I. Thực trạng về thoát nước, ngập lụt, sạt lở đất tại các đô thị Việt Nam
1. Tổng quan về thoát nước đô thị
Việt Nam nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa, bờ biển dài, địa hình độ dốc lớn từ Tây sang Đông, Đông Bắc xuống Tây Nam nên chịu nhiều biến động bất thường của thời tiết, đặc biệt ảnh hưởng của BĐKH gây mưa bão, lũ, nước biển dâng, ngập lụt, sạt lở…
Việt Nam cũng là một trong những nước đông dân trên thế giới, đạt 100 triệu dân (tháng 4/2023). Tính đến năm 2022 cả nước có 883 đô thị lớn nhỏ khác nhau với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 41% (năm 2015 là 787 đô thị) và gần 300 khu công nghiệp với hàng chục ngàn các nhà máy, xí nghiệp. Khu vực đô thị đã thực sự trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp.
Về thoát nước đô thị, hệ thống thoát nước các đô thị, chủ yếu là hệ thống thoát nước chung, được xây dựng qua nhiều thời kỳ, chắp vá, xuống cấp, chưa được hoàn chỉnh. Nước thải sinh hoạt cùng với nước mưa chủ yếu được xả trực tiếp ra các cống, kênh, rạch vào các sông chính của lưu vực.
Đường phố Đà Lạt ngập sâu sau cơn mưa lớn hồi tháng 7/2023 (ảnh: Internet).
Một số đô thị có một phần hệ thống thoát nước riêng, được xây dựng chủ yếu phục vụ trung tâm đô thị và khu vực mới phát triển như TP Hà Nội, TP.HCM, Huế, Vũng Tàu, Đà Lạt, Bình Dương và Cần Thơ... Tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước tại các đô thị chỉ đạt trung bình khoảng 64%; tỷ lệ thu gom nước thải trong các khu vực có hệ thống thoát nước khoảng 70%; tính đến tháng 12/2021, có 71 nhà máy xử lý nước thải đô thị đang vận hành ở hơn 50 đô thị, với tổng công suất thiết kế là 1,38 triệu m3/ngày, công suất vận hành thực tế khoảng 670.000 m3 /ngày; lượng nước thải sinh hoạt được xử lý chỉ đạt 15%.
2. Thực trạng ngập lụt, sạt lở tại các khu vực đô thị
Tình trạng ngập lụt do mưa thường xuyên xảy ra với các đô thị lớn, các đô thị cấp tỉnh (đô thị tỉnh lỵ, các đô thị loại III trở lên), nhất là từ những năm 2000 trở lại đây. Đặc biệt, hiện tượng ngập lụt ngày càng trầm trọng và tăng cường về mức độ, tần xuất và thời gian ngập kéo dài hơn từ giai đoạn sau năm 2010 đến nay và ngày càng phức tạp, khó lường hơn.
Có thể nhận thấy, đô thị có quy mô càng lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh thì tình trạng ngập lụt càng trầm trọng. Ở khu vực đồng bằng (có địa hình tương đối thấp, bằng phẳng, ít độ dốc) hay khu vực đồi núi (địa hình cao so với mực nước biển, chia cắt phức tạp, độ dốc lớn) cũng chịu ngập lụt và cả lũ quét.
Một điểm dễ nhận thấy là sạt lở tại các đô thị thời gian qua thường xảy ra trong các đợt mưa có lưu lượng lớn, thời gian mưa kéo dài "bất thường”, tại các đô thị lớn, tốc độ đô thị hóa cao nhiều hơn các đô thị nhỏ. Các đô thị ven sông, cửa sông và ven biển, hiện tượng sạt lở cũng xảy ra thường xuyên với quy mô lớn từ những năm 2010 đến nay, đã và đang có diễn biến bất thường, ngày càng ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
3. Thực trạng ngập lụt, sạt lở tại các địa phương ở tỉnh Lâm Đồng
Đặc điểm nổi bật của địa hình tỉnh Lâm Đồng là sự phân bố khá rõ từ Bắc xuống Nam, địa hình đất có độ dốc dưới 25o chiếm trên 50%, độ dốc trên 25o chiếm gần 50% diện tích. Phía Bắc tỉnh là vùng núi cao, vùng cao nguyên Lang Biang với những đỉnh cao từ 1.300m đến hơn 2.000m như Bidoup cao 2.287m, Lang Biang Nam là vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Di Linh - Bảo Lộc và bán bình nguyên, có độ cao trung bình từ 100 đến 300m.
Điều kiện tự nhiên ảnh hưởng mưa, lũ: Qua thống kê những đợt mưa lớn có khả năng gây ra lũ ở Lâm Đồng, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân của các đợt mưa lớn hầu hết đều do ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam mạnh. Đặc biệt, từ tháng 7 đến tháng 9, khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực Trung Bộ, kết hợp với gió mùa Tây Nam mạnh, thường gây ra mưa lớn, có khả năng sinh ra lũ vừa đến lũ lớn trên các sông suối.
Trong những tháng cuối năm, trước khi có bão đổ bộ, nếu gió mùa Đông Bắc đã xâm nhập sâu xuống đến Trung Bộ, thì mưa không nhiều, nhưng sau khi bão đã đổ bộ vào đất liền, gió mùa Đông Bắc mới tràn về thì mưa nhiều hơn, thời gian mưa kéo dài khoảng một vài ngày.
Qua điều tra, khảo sát cho thấy, tỉnh Lâm Đồng không nằm trong vùng có nguy cơ sinh lũ quét cao như các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung. Số đợt mưa lớn, mưa lớn trên diện rộng xảy ra và số đợt lũ, lũ quét trung bình hàng năm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng từ 4 đến 6 đợt. Mưa lớn kéo dài thường gây ngập lụt, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Sạt lở đất làm tê liệt giao thông tại huyện Đạ Tẻh (Theo thống kê tháng 6, 7/2023: TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm có mưa nhiều nơi, mưa to đến rất to, trong đó huyện Bảo Lâm, Lộc Tân 157,4mm; Lộc Thành 94,4mm; Lộc Phú 88,8mm. TP Bảo Lộc 150,0mm; đèo Bảo Lộc 99,2mm; Đại Lào 77,2mm; khu vực trung tâm TP Đà Lạt cường độ mưa lớn, tập trung chỉ trong vòng 1 giờ (khoảng từ 13h đến 14h) 83,0mm; Trung tâm hành chính 56,6mm; Phường 5: 64,6mm.
Trưa 12/7/2023, mưa to ở khu vực trung tâm TP Đà Lạt, cường độ mưa lớn khoảng 1 giờ 20 phút (khoảng từ 13h đến 14h 20), Trạm khí tượng Đà Lạt 57,0mm; Trung tâm hành chính 90,0mm; Phường 5: 72,4mm; đợt mưa diện rộng ngày 28 - 30/7/2023 trên địa bàn TP Bảo Lộc: 337mm, đèo Bảo Lộc: 422,6mm. Khi mùa mưa đến, sạt lở đất thường xảy ra, nhất là tại các tuyến đường đèo qua vùng đồi núi có độ dốc lớn, như trên Quốc lộ 20, 27, 28, đường 723… Sạt lở bờ sông cũng xảy ra ở các sông, suối trong tỉnh.
Hiện tượng sụt sạt lở taluy khu vực đường Hoàng Hoa Thám, TP Đà Lạt.
Không chỉ các khu vực ngoài đô thị, các khu vực trong đô thị như tại TP Đà Lại (đô thị loai I), hiện tượng ngập lụt cục bộ, sạt lở cũng đã xảy ra trong các đợt mưa lớn, thường gọi là "mưa cực đoan”.
4. Kinh nghiệm, giải pháp phòng, chống ngập lụt tại TP Tokyo, Nhật Bản
Ảnh hưởng BĐKH, mưa lớn (>50mm) đã xảy ra gây ngập lụt cho thành phố. Chính quyền TP Tokyo ưu tiên thực hiện các biện pháp giúp xử lý khẩn cấp trong trường hợp mưa lớn xảy ra, như xây các hồ điều tiết nước tạm thời. Song song với đó, đẩy mạnh thực hiện các "biện pháp cứng" như trang bị hệ thống xử lý nước mưa và các "biện pháp mềm" là công bố biểu đồ ngập lụt, bản đồ bảo trì hệ thống thoát nước mưa, thông tin thời tiết giúp người dân nắm bắt thông tin nhằm giảm thiệt hại do mưa lớn.
"Biện pháp cứng" là giải pháp quản lý hệ thống dòng chảy sông ngòi, nâng cấp xây mới hệ thống thoát nước bằng những công trình hầm có đường kính từ 3 - 8m, đặc biệt chú trọng xây dựng các trạm bơm xử lý nước mưa quy mô lớn ở các điểm quan trọng. Mặt khác, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mới trong xây dựng như tính thấm nước trực tiếp vào đất của nền nhựa đường bộ để tăng khả năng thoát nước trên bề mặt.
Dưới lòng đất của thành phố, một mê cung đường hầm hình thành. MAOUDC, trị giá 2 tỷ USD, và "ngôi đền chống ngập" là một trong những công trình kỹ thuật ấn tượng nhất Tokyo, hoàn thành năm 2016 sau 13 năm thi công, chịu lượng mưa 65 - 75 mm mỗi giờ. "Ngôi đền chống ngập" nằm ở độ sâu 22 mét dưới lòng đất có tên đầy đủ là Kênh xả nước Ngầm khu vực đô thị (MAOUDC). Bể ngầm này gồm một hệ thống đường hầm dài 6,3 km cùng những căn buồng hình trụ cao chót vót, có thể chứa lượng nước khổng lồ giúp Bắc Tokyo không bị ngập lụt.
II. Nguyên nhân, giải pháp giảm thiểu ngập lụt, sạt lở đất tại các đô thị
1. Căn cứ pháp lý
Văn bản quy phạm pháp luật hiện hành: Luật Xây dựng năm 2014; Luật số 35/2018/QH14 - Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch; Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12; Nghị định số 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quy định lập quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt: (i) Quy hoạch cao độ nền thoát nước mặt là một nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị trong đồ án quy hoạch đô thị; (ii) Đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật được lập cho thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm cụ thể hóa nội dung định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trong đồ án quy hoạch chung để đảm bảo đủ cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Nội dung chính của Quy hoạch cao độ nền: (i) Đánh giá hiện trạng địa hình, các điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn, các khu vực có tai biến môi trường (lún, sụt, sói lở …); (ii) Đánh giá tổng hợp đất xây dựng đô thị cho từng khu vực đô thị bao gồm: Xác định các khu vực thuận lợi, không thuận lợi, hạn chế, khu vực cấm xây dựng; (iii) Đánh giá tổng hợp tình hình thoát nước và ngập lụt đô thị: tần suất, diện tích các khu vực, độ sâu, hiện trạng hệ thống thoát nước, vị trí, quy mô các trạm bơm tiêu thoát nước; (iv) Xác định chỉ tiêu, thông số cơ bản, các lưu vực thoát nước; mạng lưới thoát và nguồn tiếp nhận nước mặt; vị trí, quy mô các công trình đầu mối tiêu thoát chính; các giải pháp phòng tránh thiên tai; (v) Xác định cốt xây dựng khống chế của từng khu vực xây dựng cụ thể và các đường phố chính cấp đô thị; (vi) Xác định sơ bộ khối lượng đào, đắp của các khu vực; (vii) Xác định chương trình và dự án đầu tư ưu tiên, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, dự kiến nguồn lực thực hiện.
Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (QĐ 589/QĐ -TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ) xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025, đối với thoát nước mưa và chống ngập lụt đô thị: (i) Mở rộng phạm vi phục vụ các hệ thống thoát nước mưa tại các đô thị đạt trung bình trên 80%; (ii) 100% các đô thị không còn tình trạng ngập lụt thường xuyên trong mùa mưa.
Mưa lớn gây ngập lụt tại TP Đà Nẵng (ảnh: Internet).
2. Các nhóm nguyên nhân
a) Nhóm nguyên nhân chất lượng quy hoạch (liên quan đến sạt lở và ngập lụt trong đô thị được quy định tại nội dung Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt):
Là 1 trong 7 nội dung hạ tầng kỹ thuật trong công tác lập quy hoạch đô thị. Chỉ được lập thành đồ án quy hoạch chuyên ngành riêng đối với đô thị loại I là thành phố trực thuộc Trung ương (cả nước có 5 thành phố trực thuộc Trung ương).
Quy hoạch đô thị ít quan tâm công tác lựa chọn đất xây dựng; việc lựa chọn đất xây dựng chủ yếu xem xét theo điều kiện địa hình, thủy văn mà chưa xem xét các điều kiện địa chất, thổ nhưỡng; đặc biệt các yếu tố ảnh hưởng BĐKH, nước biển dâng trong tính toán dự báo cao độ nền khống chế tại các khu vực đô thị.
Các giải pháp ổn định nền đất, đặc biệt những khu vực có độ dốc địa hình trên 15%; các khu vực tiêu thoát nước tự nhiên (vùng trũng, đường tụ thủy, khe suối…) các khu vực san lấp thay đổi điều kiện mặt phủ tự nhiên.
