Đây là một trong những quan điểm chính của tọa đàm với chủ đề Phế liệu nhựa nhập khẩu do Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Sự kiện đã mở ra cuộc thảo luận sâu rộng về cách tiếp cận thông minh và bền vững trong việc nhập khẩu và tái chế phế liệu nhựa, đồng thời tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với quá trình nhập khẩu này.
Tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia đến từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam,Hội Nhựa tái sinh Việt Nam... Ảnh: Thạch Thảo
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp tái chế nhựa
Theo báo cáo tại tọa đàm, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến chính cho việc nhập khẩu rác thải nhựa từ các quốc gia phát triển. Trong giai đoạn từ năm 2019 - 2022, nước ta đã nhập khẩu hơn 4 triệu tấn các loại phế liệu nhựa.
Các chuyên gia cho biết, sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu rác thải nhựa đã gây ra nhiều hậu quả xấu, bao gồm tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái nơi chúng được xử lý.
Theo Tiến sĩ Quách Thị Xuân - Trưởng đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tại Việt Nam, việc tái chế giúp nhựa được lưu thông nhiều hơn trong nền kinh tế, nhưng mặt khác, quá trình tái chế cũng tiêu tốn năng lượng và phát thải nhiều loại khí gây hiệu ứng nhà kính.
"Thông thường, chỉ 60% phế liệu nhựa nhập về có thể được tái chế, 40% còn lại bị thải ra ngoài môi trường, tạo nên các "núi” rác nhựa khổng lồ quanh các làng nghề. Trung bình tái chế một tấn nhựa sẽ phát thải 4,4 tấn eCO2, và có khoảng 25% loại hóa chất sử dụng trong sản xuất nhựa là hóa chất độc hại”, Tiến sĩ Xuân cho biết.
Những "núi” phế liệu nhựa khổng lồ bên trong một ngôi làng tái chế rác thải ở Hà Nội. Nguồn ảnh: Dân trí
Để đối phó với thực trạng trên, nhiều chuyên gia tại tọa đàm đã kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, nhằm đảm bảo rằng việc nhập khẩu phế liệu nhựa sẽ được giảm dần và được thay thế bởi phế liệu nhựa trong nước.
Tuy nhiên, không phải tất cả các quan điểm đều phản đối việc nhập khẩu phế liệu nhựa. Một số ý kiến chỉ ra rằng, việc này giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa trên toàn cầu, đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu tái chế quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất. Do đó, cần có một giải pháp tiếp cận thông minh và bền vững hơn trong nhập khẩu và tái chế phế liệu nhựa.
Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Hội Nhựa tái sinh Việt Nam, khuyến cáo các doanh nghiệp nhựa cần tiếp cận với nền kinh tế tuần hoàn đang được xem là mô hình ưu việt khi tối đa hóa được vòng đời của sản phẩm, tạo ra những nguồn nguyên liệu mới từ phế liệu nhựa để vừa đạt được lợi ích về kinh tế, vừa tạo ra các giá trị mới bền vững cho xã hội và môi trường.
Chủ tịch Hội Nhựa tái sinh Việt Nam cũng đề cập tới mối quan hệ mật thiết giữa mô hình kinh tế tuần hoàn với EPR (Extended producer responsibility - Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) - một cách tiếp cận dưới góc độ chính sách bảo vệ môi trường, mà theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng tới cả giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó.
Kinh tế tuần hoàn - mô hình ưu việt tối đa hóa được vòng đời của sản phẩm. Ảnh minh họa: Website Bộ Công thương Việt Nam
Theo đánh giá của các chuyên gia, EPR chính là "chìa khoá” mở ra cánh cửa phát triển cho ngành công nghiệp tái chế, đồng thời, tạo ra sự chủ động cho các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có quyền tự thu gom tái chế, thuê thu gom tái chế, hoặc ủy quyền cho đơn vị trung gian tái chế. Dòng tiền EPR cũng giúp doanh nghiệp tái chế đảm bảo về môi trường, giúp chuyển đổi tái chế giản đơn sang tái chế tiên tiến.
