Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Chỉ sông Tô Lịch mà chưa xử lý được, vậy các sông khác thế nào?

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/11/2023 | 10:19:48 AM

Ngày 21/11, Thành ủy-HĐND-UBND TP Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết trên cơ sở đề cương định hướng được Ban chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua, Dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được xây dựng với tinh thần khẩn trương, phương pháp tích hợp, đồng bộ, cách làm linh hoạt, sáng tạo, đổi mới; với mục tiêu xuyên suốt đó là văn hóa và con người là nền tảng, nguồn lực, động lực phát triển Thủ đô.

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, phát biểu tại hội thảo.
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, phát biểu tại hội thảo.

Hiện nay, TP Hà Nội đang tiến hành các bước xin ý kiến các bộ, ngành, các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và các tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi trình thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Dự thảo báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được gửi xin ý kiến gồm 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực, 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã kèm theo hệ thống sơ đồ, bản đồ được số hoá.

Sao không quy hoạch xa hơn?

Phát biểu góp ý tại hội thảo, ông Phùng Quốc Hiển, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, cho rằng xây dựng quy hoạch chính là xây dựng một thực thể sống, một không gian sống, có quá khứ, hiện tại và tương lai; có quá trình phát sinh và phát triển, và cần bảo đảm sự phát triển không gian 4 chiều: Rộng, dài, cao, sâu. Chúng ta xây dựng thủ đô Hà Nội với một tư duy không chỉ là thủ đô của đất nước mà còn là một đô thị có sức cạnh tranh, bởi hiện nay cạnh tranh của quốc gia xét cho cùng là cạnh tranh của các đô thị lớn.

"Tại sao chỉ nghĩ quy hoạch đến năm 2065, vì sao không tính quy hoạch đến năm 2100, năm 2065 đến nơi rồi, chỉ còn vài chục năm nữa, đối với chúng ta là dài nhưng với lịch sử là ngắn. Tại sao chỉ đặt Hà Nội là trung tâm động lực phát triển của vùng, của quốc gia, mà không đặt là trung tâm của ASEAN, châu lục; tại sao chỉ tính trong tầm quốc gia, chúng ta có coi đây có phải động lực của khối ASEAN không?" - ông Hiển đặt câu hỏi. Ông cho rằng còn nhiều vấn đề bức bối, chưa bung ra được.

Ông Phùng Quốc Hiển, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, phát biểu góp ý tại hội thảo.
Ông Phùng Quốc Hiển, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, phát biểu góp ý tại hội thảo.

Đề cập đến Luật Thủ đô, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu Luật Thủ đô quyết tâm thực hiện thì có nhiều việc chúng ta làm được. "Chính tôi trực tiếp đề nghị với thành phố làm ngay cơ chế đặc thù cho Hà Nội theo đúng Luật Thủ đô nhưng lại không làm, trong khi TP.HCM đã làm được 6 năm rồi mà Hà Nội không làm, cứ đổ cho Luật Thủ đô hạn chế. Trong khi ngay Luật Thủ đô bây giờ đã có những quy định cụ thể Quốc hội, HĐND, Chính phủ phải làm gì… Có sửa Luật Thủ đô nhiều lần nữa mà không có hướng dẫn cụ thể thì rất khó làm" - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông Hiển cũng cho rằng tư duy quy hoạch không theo kịp sự phát triển. Hà Nội phải "làm sống lại" các con sông bởi đó là mạch máu. Người ta nói bất cứ một vùng nào đó thì đất là thịt, núi là xương và sông ngòi là máu. Tuy nhiên, ông Hiển đặt vấn đề trong khi chúng ta loay hoay mãi, chỉ có sông Tô Lịch mà chưa xử lý được vậy các sông khác thì thế nào?

Về phát triển không gian ngầm, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ ở Pháp, trên có thủ đô Paris, dưới có không gian ngầm. "Chi phí cho không gian ngầm rất lớn nhưng không làm không gian ngầm thì đừng nói đến phát triển. Đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến quy hoạch hệ thống ngầm, không gian ngầm và thậm chí đô thị ngầm" - ông Hiển đề nghị.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên thay đổi rõ quan điểm, phải xây dựng Hà Nội thành thủ đô, đô thị có sức cạnh tranh của Việt Nam bên cạnh TP.HCM và là đô thị có tầm quốc tế, là động lực của vùng, của cả nước và của ASEAN, nếu được cả châu Á thì càng tốt.

