Quá tải khu xử lý dẫn đến nhiều đợt ùn ứ rác thải gây ô nhiễm môi trường, bức xúc dân sinh trên địa bàn Hà Nội thời gian qua. . Trước thực trạng này đòi hỏi cần có những định hướng quy hoạch để đảm bảo xử lý chất thải rắn là một trong những ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25/4/2014 (Quy hoạch 609) chia 3 vùng phía Bắc, Nam và Tây, xác định: 17 khu xử lý chất thải, trong đó 8 khu hiện có nâng cấp, mở rộng và 9 khu đầu tư mới; 5 trạm trung chuyển; 26 bãi đổ chất thải rắn xây dựng; 3 bãi chôn lấp bùn thải thoát nước…
Sau 9 năm triển khai quy hoạch, bên cạnh một số kết quả đạt được vẫn còn nhiều nội dung chưa được triển khai, công tác xử lý chất thải rắn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nhất là việc xây dựng hạ tầng cho thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn còn rất chậm dẫn đến nhiều hệ lụy cho công tác môi trường của Thủ đô. Hầu hết các vị trí quy hoạch đã có dự án đầu tư nhà máy xử lý chất thải nhưng chưa được triển khai xây dựng hoặc triển khai chậm tiến độ. Do vậy khối lượng rác thải phát sinh trên địa bàn TP lên đến 6.500 - 7.000 tấn/ngày đêm nhưng chỉ được phân luồng tiếp nhận, xử lý tại hai khu xử lý chất thải rắn là Nam Sơn (Sóc Sơn) và khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Sơn Tây) trong khi tỷ lệ thu gom tại hai bãi xử lý này đã vượt yêu cầu quy hoạch.
Hiện tại toàn TP có 2 trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt lớn là Lâm Du và trạm trung chuyển Tây Mỗ. Ngoài ra có 2 trạm trung chuyển cỡ nhỏ là Phú Minh (Phú Xuyên) và Ao Bút (Thanh Xuân). Do thiếu trạm trung chuyển, việc phân vùng chất thải rắn chưa thực hiện được nên khoảng cách trung bình từ các quận trung tâm đến khu xử lý tập trung khoảng 50km, các huyện phía Nam như Ứng Hòa, Phú Xuyên khoảng 90km. Quãng đường xa, gây nhiều vấn đề cho môi trường, như phát thải, mùi, nước rỉ, xuống cấp hạ tầng giao thông ảnh hưởng dọc tuyến đường…
Hiện tại toàn TP có 2 trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt lớn là Lâm Du và trạm trung chuyển Tây Mỗ. Ngoài ra có 2 trạm trung chuyển cỡ nhỏ là Phú Minh (Phú Xuyên) và Ao Bút (Thanh Xuân). Do thiếu trạm trung chuyển, việc phân vùng chất thải rắn chưa thực hiện được nên khoảng cách trung bình từ các quận trung tâm đến khu xử lý tập trung khoảng 50km, các huyện phía Nam như Ứng Hòa, Phú Xuyên khoảng 90km. Quãng đường xa, gây nhiều vấn đề cho môi trường, như phát thải, mùi, nước rỉ, xuống cấp hạ tầng giao thông ảnh hưởng dọc tuyến đường…
Công tác quản lý chất thải rắn xây dựng cũng chưa được quan tâm đúng mức, hiện trên địa bàn TP ước tính khối lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh khoảng 3.000 tấn/ngày (chưa tính đến khối lượng tại một số thời điểm tăng đột biến do tốc độ đầu tư xây dựng gia tăng và một số dự án trọng điểm của TP được triển khai). Thế nhưng 24/26 bãi đổ chất thải rắn xây dựng theo quy hoạch đều chưa được triển khai. Toàn TP có 2 trạm nghiền chất thải rắn xây dựng đang hoạt động đều nằm ở quận Hoàng Mai, tuy nhiên chưa có biện pháp tái chế sản phẩm sau nghiền. Tại 4 bãi chôn lấp chất thải rắn xây dựng là Nguyên Khê (Đông Anh), Vân Nội (Đông Anh), Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì) và Dương Liễu (Hoài Đức) đều đã đầy. Về bùn thải thoát nước cũng chưa có khu chôn lấp, rác thải điện tử chưa được thu gom và xử lý riêng…
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, TS Nguyễn Thị Diễm Hằng cho hay, theo nghiên cứu, những hạn chế trong công tác xử lý chất thải rắn thời gian qua tại Hà Nội là do công tác dự báo chưa chính xác. Cùng với đó, áp lực dân số tăng quá nhanh; năng lực quản lý Nhà nước còn yếu; công nghệ chậm đổi mới…
Phân chia 3 vùng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn
Hà Nội đang tiến hành lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 trong đó nội dung về hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm nghiên cứu. Đối với lĩnh vực quy hoạch chất thải rắn, KTS Lê Hoàng Phương - Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, đơn vị tư vấn điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô cho hay, phương án định hướng sắp xếp khu xử lý chất thải rắn của TP được đưa ra là tiếp tục phân chia 3 vùng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.
Cụ thể, vùng phía Bắc bao gồm khu vực nội đô lịch sử; các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông; các huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn. Phân vùng này có 4 khu xử lý chất thải rắn gồm: Sóc Sơn, Phù Đổng, Việt Hùng và Cầu Diễn. Vùng phía Nam bao gồm các huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Vùng này có 3 khu xử lý gồm: Châu Can, Cao Dương, Tả Thanh Oai. Vùng phía Tây bao gồm các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây, có 3 khu xử lý gồm: Xuân Sơn, Núi Thoong, Đồng Ké. Các cơ sở xử lý chất thải rắn có quy mô cấp TP này phải sử dụng công nghệ hiện đại, ưu tiên các công nghệ tái chế, tái sử dụng và công nghệ đốt (có thể là đốt kết hợp phát điện)…
Bên cạnh đó, yêu cầu mỗi huyện ngoại thành phải bố trí một khu xử lý chất thải rắn cấp huyện nhằm làm trạm trung chuyển kết hợp phân loại thứ cấp các loại chất thải trước khi chuyển đến khu xử lý chất thải rắn cấp TP. Vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải rắn cấp huyện sẽ được xác định trong các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện.
Đối với các khu xử lý đã xác định trong quy hoạch trước đây, chuyển đổi thành nhà máy xử lý chất thải rắn phục vụ địa phương, trạm trung chuyển lớn, nhà máy xử lý một số chất thải rắn đặc thù như chất thải rắn điện tử, chất thải rắn có kích thước lớn, xử lý chất thải rắn hữu cơ… dự phòng cho nhu cầu xử lý của địa phương khi những khu xử lý chất thải rắn cấp TP xảy ra sự cố.
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, để quy hoạch khu xử lý chất thải rắn cho Hà Nội sát với nhu cầu thực tiễn trước hết cần rà soát, đánh giá kỹ hiện trạng đối với từng khu vực. Đồng thời bám sát các chiến lược phát triển Thủ đô giai đoạn tới với định hướng phát triển các khu vực: TP trong TP, trục sông Hồng, các huyện lên quận… Phải bám theo các trục đó để quy hoạch khu xử lý rác thải nhằm tránh tình trạng vận chuyển quá xa và đảm bảo an toàn môi trường khi không tập trung vào số ít khu xử lý.
Nguồn: Kinh tế & Đô thị