Theo đó, TPHCM đặt chỉ tiêu tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 là 100%. Tuy nhiên, UBND TPHCM cho biết, các dự án đốt rác phát điện trên địa bàn còn gặp vướng mắc do liên quan đến thủ tục bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia.
Nâng cấp mô hình quản lý
TPHCM đang phải xử lý hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, gây áp lực lớn cho cơ quan quản lý Nhà nước cùng đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Việc chuyển đổi số trong thu gom rác thải là xu hướng tất yếu để tiết kiệm nhân lực, chi phí cũng như giảm tác hại đến sức khỏe con người, đồng thời nâng cấp mô hình quản lý rác thải thông minh của thành phố.
Với những hệ lụy từ việc chôn lấp rác gây ra như ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm đất, mùi hôi phát tán, nước rỉ rác chảy ra môi trường..., TPHCM đã lập đề án quy hoạch xử lý rác đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, khoảng 80% rác trên địa bàn thành phố (TP) được xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện hoặc tái chế. Sau đó, giảm dần và tiến tới không còn chôn lấp. Riêng rác của huyện Cần Giờ định hướng nghiên cứu, vận chuyển về xử lý tại Khu công nghệ Môi trường xanh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).
Theo đó, từ lúc lập đồ án đến năm 2025, rác được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh), Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi), Khu công nghệ Môi trường xanh. Giai đoạn 2025 - 2050, rác được chuyển về xử lý hoàn toàn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc và Khu công nghệ Môi trường xanh. Các bãi chôn lấp cũ như Gò Cát, Đông Thạnh được định hướng cải tạo phục vụ công cộng, xây dựng các mảng xanh cho TP.
Trên địa bàn TP có 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt sang đốt phát điện đang triển khai. Trong đó, UBND TPHCM đã cấp quyết định chủ trương đầu tư đối với 2 dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty cổ phần Vietstar (2.000 tấn/ngày) và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày). Ba đơn vị còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ, gồm: Công ty cổ phần Tasco (500 tấn/ngày), Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày), Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP (1.000 tấn/ngày).
Rác thải được xử lý trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc
Hiện tổng khối lượng rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP được thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý chất thải đang hoạt động trong các khu liên hợp xử lý chất thải rắn. Khối lượng rác sinh hoạt trên địa bàn có xu hướng tăng hằng năm với tỷ lệ gia tăng bình quân khoảng 5%/năm. UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở TN&MT điều phối rác sinh hoạt về các cơ sở xử lý trên nguyên tắc bảo đảm giao đủ khối lượng rác sinh hoạt theo hợp đồng với các nhà máy, khối lượng còn lại được điều phối về bãi chôn lấp hợp vệ sinh để xử lý.
Nhằm bảo đảm công tác thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn, hiệu quả khối lượng rác sinh hoạt phát sinh, UBND TPHCM đã có công văn giao Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc TP theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đến nay, Sở KH&ĐT đang thực hiện các thủ tục để báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án.
Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư dự án, công bố dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, TP sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở KH&ĐT đang phối hợp cùng các sở, ngành liên quan xây dựng quy trình chung gồm các bước để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức PPP làm cơ sở triển khai thực hiện.
Thu gom rác tại TPHCM
Cần "gỡ" vướng pháp lý
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện mỗi ngày TP phát sinh bình quân khoảng 9.700 tấn rác sinh hoạt, tỷ lệ tăng khối lượng hằng năm khoảng 6 - 10%, chưa kể lượng lớn rác "xả chui" ra môi trường dưới nhiều hình thức. Trong khi việc phải thu gom khối lượng rác thải lớn, kèm theo lượng rác gia tăng thường xuyên khiến công tác xử lý rác thải trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Bởi, khối lượng rác thải sinh hoạt đa phần được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh (chiếm 60%), phần còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế.
Mới đây, UBND TPHCM vừa có công văn khẩn gửi Cục Kiểm soát môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về kết quả triển khai công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Địa phương đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề vệ sinh môi trường thời gian qua. Hiện tại, công nghệ xử lý chất thải rắn của thành phố chủ yếu vẫn là chôn lấp, dẫn đến một số tồn tại phát sinh như mùi hôi và nước rỉ rác. Các nhà máy tái chế, xử lý chưa đạt chỉ tiêu công nghệ xử lý.
Mặt khác, các nhà máy tái chế, xử lý chưa đạt về chỉ tiêu công nghệ (tỷ lệ xử lý bằng công nghệ đốt, sản xuất compost 28%, còn lại là chôn lấp). Hoạt động của các nhà máy làm phân compost còn gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ không ổn định. Việc chuyển đổi công nghệ của các nhà máy xử lý hiện hữu còn chậm. Đối với các dự án chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện, dự án của Công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa còn gặp vướng mắc liên quan đến thủ tục bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia.
UBND TPHCM nêu rõ, Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 (quy hoạch điện VIII) chỉ vừa được phê duyệt hồi tháng 5/2023. Mặc dù UBND TPHCM đã có các tờ trình, văn bản gửi các bộ đề nghị hỗ trợ thủ tục dự án, nhưng các dự án nêu trên chỉ đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế cơ sở sau khi hoàn thành đầy đủ thủ tục liên quan đến pháp lý về quy hoạch nguồn điện.
Qua ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, chỉ dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa có thể hoàn thành vào giai đoạn cuối năm 2025. Điều kiện là các công ty này cần nỗ lực hoàn thiện toàn bộ thủ tục pháp lý dự án và triển khai xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị trong thời gian rút ngắn từ 18 đến 24 tháng. Dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác của các đơn vị còn lại đang thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Do đó, quá trình thực hiện thủ tục pháp lý dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn của các đơn vị này có thể kéo dài do một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục pháp lý.
Bên cạnh đó, TPHCM nêu tình trạng một số trạm trung chuyển rác trên địa bàn chưa đăng ký hồ sơ môi trường, tình trạng xuống cấp của cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải, khí thải, mùi hôi, ùn ứ rác thải. Những tồn tại này làm phát sinh vấn đề ô nhiễm môi trường cho khu vực xung quanh. Ngoài ra, việc ban hành giá dịch vụ thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn của quận, huyện triển khai còn chậm do việc phát sinh cơ cấu đơn giá. Sự chưa đồng bộ này dẫn đến việc người dân không đồng thuận trong việc chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
TPHCM chưa có nhà máy xử lý rác xây dựng, trong khi lượng rác xây dựng mỗi ngày tại TPHCM chiếm khoảng 20% rác thải sinh hoạt. Với rác thải xây dựng khoảng 1.800 tấn mỗi ngày, nhưng trong số này chỉ một phần nhỏ được thu gom, xử lý. Phần còn lại vẫn được người dân "tự xử" bằng cách bán cho nơi cần san lấp, thuê người đi bỏ...