Khi các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, chính họ sẽ phải bắt tay với hệ thống thu gom phế liệu, tái chế, đồng nghĩa với việc hệ thống này được quan tâm, đặt vào vị trí cao hơn trong nền kinh tế. "Đây chính là động lực thúc đẩy làng nghề hình thành các doanh nghiệp tái chế đảm bảo môi trường, tạo ra thị trường thu gom phế liệu triệt để hơn, số lượng lớn hơn”, ông Vượng nói.
Đồng thời, theo chuyên gia này, khi thực thi chính sách, mỗi làng nghề tái chế sẽ dịch chuyển thành hai xu hướng, một số hộ tái chế lớn sẽ kết hợp để thành lập doanh nghiệp tái chế và di chuyển vào các khu công nghiệp, thực hiện tái chế đảm bảo về môi trường để được nhận kinh phí hỗ trợ, phần còn lại sẽ làm công việc thu gom, phân loại để cung cấp cho doanh nghiệp tái chế. Như vậy, việc tái chế tại các làng nghề sẽ giảm mạnh, bài toán ô nhiễm tại các làng nghề sẽ được giải quyết.
Để thúc đẩy việc thực hiện kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiệp tái chế nhựa, Chủ tịch Hội Nhựa tái sinh Việt Nam nêu đề xuất, rằng Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, ông kiến nghị Chính phủ cần xây dựng Luật Kinh tế tuần hoàn đối với rác thải nhựa.
EPR được cho là "chìa khoá” mở ra cánh cửa phát triển cho ngành công nghiệp tái chế. Ảnh minh họa: Báo điện tử Tổ quốc
Giảm thiểu "gánh nặng” rác thải nguồn
Về phía Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ông Nguyễn Thành Lam - đại diện đơn vị này, cho biết hiện các cơ quan chức năng đã thắt chặt quản lý phế liệu nhựa nhập khẩu so với trước kia rất nhiều.
Ông Nguyễn Thành Lam cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, quản lý chặt chẽ phế liệu nhập khẩu. Phải tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra để đảm bảo dòng phế liệu đi đúng đến các đơn vị được phép tái chế, đủ năng lực tái chế.
"Đồng thời, phải đẩy mạnh nghiên cứu đổi mới chuyển giao công nghệ tái chế, xử lý chất thải, phế liệu nhựa ngay tại nguồn để đảm bảo hiệu quả, an toàn. Cùng với đó, thu hút được nguồn lực đầu tư, hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để quản lý chất thải nhựa tốt hơn”, ông Lam nói.
Ông Hoàng Đức Vượng cũng cho rằng, cần có giải pháp để thay đổi được ý thức người dân ngay từ việc phân loại rác thải nguồn.
"Nếu không phân loại rác tại nguồn thì không bao giờ quản lý được rác thải, từ đó không thể thu gom và tái chế rác thải được. Và chúng tôi đang mơ ước sẽ thực hiện được điều này. Những người làm tái chế thừa hiểu việc phân loại rác sẽ trút bỏ được gánh nặng như thế nào”, ông Vượng chia sẻ.
------------------------
Trong khuôn khổ Tọa đàm, Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam đã công chiếu phim tài liệu Hướng đi của phế liệu nhựa nhập khẩu do đạo diễn - NSƯT Nguyễn Tài Văn thực hiện.
Theo tác giả, bộ phim này đã phản ánh một "đường đi” vô cùng nhức nhối đối với rác thải nhựa nhập khẩu vào Việt Nam, từ những chuyến nhập khẩu phế liệu ở các nước "đổ” vào Việt Nam và len lỏi vào các công đoạn sản xuất đồ dùng tái chế cho người dân sử dụng, lại đến với những bãi rác, tiếp tục trở thành rác thải nhựa. "Đường đi” này là một vòng tròn khép kín, gây nên bao hậu quả đối với môi trường, sức khoẻ của con người.
Theo Thạch Thảo/Người đô thị