Các lưu vực thoát nước xác định có quy mô quá lớn (hàng chục ngàn ha) chủ yếu theo lưu vực sông tự nhiên, ít được xem xét đến việc thay đổi các điều kiện địa hình, mặt phủ, cao độ đã có thay đổi lớn khi phát triển đô thị.
Thiếu các không gian lưu chứa nước; khung thiên nhiên (cây xanh, sông suối, mặt nước tự nhiên cần được bảo vệ, tôn tạo); bố trí các hồ điều hòa xây dựng mới thường ít có trong đô thị và chú trọng nhiều yếu tố cảnh quan, chưa xem xét đến các điều kiện tiêu thoát nước phù hợp.
Phát triển đô thị khi mở rộng thiếu các "khoảng nghỉ” hay "vùng đệm” giữa các khu vực hiện hữu và các khu vực phát triển mới; các khu vực cây xanh mặc dù đã có quy định trong quy hoạch, tuy nhiên tỷ lệ mặt phủ thấm nước của đô thị (cây xanh, vật liệu thấm nước…) chưa được đề cập đối với các khu chức năng trong đô thị.
Hệ thống thoát nước được tính toán chưa cập nhật các điều kiện tự nhiên có thay đổi do ảnh hưởng BĐKH, nước biển dâng, đặc biệt hiện tượng "mưa cực đoan” có lượng mưa lớn, thời gian kéo dài (tính toán: 30-50mm/ trận mưa - thực tế 70-90-150mm thậm chí >200mm đã xảy ra thường xuyên hơn không theo quy luật.
b/Nhóm nguyên nhân tổ chức thực hiện quy hoạch
Kế hoạch tổng thể thực hiện thống nhất quản lý cao độ nền gắn với hệ thống tháo nước mặt trong tổ chức thực hiện quy hoạch còn rất hạn chế (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) đối với các dự án phát triển đô thị chưa thực sự bám sát theo các cấp độ của quy hoạch.
Các giải pháp ổn định nền (phòng chống sạt lở) tại các khu vực được đánh giá ít thuận lợi cho xây dựng, không thuận lợi cho xây dựng, chưa được chú trọng thực hiện nghiêm ngặt (các khu vực có độ dốc lớn >10%; khu vực triền dốc và chân các triền dốc; khu vực tụ thủy, sông suối, san lấp nền).
Lấn chiếm sông, suối, vùng trũng, thấp theo khung thiên nhiên,… xây dựng tại các khu vực tụ thủy ngăn cản các hướng thoát nước tự nhiên.
Lưu vực thoát nước lớn và hệ thống thoát nước đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ (từ khung thoát nước chính - tuyến cấp I, II các tuyến kết nối khu vực); công tác duy tu sửa chữa định kỳ chưa được quan tâm thường xuyên; ý thức người dân xả rác gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước.
Chưa chú trọng khi phê duyệt, thực hiện các dự án về hệ số mặt phủ thấm nước (tỷ lệ mặt phủ bê tông hóa - mặt phủ không thấm nước lớn tại các dự án).
Kết nối hệ thống của từng khu chức năng và "khung thoát nước” chính của đô thị chưa đồng bộ (thậm chí nhiều đô thị chưa đầu tư "khung thoát nước” chính của đô thị).
c) Nhóm nguyên nhân điều kiện tự nhiên, BĐKH, nước biển dâng
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng kèm theo các yếu tố bất thường về thời tiết tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến phát triển đô thị, đặc biệt mưa, bão dẫn đến sạt lở, lũ quét, ngập lụt trong đô thị.
Các trận mưa có vũ lượng 50 - 70 - 90mm và 150 - 200mm đã xảy ra với tần xuất thường kỳ hơn, không xác định được quy luật; thời gian mưa đã có thay đổi bất thường theo hướng kéo dài hơn so với nhưng năm trước (2000 - 2010).
Các yếu tố địa chất có ảnh hưởng bất thường hơn (xảy ra các khu vực trung du, miền núi, khu vực có địa hình chia cắt theo các tầng địa chất).
Hồ điều hòa góp phần cải thiện môi trường sinh thái. (ảnh Internet)
3. Các nhóm giải pháp
a) Quy hoạch đô thị
Về cao độ nền
Lồng ghép nội dung ứng phó BĐKH vào công tác lập quy hoạch phát triển đô thị; lựa chọn đất phát triển không gian đô thị xem xét đến các "khoảng nghỉ” hay "vùng đệm” trong phát triển không gian đô thị (giải quyết các vấn đề hạ tầng kỹ thuật, sinh thái đô thị, giảm mật độ xây dựng…).
Quản lý "khung thiên nhiên”, các vùng trũng, đường tụ thủy - xác định các khu vực cấm xây dựng phải di rời, tránh lũ quét, lũ ống (suối, vùng trũng có nguy cơ ngập, sạt lở khi điều kiện đia hình không đảm bảo).
Các nhóm giải pháp ổn định nền (khu vực cần có các giải pháp kè, taluy, phòng chống sạt lở, khoảng cách an toàn, môi trường các khu vực chân dốc…) hạn chế tối đa thay đổi mặt phủ, cây xanh tự nhiên khu vực vùng ven đô thị (giữ nguyên, tôn tạo các thảm thực vật tự nhiên phù hợp, bổ sung các tuyến thoát nước hướng dòng…).
Các đặc điểm địa chất, thủy văn và thổ nhưỡng cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở; xây dựng khu vực triền dốc bám sát theo mái dốc tự nhiên - hạn chế thay đổi mặt phủ.
Về thoát nước mặt
Phân chia lưu vực thoát nước phù hợp theo định hướng cao độ được xác định các khu chức năng; quy mô các lưu vực nên hạn chế 300 - 500ha; tăng cường bố trí hồ điều hòa theo từng lưu vực khi các nguồn tiếp nhận tự nhiên (sông, suối, hồ,...) không có khả năng tiếp nhận hoặc kết nối.
Rà soát số liệu cơ sở tính toán dự báo về khí tượng thủy văn phù hợp theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng được công bố (Kịch bản 2020).
Xác định "khung thoát nước” chính đô thị phù hợp theo giai đoạn (thời kỳ quy hoạch); quản lý hệ số mặt phủ hạn chế tối đa mặt phủ không thấm nước.
Đề xuất các giải pháp thoát nước bền vững đối với các khu vực cải tạo chỉnh trang đô thị; các khu vực xây dựng mới, đặc biệt với những khu vực trung tâm đô thị, khó khăn trong kết nối hệ thống thoát nước với khu thiên nhiên về thoát nước (sông, suối, hồ,…).
b) Về tổ chức thực hiện quy hoạch
Xây dựng kế hoạch thực hiện quản lý đồng bộ (xây dựng Atlas ngập lụt: dự báo các khu vực ngập, úng theo các kịch bản BĐKH - lựa chọn đất phát triển đô thị, các khu vực cấm, hạn chế phát triển, các khu vực lưu nước, hồ điều hòa nước mưa (10 - 20% diện tích) đối với các khu vực mới phát triển đô thị trũng thấp...).
Quản lý, đầu tư xây dựng "khung thoát nước” đô thị - hồ điều hòa - không gian lưu trữ nước.
Quản lý đồng bộ mạng lưới thoát nước tại các dự án, các khu chức năng và "khung thoát nước” đô thị.
Công tác duy tu, bảo trì sửa chữa được thực hiện định kỳ, thường xuyên.
Tăng cường các giải pháp thoát nước bền vững không chỉ khu vực đô thị cải tạo mà cả các khu vực xây dựng mới.
Đầu tư "khung thoát nước” đô thị phù hợp theo giai đoạn (thời kỳ quy hoạch); cung cấp thông tin quy hoạch, kiểm tra, giám sát thực hiện cao độ nền, các yêu cầu kết nối các khu vực phát triển theo dự án với "khung thoát nước” chính của đô thị.
c) Các nhóm giải pháp hỗ trợ
Quan tâm các cấp chính quyền đảm bảo nguồn lực, cơ chế chính sách thu hút đầu tư.
Nâng cao năng lực quản lý cán bộ quản lý của cơ quan chuyên môn theo phân cấp.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thoát nước mặt đô thị.
Giải pháp mềm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong công tác bảo vệ công trình thoát nước; hạn chế tối đa thay đổi mặt phủ tự nhiên khi xây dựng các công trình; xây dựng các công trình (bể, hồ chứa nước) tái sử dụng nước mưa…
Do đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống thoát nước, phòng chống ngập lụt, sạt lở, thiên tai thích ứng với BĐKH nói riêng cần có nguồn vốn lớn và cơ chế huy động các nguồn lực và là nhiệm vụ của các cấp chính quyền.
TS Trần Anh Tuấn
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng
Theo tapchixaydung.vn