Về giao thông, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải hướng tới ưu tiên cho giao thông công cộng và xử lý hợp lý giao thông cá nhân. Theo ông, dù có mở bao nhiêu tuyến đường mà vẫn ưu tiên giao thông cá nhân, không ưu tiên công cộng thì không có hạ tầng nào có thể đáp ứng được.

Ông Hiển cũng đề nghị cần đầu tư thêm giao thông đường thủy. Ông đặt vấn đề nên chăng chúng ta xây dựng hệ thống giao thông đường thủy của sông Hồng, bắt nguồn từ Yên Bái ra đến biển, làm ngay một số nơi có âu tàu để giữ mực nước và tạo cảnh đẹp cho thủ đô. Sông Hồng có rất nhiều phù sa, chúng ta có thể nạo vét, cải tạo…

Ngoài ra, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải phát triển được màu xanh của Hà Nội, bởi hiện nay có quá ít công viên, cây xanh và một khó khăn nhất là xử lý nước thải, vấn đề này cũng cần kinh phí lớn.

Từ những thực tế trên, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải khẩn trương xây dựng quy hoạch Hà Nội và phải sửa Luật thủ đô. Lần này phải cụ thể hóa, quy định chi tiết để tạo điều kiện xây dựng được thủ đô đáng sống, hạnh phúc, văn minh, hiện đại và là trung tâm phát triển của vùng, đất nước, khu vực và châu lục.

5 "điểm nghẽn" phát triển thủ đô

Tham luận về một số nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS-TS. Hoàng Văn Cường, đại diện Liên danh tư vấn Quy hoạch Thủ đô, nhận diện 5 "điểm nghẽn" trong phát triển Thủ đô hiện nay. Đó là thiếu thể chế; hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông công cộng, đường sắt đô thị chưa phát triển; quy hoạch đô thị và các quy chuẩn kèm theo quy hoạch; ô nhiễm môi trường và các quy định về phòng chống lũ; năng lực, ý thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi trong bộ máy quản lý còn hạn chế, e dè, né tránh, không tạo được những đột phá, dám nghĩ dám làm trong thực thi công vụ.

GS-TS Hoàng Văn Cường nêu 5
GS-TS Hoàng Văn Cường nêu 5 "điểm nghẽn" phát triển thủ đô.

Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS-TS. Hoàng Văn Cường nêu 5 quan điểm chung phát triển Thủ đô. Trong đó, quan điểm hàng đầu là phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò lan tỏa và dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và cả nước; tạo dựng được hình ảnh, vị thế phồn vinh, thịnh vượng của quốc gia trên trường quốc tế; làm hình mẫu lan tỏa cho phát triển của vùng, đi trước cả nước những chỉ tiêu về nước công nghiệp và phát triển...

Còn PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng thời gian không còn nhiều nên Hà Nội cần tăng tốc hoàn thiện các nội dung còn mờ nhạt trong báo cáo quy hoạch, nhất là những vấn đề lớn, định hình diện mạo tương lai, ví dụ như nội dung về không gian ngầm.

Nhấn mạnh cơ hội để xác định tầm nhìn thủ đô, ông Thiên cho rằng cần quán triệt quan điểm Hà Nội phải sánh vai với các thủ đô trên thế giới. Để đáp ứng yêu cầu này, phải có tổng kết, đánh giá rất kỹ về thực trạng, để từ đó có những nhận diện đúng, xác định tầm nhìn, mục tiêu cho 20, 30 năm tới. Ngoài ra, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thực sự tạo ra động lực cho Thủ đô phát triển xứng tầm với thế giới.

Theo B.H.Thanh/Người đô thị

Tags hội thảo khoa học quy hoạch Thủ đô Luật Thủ đô hạ tầng

Các tin khác

Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam có thể xem đây là cơ hội, là động lực mới của tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam cùng với gần 180 quốc gia đã bước vào Phiên thứ tư Hội nghị đàm phán liên chính phủ về xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC-4) tại Ottawa, Canada. Đây là phiên đàm phán có số lượng đại biểu đăng ký tham dự đông nhất từ trước đến nay với gần 4.200 đại biểu của các quốc gia thành viên, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp.

Sử dụng nguồn nhiên liệu khác thay thế nhiên liệu hóa thạch là tất yếu cần phải thực hiện. Do vậy, để hydrogen trở thành một nhiên liệu thay thế chính cho nhiên liệu hoá thạch, công tác đảm bảo an toàn cháy nổ phải được thực hiện.

Việc thừa nhận tư cách pháp lý và các quyền của thực thể tự nhiên như rừng, sông, núi… đã trở thành một xu hướng tiến bộ trên thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục