Nhiều thách thức đối với nguồn nước sông Mê Công
Nguồn nước sông Mê Công có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế -xã hội của các quốc gia ven sông, trong đó tập trung vào các lĩnh vực phát triển thủy điện, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, giao thông thủy, du lịch, cấp nước sinh hoạt...
Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL của Việt Nam thuộc Châu thổ sông Mê Công với gần 95% dòng chảy đến từ nước ngoài, do đó nguồn tài nguyên nước vùng ĐBSCL được coi là dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm trước các biến động từ thượng lưu.
Hiện nay, các nước đang có nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khiến việc khai thác, sử dụng nguồn nước cũng chịu tác động nặng nề, một số nơi đang phải chịu tác động quá mức.
Chúng ta cũng đã chứng kiến sự phát triển của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, tác động trực tiếp tới nguồn nước, sự di chuyển của phù sa, các nguồn thủy, hải sản trong khu vực...
Dẫn chứng là các chuyên gia dự báo đến năm 2040, lượng phù sa của vùng ĐBSCL sẽ giảm hơn 9 lần so với hiện nay và gần 30 lần so với cách đây 15 năm.
Thiết lập mạng lưới quan trắc tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công giúp quản lý tài nguyên nước bền vững.
Mặt khác, mối nguy hại này còn bị cộng hưởng bởi tác động rất tiêu cực của biến đổi khí hậu, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ lụt, hạn hán, tình trạng nước biển dâng gây ra xâm nhập mặn, ảnh hưởng xấu đến ĐBSCL và an ninh nguồn nước, an ninh lương thực trong khu vực.
Tăng cường quan trắc, giám sát tài nguyên nước sông Mê Công
Vì vậy, thời gian qua, bên cạnh việc quan trắc, giám sát tài nguyên nước, đặc biệt là nguồn nước xuyên biên giới do Ủy hội sông Mê Công quốc tế thực hiện, Việt Nam cũng đã có rất nhiều hoạt động để tăng cường mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước của sông Mê Công nhằm thực hiện hiệu quả Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công; kịp thời theo dõi, giám sát các biến động của nguồn nước nhằm thực hiện các giải pháp ứng phó, giảm thiểu đối với các tác động của phát triển thượng nguồn đến Việt Nam.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và vận hành 10 trạm quan trắc tài nguyên nước xuyên biên giới tự động tại ĐBSCL (trạm Châu Đốc, Sở Thượng, Long Khốt, Sông Tiền, Sông Hậu, Vàm Cỏ Đông) và Tây Nguyên (gồm các trạm YaHleo và IaĐrăng nằm sát biên giới Việt Nam và Campuchia; trạm ĐắkPlô nằm sát biên giới Việt Nam - Lào) để theo dõi diễn biến tài nguyên nước (quan trắc số lượng nước và chất lượng nước) xuyên biên giới.
Cùng với đó, từ năm 2005, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tiến hành đo đạc hàng năm tại các trạm Tân Châu, Châu Đốc và Vĩnh Tế để theo dõi biến động dòng chảy mùa kiệt hàng năm từ Campuchia vào Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện tại, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thường xuyên theo dõi diễn biến tài nguyên nước sông Mê Kông thông qua các mạng quan trắc tự dộng. Các số liệu quan trắc đã hỗ trợ Ủy hội, Ủy ban và các cơ quan liên quan trong các hoạt động dự báo, cảnh báo diễn biến tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công; cung cấp được những thông tin kịp thời cho các cơ quan quản lý trong nước cũng như các cơ sở khoa học cho ra quyết định trong quá trình đàm phán, bảo vệ lợi ích quốc gia trước những ảnh hưởng do hoạt động phát triển của các quốc gia thượng nguồn; thực hiện các thủ tục, hướng dẫn kỹ thuật liên quan của Ủy hội sông Mê Công quốc tế như: Giám sát sử dụng nước, duy trì dòng chảy trên dòng chính, chất lượng nước cũng như phục vụ công tác lập quy hoạch, cảnh báo, dự báo tài nguyên nước và các hoạt động liên quan khác.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thúc đẩy Ủy hội sông Mê Công quốc tế tăng cường mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công, đặc biệt là mạng giám sát tác động thực tế của các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công. Đây sẽ là nguồn cơ sở dữ liệu quan trọng để Việt Nam giám sát vận hành các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Kông, qua đó, có thể yêu cầu chủ đầu tư các công trình này thực hiện nghiêm túc các cam kết, thỏa thuận giảm thiểu tác động của các công trình trên dòng chính đến chế độ dòng chảy, phù sa bùn cát, thủy sản, hệ sinh thái.
Trong cơ chế hợp tác Mê Công - Lan Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chia sẻ kịp thời các thông tin số liệu liên quan với các quốc gia phía hạ du, hình thành cơ chế chia sẻ thông tin số liệu khí tượng thủy văn quanh năm tại một số trạm quan trọng trên lưu vực sông Lan Thương, chia sẻ số liệu vận hành bất thường của đập thuỷ điện để các quốc gia hạ nguồn chủ động điều chỉnh các kế hoạch khai thác sử dụng nước phù hợp, dự báo dòng chảy phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động dân sinh.
Với những hiệu quả do các mạng quan trắc tài nguyên nước xuyên biên giới đem lại, thời gian tới đây, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với Ủy hội sông Mê Công quốc tế để nâng cấp mạng quan trắc tài nguyên nước và môi trường lưu vực sông Mê Kông thông qua hoạt động: tăng cường, nâng cấp mạng quan trắc tài nguyên nước và môi trường; lập chương trình giám sát môi trường chung cho các dự án thủy điện dòng chính Mê Công; thúc đẩy Ủy hội mở rộng và nâng cấp mạng quan trắc khí tượng thủy văn, nâng cấp cơ sở dữ liệu, đưa các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo vào dự báo lũ hạn, nghiên cứu xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin trong các trường hợp khẩn cấp như xả lũ, vỡ đập...
Các hoạt động này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho không chỉ các công việc của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam mà còn cả các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và phục vụ các cộng đồng, các tổ chức, cá nhân và các bên liên quan.
Theo Báo TN&MT