Lâm nghiệp là lĩnh vực hấp thụ các-bon chủ yếu, giúp cân bằng phát thải ròng của Việt Nam nhằm đạt các mục tiêu theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và cam kết phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào năm 2050. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát thải ròng trung bình năm giai đoạn 2010 – 2020 trong lâm nghiệp tương đương gần -40 triệu tấn CO2 – là lĩnh vực có phát thải âm duy nhất và có tiềm năng chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, thương mại tín chỉ carbon của rừng rất lớn.
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận tại Chương trình
Ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý Rừng Bền vững (VFCO) chia sẻ, các biện pháp giảm phát thải trong lâm nghiệp bao gồm: Bảo vệ rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi; bảo vệ rừng ven biển; phục hồi rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon rừng tự nhiên nghèo; nâng cao năng suất và trữ lượng các-bon của rừng trồng gỗ lớn; nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các-bon và bảo tồn đất; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.
Về giá các bon lâm nghiệp năm 2023 trên thị trường tự nguyện quốc tế đối với các loại dự án chính, cao nhất là dự án quản lý rừng cải tiến (IFM) với 16,21 USD/tấn CO2 tương đương (tCO2tđ); tiếp đến là dự án trồng rừng mới/tái trồn rừng/tái sinh thực vật tự nhiên với 15,74 USD/tCO2tđ. Theo ông Phương, mức giá này đều tăng so với năm 2022.
Giá tín chỉ các bon từ dự án REDD+ tuy thấp nhất (7,87 USD/tCO2tđ) và cũng giảm so với năm 2022, nhưng đem lại giá trị cao nhất với 222 triệu USD đã chi trả trong năm 2023 trên toàn cầu (năm 2022 là 584 triệu USD).
Tại Việt Nam, các dự án REDD+ hiện đang ở giai đoạn 3 là chi trả dựa trên kết quả, do có thể đo đếm, báo cáo và kiểm tra được. Đó cũng là nền tảng cho Thỏa thuận chi trả/mua bán giảm phát thải (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ với giá trị chuyển nhượng 51,5 triệu USD vừa qua. Theo bà Nghiêm Phương Thúy (Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự kiến tiếp theo, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ giai đoạn 2022 – 2026, với giá tối thiểu là 10 USD/tấn CO2. Bên cạnh đó còn có Chương trình thí điểm chi trả kết quả thực hiện REDD+ của Quỹ Khí hậu xanh (GCF). Với tiềm năng lớn về các-bon rừng, nhiều địa phương và khu vực tư nhân cũng đang nghiên cứu, đề xuất các dự án thí điểm khác trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Từ thực tiễn triển khai các hoạt động thương mại tín chỉ thời gian qua, kinh nghiệm cho thấy, việc nâng cao năng lực là yếu tố quan trọng hàng đầu; không chỉ giúp các bên liên quan hiểu biết tốt về các quy định pháp luật, kiến thức chung về chủ đề mới này mà còn cả chuyên môn kỹ thuật để vận hành một cách đúng đắn.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia, chủ rừng, cơ quan lâm nghiệp địa phương đã cùng trao đổi, thảo luận về các quy định pháp lý hiện hành cũng như định hướng các-bon rừng, các cơ hội và thách thức; các thị trường tiềm năng và bài học kinh nghiệm từ chương trình giảm phát thải ở Bắc Trung Bộ, Việt Nam .
Những thách thức chính hiện nay chủ yếu có nguyên nhân do thiếu kiến thức về kiểm kê, minh bạch thông tin cũng như thiếu thông tin về khả năng hấp thụ carbon của các loại rừng và các phương pháp quản lý khác nhau. Ngoài ra, cách tiếp cận để thực hiện và giám sát kết hoạch hấp thụ các-bon vẫn chưa rõ ràng. Chủ rừng và các cơ quan có thẩm quyền chưa có đầy đủ thông tin về những sáng kiến này và tác động của đối với các khu vực rừng hoặc quyền các-bon của họ.
Thời gian tới, trong khi chờ hành lang pháp lý liên quan đến tín chỉ các-bon rừng dần hoàn thiện, hướng đi của ngành lâm nghiệp là tăng cường truyền thông nhất quán và thường xuyên, nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức của toàn xã hội về thừa nhận các giá trị khác của rừng, không chỉ tín chỉ carbon mà còn về đa dạng sinh học, chống xói mòn đất, bảo vệ vùng ven biển...
Các chuyên gia cũng lưu ý, bất kỳ dự án carbon rừng nào cũng yêu cầu các điều kiện về an toàn xã hội, bao gồm sự tham gia, chia sẻ thông tin minh bạch, bình đẳng giới và tính đa dạng, đặc biêt trong bối cảnh quốc tế đang thúc đẩy phát triển tín dụng carbon có tính toàn vẹn cao. Tính toàn vẹn cao có nghĩa là đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nhất định như: hiệu quả giảm phát thải lâu dài, phương pháp định lượng kết quả chuẩn, ưu tiên tạo ra đồng lợi ích (đối với hành động giảm nhẹ tự nguyện)...
NGỌC ANH