Thử nghiệm các loại ống hút khác nhau. Ảnh: Vice
Ống hút nhựa đã ăn sâu vào văn hóa tiêu dùng của chúng ta. Sự tiện lợi của chúng khiến các lựa chọn thay thế khác gần như không thể cạnh tranh.
Mọi người đã quen với ống hút nhựa tới mức chấp nhận sử dụng khi gọi đồ uống mà không cần suy nghĩ. Họ dường như quên mất việc tự hỏi: Liệu món đồ uống này có thực sự cần ống hút hay không? Mình có dùng chúng hay không? Nhiều khi, ống hút chỉ được dùng để khuấy đá hoặc bỏ lại trên bàn.
Không có ước tính chính xác ở Việt Nam nhưng tại Mỹ, trung bình mỗi người sử dụng khoảng 1,6 ống hút nhựa mỗi ngày, tương đương với 500 triệu ống hút nhựa trên cả nước - không bao gồm các loại ống hút đính kèm trên hộp sữa và nước trái cây.
Dân số Việt Nam bằng khoảng 1/3 của Mỹ. Nếu với cùng thói quen tiêu dùng, người Việt Nam cũng sẽ tạo ra một lượng khổng lồ chất thải nhựa mỗi ngày từ ống hút. Nhựa mất tới 300 năm để phân hủy nên hàng triệu ống hút nhựa này chỉ có thể tích tụ trong các bãi chôn lấp và hệ sinh thái, gây tác động xấu tới môi trường.
Làn sóng thay đổi sử dụng ống hút nhựa bắt đầu bùng nổ vào năm 2018, sau khi một video ghi lại cảnh các nhà nghiên cứu lấy ra một ống hút nhựa cắm sâu vào mũi rùa biển được lan truyền rộng rãi.
Các nhóm môi trường bắt đầu nhắm vào ống hút nhựa và các loại nhựa sử dụng một lần như túi nilon để giảm ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa ở đại dương. Các chất thải nhựa này có thể vỡ ra thành các mảnh nhựa nhỏ (microplastic) gây tổn thương sinh vật biển hoặc lẫn vào thức ăn của sinh vật biển, từ đó đi vào chuỗi thức ăn của người.
Một loạt các sản phẩm thay thế cho ống hút nhựa truyền thống ra đời. Các công ty hiện sản xuất ống hút từ kim loại/inox, giấy, tre, cỏ, bã mía, cà phê, bột gạo... Thậm chí, vẫn có nhiều bên ủng hộ việc tiếp tục sản xuất ống hút nhựa, nhưng là các loại nhựa khác có thể phân hủy sinh học như PHA hoặc PLA.
Ống hút cỏ
Doanh số bán hàng của các ống hút thay thế này đang tăng mạnh mẽ. Green Joy, công ty khởi nghiệp về ống hút cỏ bàng ở ĐBSCL, cho biết họ đã cung cấp được 30 triệu ống hút cỏ và đồ dùng có thể phân hủy sinh học từ cỏ bàng tự nhiên cho hơn 25 nước ở châu Âu, Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương từ năm 2018 đến nay.
EQUO, một thương hiệu Việt khác chuyên sản xuất các sản phẩm ống hút từ cỏ và gạo của Việt Nam, Đài Loan và một số vùng miền châu Á, đã bắt tay với Amazon để bán sản phẩm của mình trên nền tảng thương mại điện tử, công ty hiện đạt doanh số "tăng gấp 3 lần” so với giai đoạn năm 2022 trước đó.
Ống hút cỏ Green Joy.
Hướng đi của Green Joy và EQUO chiếm được cảm tình của khách hàng quốc tế bởi tính độc đáo, và không ít doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam cũng đang theo đuổi cách làm tương tự. Tuy nhiên, các công ty sản xuất trên quy mô công nghiệp và có chứng nhận chất lượng thì chưa nhiều. Chủ yếu vẫn là các hộ gia đình xử lý tại nhà thành ống hút khô rồi được các công ty thương mại thu mua để xuất khẩu.
Ngược lại, ở thị trường nội địa, gần như rất ít nhà hàng, đồ uống sử dụng ống hút cỏ bởi giá thành của chúng khá cao (300-1000 đồng/ống), gấp 5-7 lần ống hút nhựa.
Chưa có nhiều đánh giá về tác động môi trường của các loại ống hút cỏ vì chúng còn quá mới mẻ. Về mặt phân hủy sinh học, bằng trực giác, người ta có thể tin rằng chúng sẽ dễ dàng biến mất như các loại rau củ thông thường, thay vì đợi chờ hàng chục năm như nhựa.
