Ảnh: Internet
Theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 và Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về việc Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải nguy hại. Cụ thể,điều 39. Thông tư này quy định:
1. Tiêu chí xác định công nghệ để đánh giá như sau:
a) Công nghệ thuộc danh mục hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
b) Các công nghệ có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường: thiêu hủy; tái chế, thu hồi kim loại, oxit kim loại, muối kim loại bằng nhiệt hoặc hóa học; xử lý nước thải; xử lý, tái chế, thu hồi hóa chất.
2. Tiêu chí về công nghệ:
a) Nguồn gốc, xuất xứ của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ; ưu tiên công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, thẩm định, đánh giá đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và phù hợp với điều kiện Việt Nam;
b) Mức độ cơ khí hóa, tự động hóa; khả năng mở rộng, nâng công suất;
c) Mức độ tiên tiến, ưu việt của công nghệ xử lý chất thải nguy hại;
d) Mức độ phù hợp của các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ so với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn của các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất, công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng;
đ) Tính đồng bộ của thiết bị trong dây chuyền công nghệ, khả năng sử dụng, thay thế các loại linh kiện, phụ tùng trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của hệ thống công nghệ, thiết bị;
e) Mức độ tự động hóa trong việc vận hành hoạt động của công nghệ xử lý, tuổi thọ, độ bền của máy móc, thiết bị trong dây chuyền công nghệ.
3. Về môi trường và xã hội:
a) Bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với khí thải, nước thải phát sinh trong quá trình xử lý chất thải nguy hại;
b) Tiết kiệm diện tích đất sử dụng của hệ thống công nghệ xử lý chất thải nguy hại;
c) Mức độ tái sử dụng, thu hồi các thành phần có giá trị từ chất thải nguy hại;
d) Mức độ ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái, con người trong quá trình vận hành hoạt động của công nghệ xử lý chất thải nguy hại và sản phẩm sau khi xử lý;
đ) Mức độ rủi ro đối với môi trường và khả năng phòng ngừa, khắc phục khi xảy ra sự cố kỹ thuật;
e) Khả năng đào tạo nhân lực địa phương tham gia quản lý, vận hành thiết bị, bảo dưỡng và bảo trì thiết bị thành thạo;
g) Bảo đảm các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm tái chế theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
4. Về kinh tế:
a) Khả năng tiêu thụ sản phẩm thu được từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải của dự án;
b) Tiềm năng và giá trị kinh tế mang lại từ việc tái sử dụng chất thải, năng lượng và các sản phẩm có ích được tạo ra sau xử lý chất thải nguy hại;
c) Tính phù hợp trong chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị; chi phí vận hành; chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
TS.LS Đồng Xuân Thụ