Hà Nội yêu cầu các quận huyện chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/8/2024 | 8:48:27 AM

QLMT - Ngày 1/8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã ban hành Công điện số 04/CĐ-BCH đề nghị các sở, ban, ngành, các địa phương tập trung các giải pháp ứng phó với mưa lũ, không để thương vong về người.

Công điện của Ban chỉ huy PCTT và TKCN Hà Nội cho hay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và các hiện tượng thời tiết cực đoan, tình hình mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn thành phố đang có những diễn biến phức tạp, mực nước các hồ chính và sông nội địa đang ở mức cao. Lũ tại sông Tích đoạn ở Vĩnh Phúc và sông Bùi tại Yên Duyệt đều ở trên mức báo động II.


Nước sông Bùi lên cao gây ngập lụt nhiều vùng dân cư tại huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội).

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ cho biết: Đến 2/8, khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cục bộ có nơi trên 200mm, nguy cơ tiếp tục xảy ra mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất rất cao.

Để tiếp tục khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ do bão số 2, chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân trong thời gian tới, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Hà Nội yêu cầu các địa phương, sở ngành tăng cường triển khai một số nội dung sau:

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và thành phố trong công tác PCTT và TKCN thời gian gần đây về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới.

Các đia phương tăng cường kiểm tra, triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn; đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La; chủ động ứng phó với mưa lớn trên địa bàn.

Tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại trên hệ thống thông tin, mạng xã hội.

Rà soát, bổ sung lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cập nhật thường xuyên để thông tin đến chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thiên tai trên địa bàn.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống. Đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến thiên tai, sự cố, các thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục về Ban Chỉ h1uy PCTT và TKCN Hà Nội theo quy định.

NGỌC HÀ

Tags công điện ứng phó mưa lũ sạt lở đất ngập lụt

Các tin khác

Cuốn Sổ tay hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt được Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) biên soạn nhằm cung cấp những thông tin, kỹ thuật cơ bản nhất về xử lý nước và vệ sinh môi trường phù hợp với thực tế của nhiều địa phương.

Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.

Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Ngày 13/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục