UBND tỉnh Nghệ An mới có Công văn giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, tổ chức thực hiện các nội dung theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường đối với nội dung quy hoạch các khu xử lý chất thải.
Theo đó, tại Công văn số 1617/BTNMT-KSONMT, ngày 15/3/2023 về việc thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường đối với nội dung quy hoạch các khu xử lý chất thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá các cơ sở xử lý chất thải nguy hại hiện đang hoạt động theo quy định của pháp luật trên địa bàn để đưa vào trong nội dung quy hoạch tỉnh.
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Trong trường hợp cần thiết thì phải xây dựng phương án có lộ trình di dời phù hợp vào các khu xử lý chất thải tập trung được quy hoạch. Đối với chất thải rắn sinh hoạt, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi đầu tư mới hoặc đưa vào vận hành các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; bảo đảm giảm dần tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đáp ứng mục tiêu về quản lý tổng hợp chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ phát triển.
UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh có phân tích, đánh giá cụ thể về các cơ sở, khu xử lý chất thải hiện có trên địa bàn và xác định phương án phát triển các cơ sở, khu xử lý chất thải tập trung phù hợp. Rà soát các cơ sở xử lý chất thải nguy hại đang hoạt động trên địa bàn và lồng ghép nội dung xử lý chất thải nguy hại vào quy hoạch tỉnh. Trong trường hợp chưa phù hợp với định hướng quy hoạch mới thì cần có phương án, quy định chuyển tiếp và lộ trình di dời vào các khu xử lý chất thải tập trung được quy hoạch, bảo đảm cơ sở xử lý chất thải đang hoạt động hợp pháp có đủ thời gian, kế hoạch chuyển đổi để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; không làm phát sinh khó khăn, vướng mắc trên thực tế.
Đối với quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phải bảo đảm thực hiện yêu cầu giảm dần tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp. Đồng thời, đưa ra các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với yêu cầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn địa phương; đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn để đạt được mục tiêu quốc gia về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Minh Anh