngay từ khi khu đô thị được đưa vào sử dụng, nhưng việc xử lý bùn thải vẫn thực hiện theo phương pháp cũ là sau khi làm khô bùn thải được chở đến các bãi chôn lấp.

Theo số liệu thống kê lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP Hải Dương được tính trung bình 120 lít/người/ngày. Như vậy, lượng nước thải sinh hoạt khu đô thị tại TP Hải Dương 36.360 m3/ngày, đêm. TP Hải Dương đã đưa vào hoạt động hệ thống xử lý nước thải quy mô 13.300 m3 /ngày, đêm (đặt tại khu phía đông) theo phương pháp xử lý cơ học, bước đầu đang thu gom một phần nước thải của các hộ dân nằm trong khu vực trung tâm cũ của thành phố. Một số khu vực đã được đầu tư hệ thống cống hộp cấp 3 thu gom riêng nước thải. Tuy nhiên, chưa có sự hướng dẫn kịp thời nên người dân vẫn đấu nối nước thải vào hệ thống 6 kênh, hồ thoát nước mưa. Lượng bùn thải theo nước thải chảy ra môi trường khi chưa được xử lý, chất thải trực tiếp ra một số kênh hồ nên đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Toàn tỉnh cũng chưa có vị trí, địa điểm xử lý bùn thải từ hệ thống thoát nước và các công trình vệ sinh trong toàn tỉnh. Bùn thải từ hệ thống thoát nước và các công trình vệ sinh trong đô thị nếu không được quản lý đúng quy định sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái và cảnh quan đô thị.

"Bỏ quên" bùn thải


Do chưa bố trí địa điểm tập kết nên việc xử lý bùn thải vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: Facebook)

Có thể thấy, hệ thống xử lý nước thải hiện tại ở các đô thị cũng chưa được quan tâm đúng mức, nên việc quản lý, xử lý bùn thải từ các hệ thống này vẫn còn là "bài toán" nan giải. Nước thải, bùn thải được xả thải trực tiếp và hệ thống thoát nước nói chung mà chưa được xử lý. Còn bùn thải từ các công trình này được thông hút, thu gom và vận chuyển đổ thẳng ra các mương, hồ hoặc bãi chôn lấp cùng với các loại rác thải đô thị khác.

Có một thực trạng dễ thấy là khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, tiêu chí về môi trường đều được quan tâm. Nhưng các chủ đầu tư mới chỉ quan tâm đến thu gom, xử lý rác thải và nước thải, còn việc định lượng bùn thải phát sinh, phương án thu gom bùn thải từ hệ thống thoát nước thì chưa được nhiều đơn vị nhắc tới. Có nhiều dự án dành nhiều kinh phí đầu tư cho hệ thống xử lý môi trường nhưng việc thu gom, xử lý bùn thải vẫn được đánh đồng với rác thải khác.

Bùn thải từ hệ thống thoát nước và công trình vệ sinh chủ yếu bao gồm: bùn thải từ mạng lưới thoát nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, từ các bể tự hoại, từ nhà máy xử lý nước thải… Hiện nay, bùn thải này vẫn được phân theo từng loại để thu gom như bùn thải từ nạo vét cống rãnh, kênh rạch và bùn bể tự hoại được vận chuyển bằng xe chuyên dụng. Bùn thải từ các trạm/nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt/đô thị tập trung sau khi làm khô được vận chuyển đến các bãi chôn lấp. Còn bùn thải sinh hoạt từ nhà dân chủ yếu bằng các dịch vụ thông hút bể phốt. Việc xử lý ra sao sau khi hút thì tùy thuộc vào các bên làm dịch vụ, thậm chí có nơi còn đổ trộm ra nhiều vị trí khác gây ô nhiễm môi trường…

Cần quản lý chặt chẽ


Lượng bùn thải đọng lại trên kênh Hào Thành (TP Hải Dương) gây mùi khó chịu và cản trở dòng chảy

Theo quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Hải Dương sẽ có 28 đô thị gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 7 đô thị loại IV và 18 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%. Với quy hoạch này có thể nhìn thấy lượng bùn thải chắc chắn sẽ tăng lên nhanh chóng.

