Thủ đoạn xuyên tạc về quyền con người trong bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/10/2023 | 4:24:59 PM

Ngày 28/9 vừa qua, TAND TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng (SN 1972) 3 năm tù về tội “Trốn thuế”, phạt bổ sung 100 triệu đồng.

Quá trình xét xử tại toà đảm bảo công khai, dân chủ theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, thế nhưng với mưu đồ chống phá, các thế lực thù địch, phản động lại tìm cách xuyên tạc, "bẻ lái” vụ việc sang chiều hướng tiêu cực, lấy cớ vu cáo Đảng, Nhà nước, bôi nhọ các cơ quan tiến hành tố tụng.

Lại tô vẽ, dựng chuyện vu cáo

Bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng từng là Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (Change). Cáo trạng xác định, quá trình hoạt động, từ năm 2012 - 2022, trung tâm này phát sinh doanh thu hơn 69 tỷ đồng. Bà Hồng đã chỉ đạo nhân viên không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không thực hiện đầy đủ thủ tục về kế toán, hóa đơn, chứng từ nhằm trốn thuế hơn 6,7 tỷ đồng. Tại CQĐT, bà Hồng đã thừa nhận hành vi phạm tội và có đơn xin nộp khắc phục hậu quả để được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Tại tòa, bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng thừa nhận hành vi phạm tội và khai đã vận động gia đình khắc phục hơn 3,5 tỷ đồng. Bị cáo Hồng thừa nhận rất ăn năn, hối hận về hành vi phạm tội của mình. Việc bị cáo đứng tại tòa hôm nay là bài học cho bị cáo, cho các tổ chức phi lợi nhuận khác để họ vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình và không vi phạm pháp luật.

"Bị cáo mong HĐXX cân nhắc mức án nhẹ nhất để bị cáo trở về gia đình và tiếp tục đóng góp cho xã hội, đất nước” - bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng nói lời sau cùng.

HĐXX nhận định, lời khai nhận tội tại tòa của bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng phù hợp kết quả điều tra và kết luận giám định nên cáo trạng truy tố bị cáo là có căn cứ. HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như: thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, được Chính phủ tặng Bằng khen... để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Sau khi áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt bị cáo 3 năm tù về tội "trốn thuế”, phạt bổ sung 100 triệu đồng và bị cáo có trách nhiệm nộp lại hơn 6,7 tỷ đồng tiền trốn thuế.

Trong quá trình cơ quan chức năng tiến hành khởi tố, bắt tạm giam, xét xử, tuyên phạt tù đối với bà Hoàng Thị Minh Hồng theo trình tự, quy định của pháp luật, chính bà Hồng đã thừa nhận hành vi phạm tội, tỏ rõ ăn năn, hối cải về việc làm sai trái của mình; hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng để mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Thế nhưng bất chấp thực tế ấy, các thế lực thù địch lại đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc bản chất vụ việc. Trên mạng xã hội của các tổ chức, hội nhóm vốn thù địch với Việt Nam xuất hiện nhiều bài viết với nội dung sai trái, xuyên tạc như "cấm cản những người hoạt động môi trường”; "không có tự do trong hoạt động môi trường”; "ở Việt Nam bị phạt tù chỉ vì lên tiếng bảo vệ môi trường”…

Từ những luận điệu sai trái trên, họ dựng chuyện, vu cáo chính quyền Việt Nam "không quan tâm bảo vệ môi trường”, "bỏ tù nhà hoạt động môi trường”... Những hội nhóm "dân chủ” giả hiệu này lại lớn tiếng đòi thả tự do cho đối tượng phạm tội, cố tình phớt lờ bản chất vụ án. Các trang VOA, RFI, RFA đưa các bài viết dưới dạng "nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng bị kết án 3 năm tù”.

Trước khi phiên tòa diễn ra, tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) ra lời kêu gọi một cách phi lý rằng: "Chính phủ Việt Nam cần lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Hoàng Thị Minh Hồng và trả tự do cho bà vô điều kiện”.

Phía đại diện của tổ chức này còn lập luận quy chụp, vu cáo "chính quyền Việt Nam đang sử dụng luật thuế mơ hồ như một vũ khí để trừng phạt các nhà lãnh đạo môi trường mà Đảng Cộng sản cầm quyền coi là mối đe dọa đối với quyền lực của họ”. Ngay khi phiên tòa diễn ra và khi kết thúc, nhiều đối tượng chống đối, các tổ chức, trung tâm truyền thông thù địch lại tiếp tục "tô rồng, vẽ phượng” cho Hoàng Thị Minh Hồng, đưa ra những thông tin sai trái với luật pháp Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế về xử lý các đối tượng có hành vi xâm phạm đến khách thể được pháp luật bảo vệ.

Trong đó, bài viết trên RFI vu cáo: "Một tòa án ở Việt Nam hôm 28/9/2023 đã kết án bà Hoàng Thị Minh Hồng, một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng 3 năm tù vì tội "trốn thuế”, một bản án minh họa cho bầu không khí đàn áp nhắm vào những nhà bảo vệ môi trường ở Việt Nam”. Bằng việc trích dẫn ý kiến sai trái, bài viết này đưa ra bình luận xuyên tạc: "Việt Nam thường xuyên bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền cáo buộc đàn áp mọi tiếng nói bất đồng, đặc biệt là những tiếng nói lên án những hành động gây ảnh hưởng đến môi trường, tại một quốc gia mà việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường thường xung khắc với nhau”. Cùng phụ họa, tung hứng để tạo ra một chiến dịch truyền thông gây áp lực với Việt Nam là các đài RFA, VOA Tiếng Việt, Saigon Broadcasting Television Network...

Trước đó, các đối tượng có hành vi trốn thuế hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương đều đã được điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định pháp luật với các tài liệu, chứng cứ kết tội rõ ràng, khách quan. Trong đó bà Ngụy Thị Khanh phạm tội trốn thuế với số tiền 456 triệu đồng; ông Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương trốn thuế gần 2 tỷ đồng và Đặng Đình Bách là 1,38 tỷ đồng. Vậy nhưng bất chấp thực tế đó, các đối tượng núp bóng dân chủ, nhân quyền vốn thù địch, định kiến, thiếu thiện chí với Việt Nam lại cố tình đánh tráo bản chất vụ việc, thực hiện mưu đồ kêu oan, tẩy trắng tội danh.

Có thể thấy, các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có bảo vệ môi trường để chống phá Việt Nam. Không khó để hiểu vì sao những năm gần đây họ lại vin vào vấn đề môi trường, quyền con người trong lĩnh vực này để tìm cách xuyên tạc, đưa ra những luận điệu sai trái để đả phá. Bởi lẽ, vấn đề bảo vệ môi trường đang trở nên nóng hổi, bức thiết hơn bao giờ hết, luôn được các nước, tổ chức quốc tế quan tâm khi mà tình trạng ô nhiệm môi trường đang là vấn nạn của các quốc gia, thách thức toàn cầu. Mục đích của các thế lực thù địch đưa vấn đề quyền con người trong bảo vệ môi trường để tạo ra bức bình phong, vỏ bọc để dễ bề thực hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá. Từ đó họ cố gắng "bẻ lái”, thay đổi sự thật nhằm tìm kiếm sự can thiệp từ bên ngoài vào nước ta, vu cáo "bắt bỏ tù nhà hoạt động môi trường” để gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam. Từ đó, họ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ năng lực quản lý xã hội của Nhà nước; hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Còn ở trong nước, một số đối tượng cũng che đậy dưới danh nghĩa "hoạt động vì môi trường” để thực hiện hành vi chống đối, gây rối trật tự.

Quyền con người về môi trường là một quyền cơ bản, được công nhận, tôn trọng, bảo vệ

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định bảo vệ môi trường và phát triển bền vững có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, mối quan hệ lớn "Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội” được bổ sung thêm nội dung bảo vệ môi trường. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2026 tiếp tục khẳng định: "Phát triển nhanh và bền vững…; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Đối với quyền con người về môi trường và tiếp cận quyền con người trong bảo vệ môi trường là vấn đề mới với các quốc gia khác trên thế giới. Ngày 20/9/1977, nước ta gia nhập Liên hợp quốc. Quá trình phát triển đều xác định bảo vệ môi trường và quyền con người về môi trường là một nội dung được quan tâm, chú trọng trong chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước ta. Các bản Hiến pháp năm 1980, 1992, 2013 đều khẳng định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Hiến pháp 2013 chính thức coi quyền con người về môi trường là một quyền cơ bản, được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Điều 43 quy định: "Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”.

Trên tinh thần khẳng định quyền con người về môi trường của các bản hiến pháp, nhiều chính sách pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp về bảo vệ môi trường được ban hành. Trong đó, vấn đề quyền con người trong bảo vệ môi trường không ngừng được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn. Cho đến nay, quyền con người về môi trường được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật, từ Luật Điện lực sửa đổi 2012, Luật Thủy sản 2017, Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Đo đạc và bản đồ 2018 đến Luật Bảo vệ môi trường 2020...

Trong quá trình tham gia hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, Việt Nam đã chứng minh là thành viên có trách nhiệm trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu, nỗ lực hoạt động và có nhiều sáng kiến thiết thực. Thể hiện qua các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam như: Đưa phát thải ròng về "0” vào năm 2050; không xây mới điện than từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than từ năm 2040; tuyên bố về rừng và sử dụng đất; tham gia liên minh thích ứng toàn cầu; giảm 30% khí thải metan vào năm 2030 so với mức năm 2020…

Cần phải khẳng định, hành động vu cáo về dân chủ, nhân quyền, kêu gọi trả tự do cho Hoàng Thị Minh Hồng cũng như vu cáo trong các vụ việc tương tự còn ảnh hưởng đến tình hình chính trị, ngoại giao của Việt Nam. Việc một vụ án hình sự bị lợi dụng để hướng lái sang động cơ chính trị xấu có thể gây ra những quan điểm lệch lạc và chia rẽ trong dư luận xã hội. Điều này tác động đến lợi ích của quốc gia, hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, việc kêu gọi trả tự do hay đưa ra những luận điệu tuyên truyền sai sự thật dù là với động cơ, mục đích cá nhân hay chính trị đều là hành vi sai trái cần lên án. Chúng ta cần xây dựng một xã hội công bằng và tuân thủ luật pháp của mọi công dân, các giá trị dân chủ phải được hiểu và thực hiện đúng bản chất chứ không phải là sự bóp méo vì động cơ xấu.

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang là trở ngại không nhỏ trong quá trình phát triển của các quốc gia. Nhận thức đầy đủ, sâu sắc vấn đề đó, Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao, phát huy vai trò, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân nhằm chung tay xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp. Những tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường đều được Nhà nước, nhân dân ghi nhận, tôn vinh. Pháp luật Việt Nam cũng quy định và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi phạm pháp về môi trường, gây ô nhiễm môi trường, điển hình như việc xử lý vụ Công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng ở 4 tỉnh miền Trung. Đồng thời, các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý các hành vi lợi dụng danh nghĩa bảo vệ môi trường để phạm pháp, gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó có hành vi trốn thuế.

Theo CAND

Tags TAND TP Hồ Chí Minh thủ đoạn xuyên tạc xét xử bảo vệ môi trường quyền con người

Các tin khác

Với nỗ lực từ nhiều bên, thị trường công trình xanh đã bước đầu ghi nhận những bước tiến lớn trong việc chuyển dịch dòng vốn hướng đến các công trình xanh.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 (APGN-8) được tổ chức trong bối cảnh cơn bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng cho Cao Bằng và hàng loạt địa phương trên cả nước cùng nhiều quốc gia lân cận, tuy nhiên, hàng trăm đại biểu vẫn tới tham dự và chia sẻ tại 6 phiên hội thảo chuyên đề về một số giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

9 yếu tố ảnh hưởng đến giá đất vừa được Hà Nội quy định rõ, trong đó có điều kiện về cấp thoát nước, cấp điện và điều kiện về giao thông.

Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 93/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục