Ảnh minh hoạ. ITN
Thực trạng về chất thải rắn phát sinh và công nghệ xử lý
Biểu đồ phát sinh chất thải rắn từ 2014 đến 2019
Tại Việt Nam, mỗi năm phát sinh 24,5 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) và 8,1 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp. Tuy nhiên, công nghệ xử lý CTRSH chủ yếu vẫn là chôn lấp không hợp vệ sinh (chiếm khoảng 71% tổng khối lượng CTRSH được thu gom). Phần lớn CTRSH được thu gom chưa được phân loại, làm sạch.
Theo Tổ chức CREM (tổ chức tư vấn phát triển bền vững Hà Lan) 5 thành phố lớn của Việt Nam bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã phát thải hơn 70% tổng lượng rác thải rắn so với cả nước. Tỷ lệ gia tăng trung bình của tổng khối lượng chất thải nguy hại công nghiệp tăng khoảng 20% mỗi năm.
Cho đến thời điểm hiện nay, hoạt động tái chế vẫn còn nhỏ lẻ, phần lớn mang tính tự phát, chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ nên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.
Việc tái chế rác thải ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, việc tái sử dụng chất thải được thực hiện thông qua thu thập và vận chuyển, đưa ra các làng nghề để tái sử dụng. Lượng rác thải này chỉ có thể tái chế được 10-20%, chủ yếu là giấy và nhựa, lại được xử lý qua công nghệ thủ công gây ô nhiễm môi trường.
Đề xuất giải pháp
Lập cơ sở dữ liệu và số hóa trong quản lý tái chế chất thải tại Việt Nam
Sơ đồ cơ sở dữ liệu và số hóa trong quản lý tái chế CTR tại Viêt Nam
Xây dựng hành lang pháp lí và các chính sách cho hoạt động tái chế chất thải:
Sơ đồ hành lang pháp lý, chính xác cho hoạt động tái chế
Hệ thống hóa và chuẩn hóa công nghệ tái chế
Việc sử dụng các công nghệ và quy trình tái chế tại nước ta hiện nay được thực hiện một cách tự phát mỗi nơi một kiểu, nhiều công nghệ và quy trình tái chế do người dân và doanh nghiệp mày mò tự làm ra. Một số đơn vị thực hiện việc tái chế với quy trình và công nghệ không phù hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Một số thực hiện tái chế theo công nghệ lạc hậu thiếu hàm lượng khoa học khiến hiệu suất thấp, lợi ích kinh tế không cao.Việc tìm hiểu và áp dụng các công nghệ tái chế tiên tiến trên thế giới còn rất hạn chế.
Do đó để nâng cao hiệu quả của các hoạt động tái chế cần phải hệ thống hóa và chuẩn hóa các công nghệ, quy trình tái chế cho từng lĩnh vực, ngành nghề. Đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tái chế trong và ngoài nước để xây dựng và hệ thống hóa các quy trình tái chế phù hợp với điều kiện nước ta là hết sức cần thiết. Thành lập các trung tâm tái chế tập trung trong cả nước để tăng hiệu suất tái chế cũng như quản lí tốt hoạt động tái chế.
Xây dựng nguồn nhân lực trong quản lí và triển khai công nghệ tái chế
Hiện tại, nguồn nhân lực tham gia tái chế chất thải tại Việt Nam còn thiếu rất nhiều. Vì vậy cần xây dựng nguồn nhân lực được đào tạo chuyên môn cao về quản lí cũng như kĩ thuật tái chế để tiếp cận và nhận chuyển giao những công nghệ mới về tái chế cũng như triển khai có hiệu quả các công nghệ tái chế hiện có.
Cần phải đưa các hoạt động đào tạo về tái chế vào các trường học, từ đó cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng cho các công nghệ tái chế.
Triển khai công tác truyền thông và xã hội hóa về các hoạt động tái chế
Thực tế cho thấy, hiểu biết về tái chế chất thải tại Việt Nam còn rất hạn chế, đa số người dân cũng như các cơ quan đơn vị đều chưa hiểu hết tầm quan trọng của tái chế cũng như kinh tế tuần hoàn nên việc tham gia vào các hoạt động tái chế của xã hội còn hạn chế, chưa có những tín hiệu hưởng ứng tích cực của toàn xã hội trong các hoạt động tái chế.
Do đó cần phải thực hiện những chương trình tuyên truyền phổ biến kiến thức cũng như pháp luật về tái chế. Đồng thời, đưa ra những chương trình khuyến khích người dân tham gia các hoạt động cộng đồng về tái chế, trong đó việc toàn dân chung tay phân loại rác tại nguồn hết sức hữu ích cho hoạt động tái chế chất thải Việt Nam.