Ống hút giấy
Ống hút giấy là một hướng đi thay thế mạnh mẽ. Thương hiệu Nestlé MILO đã tham gia cuộc chuyển đổi này bằng cách thay thế toàn bộ ống hút nhựa trên các hộp sữa uống liền của mình thành ống hút giấy kể từ tháng 5/2021. Giấy dùng để sản xuất ống hút của Nestlé MILO được làm từ 100% giấy nguyên chất, nguồn gốc từ thực vật, không chứa thành phần giấy tái chế và không có mực in. Đó là một giải pháp đắt đỏ. MILO ước tính, bằng cách này, họ đã giảm khoảng 700 tấn rác thải nhựa mỗi năm.
Khi đặt lên bàn cân với các loại ống hút có nguyên liệu từ thiên nhiên như ống hút gạo, ống hút cỏ, thì ống hút giấy khả thi hơn về mặt giá cả, khả năng sản xuất ở quy mô lớn, tính vệ sinh. Sản phẩm này đã xuất hiện tại các nhà hàng và nhà bán lẻ trên toàn quốc.
Có hàng chục công ty sản xuất các loại ống hút giấy khác nhau, nhưng không phải tất cả đều sử dụng giấy nguyên chất hoặc truy xuất nguồn gốc thực vật cẩn thận như MILO.
Khi ống hút giấy được sử dụng, chúng cũng nhận được những lời phàn nàn về chất lượng. Hầu hết, các ống hút giấy đều bị nhũn khi để lâu trong nước. Chúng hòa lẫn mùi vị giấy vào đồ uống, gây ra sự khó chịu đối với thực khách. Một nghiên cứu từ năm 2019 chỉ ra rằng ống hút giấy mất 70- 90% sức mạnh sau khi tiếp xúc với chất lỏng khoảng 30 phút.
Ống hút giấy PSV STRAWS.
Để tăng cường sức mạnh của ống hút giấy, người ta có thể gia cố nó bằng một lớp nhựa mỏng chống nước ở trong. Nhưng điều này lại khiến ống hút giấy đắt hơn và tạo rác thải nhựa nhiều hơn so với ống hút giấy nguyên bản. Ngoài ra, một nghiên cứu mới ở Mỹ cho thấy 90% ống hút giấy được thử nghiệm có chứa hóa chất vĩnh cửu PFAS so với 75% ống hút nhựa. Các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn liệu PFAS có trong ống hút được thêm vào có chủ ý để chống nước hay do ô nhiễm trong quá trình sản xuất.
Mặc dù ống hút giấy phân hủy nhanh hơn ống hút nhựa, nhưng tác động của ống hút giấy đối với môi trường vẫn chưa chắc chắn. Một nghiên cứu năm 2021 tại Canada cho thấy lượng khí nhà kính thải ra trong suốt vòng đời của ống hút giấy bằng từ 25-100% so với ống hút nhựa. Tuy nhiên một đánh giá vòng đời khác tại Brazil chỉ ra rằng ống hút giấy có thể tạo ra khí thải CO2 cao hơn vì cần sử dụng đất để trồng cây làm nguyên liệu giấy.
Điều đáng chú ý là giống như ống hút nhựa, ống hút giấy thường không thể tái chế (chúng bị phân hủy quá nhiều khi chạm vào chất lỏng) và tạo ra nhiều khí nhà kính hơn khi phân hủy trong các bãi rác so với ống hút nhựa.
Ống hút nhựa sinh học
Vì ống hút giấy không quá hoàn mỹ, một loạt các công ty đã tìm cách sản xuất các loại ống hút mạnh hơn giấy nhưng với tác động môi trường nhỏ hơn nhựa. Và đó là khi các ống hút nhựa sinh học ra đời.
Trong khi ống hút nhựa truyền thống được làm bằng PP hoặc PE gốc dầu mỏ khá bền và rẻ, ống hút nhựa mới làm từ các dạng polyme có khả năng phân hủy sinh học như PLA hoặc PHA. Chúng có nguồn gốc từ bột gạo, bột ngô, mía, củ sắn v.v. Có một số công ty cung cấp những loại ống hút từ nhựa sinh học như vậy, chẳng hạn như AnEco và Hunufa.
The Coffee House và một số chuỗi thương hiệu đồ uống đã tuyên bố sử dụng các ống hút phân hủy sinh học từ hồi năm 2019-2020.
Trên thực tế, ống hút PLA trông giống hệt như một ống hút nhựa PP truyền thống và cũng có tính chất tương tự, mặc dù chúng có vẻ đắt hơn một chút. Tuy nhiên, nhựa truyền thống có cấu trúc từ các liên kết carbon-carbon mạnh, còn nhựa sinh học như PLA hoặc PHA có cấu trúc este yếu hơn, cho phép vi sinh vật tấn công và phân hủy nhanh hơn.
Ống hút nhựa phân hủy sinh học có nguồn gốc từ tinh bột ngô trông tương tự như ống hút nhựa truyền thống. Ảnh: AnEco
Mặc dù vậy, các nhà khoa học lo ngại rằng nhựa sinh học thường bị thổi phồng quá mức.
"Thuật ngữ‘phân hủy sinh học’ (Biodegradable)rất dễ gây hiểu lầm”, PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà, (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệViệt Nam), chia sẻ với Khoa học & Phát triển trong một đề tài đánh giá khả năng phân hủy sinh học của các loại túi polymer phổ biến ở Việt Nam hồi năm 2019.
Theo đó, tiêu chuẩn kiểm tra khả năng phân hủy sinh học được xem xét dựa trên mức độ phân hủy của các vật liệu polyme bằng cách giữ chúng ở các khoảng nhiệt độ môi trường (từ 20 đến 700C) trong 6-12 tháng. Nếu lượng carbon của vật liệu đó giảm 60-90% thì có thể được coi là có thể phân hủy sinh học. Như vậy, cái gọi là "vật liệu phân hủy sinh học” có thể tồn tại lâu hơn 12 tháng và không biến mất hoàn toàn.
Trên thực tế, ống hút PLA không thể tự động phân hủy trong tự nhiên mà cần thông qua một quy trình xử lý riêng trong nhà máy. Quá trình này yêu cầu nhiệt độ tăng lên 600C trong vòng 10-15 ngày để có thể phá hủy các liên kết. Thật vậy, ống hút PLA của AnEco chỉ được chứng nhận là có thể phân hủy hoàn toàn "trong môi trường ủ công nghiệp".
Vì ống hút thường rất nhỏ nên người ta rất khó thu gom. Nếu người tiêu dùng vứt đi, nó sẽ rơi vào thùng rác như thường và cũng sẽ khó phân hủy không khác gì nhựa truyền thống.
Đáng ngạc nhiên hơn, mặc dù được làm bằng nhiên liệu hóa thạch, một nghiên cứu từ các nhà nghiên cứu ở Thái Lan cho thấy ống hút nhựa truyền thống làm từ PP có lượng khí thải carbon nhỏ hơn ống hút nhựa sinh học PLA. Lý do là cần nhiều đất để trồng và thu hoạch các vật liệu tự nhiên (ngô, khoai, sắn,...) được sử dụng để sản xuất nhựa PLA.
Bài toán bỏ ngỏ
Có thể thấy, các loại ống hút mới chưa chắc đã "xanh" hơn ống hút nhựa truyền thống. Các nhà hàng đã cân nhắc tới cả ống hút kim loại, ống hút gạo, ống hút tre và nhiều vật liệu có nguồn gốc thực vật. Nhưng đa số các ống hút dạng này đều đắt hơn và không mỏng như ống hút nhựa. Chúng cũng có thể tạo ra khí nhà kính cao trong suốt vòng đời vì quá trình trồng trọt nguyên liệu.
Nhiều doanh nghiệp chấp nhận trả phí cao cho các ống hút thay thế nhựa và tìm cách đẩy phí này vào tay người tiêu dùng. Nhưng các tổn hại về môi trường thì gần như không thể định giá được.
Hiện nay thị trường có nhiều loại ống hút thay thế ống hút nhựa truyền thống.
Tuy nhiên, có một tư duy phản trực giác mà người tiêu dùng cần cần nhắc: Liệu chúng ta có thực sự cần ống hút không?
Không có giải pháp thay thế nào là kỳ diệu. Dù người ta có sử dụng các loại ống hút khác nhau và quản lý nó đúng cách hay vứt nó đi, sản phẩm đó sẽ không biến mất mà đi vào hệ sinh thái. Mỗi một chiếc ống hút - dù bằng cỏ, giấy hay nhựa - sẽ vẫn có những tác động nhất định trong suốt vòng đời của nó. Phải chăng, người ta nên học cách từ chối dùng ống hút nhiều nhất có thể.
Mặc dù ống hút không phải là tác nhân gây ô nhiễm nhựa đáng kể nhất (năm 2018, ống hút chỉ chiếm 0,02%, tương đương 2.000 tấn, trong số gần 9 triệu tấn chất thải nhựa đại dương trên toàn cầu), nhưng các ống hút nhỏ đã đóng vai trò là chiến trường cho các cuộc thảo luận lớn hơn về chất thải nhựa và việc thay đổi thói quen tiêu dùng của những thế hệ tiếp theo.
----------------------------------------------
Việt Nam sẽ cấm đồ nhựa dùng một lần
Theo Luật Bảo vệ Môi trường, bắt đầu từ năm 2026, Việt Nam sẽ giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Các loại ống hút dùng một lần và các dụng cụ khuấy đồ uống bằng nhựa, theo đó, sẽ bị hạn chế đáng kể, ngoại trừ đối với người khuyết tật, trong các bệnh viện và cơ sở chăm sóc.
Từ sau năm 2030, các sản phẩm nhựa dùng một lần sẽ bị cấm hoàn toàn.
Theo Ngô Hà/ KH&PT