1. Đặt vấn đề
Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tổ chức ở Copenhagen (Đan Mạch) vào ngày 7/12/2009, các chuyên gia đã đưa ra danh sách 11 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và những hệ quả của nó, trong đó có Việt nam. Điều này được thể hiện rõ khi thời tiết bất thường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nước ta những năm gần đây như: lũ lụt ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, hạn hán ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng...
Theo TTXVN, báo cáo Chỉ số Rủi ro Khí hậu toàn cầu 2010 do tổ chức Germanwatch công bố, 10 quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất do thiên tai: gồm Bangladesh, Myanma, Honduras, Việt Nam, Nicaragoa, Haiti, Ấn Độ, Cộng hòa Dominica, Philippines và Trung Quốc. Thống kê cho thấy trong giai đoạn từ 1990 - 2008, tại các nước này xảy ra 11.000 trận bão, lũ lụt và hạn hán khiến gần 600.000 người thiệt mạng, gây thiệt hại 1.700 tỷ USD. Riêng ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thiên tai cướp đi mạng sống của hơn 450 người, thiệt hại ước tính trên 1,5 triệu USD.
Theo quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2009 của Thủ Tướng Chính Phủ thì Cần Thơ là đô thị loại 1 trực thuộc trung ương. Đất đai tự nhiên thành phố Cần Thơ (năm 2010) khoảng 140.895ha, trong đó đất cây xanh – TDTT là 591,80ha, bình quân khoảng 6-8 m2/người, chiếm 9,4% đất dân dụng. Hiện nay, toàn thành phố Cần Thơ có khoảng 25.000 cây xanh đường phố với các chủng loại cây như Sọ Khỉ (còn gọi là Xà Cừ), Sao Đen, Dầu Rái, Bằng Lăng Tím, Móng Bò, Muồng Hoàng Yến, Lộc Vừng, Sứ, Ngọc Lan, Viết, Hoàng Nam, Phượng Vỹ, Me Chua, Lim Xẹt, Kèn Hồng, Bàng… và 41 công viên, vườn hoa với tổng diện tích khoảng 20ha. Cây xanh chủ yếu tập trung tại khu vực các quận nội thành (quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng), ở các huyện cây xanh chỉ tập trung tại một số trục chính của trung tâm thị trấn. Trong đó, quận Ninh Kiều có khoảng 5.500 cây xanh đường phố, có 22 công viên với tổng diện tích khoảng 12,4 ha.
Hiện nay, toàn thành phố Cần Thơ có khoảng 25.000 cây xanh đường phố
Cây xanh ở Cần Thơ còn gắn với các di sản văn hóa, lịch sử như tượng đài Bác Hồ trên bến Ninh Kiều, nhà bảo tàng thành phố, nhà bảo tàng quân khu 9, đình Bình Thủy, chùa Khánh Quang, chùa Ông, chùa Nam Nhã, Hội Linh Cổ Tự, chùa Munir Ansay, Long Quang Cổ Tự, mộ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa,…
Mục tiêu của thành phố Cần Thơ đến năm 2030 (tầm nhìn 2050) là trở thành trung tâm điều hành đô thị thông minh, đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2045, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển châu Á.
2. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến mảng xanh thành phố Cần Thơ
Thành phố Cần Thơ có độ cao chênh lệch so với mực nước biển khá thấp (trung bình từ 0,2m đến 1m), vì vậy sẽ đối mặt với nguy cơ bị triều cường và lũ lụt nghiêm trọng từ các trận bão nhiệt đới hoặc ngoài biển, điển hình là cơn lốc chiều ngày 10/6/2020 đã làm ngã đổ 63 cây, 57 cây tét nhánh trên các tuyến đường Đại lộ Hòa Bình, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Nguyễn Trãi, Lê Anh Xuân, Châu Văn Liêm, Đinh Tiên Hoàng, Trần Việt Châu, Huỳnh Cương, Hồ Xuân Hương... ở thành phố Cần Thơ. Mặt khác quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh đã làm cho vùng trữ nước lũ bị thu hẹp đi hoặc là nước không đến được những vùng trữ nước, còn vùng thấp các ao hồ chúng ta lấp lại phát triển khu dân cư, khu công nghiệp thì khả năng thoát lũ sẽ giảm đi.
Theo chúng tôi có mấy nguyên nhân chính dẫn tới hệ quả này, đó là:
- Do quy hoạch cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ vì vậy nhiều vỉa hè trên các tuyến đường luôn bị đào xới làm cho hệ thống rễ của nhiều loài cây xanh đã trồng bị xâm hại.
- Hệ rễ của một số loài cây không phát triển trong điều kiện đất đai ở đô thị nhiều cây gãy đổ cho thấy hệ rễ của loài cây này hoàn toàn không phát triển.
- Một số loài cây có hệ rễ ăn ngang, công tác cắt tỉa cây xanh chưa kịp thời, điển hình là loài Sọ Khỉ nhiều cây gãy đổ do sự phát triển không cần đối giữa phần ở dưới mặt đất và tán lá.
- Một số cây xanh đã già cỗi, hệ thống rễ bị hư mục nhưng không phát hiện được bằng mắt thường.
- Hiệu ứng đường hầm do việc xây dựng nhiều nhà cao tầng.
Bài viết này trình bày một số ý kiến về định hướng và các giải pháp phát triển cây xanh đô thị một cách bền vững trong bối cảnh của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mảng xanh của TP.Cần Thơ.
Thành phố Cần Thơ chưa có các công viên trung tâm lớn, tương xứng với tầm vóc của đô thị trung tâm vùng
3. Một số định hướng và giải pháp phát triển mảng xanh bền vững cho TP. Cần Thơ
Để phát triển mảng xanh đô thị một cách bền vững đồng thời khắc phục việc cây xanh bị gãy đổ có thể xảy ra trong thời gian tới cần chú ý đến những vấn đề sau:
Quy hoạch và đầu tư xây dựng các vành đai xanh chung quanh thành phố
Hiện nay quỹ đất dành cho phát triển mảng xanh ở vùng đô thị trung tâm (Quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng,…) không còn nữa vì vậy cần phát triển các mảng xanh ở vùng đô thị mới và vùng ven đô thị để trang trí thay cho các công trình bị bê tông hóa sẽ có tác dụng giúp thẩm thấu nước xuống đất, góp phần chống ngập và bảo tồn nguồn nước ngầm cho thành phố, đồng thời làm giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Các đô thị mới được xây dựng trong các vùng trũng đã làm mất khả năng thu nước và làm không khí trong đô thị khó lưu thông, nhiệt độ trung bình tại TP. Cần Thơ gần như luôn luôn nóng hơn các địa phương khác trong vùng do nhiệt độ tỏa ra từ hoạt động của hàng triệu phương tiện giao thông và hàng trăm nghìn máy điều hòa nhiệt độ cùng nhiều máy móc thiết bị kỹ thuật sử dụng nhiệt năng khác. Nhiệt độ cao sẽ tạo ra những luồng khí nóng và khí nóng vốn nhẹ, sẽ bốc lên tạo cơ hội cho các luồng không khí lạnh từ các nơi khác dồn về. Hiện tượng đảo nhiệt này là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều trận mưa lớn bất thường ở TP. Cần Thơ trong thời gian gần đây.
Thành phố Cần Thơ chưa có các công viên trung tâm lớn, tương xứng với tầm vóc của đô thị trung tâm vùng, cần xây dựng các công viên chuyên đề dọc bờ sông Hậu gắn liền với vườn cây ăn trái, một nét đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và là một thành phần không thể thiếu được của mảng xanh đô thị. Công viên còn là nơi để giữ gìn, phát triển và quản lý đất đai và là công cụ thiết kế nhằm duy trì không gian mở dọc bên bờ sông, đây cũng là nơi thu nước bảo đảm lưu giữ mạch nước ngầm chống lại sự xâm nhập mặn vào bên trong đất liền. Ngoài ra công viên còn là nơi giới thiệu, triển lãm các thành tựu nông nghiệp và thủy sản hiện đại cho toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long.
Xây dựng và phát triển các công trình hạ tầng xanh
Đối với những quận nội đô (Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy) có mật độ dân cư đông đúc và không còn quỹ đất để phát triển cây xanh thì giải pháp tốt nhất để gia tăng mảng xanh là xây dựng các công trình hạ tầng xanh như vườn trên mái, vườn trên sân thượng, tường xanh, vỉa hè xanh,… ở đây có thể áp dụng các công nghệ hiện đại như hệ thống tự thoát nước, tưới tự động mà các nước láng giềng của chúng ta đang làm mà điển hình nhất là Singapore.
Chọn loài cây trồng
Xu hướng hiện nay trên thế giới là chọn loài cây trồng đô thị không quá cao, nên chọn những loài cây trung mộc có chiều cao không quá 15m, thân thẳng tự nhiên, gỗ tốt không giòn, cành dẻo dai không dễ gãy bất thường gây tai nạn,có sức chống chịu tốt, hệ rễ khỏe, cây có cành nhánh có thể chịu được gió mạnh, chịu được sự cắt tỉa, không thuộc các loài cây trong danh mục cấm hoặc hạn chế trồng. Những loài cây có chiều cao trên 15m chỉ nên trồng ở ngoại ô và vùng ven đô thị. Ngoài các tiêu chí trên cần cân nhắc thêm các điều kiện: cây có thể thích nghi với vùng ngập theo mùa, cây có moment xoắn, lực dập ngang thân cao và cây chịu được điều kiện khô hạn. Ở TP. Cần Thơ chủng loại cây xanh trồng trên đường phố không nên quá nhiều nên giới hạn khoảng 25-30 loài cây là thích hợp, tuy nhiên để đảm bảo tính đa dạng thực vật cho hệ sinh thái đô thị những loài cây xanh khác nên tập trung phát triển trồng trong các công viên đặc biệt là những công viên mới hoặc sẽ xây dựng trong tương lai. Một số loài cây trồng đường phố mới có triển vọng được đề nghị cho thành phố Cần Thơ là Dáng Hương Ấn (Pterocarpus indicus), Kèn Hồng (Tabebuia rorea), Chàm Bìa (Barringtonia schmidtii) , Bàng Vuông (Barringtonia asiatica), Gõ Nước (Intsia bifuga), Cây Mộc (Planchonella obovata), Nhạc Ngựa Nước (Aglaia spectabilis), Me Tây còn gọi là Còng (Samanea saman), Nho biển (Coccoloba uvifera),…
Mỗi người dân cần có trách nhiệm với cộng đồng trong việc phát hiện những xâm hại đối với cây xanh đô thị
Tiêu chuẩn cây xuất vườn
Một trong những đặc trưng của cây xanh đô thị là xuất vườn thường là cây có kích thước lớn (cây có chiều cao 2m - 3m, đường kính cổ rễ từ 5- 8cm). Cây xuất vườn phải bảo đảm sự cân đối giữa đường kính và chiều cao, cây giống phải được nuôi dưỡng một thời gian để hệ rễ phát triển mới đem trồng, bầu cây phải tương ứng với từng loài cho phù hợp. Cây con đô thị trong vườn ươm cần được chăm sóc cắt tỉa, tạo tán và huấn luyện để bộ rễ phát triển hài hòa cân đối với phần trên mặt đất trước khi đem ra trồng ngoài thực địa.
Trồng cây
Trồng cây xanh đô thị phải chú ý đến sự phát triển của hệ rễ, cây xanh đô thị khác với cây rừng ở chỗ: trong điều kiện đô thị, tầng đất bên dưới bị ảnh hưởng của các cơ sở hạ tầng khác như cáp ngầm, ống dẫn nước, hố ga, . . .vì vậy trước khi trồng cây phải xác định được tầng đất, nơi hệ rễ của cây xanh có thể phát triển được để chọn loài cây trồng phù hợp. Hỗn hợp đất trồng cây đô thị cũng cần phải chú ý, hệ rễ cây xanh đô thị cũng cần có độ thông thoáng nhất định để có thể phát triển bền vững. Ở CHLB Đức để trồng một cây xanh cần 12m3 đất trồng cây. Việc trồng cây đô thị chỉ nên thực hiện sau khi các bước xây dựng cơ sở hạ tầng khác (cống thoát nước, đường ống dẫn nước, đường dây điện ngầm, đường cáp quang, ….) đã được thực hiện xong tránh trường hợp vỉa hè thường xuyên bị đào bới ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ rễ cây xanh đường phố.
Chăm sóc cây xanh mới trồng
Do quy trình trồng cây xanh hiện nay không có hệ rễ cọc vì vậy giai đoạn cây mới trồng cần có chế độ chăm sóc định kỳ kỹ lưỡng, mục đích chính trong giai đoạn này là giúp cho bộ rễ ăn sâu và ổn định. Tuy nhiên việc tưới nước cây trồng thường xuyên trong mùa khô cần được xem xét cẩn trọng vì sẽ làm cho cây phát triển hệ rễ ngang không ăn sâu xuống lòng đất như vậy sẽ ảnh hưởng sự định hình của hệ rễ sau này (hệ rễ cây có xu hướng ăn nông dễ gãy đổ về sau).
Cắt tỉa cây xanh
Kiểm tra và cắt tỉa định kỳ hàng năm là công việc rất quan trọng nó không chỉ định hình, tôn tạo, tăng tính thẩm mỹ cho hệ thống cây xanh mà còn giúp phòng chống cây xanh gãy đổ, đặc biệt đối với một số loài cây có tán lá phát triển rất nhanh như Sọ Khỉ. Tuy nhiên không nên cắt tỉa quá mạnh chỉ để lại thân cây như cột trụ, không có cành nhánh làm mất chức năng thẩm mỹ của cây xanh trong cảnh quan đô thị.
Cải tạo và thay thế cây xanh
Thay thế những cây không phù hợp hoặc già cổi không đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ, bảo vệ môi trường của đô thị: Việc giám định những cây cần loại bỏ cần có một công trình nghiên cứu sâu hơn về chất lượng cây đang sinh trưởng này.
Vai trò và trách nhiệm của cộng đồng dân cư và các nhà quản lý cây xanh đô thị
Sự phát triển mảng xanh đô thị gắn liền với đời sống cư dân đô thị, mỗi người dân cần có trách nhiệm với cộng đồng trong việc phát hiện những xâm hại đối với cây xanh đô thị, có như vậy mảng xanh đô thị mới có thể phát triển một cách bền vững được. Về mặt quản lý nhà nước cần có hành lang pháp lý về quy chế bảo vệ an toàn cây xanh trong quá trình xây dựng cơ bản đầu tư hạ tầng kỹ thuật để tránh các công trình xâm hại đến hệ thống rễ cây xanh. Cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra và xử lý cây xanh gãy đổ kịp thời, có như thế mới hạn chế được những rủi ro cho người đi đường đồng thời góp phần bảo tồn được những hàng cây cổ thụ rợp bóng nói riêng và hệ thống cây xanh đô thị nói chung./.
TS. ĐINH QUANG DIỆP
Nguyên Trưởng Bộ môn Cảnh quan & Kỹ thuật Hoa viên
Trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM
Tài liệu tham khảo:
1. Châu Anh (2020). Cần Thơ: Giông lốc làm cây xanh ngã đổ, 9 ô tô hư hỏng nặng. Báo Pháp Luật TP.HCM
2. Huỳnh Biển (2022). Thành phố Cần Thơ phấn đấu trở thành đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Báo điện tử của Bộ Xây Dựng
3. Đỗ Xuân Cẩm (2012).Giảm thiểu tai nạn cây đổ đè người. Báo Tuổi Trẻ ngày 29/8/2012.
4. Lưu Đức Cường (2018). Thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển cây xanh đô thị thành phố Cần Thơ. Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 95+96/2018
5. Clemens Heiger (2005). Neupflanzung. Tài liệu hội thảo về cây xanh đô thị, Viện Goethe - Hà Nội, 2005
6. Clemens Heiger (2005). Substratanforderungen. Tài liệu hội thảo về cây xanh đô thị, Viện Goethe - Hà Nội, 2005
7. Hồng Quang (2009). Việt Nam nằm trong 11 quốc gia chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nhất. Tuổi Trẻ Online ngày 8/12/2009.
8. An Nhiên (2010). Thích ứng với biến đổi khí hậu - Phát triển mảng xanh đô thị. Sài Gòn Giải Phóng Online ngày 12/9/2012.
9. Lê Xuân Thái (2015). Quy hoạch cây xanh theo hướng phát triển đô thị xanh bền vững. Bản tin Môi trường ngày 26/11/2015.
10. Thủ tướng chính phủ (2009). Quyết định số 889/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Về việc công nhận thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương
11. Hồng Thắm (2022). Phát triển TP Cần Thơ trở thành đô thị thông minh là yêu cầu cấp thiết. Báo Kinh Tế & Đô Thị.
12. Lê Minh Trung (2010). Cây xanh đô thị và vấn đề thích nghi với biến đổi khí hậu đã xảy ra trước đây và dự kiến xảy ra trong tương lai. Tài liệu Hội thảo "Phát triển mảng xanh đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu”.