Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe chia sẻ những thông tin ban đầu về việc Việt Nam tham gia vào tiến trình đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, những công việc chuẩn bị cho các phiên đàm phán sắp tới; các tác động của thoả thuận đối với ngành nhựa dưới góc nhìn kinh doanh. Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ mong muốn, kỳ vọng, những góp ý về nội dung, công tác chuẩn bị và một số đề xuất đóng góp, hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật cho đàm phán sắp tới.
Theo ông Hoàng Xuân Huy – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) cho biết: Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa ngày một trở nên nghiêm trọng, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái tự nhiên, sức khỏe con người và cảnh quan. Nhận thức được tầm quan trong việc giải quyết các thách thức liên quan đến chất thải nhựa, thời gian qua, Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế và có hành động cụ thể ở phạm vi quốc gia.
Đặc biệt, Việt Nam đã cùng với các quốc gia trên thế giới thông qua Nghị quyết 5/14 tại Hội nghị đại hội đồng môi trường toàn cầu lần 2 (UNEA5.2), thống nhất việc xây dựng một "Công cụ toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý về chấm dứt ô nhiễm nhựa, bao gồm rác thải nhựa đại dương”. Chính phủ Việt Nam đã quyết định tham gia vào quá trình đàm phán Thỏa thuận này, dự kiến kéo dài từ nay đến hết năm 2024.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tham gia đàm phán và thành lập Ban công tác đàm phán để chính thức tham gia đàm phán Thỏa thuận từ tháng 6/2022 đến hết năm 2024. Bộ TN&MT dự kiến là cơ quan chủ trì đàm phán Thỏa thuận. Nội dung của Thỏa thuận dự kiến sẽ có 2 nhóm, gồm các nghĩa vụ mang tính bắt buộc và các nghĩa vụ có tính tự nguyện. Việc điều chỉnh chính sách theo các nghĩa vụ đã cam kết khi Thoả thuận bắt đầu có hiệu lực, cả bắt buộc và tự nguyện đều sẽ có những tác động, ảnh hưởng ở mức độ khác nhau đến một số đối tượng cụ thể, đặc biệt là khối tư nhân.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Đào Xuân Lai – Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường (UNDP) cho biết: Các thách thức về ô nhiễm nhựa sẽ không thể giải quyết nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp. Những cam kết giảm thiểu lượng rác thải nhựa của doanh nghiệp vừa giúp nâng cao uy tín thương hiệu, thể hiện trách nhiệm với trái đất, đồng thời tái chế đang mở ra một ngành kinh tế mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Đào Xuân Lai, doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về nhựa. Bởi doanh nghiệp là động lực và hạt nhân của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo Thỏa thuận là cần thiết để đảm bảo rằng, rác thải nhựa sẽ được giảm thiểu tối đa. Các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm tuân thủ các quy định và hướng dẫn được mà sẽ được đồng thuận đưa vào Thỏa thuận toàn cầu, cũng như các chính sách tại các quốc gia.
Đồng thời, các doanh nghiệp có nguồn lực và chuyên môn để phát triển các công nghệ mới và vật liệu thay thế, tạo ra các sản phẩm mới thay thế, giúp giảm sử dụng nhựa, hoặc làm cho việc sản xuất sử dụng nhựa bền vững hơn. Vì thế, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đàm phán, sẽ giúp đưa ra được các giải pháp sáng tạo để giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa.
Ngọc Anh