GS. TS Nguyễn Xuân Hùng phát biểu tại cuộc họp đầu tiên về liêm chính ở Việt Nam, bên phải là PGS. TS Nguyễn Tài Đông (Viện Triết học).
Theo tôi, có một số biểu hiện nghi vấn về tình trạng vi phạm liêm chính khoa học:
– Bài báo nhiều tác giả, có khi tới hàng chục người, thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, khác chuyên môn bài báo.
– Năng lực chuyên môn không được cộng đồng công nhận, nhưng công bố rất nhiều bài đa lĩnh vực (tới hàng trăm bài/năm, ở các cơ sở có thưởng mạnh), tác giả những bài khác chuyên môn của mình.
– Bài có nhiều đồng tác giả từ Trung Đông và Đông Nam Á – những nơi hầu như không có cộng tác nghiên cứu trực tiếp với Việt Nam.
– Các bài báo được mua bán không chỉ tập trung vào các tạp chí "ăn thịt”, "open” ascess, mà cả nhiều tạp chí đại chúng có hệ số IF và H cao, nhưng công bố tới hàng ngàn bài báo/năm trở lên. Những tạp chí truyền thống nổi tiếng nhất của ngành Cơ học chỉ công bố một vài trăm bài báo/năm đang bị lép vế dần về IF và H so với các tạp chí đại chúng nói trên, nhưng hầu như không có hiện tượng mua bán, ví khó đăng và mua bán không hiệu quả.
– Các chủ trì đề tài ứng dụng các cấp thường lôi kéo một số người có công bố quốc tế không có liên quan gì tới chuyên môn của đề tài, đưa lý lịch tham gia, để "thắng thầu”. Xin ghé tên vào bài báo của những người khác, thậm chí khác chuyên môn, để nghiệm thu đề tài, và xin chức danh.
Để hạn chế vi phạm liêm chính khoa học, cần minh bạch các thông tin giúp cho giám sát rộng rãi của cộng đồng. Các nhà khoa học khi xin đề tài, chức danh cần công khai số Orcid của mình, và khai đủ. Khi có yêu cầu phải giải trình trước các hội đồng về các công bố của mình. Các đề tài kể từ Nafosted khi nghiêm thu cần công bố công khai danh sách các bài báo của chủ trì, Lý lịch KH các hội đồng ngành cần công khai, ít nhất cho cộng đồng các chủ trì đề tài, ít nhất là cho số Orcid – nếu cộng đồng có thắc mắc, cần có giải trình…
GS. TS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)
Ngành nghiên cứu nghèo nhất nhưng lại bị đòi hỏi liêm chính cao nhất. Vì sao lại như vậy? Tại vì ngành của chúng ta không có quyền lực và tiền bạc nhưng chúng ta theo đuổi một thứ là tri thức, trí tuệ và chân lý. Nếu chúng ta không bảo vệ được cái này thì khoa học không còn là khoa học nữa…
Tùy từng quốc gia mà xây dựng một bộ tiêu chí, một quy định chung. Ở Trung Quốc, toàn bộ lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ được giao cho Bộ Khoa học phụ trách chính còn toàn bộ lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn giao cho Viện Hàn lâm Khoa học. Hai nơi này thực hiện chỉ đạo đồng thời văn bản của Quốc vụ viện và Văn phòng Trung ương Đảng để thực hiện liêm chính trong suốt cả quá trình. Ở Việt Nam, nếu có mũ chung như vậy thì mỗi một đơn vị, một cơ sở, một viện, một tạp chí mới có thể xây dựng riêng được một cái bộ quy tắc liêm chính, đạo đức riêng của mình.
Nếu coi liêm chính như một hình thái ý thức thì phải dựa trên một bối cảnh kinh tế xã hội nhất định, văn hóa nhất định. Với Việt Nam, chúng ta cần có quy định phù hợp với thông lệ thế giới, những gì bắt buộc làm là chúng ta bắt buộc phải làm nhưng rõ ràng có những vấn đề chúng ta cần phải nghiên cứu và tính toán thêm để tránh tình trạng đấu tố các nhà khoa học, mang danh bảo vệ liêm chính, biến một công việc liêm chính thành công cụ mạt sát các nhà giáo, nhà khoa học vốn là những người nghèo nhất, có liêm sỉ nhất và cũng có liêm chính nhất.
PGS. TS Nguyễn Tài Đông(Viện Triết học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)
Tại sao nhà khoa học của chúng ta vi phạm liêm chính? Vì hoàn cảnh nó tạo ra cái chuyện ấy. Bây giờ phải thay đổi hoàn cảnh trong khoa học, phải xây dựng một nền khoa học minh bạch để không phải gian dối, không muốn gian dối, không dám gian dối và không thể gian dối.
Trong cộng đồng toán học có những người phớt lờ, họ bán bài một cách "vô tư”. Với những người ấy chúng ta "thua rồi”, nhưng đừng để những người khác, những người trẻ đi theo con đường ấy.
GS. TS. Phùng Hồ Hải (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)
Việc dựa vào tiêu chí tạp chí để đánh giá sản phẩm bài báo chỉ mang tính chất tương đối. Vấn đề chính vẫn là con người, các nhà khoa học và những người ở trong các hội đồng. Phải dựa vào bản thân họ, năng lực của họ, liêm chính và đạo đức của họ để xem xét sản phẩm đó có thực sự liêm chính hay không, chứ không phải dựa trên việc bài báo này được xuất bản trên tạp chí có xếp hạng cao hay tạp chí này của nhà xuất bản uy tín.
Vậy tôi nghĩ là chúng ta cần thắt chặt tiêu chuẩn đánh giá thế nào là bài tốt, tạp chí quốc tế uy tín. Vậy chúng ta cần thắt chặt lại tạp chí quốc tế uy tín là tạp chí thuộc danh mục AHCI và không có dấu hiệu của các tạp chí kém chất lượng 1) tạp chí của các nhà xuất bản kém chất lượng, tạp chí khoa học giả mạo; 2) tạp chí có thời gian chấp nhận đăng bài nhanh, dưới sáu tháng và yêu cầu đóng phí đăng bài (điều này phân biệt với phí đóng cho open access – truy cập mở); 3) xem xét thành viên ban biên tập tạp chí có lý lịch khoa học rõ ràng hay không.
Việc chúng ta lựa chọn tiêu chí dựa vào hội đồng để đánh giá thì chúng ta cũng cần nâng cao năng lực của thành viên hội đồng đánh giá.
PGS. TS Phạm Phương Chi (Viện Văn học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)
Cần có sự chia sẻ, nhìn nhận đặt vấn đề liêm chính trong bối cảnh chung của Việt Nam thì việc xây dựng văn hóa liêm chính sẽ tốt hơn, dù đó là một thiết chế – cái khung hay nền tảng pháp luật – nhưng gắn với nền tảng văn hóa thì sẽ hoàn thiện hơn rất nhiều.
GS. TS Hoàng Anh Tuấn (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN)
Các cơ sở giáo dục đại học cần phải có quy định về liêm chính học thuật, cần nêu rõ về ngưỡng đạo văn (% trùng lặp giới hạn) trong các báo cáo và công bố theo đặc thù lĩnh vực phù hợp. Riêng Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng quy định về liêm chính học thuật với 18 điều, 6 chương.
Cần thiết sử dụng các công cụ kiểm tra đạo văn đảm bảo khách quan trong các sản phẩm khoa học, đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học, có thể sử dụng công cụ Turnitin. ĐH Bách khoa Hà Nội đã và đang xây dựng phần mềm kiểm tra trùng lặp bằng tiếng Việt.
Có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về liêm chính học thuật cho cán bộ, người học, phòng ngừa vi phạm.
Xây dựng chế tài xử lý các vi phạm về liêm chính học thuật.
Ngoài ra tôi cho rằng, cần có sự phối hợp, kết nối các cơ quan quản lý nhà nước với quan điểm thống nhất và xây dựng chính sách thực hiện liêm chính học thuật tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo. Cơ quan quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học và đào tạo có thể dùng chung cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm soát đạo văn; Thống nhất về các công cụ kiểm soát đạo văn; các đơn vị trong nghiên cứu và đào tạo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học và đào tạo chia sẻ, phối hợp tuyên truyền nhận thức cho cán bộ và người học.
PGS. TS Trương Việt Anh (ĐH Bách khoa HN)
Đến ngày 15/12/2022, Quỹ đã ban hành một quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ về liêm chính nghiên cứu. Quy định này về căn bản là dựa trên Tuyên bố Singapore về liêm chính nghiên cứu tại hội nghị về liêm chính nghiên cứu lần thứ hai tổ chức tại Singapore. Chúng tôi cũng bám theo tuyên bố này và đưa ra những quy định mang tính nguyên tắc với ba nguyên tắc là trung thực trong mọi khía cạnh của nghiên cứu, trách nhiệm giải trình, chuyên nghiệp trong đánh giá khoa học và quản lý tốt nguồn lực triển khai nghiên cứu.
Chúng tôi cũng quy định trách nhiệm bốn đối tượng tham gia hoạt động tài trợ, hỗ trợ. Nhà khoa học có 11 trách nhiệm, ở đây nhấn mạnh vào yếu tố trung thực với xã hội. Với tổ chức chủ trì, cũng có hai quy định xử lý vi phạm, xây dựng môi trường nâng cao liêm chính, chuyên gia tham gia vào quá trình đánh giá khoa học với quỹ thì cũng yêu cầu đánh giá khách quan, tuân thủ quy định. Với cơ quan điều hành quỹ thì có ba trách nhiệm: chia sẻ quy định, bảo đảm hệ thống quản lý đảm bảo tiêu chí, có trách nhiệm tiếp nhận thông tin kiến nghị xử lý
Về ý kiến chọn chuyên gia phản biện quốc tế có chất lượng thì phải nói là không hề dễ dàng. Muốn đánh giá hồ sơ chất lượng nhất, tốt nhất thì đánh giá phải có tính độc lập và có tính trách nhiệm cao. Tỉ lệ hiện nay không cao.
Còn làm thế nào tài trợ được nhiệm vụ xuất sắc, đột phá? Nói thì dễ nhưng triển khai không dễ dàng. Chúng ta triển khai tài trợ cho nhiệm vụ nhiều sản phẩm hay ít sản phẩm, ví dụ như tài trợ cho đề xuất nhiều công bố trên tạp chí Q1 hay cho một ý tưởng khoa học đột phát nhưng ít sản phẩm? Quyết định chọn lựa như thế nào? Kinh phí tài trợ cho xuất sắc đột phá như thế nào? Không hề dễ và nhiều thách thức như việc làm thế nào lựa chọn được đề tài xuất sắc. Hôm trước, có nhà khoa học nói là "Tôi xin đăng ký một đề tài trong năm năm, tôi hướng đến đăng ký xuất bản bài trên Nature nhưng bài ấy có thể không ra nhưng tôi sẽ hướng đến. Quỹ có dám tài trợ cho tôi đủ kinh phí thực hiện không. Quỹ có dám chấp nhận rủi ro không?”. Thật không dễ quyết định trong bối cảnh hiện nay.
TS. Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ NAFOSTED.
Theo Tia Sáng