Thời cơ, thách thức đối với ngành công nghiệp xử lý chất thải tại Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/10/2023 | 10:07:46 AM

QLMT - Từ ngày 11/10 – 13/10 tại TP. HCM diễn ra Triển lãm và hội thảo quốc tế về Ngành Cấp thoát nước, Công nghệ lọc nước và Xử lý nước thải tại Việt Nam - Vietwater 2023 và WETV 2023. Ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát biểu khai mạc sự kiện này.

Trong bài phát biểu khai mạc, đại diện Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường đã nhấn mạnh những thời cơ, thách thức đối với ngành công nghiệp tái chế, xử lý chất thải và công nghiệp môi trường tại Việt Nam. 

Những thời cơ thuận lợi

Theo ông Hồ Kiên Trung, Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 202 (COP26), Việt Nam đã đưa ra các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Chính vì vậy, các sản phẩm, hàng hóa muốn xuất khẩu sang các nước đều phải đảm bảo tín chỉ các-bon, chứng minh giảm thiểu được lượng phát thải các-bon và tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu tái chế trong từng sản phẩm. Đây chính là thời cơ để ngành công nghiệp tái chế, xử lý chất thải và ngành công nghiệp môi trường của Việt Nam phát triển, góp phần phát triển kinh tế chung của cả nước.

Từ khi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 và một loạt các chính sách thực hiện được ban hành và có hiệu lực là tiền đề cho phát triển ngành công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường phát triển mạnh mẽ. Một số thuận lợi từ những chính sách đó phải kể đến đó là:

Coi chất thải là nguồn tài nguyên; yêu cầu phải tái chế, tái sử dụng; Coi chất thải khi được phân loại, đáp ứng các yêu cầu, điều kiện để tái chế, tái sử dụng thì phải được ứng xử như là sản phẩm, hàng hóa; không được coi chất thải đã phân định, phân loại phải đáp ứng các điều kiện như chất thải phải xử lý.

Yêu cầu phân loại chất thải để đưa chất thải vào sản xất, tái chế một cách nhanh nhất, đảm bảo chất thải đem tái chế có chất lượng tốt để tạo ra các nguyên liệu tái chế có chất lượng tốt so với nguyên liệu tái chế từ chất thải đổ chung như hiện nay. Việc thực hiện phân loại này sẽ được áp dụng đồng bộ trong cả nước bắt đầu từ 1/1/2025. 

Hiện nay nhiều tỉnh, thành phố đã thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đạt kết quả rất đáng khả quan. Để đạt được những kết quả này là do sự quan tâm, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh/thành phố, sự nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho các chất thải được phân loại của các công ty môi trường đô thị; là sự truyền thông, hướng dẫn, tuyên truyền lâu dài cho người dân và cộng đồng dân cư. 

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu
Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc Vietwater 2023 và WETV 2023

Đại diện Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết: "Tôi cũng tham gia rất nhiều hội nghị, hội thảo tuyên truyền, hướng dẫn luật BVMT, nhiều cán bộ của các tỉnh thường xuyên đặt một câu hỏi là: liệu có cần phải phân loại chất thải rắn (CTR) không? tại sao không đem đốt hết đi? Và câu trả lời là: nếu chúng ta đem đốt chất thải thì nghĩa là chúng ta đang đốt hết tài nguyên từ chất thải, bởi 80% lượng chất thải mà chúng ta thải bỏ đều có thể tái chế, tái sử dụng; chúng ta đang đốt đi cơ hội để tăng tỷ lệ tái chế cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài; chúng ta đang đốt đi hạn ngạch các-bon mà đáng nhẽ chúng ta được hưởng từ việc tái chế, tái sử dụng”.

Luật BVMT cũng đã đưa ra chính sách trách nhiệm của nhà sản xuất/nhập khẩu (EPR) để có trách nhiệm đóng góp tài chính cho các cơ sở thu gom, tái chế, xử lý chất thải. Chính vì vậy trong thời gian qua, nhiều công ty lớn đang hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng trong nước để tăng cường năng lực cho các cơ sở này, hoặc thông qua quỹ EPR để hỗ trợ cho các đơn vị thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải trong thời gian tới.

Theo ông Hồ Kiên Trung, một trong những chính sách quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường là tín chỉ các-bon đã được đưa vào luật BVMT 2020. Theo đó đến năm 2024 sẽ vận hành thử nghiệm sàn giao dịch các-bon. Các đơn vị hiện đang làm công tác thu gom, xử lý, tái chế chất thải sẽ có thêm nhiều cơ hội và lợi nhuận từ việc cung cấp tín chỉ các-bon cho các doanh nghiệp chưa đảm bảo được hạn ngạch các-bon.

Ngoài ra nhiều chính sách khác đã để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường đã được ban hành như: Ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư; Ưu đãi về thuế, phí và lệ phí; Trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường…

Tuy nhiên, ngành công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường của Việt Nam vẫn còn gặp không ít những khó khăn, thách thức để có thể phát triển.

Những khó khăn thách thức

Nói về những khó khăn, thách thức đối với việc phát triển ngành công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường của Việt Nam, - Phó Cục trương Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường cho rằng: Về nội tại ngành công nghiệp tái chế, ngành công nghiệp môi trường của Việt Nam hiện nay còn nhỏ lẻ, công nghệ và hạ tầng chưa đáp ứng để phát triển, sản xuất lớn; mới chỉ tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực; chưa đa dạng và tận dụng hết các nguồn chất thải để làm nguyên liệu tái chế mà các ngành sản xuất đang cần (chất thải từ tre, nứa, vỏ dừa để phục vụ ngành may mặc; chất thải thủy tinh,…).

Về tác động từ bên ngoài, nhiều chính sách của nhà nước vẫn chưa đáp ứng để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường như tiếp cận chính sách hỗ trợ và thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cơ sở xử lý, tái chế chất thải; giá thu gom, vận chuyển, xử lý chưa đáp ứng được chi phí thực tế cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, đặc biệt là dịch vụ công; chính quyền địa phương chưa quan tâm, hỗ trợ cho việc phân loại, tái chế chất thải; vẫn quan niệm coi chất thải là chất thải phải xử lý nên nhiều địa phương đầu tư các lò đốt để đốt hết chất thải, nhiều doanh nghiệp mong muốn tái chế chất thải thì phải nằm trong quy hoạch của địa phương.

Bên cạnh đó, các công ty công nghệ tái chế, xử lý ô nhiễm của nước ngoài với quy mô lớn, công nghệ hiện đại cũng đang mong muốn tiếp cận thị trường tái chế, xử lý chất thải của Việt Nam. Điều đó khiến cho các đơn vị tái chế, xử lý chất thải trong nước đứng trước nguy cơ có thể mất sân chơi ngay chính tại quê nhà.

Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành công nghiệp tái chế chất thải tại Việt Nam đã có những điểm sáng, đó là một số doanh nghiệp đã tìm được hướng đi mới cho mình để phát triển với lòng yêu nghề, sự tâm huyết đối với sự nghiệp môi trường. 

Lãnh đạo Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường tin tưởng ngành công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường của Việt Nam sẽ phát triển không ngừng, đồng thời khẳng định, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp để phát triển ngành công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường của Việt Nam trong thời gian tới.

LÂM HÀ

Tags Vietwater 2023 WETV 2023 Ông Hồ Kiên Trung Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường Bộ Tài nguyên và Môi trường thời cơ thách thức công nghiệp tái chế xử lý chất thải công nghiệp môi trường

Các tin khác

Với nỗ lực từ nhiều bên, thị trường công trình xanh đã bước đầu ghi nhận những bước tiến lớn trong việc chuyển dịch dòng vốn hướng đến các công trình xanh.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 (APGN-8) được tổ chức trong bối cảnh cơn bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng cho Cao Bằng và hàng loạt địa phương trên cả nước cùng nhiều quốc gia lân cận, tuy nhiên, hàng trăm đại biểu vẫn tới tham dự và chia sẻ tại 6 phiên hội thảo chuyên đề về một số giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

9 yếu tố ảnh hưởng đến giá đất vừa được Hà Nội quy định rõ, trong đó có điều kiện về cấp thoát nước, cấp điện và điều kiện về giao thông.

Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 93/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục