Làm sao để sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/4/2024 | 4:23:04 PM

QLMT - Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với một thách thức xâm nhập mặn nghiêm trọng trong mùa khô 2023-2024. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, sự phát triển bền vững của nguồn tài nguyên thiên nhiên và để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho cả vùng.

Tại hội thảo "Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức ngày 27/3 vừa qua, do Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp Báo Tiền Phong tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định và giải pháp để đối phó với tình hình cấp bách trên.


Ảnh minh hoạ. ITN

Hạn, mặn ngày càng khốc liệt

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 23 đến 28/3, các tỉnh ĐBSCL tiếp tục gánh chịu một đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng. Có nghĩa là tại thời điểm tổ chức Hội thảo, người dân ĐBSCL đang trải qua những ngày hạn mặn, thiếu nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt. Theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Từ nửa cuối tháng 11/2023, mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các sông theo đỉnh triều trong ngày. Từ tháng 12 đến nay, nhiều đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng tiếp tục xảy ra, trong đó đỉnh điểm là tháng 3.

Đợt xâm nhập mặn xuất hiện từ ngày 8 đến 13/3 với ranh mặn 4‰ lấn sâu vào các dòng sông từ 40-66km, có nơi sâu hơn. Tính đến hiện nay, theo cơ quan chức năng, xâm nhập mặn ở Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ so với năm 2016, riêng tại Bến Tre có nơi thậm chí còn sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016 - năm mà chúng ta biết là hạn mặn kỷ lục đã xảy ra ở ĐBSCL.

PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: "Tính từ cuối năm 2015 đến nay, cả 13 địa phương thuộc ĐBSCL đều đã bị nhiễm mặn, trong đó đã có 11/13 tỉnh thành công bố tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Mặc dù đã có một số giải pháp được áp dụng để kiểm soát xâm nhập mặn ở địa phương như: xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để dẫn nước, trữ nước, ngăn mặn và hệ thống đê biển cho toàn bộ các khu vực ven biển ở ĐBSCL, tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra với cường độ và tính phức tạp ngày càng tăng cao và khó lường. 

Cấp bách thực hiện các biện pháp ứng phó

Trước tình hình trên, PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung khuyến nghị, việc nâng cao nhận thức, thiết kế và triển khai chương trình hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề ứng phó với tình trạng hạn mặn cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đang rất cấp bách. Bên cạnh các biện pháp chung ở cấp vùng, mỗi địa phương trong khu vực cần thực hiện những biện pháp riêng phù hợp với điều kiện của mình. 

PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Điệp - Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, để hạn chế những thiệt hại do hạn, mặn, chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thích ứng với hạn mặn. Đó là hướng dẫn người dân trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trong gia đình; Hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho người dân canh tác phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng sinh thái; Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, vật nuôi, cây trồng phù hợp với từng vùng, nghiên cứu, lai tạo giống cây mới chịu hạn, chịu mặn mang lại giá trị kinh tế cao; Tăng cường quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo mặn; Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi linh hoạt, đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, trữ ngọt vừa thực hiện nhiệm vụ tiêu thoát nguồn nước bị ô nhiễm…

Theo PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ): Để phát triển bền vững ĐBSCL, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP. Đây có thể xem là định hướng "thuận thiên” cho phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Về giải pháp thích ứng, trước tiên, cần đảm bảo nước sạch cho con người bằng cách hoàn thiện hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, đáp ứng nhu cầu nước sạch tối thiểu hằng ngày. Đối với sản xuất nông nghiệp, cần chuyển đổi để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của hạn, mặn. Từng hộ nông dân phải có giải pháp trữ nước ngọt, tưới tiết kiệm, khoa học, tránh lãng phí nguồn nước; đảm bảo hệ thống kênh mương có khả năng trữ ngọt nhằm cung cấp nước tưới cho cây trồng, vật nuôi vào mùa khô. Hệ thống công trình thủy lợi (ngăn mặn) cần hoàn chỉnh, phát huy hiệu quả trong ngăn mặn, giữ ngọt. Đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch vùng trồng, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt vùng rủi ro do hạn, mặn.

Các hệ thống quan trắc, cảnh báo cần đưa ra được dự báo sớm, thông báo rộng rãi tới người dân, địa phương một cách hiệu quả và hữu dụng, đặc biệt vùng dễ bị tổn thương do hạn hán, xâm nhập mặn. Trong tương lai, vùng ĐBSCL cần hoàn thiện, đảm bảo hệ thống dữ liệu về biến động tài nguyên nước được cập nhật, chia sẻ kịp thời, hiệu quả, rộng rãi.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa các cấp quản lý với các nhà khoa học, đảm bảo những vấn đề trên được nghiên cứu, giải quyết một cách khoa học, vững chắc, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân vùng ĐBSCL.

BẢO NGỌC

Tags hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long xâm nhập mặn

Các tin khác

Với nỗ lực từ nhiều bên, thị trường công trình xanh đã bước đầu ghi nhận những bước tiến lớn trong việc chuyển dịch dòng vốn hướng đến các công trình xanh.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 (APGN-8) được tổ chức trong bối cảnh cơn bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng cho Cao Bằng và hàng loạt địa phương trên cả nước cùng nhiều quốc gia lân cận, tuy nhiên, hàng trăm đại biểu vẫn tới tham dự và chia sẻ tại 6 phiên hội thảo chuyên đề về một số giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

9 yếu tố ảnh hưởng đến giá đất vừa được Hà Nội quy định rõ, trong đó có điều kiện về cấp thoát nước, cấp điện và điều kiện về giao thông.

Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 93/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục