Tham dự hội thảo có ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội; bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội; ông Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; ông Nguyễn Bá Nguyên – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên… và nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc.
Khu vực Bãi Bồi, Bãi Giữa sông Hồng đoạn chảy qua trung tâm Hà Nội có đặc điểm sinh học đa dạng, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Thuộc tính quan trọng ở đây, đó là có không gian mặt nước, cây xanh tự nhiên và không gian đô thị, hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái mặt nước. Trong bối cảnh bùng nổ dân số và thiếu không gian công cộng hiện nay, việc cải tạo những không gian này mang đến nhiều lợi ích cho đô thị. Song một trong những thách thức đặt ra là số lượng người sống ở các khu vực bãi sông, nơi chịu các rủi ro về nhập lũ trên địa bàn TP Hà Nội là rất lớn, lên đến hơn 622 nghìn người, chiếm khoảng 8,22% tổng số dân số của TP. Ngoài ra, tình trạng xâm lấn đất tự nhiên chuyển hóa dần thành các khu ở bất quy tắc đang diễn ra tại các khu dân cư ven sông.
Đánh giá về giá trị khu vực Bãi Giữa sông Hồng, KTS Nguyễn Văn Tuyên (Trường ĐH Xây Dựng Hà Nội) cho rằng, Bãi Giữa như "viên ngọc sinh thái” giữa Thủ đô khi lâu nay, nơi đây trở thành vườn sinh thái của nhiều loài chim cư trú. Hiện khu vực Bãi Giữa chịu sự quản lý của 4 quận là: Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên, Hoàn Kiếm với diện tích 310ha.
Các đại biểu có chung nhận định sông Hồng có vai trò rất lớn đối với lịch sử hình thành, phát triển của Hà Nội. Theo kiến trúc sư Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, mặc dù sông Hồng chảy qua Hà Nội chỉ là đoạn ngắn so với chiều dài toàn tuyến nhưng đóng góp rất lớn đối với sự hình thành yếu tố cảnh quan và là nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô.
Toàn cảnh buổi hội thảo
"Hiện nay, thành phố Hà Nội đã tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND Thành phố phê duyệt. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực Bãi Giữa sông Hồng nhằm tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan (trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo và phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô)” – ông Nguyên nói.
Hà Nội có kế hoạch lập Quy hoạch Thành phố giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2030 theo Luật Quy hoạch 2017. Theo đồ án quy hoạch, quận Long Biên phát triển đô thị dựa vào cảnh quan thiên nhiên hiện có, kết nối khu vực hành lang xanh giữa sông Hồng và sông Đuống. Khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn. Theo quy hoạch, Bãi Giữa sông Hồng chảy qua khu vực nội độ trên địa bàn hai quận Long Biên và Hoàn Kiếm đang được định hướng để phát triển thành công viên, nằm trong tổng thể quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. 70% diện tích đô thị sông Hồng trong tương lai để trồng cây xanh theo hệ thống công viên – hồ điều hòa đồng bộ, 30% còn lại để phát triển đô thị.
Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND Quận Ba Đình cho biết, trong các Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô qua các thời kỳ, sông Hồng và các không gian Bãi Giữa, Bãi Bồi ven sông được xác định đóng vai trò là không gian xanh sinh thái đệm quan trọng của Thủ đô, là di sản thiên nhiên, trục cảnh quan thiên nhiên, trục giao thông đường thủy quan trọng kết nối khu vực nội đô cũ với các khu vực mới phát triển tại bắc sông Hồng, đảm bảo an toàn lũ, an ninh quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Vì vậy, ông Chiến đề xuất các ý tưởng xây dựng Công viên sông Hồng. Cụ thể, công viên bao gồm: Khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ Bãi Giữa và khu vực ven sông; khu vực cải tạo chỉnh trang bao gồm khu dân cư tập trung bên ngoài đê thuộc các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ) và Ngọc Thụy (quận Long Biên); cùng với đó là các yếu tố kiến trúc có giá trị cần được kết nối như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu… thuộc khu phố cổ, phố cũ.
Khu vực đầu tư mới nằm ở Bãi Giữa và ven sông Hồng được chia thành 3 phần chính, ngược theo "dòng thời gian – sông Hồng”, tương ứng các thời kỳ lịch sử: Khu vực quận Hoàn Kiếm – thời thị thành Phong kiến "trên bến dưới thuyền”; Khu vực cầu Long Biên quận Long Biên, Ba Đình – thời kỳ cận hiện đại: Pháp thuộc và chiến tranh chống Pháp, Mỹ; khu vực quận Tây Hồ – thời đương đại: văn hoá, vui chơi giải trí kết hợp sinh thái… Khu vực cải tạo chỉnh trang cần tạo ra các trục kết nối về không gian – kết nối thị giác với khu vực phố cổ Hoàn Kiếm, phố cũ Ba Đình, khu vực đô thị mới của Tây Hồ và Long Biên.
KTS. Nguyễn Văn Tuyên – ĐH Xây Dựng Hà Nội
Tham góp thêm cho đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan ở khu vực Bãi Giữa, KTS Nguyễn Văn Tuyên cho rằng, cần thiết phải xây dựng hành lang xanh cho khu vực Bãi Giữa, phát triển nơi đây theo mô hình công viên chuyên đề sinh thái – văn hóa – sáng tạo. Một số mô hình có thể triển khai tại đây là: Công viên chuyên đề du lịch sinh thái, công viên chuyên đề lịch sử văn hóa, công viên chuyên đề nông nghiệp, công viên chuyên đề khoa học, công viên chuyên đề sức khỏe (trồng vườn cây dược liệu)…
Chia sẻ trong phiên thảo luận, theo đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, để từng bước hiện thực hóa định hướng xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng, trước hết TP Hà Nội cần nghiên cứu lập đề án, quy hoạch chi tiết bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng, quy hoạch các tuyến đường giao thông kết nối từ nội đô và từ thành phố phía Bắc, xây dựng các quảng trường, đài vọng cảnh để tận dụng các không gian khoáng đạt của cảnh quan bầu trời, mặt nước, xây dựng các công trình tiện ích phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan của người dân và du khách.
Bàn về việc tổ chức không gian bãi giữa sông Hồng kết nối trục sông Hồng đóng góp cho tương lai đô thị Hà Nội, TS, KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, ngoài hệ thống cầu, thành phố nên tập trung thiết lập các tuyến giao thông ngầm dưới lòng sông để kết nối đô thị hai bờ; tổ chức các vành đai xanh, tổ hợp cảnh quan, cần lựa chọn hệ sinh thái khả thi với đặc điểm vùng cận sông, vùng ngập nước; thay thế cơ bản tuyến đê đất hiện nay bằng tường chắn bê tông với cao độ và độ bền tương ứng… Về giải pháp cho trục cảnh quan trung tâm, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất cần tổ chức cảnh quan bình dị, mang hơi thở làng giàu bản sắc và giàu tính chất sinh thái bản địa; tổ chức tiểu cảnh đều khắp. Bãi giữa nên hướng về quy hoạch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao với kết nối đặc sắc vùng miền.
KTS Olivier Souquet chia sẻ: "Bãi Giữa sông Hồng là không gian xanh tự nhiên. Chúng tôi cảm nhận, ở các đô thị Việt Nam, nhiều nhà cao tầng mọc lên đã làm thay đổi toàn bộ cảnh quan đô thị và một nơi để tìm lại không gian sống cho cư dân chính là ven sông. Những dải đất ven sông là nơi duy nhất mà nước có thể thoát ra. Đó là một không gian "sống” với đa dạng sinh học phong phú, việc làm "ngạt thở” nó bằng các kết cấu kè bê tông như hiện nay sẽ mang lại cái chết từ từ cho những con rồng sống ở đó… Có nhiều bài học như ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng khi long mạch con sông đã thay đổi. Vì thế, với việc xây dựng công viên ở Bãi Giữa, tôi cho rằng cần nghiên cứu rất kỹ; có những phần chúng ta phải tác động nhưng có phần phải để nguyên trạng tự nhiên.”
Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, nhà quy hoạch trong nước và quốc tế.
Về việc cần phải giải quyết vấn đề giao thông đường thủy và đường bộ khu vực sông Hồng, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, khu vực Bãi Nổi, Bãi Giữa Sông Hồng là khu vực cần giải quyết nhiều vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng. Vì thế, cần được xử lý theo giai đoạn và theo thứ tự ưu tiên, trước hết là hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung (vật liệu đảm bảo bền vững trong môi trường nước), tiếp đó là hệ thống giao thông tiếp cận đường bộ, đường thủy kết nối đa phương thức gắn với các giải pháp đảm bảo an toàn thoát lũ, thích ứng với điều kiện thủy văn.
"Cần phải chú trọng đến giao thông phải kết nối đường thủy và đường bộ; Hạn chế tối đa bê tông hóa đối với khu vực Bãi Giữa. Đặc biệt, phải giữ và khai thác được cầu Long Biên. Điều này đặt trách nhiệm cao cho Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ. Cần xác định cầu Long Biên là một thông số quan trọng và tất yếu, có vị trí xứng đáng trong bất kỳ quy hoạch nào” – ông Hà nhấn mạnh một lần nữa.
Mặc dù xác định không gian vùng bãi có chiến lược quan trọng trong phát triển của quận nhưng vấn đề quản lý Bãi Giữa còn nhiều bất cập như: Nhiều diện tích đất hoang hóa chưa được đưa vào khai thác; phát sinh các vấn đề vi phạm đê điều; các hộ thuê thầu đang tổ chức sản xuất theo hướng tự phát…
Một trong những thách thức của Đề án Xây dựng công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng chính là vấn đề đảm bảo không gian thoát lũ. Bởi lẽ, nơi đây được xác định là hành lang thoát lũ, không được phép thu hẹp, không quy hoạch xây dựng, làm gia tăng rủi ro thiên tai, thay đổi tiêu chuẩn phòng, chống lũ của cả hệ thống sông Hồng.
Theo TSKH Bạch Quốc Khang, yêu cầu đầu tiên của Đề án này là đảm bảo không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm. Theo đó, Bãi Giữa đang được xác định là không gian thoát lũ, chứa lũ không được phép thu hẹp, không quy hoạch xây dựng, hoặc nghiên cứu xây dựng công trình làm gia tăng rủi ro thiên tai, thay đổi mục tiêu, tiêu chuẩn phòng, chống lũ của cả hệ thống sông Hồng.
Hơn nữa, không gian chứa và thoát lũ của Bãi Giữa lại liên hoàn với kết quả quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới trên các bãi bồi hai bờ sông Hồng. Chúng có tác động tương hỗ đến dòng chảy và không gian an toàn lũ chung của đoạn sông này. Vì thế, theo chuyên gia này, Đề án Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa không thể đứng riêng độc lập, tách khỏi hệ thống giải pháp an toàn phòng chống thiên tai và tổng thể các hành động tạo lập trục không gian đặc biệt.
Ngoài những khó khăn nhìn thấy, nhiều đại biểu cũng cho rằng, những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quản lý đất đai, hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy chưa kết nối được đến khu vực Bãi Giữa cũng là thách thức lớn trong việc quy hoạch phát triển cho khu vực này.
Đề án "Xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp” sẽ còn tiếp tục được lấy ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, kiến trúc sư trong ngành. Để hiện thực hóa "giấc mơ sông Hồng”, biến hai bên bờ sông và Bãi Giữa trở thành một không gian kiến trúc đô thị hiện đại, văn minh, sinh thái…, trở thành động lực để phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô, cần có sự vào cuộc quyết liệt, tầm nhìn chiến lược và sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị và người dân.
Theo Tạp chí Kiến trúc