Từ thực trạng nhức nhối trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng và quy hoạch địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc quy định cụ thể đối với loại rác thải đặc thù sẽ giúp quản lý hiệu quả hơn. Quy định này nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng bùn thải; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xã hội hóa việc thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý bùn thải…

Quy định gồm 3 chương với 15 điều quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, việc quy hoạch địa điểm tập kết bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước, thu gom, vận chuyển, quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước; thông hút, vận chuyển, quản lý bùn thải từ bể phốt, hầm cầu…

Trong quy định nêu rõ, địa điểm xử lý bùn thải được quy hoạch tại 5 khu xử lý chất thải rắn gồm khu xử lý chất thải rắn ở các huyện Thanh Hà, Bình Giang, TP Chí Linh, Kinh Môn và khu xử lý chất thải rắn các huyện Thanh Miện, Ninh Giang theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bùn thải được thu gom, vận chuyển đến cơ sở có năng lực xử lý phù hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc cơ sở, công trình khác phù hợp để tái sử dụng trực tiếp theo quy định… Với những quy định cụ thể này sẽ góp phần quan trọng khắc phục những hạn chế phát sinh rác thải từ quá trình đô thị hóa.

Ngoài việc bố trí thu gom, xử lý, tỉnh cũng cần quan tâm đến công nghệ xử lý bùn thải để giải quyết triệt để được vấn đề này. Hiện nay ở một số tỉnh, thành phố bước đầu đã áp dụng một số công nghệ xử lý bùn thải chi phí thấp. Nhiều sản phẩm được sản xuất ra từ bùn thải như sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất phân bón sử dụng trong nông nghiệp và trồng trọt. Ngoài ra, việc tái sử dụng bùn thải nhằm tiết kiệm năng lượng được tận thu từ quá trình xử lý bùn thải cũng đang được quan tâm…
-----------------------
Đưa vào quy hoạch để đầu tư xử lý nước thải, bùn thải

Kinh Môn đang phấn đấu lên đô thị loại III nên việc hoàn thiện các tiêu chí đô thị rất cần thiết, trong đó tiêu chí về môi trường đặc biệt được chính quyền địa phương quan tâm. Do thiếu đồng bộ về hạ tầng nên thị xã chưa có công trình xử lý nước thải tập trung. Để khắc phục điều này, trong quy hoạch thị xã đã chia 6 phân khu, mỗi phân khu sẽ được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo tiêu chuẩn. Thị xã phấn đấu đến năm 2025 khoảng 25% lượng nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, đến năm 2030 đạt khoảng 45%. Về nhu cầu nguồn vốn đầu tư và kế hoạch phát triển đô thị đến năm 2040, Kinh Môn sẽ dành khoảng 184 tỷ đồng đầu tư hệ thống thoát nước đô thị, trong đó giai đoạn 2022-2030 sẽ dành 29 tỷ đồng.

Với quy hoạch cụ thể và mục tiêu rõ ràng, Kinh Môn sẽ cố gắng khắc phục hạn chế về xử lý nước thải nói chung và bùn thải nói riêng.

Trần Văn Tuyên
(Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Kinh Môn)
------------------------------
Tái sử dụng bùn thải, tránh lãng phí

Lượng bùn thải ở các đô thị ngày càng tăng nhưng cơ chế quản lý, phân loại bùn thải hiện chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, việc lựa chọn công nghệ phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật để vừa bảo vệ môi trường, vừa có hiệu quả kinh tế còn bị bỏ ngỏ. Việc tái chế bùn thải cũng cần được các ngành chức năng quan tâm, nghiên cứu để tham mưu cho tỉnh có giải pháp hiệu quả. Điều này giúp khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, vừa tránh lãng phí. Nguồn bùn thải có thể tái sử dụng để sản xuất gạch không nung và các vật liệu thay thế, dùng cho nuôi cấy vi sinh tại các hệ thống xử lý nước thải mới xây dựng, tái chế bùn thải thoát nước thành các loại phân hữu cơ…

Việc quy hoạch cụ thể các địa điểm xử lý bùn thải sẽ giúp kiểm soát được nguồn xả bùn thải ra môi trường…

Nguyễn Văn Trường (phố Vũ Văn Thanh, phường Thanh Bình, TP Hải Dương)
Theo Báo Hải Dương

Tags bùn thải bể phốt hệ thống thoát nước Hải Dương

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục