Vureia góp ý Dự thảo Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật về chất thải rắn sinh hoạt

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/5/2024 | 4:32:11 PM

QLMT - Ngày 15/5/2024 Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Vureia) đã có công văn số 21/HHMT gửi Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ Tài nguyên và môi trường góp ý Dự thảo Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật và Thông tư ban hành định mức kinh tế kỹ thuật công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại.

Căn cứ bản dự thảo kèm công văn số 2843/BTNMT-KSON ngày 6/5/2024 về việc lấy ý kiến dự thảo thông tư ban hành quy trình kỹ thuật và thông tư ban hành định mức kinh tế kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại. Sau khi nghiên cứu dự thảo 2 thông tư nói trên cũng như tổng hợp ý kiến đóng góp từ các thành viên của hiệp hội, Hiệp hội có một số ý kiến như sau:

VỀ TỔNG THỂ CHUNG

Số quy trình, định mức Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo gồm 5 chương, 25 quy trình và 21 định mức, cụ thể:

- Chương I: Công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt (09 quy trình, 7 định mức);
- Chương II: Công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (04 quy trình, 5 định mức);
- Chương III: Công tác vận hành trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại (05 quy trình, 5 định mức);
- Chương IV: Công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt (06 quy trình, 3 định mức);
- Chương V: Công tác khác (01 quy trình, 1 định mức).

Phần nội dung kết cấu dự thảo cụ thể, chi tiết, rõ ràng, định mức được trình bày theo nhóm, loại công tác từ khâu thu gom, vận chuyển và xử lý. Phù hợp với nguyên tắc, quy định đã ban hành tại Luật bảo vệ môi trường năm 2020 là CTRSH phải được quản lý, phân loại tại nguồn nhằm giảm thiểu và tái chế tối đa để hướng tới tuần hoàn rác thải. Đánh giá cao các nội dung do tổ soạn thảo đã dự thảo đối với 02 thông tư.


Ảnh minh hoạ. ITN

VỀ VIỆC CHỈNH SỬA/ BỔ SUNG CHI TIẾT

Hiệp hội Môi trường và Đô thị Việt Nam gửi kèm công văn số 21/HHMT Phụ lục 1 - Bảng tổng hợp ý kiến góp ý của các công ty môi trường đô thị góp ý đối với dự thảo thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

Đối với góp ý chi tiết bản quy trình kỹ thuật

Đề nghị bổ sung vào bản dự thảo quy trình kỹ thuật đối với các hạng mục "Duy trì, làm sạch vệ sinh môi trường”. Việc không ban hành các quy trình này dẫn đến không có định mức cho công tác lập dự toán, thanh quyết toán, nghiệm thu đối với các hạng mục này, đây là một trong những thành phần công việc phải thực hiện đồng bộ để đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường. Đề nghị tổ soạn thảo nghiên cứu và bổ sung thêm các định mức kỹ thuật mà thực tế các đơn vị đang thực hiện hàng ngày như sau: 

- Công tác duy trì vệ sinh đường phố bằng thủ công;
- Công tác làm sạch đường phố như: công tác quét đường phố bằng thủ công/cơ giới; công tác quét hè bằng thủ công, rửa hè; 
- Công tác rửa đường;
- Công tác duy trì nhà vệ sinh công cộng (nhà gạch, nhà lưu động), vệ sinh thùng rác vụn; 
- Công tác vệ sinh trong các vườn hoa, công viên, dải phân cách, đường dạo.

Đối với các mã quy trình liên quan đến công tác xử lý CTRSH sau phân loại: Chỉ nên đưa các công nghệ thực sự điển hình. Không mô tả quá chi tiết cho chủng loại máy móc, công nghệ xử lý. Xem xét việc ban hành các suất đầu tư tương ứng với các loại công nghệ tái chế và công nghệ xử lý phù hợp với thành phần chất thải của Việt Nam. Ban hành thêm quy trình công nghệ điển hình xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình để đồng bộ từ khâu thu gom, vận chuyển chất thải.

Những góp ý khác: 

(1) Thống nhất cách gọi "Chất thải khác” theo đúng ngôn ngữ quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020; (2) Kiến nghị bổ sung sử dụng thiết bị, phương tiện hỗ trợ cho công nhân thủ công thực tế các địa phương đang sử dụng và có hiệu quả đặc biệt là trong khu vực ngõ ngách sâu, khu vực nông thôn, địa phương vùng núi, cụ thể là các loại xe 03 bánh; (3) Tại mã QT xử lý chất thải thực phẩm hữu cơ thành mùn điều chỉnh tên loại vật tư hóa chất từ L2100 thành WHC do loại L2100 không bán trên thị trường; (4) Việc ban hành các quy trình đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại là đáp ứng đúng theo yêu cầu của Luật BVMT. Tuy nhiên, nếu theo tiến độ yêu cầu của luật từ 31/12/2024 bắt buộc phải thực hiện phân loại rác tại các địa phương với điều kiện hiện nay là khó khăn. Trong trường hợp đến thời điểm ban hành QT, ĐM mới thì các quy trình cũ sẽ hết hiệu lực mà khi đó địa phương chưa kịp thực hiện phân loại rác thải, thì sau này áp dụng quy trình nào, định mức như thế nào.

Đối với góp ý chi tiết bản định mức kinh tế kỹ thuật

Bản dự thảo thông tư chỉ đưa ra cột giá trị định mức, không có thuyết minh tính toán định mức chi tiết để nghiên cứu và đánh giá sự phù hợp với thực tế vận hành. Đề nghị cung cấp thuyết minh tính toán chi tiết để các đơn vị có cơ sở nghiên cứu và góp ý nhằm đảm bảo khả thi khi thực hiện.

Về tần suất, số lượt thu, cự ly thu gom: Đề nghị làm rõ số lượt thu gom các loại chất thải tại quy trình thu gom cả cơ giới và thủ công, cụ thể là là tính cho 01 lần thực hiện. Đề nghị quy định bổ sung việc xác định cự ly vận chuyển bình quân bao gồm tính cả chiều đi và chiều về. Xem lại toàn bộ các bảng hệ số cự ly đều sai khác với quyết định 592/QĐ-BXD (cụ thể là thiếu cự ly từ 20-25km), đồng thời bổ sung thêm đối với hệ số cự ly trên 100 km.

Tại mã định mức MT01.01.00 và MT01.02.00 thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại bằng thủ công, đề nghị xem xét lại định mức. Lí do: việc thu gom riêng biệt đòi hỏi hao phí nhân công riêng biệt, cụ thể theo nguyên tắc xác định thì số "định mức nhân công” cần thiết để thực hiện và hoàn thành "thu gom trên 1km” loại chất thải. Tuy nhiên, định mức dự thảo hạng mục này so với định mức ban hành trước đây và thực tế thực hiện tại địa phương là không phù hợp. Đề nghị xem lại định mức 592 (đã ban hành 1,2 công/km trên khu vực đường phố và ban hành 1,3 công/km khu vực ngõ xóm).

Tại mã MT 01.02.00 đề nghị lược bỏ quy định về "chiều rộng ≥ 1,5m” đối với việc áp dụng định mức cho công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại ngõ xóm.

Tại mã định mức MT1.05.00 đề nghị bổ sung, ghi rõ tải trọng các chủng loại xe trong dự thảo định mức, nếu không có tải trọng không thể xác định định mức. Theo thực tế hiện nay các chủng loại xe phù hợp đối với các công tác này gồm xe tải thùng có bàn nâng ≤ 1,5 tấn và xe cuốn ép loại ≤ 2 tấn và loại ≤5 tấn. Ví dụ cụ thể:

+ Định mức ca máy xe tải thùng có bàn nâng theo dự thảo là 0,189 ca/tấn.

Như vậy nếu tính toán như thế này thì trong 1 ca làm việc xe chở được 5,29 tấn/ca là không phù hợp với thực tế do tải thùng không có nén được rác. Với hệ số nén xếp chồng lên nhau thì thông thường xe tải thùng loại 0,5 tấn ÷ 1 tấn chở được 0,3tấn hoặc 0,4 tấn/chuyến. Tính hết ca làm việc thực hiện thu gom được 5 chuyến xe = 5 chuyến * 0,35 tấn = 1,75 tấn/ca.

Như vậy nếu tính toán ĐM: Ca/1 tấn = 1/1,75 = 0,571 ca/tấn.

Tại mã MT 2.04.00 (Công tác vận chuyển từ trạm trung chuyển đến khu xử lý): Ô tô cuốn ép ≥ 10 tấn: Khối lượng vận chuyển: 91 tấn/ca (cự ly 20km) tương đương 56 tấn/ca (cự ly 55-60km); Định mức khác xa với thực tế, thực tế trong 1 ca xe không thể chạy được 91 tấn/ca, thực tế tối đa 20 tấn/ca đối với cự ly 55-65km. Đề xuất xem xét lại.    

Các ý kiến góp ý chi tiết khác được Hiệp hội Môi trường và Đô thị Việt Nam gửi kèm theo công văn số 21/HHMT Phụ lục 1 - Bảng tổng hợp ý kiến góp ý của các công ty môi trường đô thị.

Các định mức đề nghị bổ sung do đã có khảo sát 

Đề nghị bổ sung công tác vệ sinh phương tiện xe chuyên dùng vận chuyển chất thải sinh hoạt.

Đề nghị bổ sung vận hành trạm xử lý nước rỉ rác đối với các trạm trung chuyển.

Trên đây là một số ý kiến của Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam tham gia góp ý đối với dự thảo quy trình công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sau phân loại. Hy vọng các ý kiến góp ý sẽ được tiếp thu giải đáp và hỗ trợ cho tổ soạn thảo hoàn thiện 2 thông tư nói trên. 

(Nguồn: Công văn số 21/HHMT ngày 15/5/2024 của Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam)


Tags Vureia góp ý dự thảo Thông tư quy trình kỹ thuật định mức kinh tế kỹ thuật chất thải rắn sinh hoạt

Các tin khác

Với nỗ lực từ nhiều bên, thị trường công trình xanh đã bước đầu ghi nhận những bước tiến lớn trong việc chuyển dịch dòng vốn hướng đến các công trình xanh.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 (APGN-8) được tổ chức trong bối cảnh cơn bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng cho Cao Bằng và hàng loạt địa phương trên cả nước cùng nhiều quốc gia lân cận, tuy nhiên, hàng trăm đại biểu vẫn tới tham dự và chia sẻ tại 6 phiên hội thảo chuyên đề về một số giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

9 yếu tố ảnh hưởng đến giá đất vừa được Hà Nội quy định rõ, trong đó có điều kiện về cấp thoát nước, cấp điện và điều kiện về giao thông.

Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 93/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục