Phân loại rác tại nguồn – Bài 3: Bài học từ các mô hình hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/4/2024 | 8:13:16 AM

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Những mô hình nhỏ hiệu quả

Nhận thức rõ vai trò của việc phân loại rác tại nguồn trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo trở thành những đốm lửa nhỏ để nhiều tỉnh và thành phố học tập.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc phân loại rác tại nguồn, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND thực hiện chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2021, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với sản xuất và tiêu dùng bền vững… Kế hoạch đề cập việc quyết liệt triển khai các giải pháp hạn chế, tiến tới loại bỏ, nói không với đồ nhựa dùng một lần trong đời sống xã hội.


Nhiều điểm lưu chứa rác thải sinh hoạt đã phân loại được triển khai trên địa bàn TP. Huế

Thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm phân loại rác tại nguồn từ những năm 1999, bắt đầu từ một cụm dân cư, một phường trong quận, giai đoạn 2015-2016 nhân rộng trên địa bàn 6 quận và sau đó nhân rộng tại 24 quận, huyện trên địa bàn toàn thành phố từ năm 2017 đến nay. Cuối năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 44 quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn với 3 nhóm gồm chất thải hữu cơ dễ phân hủy, chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại không bao gồm chất thải nguy hại.

Để khắc phục hạn chế chương trình phân loại rác tại nguồn, ngày 4/5/2021, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 09 về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, thành phố sẽ thay đổi cách phân loại rác, người dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 2 loại thay vì 3 loại như trước kia. Cụ thể, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải sẽ phân loại thành 2 nhóm, gồm: nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

Từ cuối năm 2018, thành phố Đà Nẵng triển khai mô hình phân loại rác thí điểm nhằm mục đích tăng thu hồi rác thải tái chế có giá trị trong chất thải rắn sinh hoạt (rác tài nguyên) từ các nguồn rác thải tại vùng thực hiện thí điểm, góp phần giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp tại bãi rác. Thành phố từng bước xây dựng văn hóa phân loại rác tại nguồn trong khu dân cư và đạt mục tiêu thành phố môi trường. Theo đó, các hộ gia đình tại địa phương sẽ được hướng dẫn phân loại và sẽ được cung cấp bao phân loại rác tài nguyên (loại bao sử dụng cho nhiều lần) để tập kết, lưu giữ tại nhà… Quá trình triển khai có thể khẳng định rằng, vai trò cộng đồng, ý thức của người dân sẽ góp vai trò quan trọng vào sự thành công hay không trong công tác phân loại rác tại nguồn. "Dù có đầu tư nhà máy xử lý rác hiện đại đến đâu thì cũng không thể xử lý được vấn đề nếu việc phân loại rác thải ngay tại nguồn không được thực hiện triệt để. Ý thức của người dân là vấn đề mấu chốt”. 


Nhiều HTX đã và đang tiên phong thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải tại nguồn hiệu quả

Không chỉ có thành phố lớn, trực thuộc Trung ương triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn các tỉnh và thành phố khác cũng có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Tỉnh Bình Dương chú trọng công tác phân loại rác tại nguồn từ năm 2017. Nội dung chủ yếu là hướng dẫn tuyên truyền về phân loại rác thải tại nguồn, gồm 1 sổ tay, tờ bướm, áp phích, phim video clip, bản tin, tiểu phẩm và in ấn tài liệu có liên quan… UBND tỉnh giao Sở TN và MT chịu trách nhiệm tổ chức triển khai kế hoạch, tổ chức giám sát hoạt động thu gom, phân loại rác thải tại nguồn của các đơn vị. Quá trình triển khai, Bình Dương đã có nhiều cách làm hay như trang bị, trao tặng sọt rác, cuộn túi ni - lông cho người dân, thu gom rác đúng nơi quy định, và nhất là tăng cường tập huấn, tuyên truyền, cho nên được người dân, doanh nghiệp… đồng thuận tham gia vì một đô thị xanh - sạch - đẹp.

Nếu như tỉnh Bình Dương chú trọng công tác truyền thông phân loại rác tại nguồn thì tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Nam Định, Hưng Yên lại xây dựng các mô hình phối hợp có hiệu quả với các tổ chức hội, đoàn thể, hội nghề nghiệp trong việc vận động người dân tham gia phân loại rác tại nguồn.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện đề án "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025,” qua đó xây dựng, hình thành mạng lưới truyền thông cấp cơ sở và các phong trào rộng khắp theo cách tiếp cận tổng hợp, dựa trên cơ sở phối hợp hiệu quả với các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội-nghề nghiệp như hội Nông dân, hội Nghề cá, hiệp hội Du lịch, hội Môi trường.

Mô hình phân loại rác được Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An phát động, triển khai rộng rãi tại một số huyện thị thành phố như thành phố Vinh, huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Yên Thành,… kết hợp với triển khai thực hiện đề án thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương. Theo đó, nhiều tổ thu gom rác được thành lập, nhiều hố rác,bể chứa rác mới được xây dựng và sau thời gian triển khai mô hình thí điểm cho thấy hiệu quả, đó là ý thức người dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường cũng được nâng lên, tình trạng người dân đổ rác tràn lan ra đường đã giảm đáng kể, không khí không còn bị ô nhiễm do mùi hôi thối do chất thải là thức ăn thừa bị ôi thiu bốc mùi, đường làng ngõ xóm đã sạch sẽ hơn trước, ngoài ra các chất thải hữu cơ còn được xử lý làm phân bón cho cây trồng.

Mô hình "phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình" được Hội nông dân (HND) tỉnh Nam Định triển khai xây dựng tại xóm B, xã Hải Lý từ tháng 5-2018 với sự hỗ trợ của Trung ương HND Việt Nam. Từ mô hình điểm, đến nay hoạt động này đã được nhân rộng ra 18 xóm trong toàn xã. Theo đó, khi triển khai mô hình việc đầu tiên là việc tổ chức tập huấn kỹ thuật phân loại, xử lý chất thải hữu cơ, CTR và nâng cao nhận thức kiến thức bảo vệ môi trường nông thôn cho cán bộ, hội viên nông dân; xây dựng câu lạc bộ nông dân tự quản về môi trường, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào nội dung sinh hoạt của chi hội; xây dựng kế hoạch hưởng ứng các sự kiện môi trường, phát động phong trào thi đua "sạch từ nhà ra ngõ và sạch từ ngõ vào nhà, ăn sạch, uống sạch và ở sạch”; tổ chức tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân và cộng đồng dân cư tích cực giữ vệ sinh môi trường nông thôn, hướng dẫn các hộ gia đình sử dụng tiết kiệm và hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tỉnh Hưng Yên đã xây mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Thành viên Ban công tác mặt trận các thôn xóm đóng vai trò tích cực tại cơ sở, người thì tuyên truyền vận động, người thì lập kế hoạch dự toán nguyên vật liệu, người phụ trách phần việc đăng ký các hộ xây bể và nhận thùng. Khi thực hiện các mô hình điểm về khu dân cư (KDC) bảo vệ môi trường, mặt trận tổ quốc các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường. Nội dung bảo vệ môi trường được đưa vào tiêu chí bình xét các danh hiệu "KDC văn hóa”, "Gia đình văn hóa”, "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”. Tại nhiều khu dân cư, nhân dân đồng thuận xây dựng các tiêu chí cụ thể về xây dựng môi trường và đưa vào quy ước, hương ước của thôn. Các mô hình Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường; mô hình phân loại, xử lý rác thải tại các hộ gia đình cùng với các phong trào xây dựng "Gia đình 5 không, 3 sạch”, "Ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp” được duy trì thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, nhân dân trong các khu dân cư đã cùng nhau chia sẻ, thực hiện tốt phương châm "đồng xanh, nhà sạch, làng xóm thanh bình, nếp sống văn minh, cộng đồng đoàn kết, thân thiện”.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều tổ dân phố, xóm, xã, phường đã thực hiện việc phân loại rác thải từ nguồn tốt như phường Tân Quang, Minh Xuân, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang); xã Ninh Lai, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương)... Theo khảo sát, đánh giá của Sở TN và MT, công tác phân loại bước đầu đã được hình thành trong các khu dân cư, người dân tự phân loại một phần rác thải có thể tái chế (giấy, kim loại, nhựa) được thu gom, bán cho cơ sở thu mua phế liệu; thức ăn thừa, sản phẩm thừa sau sơ chế rau, củ quả... được tận dụng cho chăn nuôi.

Sở TN và MT tỉnh Yên Bái đã triển khai mô hình điểm về phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (mô hình phân loại rác tại nguồn) tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên. Mô hình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Đồng thời, đã hạn chế được rác thải nhựa và cải thiện môi trường tại khu vực nông thôn.


Không chỉ có thành phố lớn, trực thuộc Trung ương triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn các tỉnh và thành phố khác cũng có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo

Cái hay ở tỉnh Yên Bái đó là coi công tác phân loại rác tại nguồn là một trong những tiêu chí để công nhận xã đạt danh hiệu nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái đã có 5 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu gồm: Xã Việt Thành, huyện Trấn Yên; xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên; xã Đại Phác, huyện Văn Yên; xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn và xã Đại Minh, huyện Yên Bình.

Hiện nay, mô hình phân loại rác tại nguồn hoạt động dưới sự quản lý, giám sát của UBND xã Việt Thành, xã đã thành lập đội tự quản gồm 17 thành viên. Các thành viên trong tổ chịu trách nhiệm thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt tại các khu thu gom tập trung trên địa bàn xã rồi đưa tới bãi tập kết lớn trên trục đường chính để vận chuyển tới nơi xử lý.

Kinh nghiệm từ các nước

Đi đến hầu hết các gia đình hoặc các địa điểm công cộng ở Nhật Bản, điều dễ dàng nhận thấy là rác thải đều được thu gom, phân loại rất quy củ.

Trước đây, Nhật Bản cũng từng phải đối mặt với rất nhiều các vấn đề liên quan đến môi trường và rác thải. Nhưng nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, người dân cũng như các doanh nghiệp xử lý rác, rác thải đã thực sự trở thành nguồn tài nguyên quý giá đối với một quốc gia vốn không có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên như Nhật Bản.

Đi trên đường phố, đến các vùng nông thôn hay tham gia ngày lễ hội ở Nhật, điều ấn tượng nhất là không hề thấy xuất hiện rác trên mặt đất. Tất cả đều được thu gom trong những túi, thùng theo quy định.

Hơn thế, rác sẽ được phân loại theo các thùng riêng như: Thùng đựng giấy, thùng đựng nhựa, thùng vỏ lon...


Người Nhật phân loại rác rất cẩn thận với các yêu cầu cao.

Người Nhật không vội vứt rác ngay, ngay từ các bạn nhỏ đã vậy; Họ bỏ vào thùng. Phân loại rác đã trở thành một thói quen của người dân Nhật Bản. Họ luôn ý thức được cần phải duy trì thói quen đó ở mọi lúc, mọi nơi.

Thị xã Osaki nằm ở phía Bắc tỉnh Kagoshima (miền Nam Nhật Bản) cách đây 15 năm cũng phải đối mặt với những nguy cơ về xử lý rác thải. Chính quyền thị xã đã đề ra phương án cần phải phân loại rác để tái chế.

Theo đó, các hộ gia đình ở Osaki đều được phân phát bảng hướng dẫn phân loại rác chi tiết.

Trong đó, rác thải từ nhà bếp (chiếm khối lượng nhiều nhất) sẽ được thu gom theo các ngày quy định trong tuần (2 - 3 lần/tuần), sau đó sẽ được chuyển đi để tái chế thành phân hữu cơ cho cây trồng.

Các loại rác khác sẽ được đóng vào túi, mỗi túi đều ghi tên của các hộ gia đình. Nếu sau khi kiểm tra, túi rác của hộ gia đình nào chưa phân loại đúng sẽ bị trả lại và người dân sẽ được nhắc nhở thêm về cách phân loại rác.

Thậm chí, các loại túi nhựa, bao bì sẽ được các hộ sửa sạch, treo lên cho khô ráo rồi mới cho vào túi mang đến các điểm thu gom. Điều này sẽ làm cho khâu phân loại và kiểm kê rác thải của các đơn vị xử lý rác thải trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn nhiều.

Khi rác chưa được phân loại, tất cả đều trộn lẫn với nhau thì kéo theo các vấn đề bất cập như: mùi hôi thối, ruồi nhặng... rất mất vệ sinh.

Nhưng sau khi phân loại, tình trạng này đã được giảm đi đáng kể. Rác sau khi phân loại sẽ được ép chặt, đóng gói để bán cho các doanh nghiệp tạo thành phẩm.

Theo số liệu thống kê ước tính, lợi nhuận từ rác tái chế tại Osaki trong năm 2011 là 10 triệu Yên. Số tiền này cũng sẽ được trích lại một phần cho người dân - những người có công rất lớn trong việc phân loại rác ngay từ khâu đầu tiên.

Tuy nhiên, phải kể đến cơ chế phối hợp giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp xử lý rác thải để có được những kết quả kể trên tại Osaki.

Chính quyền địa phương sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, cấp phép cho các doanh nghiệp được phép thu gom và xử lý rác.

Đồng thời, chính quyền cũng quy định việc phân loại rác, ngày giờ thu gom rác, hướng dẫn, tập huấn cho người dân.

Chính quyền cũng đảm bảo đầu ra cuối cùng cho sản phẩm. Điều này góp phần làm cho quy trình thu gom và tái chế rác được đảm bảo ổn định và duy trì lâu dài hơn.

Còn ở Seoul (Hàn Quốc) có quy định phân loại các loại rác thông thường, tái chế và rác điện tử rõ ràng. Rác phải bỏ vào đúng thùng rác được quy định phân loại ở khu vực thu gom rác chung của một khu dân cư, rác nhà riêng thì phải cho vào túi rác được quy định.

Túi rác thay đổi màu sắc theo quy định kèm những chi tiết hướng dẫn về quy cách phân loại, giờ thu gom loại rác được đựng trong túi rác ấy cũng như khuyến cáo mức phạt nếu làm sai quy định.

Giá, kích thước túi rác và mức phạt được quy định thành chuẩn chung cho cả nước, chỉ khác về màu sắc và thông tin của địa phương được in trên túi. Rác thải có kích thước lớn không có túi khi vứt đi sẽ phải trả phí riêng theo quy định.

Tiền rác được tính vào tiền túi rác người dân phải mua. Điều này có nghĩa bạn dùng nhiều phải trả tiền nhiều. Không bỏ rác đúng vào túi rác quy định thì người ta sẽ không thu gom rác và có thể bị phạt ở mức phí cao ngất ngưởng 1 triệu won (19 triệu đồng). Để tiết kiệm khoản tiền này, người dân sống ở chung cư phải ra sức và tuân thủ quy định phân loại rác và bỏ vào các thùng rác.

Tại Đài Loan, người dân phải phân rác thải thành ba loại là rác thường (có thể bị phân hủy), rác có thể tái chế và rác thải nhà bếp.

TP Đài Bắc còn phân loại thêm rác dùng cho phân bón và rác thực phẩm đã qua chế biến (dùng làm thức ăn cho heo).

Hiện Đài Loan có tới 14 loại rác tái chế được hướng dẫn cụ thể cho người dân trước khi phân loại đổ rác.

Như vậy, có thể thấy, câu chuyện phân loại rác ở một địa phương của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thêm một lần nữa khẳng định, đây thực sự là nguồn tài nguyên quý giá nếu chúng ta biết tận dụng và khai thác triệt để. Đó cũng là cách để chúng ta nâng niu và bảo vệ môi trường.

Bài học 4C

Phân tích mô hình phân loại rác thành công của nhiều nước trên thế giới, chúng ta có thể rút ra bài học với 4 chữ C. Chữ C thứ nhất viết tắt cho cụm từ: Chính quyền. Rõ ràng mô hình phân loại rác tại Nhật Bản, hay Hàn Quốc nêu ở trên nếu chính quyền không vào cuộc chắc không thể thành công. Nếu không có sự điều hành thống nhất từ chính quyền thì các đơn vị chức năng không thể hoạt động nhịp nhàng trong việc phân loại rác, thu gom và xử lý.

Chữ C thứ hai viết tắt cho cụm từ: Cơ chế chính sách, chương trình, kế hoạch. Để triển khai bài bản thống nhất từ trên xuống dưới Nhật Bản hay Hàn Quốc không chỉ vào cuộc mà còn ban hành cơ chế, chính sách, các chương trình kế hoạch liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp để triển khai thành công việc phân loại rác tại nguồn cũng như xử lý rác thải sau phân loại.

Chữ C thứ ba viết tắt cho cụm từ: Cộng đồng. Thực tế cho thấy dù chính quyền có vào cuộc, ban hành nhiều cơ chế chính sách, chương trình kế hoạch về phân loại rác nhưng cộng đồng không tham gia hay thờ ơ thì cũng thất bại. Nhờ có cộng đồng tham gia thì các mô hình phân loại rác tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…nói trên mới thành công.

Chữ C thứ tư viết tắt cho cụm từ: Công nghệ. Công nghệ là khâu quan trọng trong việc xử lý rác thải sau phân loại. Công nghệ càng hiện đại càng ảnh hưởng tích cực tới việc phân loại, xử lý rác thải.

Bài học thành công trong việc xây dựng các mô hình phân loại rác ở các nước trên thế giới nói trên là kinh nghiệm quý để các đơn vị rút kinh nghiệm và học tập khi triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Cần xây dựng hệ thống cơ chế chính sách đầy đủ

Theo các chuyên gia, hiện nay do rác không được phân loại từ nguồn cho nên có đến 80% lượng rác thuộc loại rác hữu cơ, rác tái chế và các loại rác khác trộn lẫn được xử lý theo hình thức chôn lấp gây ô nhiễm môi trường và gây bức xúc đối với người dân sinh sống quanh khu vực chôn lấp.

Hơn mười năm, các mô hình, dự án, chương trình phân loại rác ở các địa phương chỉ như những đốm lửa nhỏ, mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa. Các chuyên gia cho rằng việc phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam hiện nay chưa được chú trọng trên quy mô toàn quốc cũng tương tự như Hàn Quốc, Nhật Bản trước đây hằng chục năm. Dự án 3R-HN về phân loại chất thải tại nguồn được Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ áp dụng thử nghiệm tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã có những kết quả tích cực trong giai đoạn 2006 - 2010. Tuy nhiên, sau đó lại chưa phát huy được hiệu quả và "lặn mất tăm”. Nguyên nhân là các đơn vị thực hiện không tự tồn tại được sau khi hết "bình sữa” của dự án. Chưa xây dựng được quy trình, công nghệ xử lý rác thải. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và rác hữu cơ, trong đó một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh. Tuy nhiên, đầu ra cho phân bón vi sinh thiếu ổn định, sản phẩm rất khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm, càng sản xuất càng lỗ. Nhiều nơi rác được phân loại tại nguồn nhưng sau đó lại đem đổ chung vào xe gom rác mang đi chôn... Bài học rút ra từ các mô hình, dự án phân loại rác tại nguồn thất bại đó là cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo thành phố, các cơ quan quản lý chuyên môn của Nhà nước, doanh nghiệp để từ đó thu hút được sự tham gia của người dân - những chủ thể và cũng là mục tiêu hướng tới của hệ thống thực hiện phân loại rác tại nguồn; sự tham gia có bài bản, đủ các điều kiện bảo vệ môi trường của các đơn vị tái chế; sự vào cuộc hiệu quả của các đơn vị truyền thông tại cơ sở cũng như các cơ quan truyền thông đại chúng của trung ương và địa phương. Trên hết là xây dựng hệ thống cơ chế chính sách đầy đủ và có tính khả thi cao trên phạm vi cả nước.

Cơ hội đã đến cho việc tập hợp các đốm lửa nhỏ thành bó đuốc lớn đó là Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) năm 2020 đã đưa ra những quy định mang tính đột phá, đề ra lộ trình và huy động các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội triển khai.

Nhằm khắc phục tình trạng rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý, Luật BVMT 2020 đã quy định: Từ 1/1/2025, phân loại CTRSH là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) sẽ phải phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác.

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị CTRSH sau khi phân loại phải chứa, đựng vào các bao bì để chuyển giao như: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm và CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt… Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, sẽ thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao CTRSH cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Phân loại chất thải tại nguồn chính là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để bảo vệ môi trường. Thời gian tới để thực hiện thành công, hiệu quả những điều khoản đột phá về phân loại rác tại nguồn của Luật BVMT 2020 thì các cấp, các ngành cần có những biện pháp quyết liệt để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; đảm bảo các trang thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đồng bộ và đáp ứng yêu cầu BVMT.

Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, tác động về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn và nguy cơ xảy ra nếu không phân loại để người dân hiểu cũng như thực hiện. Cần tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại đối tượng để có cách triển khai, lộ trình thực hiện phù hợp; vận động và đầu tư trang thiết bị, kinh phí, nhân sự cho việc phân loại rác tại nguồn trong giai đoạn đầu thực hiện và duy trì thường xuyên, liên tục.

Hà Thu/Môi trường & Cuộc sống

Tags Phân loại rác tại nguồn mô hình phân loại rác bài học quản lý chất thải rắn

Các tin khác

Với nỗ lực từ nhiều bên, thị trường công trình xanh đã bước đầu ghi nhận những bước tiến lớn trong việc chuyển dịch dòng vốn hướng đến các công trình xanh.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 (APGN-8) được tổ chức trong bối cảnh cơn bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng cho Cao Bằng và hàng loạt địa phương trên cả nước cùng nhiều quốc gia lân cận, tuy nhiên, hàng trăm đại biểu vẫn tới tham dự và chia sẻ tại 6 phiên hội thảo chuyên đề về một số giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

9 yếu tố ảnh hưởng đến giá đất vừa được Hà Nội quy định rõ, trong đó có điều kiện về cấp thoát nước, cấp điện và điều kiện về giao thông.

Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 93/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục