Hội thảo do đồng chí PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì. Tại hội thảo này nhà báo Hà Hồng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam có bài tham luận: "Kinh nghiệm viết bài báo về bảo vệ động vật hoang dã”. Chuyên trang Quản lý môi trường giới thiệu bài tham luận nói trên.
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì hội thảo
Việt Nam được xếp là một trong những quốc gia đa dạng sinh học (ÐDSH) cao trên thế giới, với hơn 49.200 loài động vật, trong đó có 10.500 loài thú trên cạn. Tuy nhiên, thời gian qua việc khai thác, tiêu thụ ÐVHD bất hợp pháp, đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, gây ra mối đe dọa lớn đối với ÐDSH, nhiều loài ÐVHD đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoặc tới bên bờ của sự tuyệt chủng. Số liệu thống kê do Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) ghi nhận năm 2019, có 1.777 vụ vi phạm về ÐVHD mới, trong đó có 146 vụ vận chuyển, 979 vụ mua bán, quảng cáo và 610 vụ nuôi nhốt trái phép ÐVHD… Cùng với nhiều giải pháp ngăn chặn trình trạng nói trên, công tác truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và sự tham gia của cộng đồng bảo vệ ĐVHD là rất cần thiết. Làm thế nào để có một tác phẩm báo chí tốt viết về lĩnh vực bảo vệ động ĐVHD?
Trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí, nhà báo dù sáng tạo tác phẩm thuộc loại hình báo chí nào, cũng cần tuân thủ một quy trình chung, bao gồm 6 bước: Tìm hiểu và nghiên cứu thực tế; xác định chủ đề - đề tài - tư tưởng chủ đề; thu thập và khai thác thông tin; thể hiện tác phẩm về nội dung và hình thức; duyệt, đăng báo, xuất bản, phát hành, phát sóng và lắng nghe thông tin phản hồi. Dưới đây là 6 bước sáng tạo tác phẩm báo chí nói chung và về ĐVHD nói riêng.
Nhà báo Hà Hồng - Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị trình bày tham luận tại hội thảo
Bước 1: Tìm hiểu và nghiên cứu thực tế
Đây là khâu đầu trong quy trình sáng tạo một tác phẩm báo chí. Việc làm đầu tiên của phóng viên khi được giao nhiệm vụ viết bài về đề tài nói chung và ĐVHD nói riêng là xây dựng cho mình một kịch bản. Từ đề tài được giao mình sẽ thu thập thông tin ở đâu, gặp ai, gặp bằng cách gì. Thậm chí khi viết đề tài ĐVHD nếu vào khu vực nguy hiểm, lúc gặp bất trắc sẽ liên hệ với ai, bằng cách nào... Nhờ có kịch bản này mà người phóng viên chủ động xử lý tình huống trong quá trình thu thập thông tin để viết bài sau này. Tuy vậy nhiều khi, chúng ta xây dựng một kịch bản trước để viết bài nhưng khi đi thực tế kịch bản đó có thể thay đổi. Điều đó không nhất thiết phải làm theo kịch bản có sẵn mà căn cứ từ tình hình thực tế đi viết bài theo hướng tài liệu và các bức ảnh mình vừa thu thập được. Ngoài nguồn tra cứu hiện có như Google, thư viện, người phóng viên cần phải xây dựng cho mình một kho dữ liệu độc lập, chuyên sâu nhất là phóng viên chuyên theo dõi lĩnh vực về môi trường nói chung và ĐVHD nói riêng. Trước mỗi chuyến đi thực tế người phóng viên xem những thông tin liên quan trong kho tự liệu của riêng mình. Sau gần 20 năm theo dõi Rùa Hồ Gươm tôi đã xây dựng riêng cho mình một kho tư liệu hàng nghìn trang tài liệu và hơn 1000 bức ảnh chụp Rùa Hồ Gươm nổi từ năm 1998 đến 19-1-2016 (ngày Rùa Hồ Gươm mất). Một kho tư liệu và hình ảnh đủ để tôi viết sách về Rùa Hồ Gươm.
Bước 2: Xác định đề tài, chủ đề, tư tưởng chủ đề
Thưa các đồng chí, như chúng ta đã biết đề tài trong lĩnh vực báo chí là phạm vi đời sống hiện thực được phản ánh vào các tác phẩm báo chí. Đề tài có thể được hiểu theo nghĩa rộng và hẹp. Với nghĩa rộng, đề tài tương ứng với các lĩnh vực hoạt động trong đời sống như đề tài quốc tế, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế, thể thao… Với nghĩa hẹp, có thể hiểu đề tài là sự kiện, vấn đề mà nhà báo hướng tới, nhận thức và phản ánh vào tác phẩm. Ở đây chúng ta đang bàn tới đề tài bảo vệ ĐVHD.
Xác định đúng, trúng đề tài người phóng viên đã hoàn thành được khoảng 30% việc sáng tạo một tác phẩm báo chí. Theo tôi nhà báo khác với người bình thường đó là "nhìn thấy sự kiện bất bình thường trong một chuỗi sự kiện bình thường”, gọi tên được sự kiện đó, "dừng hình” sự kiện để mổ xẻ, phân tích, hình thành đề tài, chủ đề từ đó làm cơ sở để sáng tạo tác phẩm báo chí. Trong gần 20 năm qua tôi theo dõi "chung thân” một đề tài về ĐVHD đó là Rùa Hồ Gươm. Theo Hiệp hội bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam, Rùa Hồ Gươm được liệt kê vào danh sách các loài rùa nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Hiệp hội bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam cũng cho biết, Việt Nam là nơi cư trú của 23 loài rùa cạn và rùa nước ngọt, trong đó có 5 loài rùa mai mềm, 18 loài rùa mai cứng. Tất cả 23 loài rùa này đều đã có trong danh sách các loài bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó 14 loài được xếp vào tình trạng nguy cấp và rất nguy cấp. Từ đề tài này tôi đã viết hơn 100 bài và chụp hơn 1000 bức ảnh Rùa nổi ở Hồ Gươm và những vấn đề liên quan nhất là thời điểm Rùa Hồ Gươm được đưa lên Tháp Rùa chữa bệnh đầu năn 2011 trên trang Wb cá nhân (hohoankiem.org) và các báo điện tử khác.
Chủ đề là vấn đề đã được nhà báo lựa chọn để thực hiện tác phẩm và được giới hạn trong một phạm vi nhất định. Tư tưởng chủ đề là nội dung được nhà báo xác định cách thức thể hiện tư tưởng, quan điểm, cách nhìn nhận của nhà báo về vấn đề đó. Đầu năm 2011, thấy Rùa Hồ Gươm nổi và chui qua chui lại hai đường ống thoát nước nối giữa bờ đường đôi Đinh Tiên Hoàng và đền Ngọc Sơn, tôi chụp ảnh rồi về phân tích mối quan hệ giữa vết trầy xước trên mai rùa và hai đường ống nước rồi viết bài với chủ đề vì sao mai Rùa bị trầy xước? Bài báo nêu giả thuyết của mình về nguyên nhân gây ra vết trầy xước trên mai Rùa Hồ Gươm là do mai Rùa cọ xát với đường ống đó không phải do rùa tai đỏ ăn như ý kiến của một số người. Sau khi ý kiến đó của tôi được nêu lên báo, trả lời phỏng vấn đài truyền hình, thành phố đã cho người chuyển đường ống đi theo hướng bám theo chân cầu Thê Húc.
Nhà báo Hà Hồng và rùa hồ Gươm.
Năm 2021 tôi được mời vào Ban giám khảo Cuộc thi Vẽ tranh thiếu nhi do Tạp chí Môi trường và Đô thị tổ chức với đề tài: "Vì môi trường tương lai” lần thứ ba - 2021. Bức tranh của em Đỗ Đình Phú An, học sinh lớp 3D Trường tiểu học Nguyễn Trãi, thành phố Tam Điệp, Ninh Bình đã thuyết phục ngay ban giám khảo với chủ đề ấn tượng. Em vẽ những con thú hoang dã trong lồng sắt ở công viên đang khóc với dòng chú thích: "Một con sư tử và một con gấu đang bị nhốt trong lồng sắt. Chung quanh có rất nhiều người đang xem chúng. Hai con vật buồn bã mơ về một cuộc sống trong rừng xanh”. Vâng, đúng vậy những con thú này không muốn làm vật cảnh để mua vui cho con người, chúng khóc vì muốn được tự do. Ban giám khảo nhất trí trao giải ba cho tác phẩm nói trên trong số 38.628 tác phẩm dự thi.
Bước 3: Thu thập và khai thác thông tin
Đây là quá trình đòi hỏi nhà báo phải có kỹ năng nghiệp vụ tinh thông để có thể khai thác thông tin một cách chính xác nhất, đầy đủ nhất. Nhà báo thường sử dụng ba phương pháp cơ bản để thu thập thông tin.
Phương pháp thứ nhất là dự hội thảo, hội nghị khoa học, đọc và nghiên cứu tài liệu, đọc các bản báo cáo, chính sách mới, kỷ yếu, tư liệu lịch sử, đọc và tìm kiếm thông tin trên mạng Internet. Đọc thường kết hợp với phân tích, so sánh… tìm hiểu bản chất của những thông tin sự kiện, vấn đề liên quan đề tài, chủ đề tác phẩm. Chúng tôi thường nói vui với nhau, mỗi sợi tóc của người phóng viên là một sợ ăng - ten, nó luôn chĩa theo nhiều hướng để thu nhận thông tin từ bạn bè, đồng nghiệp, các nhà khoa học, nhất là qua các hội thảo khoa học. Dự một cuộc hội thảo khoa học nếu chỉ đưa thông tin giới thiệu về hội thảo thì ta chỉ cần thông cáo báo chí, rồi biên tập đưa ngay lên mạng. Nhưng nếu dự cả buổi ta sẽ tìm được nhiều đề tài cho bài viết sau khi chu ý theo dõi ý kiến phát biểu của báo cáo viên, nhất là các nội dung nói ngoài văn bản. Theo tôi mỗi lần dự một cuộc hội thảo, một hội nghị mình lại cảm thấy như học được nhiều kiến thức mới, "ngộ” ra được nhiều điều. Dự cả buổi hội thảo khoa học là bí quyết để nhà báo nâng cao nhận thức và "đẻ” ra được nhiều đề tài hay cho tác phẩm báo chí sau này.
Khi nắm chắc văn bản pháp luật ta sẽ xác định được "tông” của bài viết sao cho bám sát chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, của bộ, ngành. Nắm chắc văn bản ta cũng học được cách hành văn với câu chữ ngắn gọn, rõ ý, từ một nghĩa không thể hiểu sang nghĩa khác. Văn bản pháp luật là tài liệu kết tinh trí tuệ của rất nhiều người, trong đó có các nhà khoa học, cán bộ quản lý. Đó là tài liệu chuẩn để nhà báo nghiên cứu kỹ khi vận dụng, trích dẫn. Ngược lại không phải văn bản nào về cơ chế chính sách khi mới ban hành cũng đúng, được dư luận xã hội đồng tình, và đi vào được cuộc sống. Khi có kiến thức nhất định cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia quản lý, nhà khoa học, luật sư… nhà báo có thể phát hiện những điều chưa hợp lý trong văn bản đang gây bức xúc trong xã hội. Từ đó có thể viết bài phản biện về một văn bản mới ban hành.
Phương pháp thứ hai là sử dụng phương pháp phỏng vấn thông qua hệ thống câu hỏi để tìm kiếm thông tin từ đối tượng và những nhân vật liên quan hoặc nhân vật nắm giữ thông tin. Nhà báo cần biết lựa chọn đối tượng, chuẩn bị hệ thống câu hỏi, các phương tiện kỹ thuật thích hợp để thu thập thông tin phục vụ cho chủ đề của tác phẩm.
Phương pháp thứ ba là quan sát. Khi quan sát tại thực địa, nhà báo có sự phân tích, thẩm định, nhận xét. Quan sát kèm theo sự cảm nhận của người quan sát sẽ quyết định việc thu thập thông tin và thẩm định thông tin chính xác hơn. Không chỉ phỏng vấn các nhà khoa học, cán bộ quản lý, nhiều khi phóng viên viết về lĩnh vực ĐVHD còn phải cải trang, liều mình vào "hang ổ” của những người buôn bán ĐVHD, chấp nhận hiểm nguy kể cả tính mạng của mình. Phóng viên Đỗ Doãn Hoàng, Báo Lao Động là một con người như vậy. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng với thể loại phóng sự điều tra trong đó có đề tài ĐVHD. Trong một buổi học ngoại khoá, tôi và anh Đỗ Doãn Hoàng được mời đến trao đổi kinh nghiệm viết bài về ĐVHD tại Học viện Báo chí và tuyên truyền. Tại đây khi được hỏi những nguy hiểm khi viết đề tài ĐVHD phóng viên Đỗ Doãn Hoàng kể: Có nhiều lần tôi bị rượt đuổi, bị đối tượng buôn bán ĐVHD vác dao đe dọa. Tôi cũng từng bị nhiều đối tượng tấn công, đòi đập nát ngón tay cầm bút. Hoặc khi đang vào vai đồng phạm để tác nghiệp, khi "vở kịch” đang diễn ra, lực lượng điều tra phá án ập vào mà các phóng viên (vào vai đồng phạm) vẫn cố nán lại để giám sát cơ quan thực thi pháp luật và "ham” quay thêm video, chụp ảnh, thế là bị những kẻ phạm pháp chửi bới, đe doạ.
Vào thời điểm tháng 10/2007 trên Báo Tiền Phong có đăng loạt bài: "Lật tẩy đường dây buôn lậu thú hoang dã xuyên quốc gia” của nhà báo Quốc Dũng. Bài báo viết về Trại khỉ của Tân Hội Đông gần của khẩu Kà Tum là điểm tập kết thú hoang dã nhập lậu từ Campuchia và được hợp thức hoá bằng giấy phép xuất khẩu từ Lào của nhà báo Quốc Dũng, Báo Tiền Phong. Loạt bài báo này đã đoạt hai giải thưởng báo chí quốc tế. Tôi và anh Quốc Dũng biết nhau từ khi cùng là thành viên sáng lập Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam. Anh Dũng chia sẻ kinh nghiệm viết bài báo về ĐVHD: Chỉ có đi thực tế, không ngại khó khăn, vất vả, bám sát đối tượng buôn bán ĐVHD mới có thể viết bài thành công về lĩnh vực này. Nếu chỉ ở nhà mà viết "vọng” thì bài báo đó không có sức sống, không thuyết phục được bạn đọc.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Bước 4: Thể hiện tác phẩm về nội dung và hình thức
Nội dung của một tác phẩm báo chí thường phản ánh chân thực, khách quan những sự kiện, vấn đề, sự việc có thực xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, mang tính thời sự, có ý nghĩa xã hội và được công chúng quan tâm. Đây là khâu quan trọng trong quy trình sáng tạo tác phẩm, bởi vì, tác phẩm có hấp dẫn công chúng hay không sẽ phụ thuộc vào những vấn đề mà nó đề cập và cách thức thể hiện nó.
Về hình thức thể hiện tác phẩm, trước hết, nó tùy thuộc loại hình báo chí và thể loại tác phẩm. Mỗi thể loại báo chí thể hiện một mô thức phản ánh khác nhau. Khi cần đưa thông tin nhanh, ngắn gọn, người ta sử dụng thể loại tin tức hoặc một thể loại trong nhóm thông tấn báo chí. Khi cần phân tích, nêu lý lẽ, dẫn chứng, người ta chọn thể loại thuộc nhóm chính luận. Thực tế cho thấy các bài phóng sự hay phóng sự điều tra thường được bạn đọc quan tâm hàng đầu bởi lối viết sinh động, đề cập vấn đề nóng hổi đang được nhiều người quan tâm. Các bài điều tra nói chung và điều tra về ĐVHD nói riêng thường hấp dẫn bạn đọc vì đưa hình ảnh và lời nói chân thật của người trong cuộc. Tôi còn nhớ vào thời điểm đầu năm 2011 khi phát hiện rùa Hồ Gươm nổi tại khu vực Nhà hàng Thuỷ Tạ, tôi chạy ngay vào chỗ khách ngồi ngoài sân, từ bên trên tôi đã chụp được cận cảnh lưng Rùa với những mảng mốc lớn chạy suốt mai và trên đầu mai phía trái có vết trầy xước rỉ máu. Phóng sự ảnh này được đăng ngay trên báo điện tử Vnexpess. Báo này đã để phóng sự ảnh đó nhiều giờ trên trang nhất. Qua đó đã góp phần tạo được dư luận xã hội đề nghị thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến trình cứu chữa Rùa Hồ Gươm. Một trong kinh nghiệm của tôi khi viết lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường nói chung, ĐVHD nói riêng là thường gửi bản thảo bài viết quan trọng nhờ các chuyên gia xem lại, qua đó mình đã kịp thời sửa chữa được nhiều nội dung, từ khoa học, tên riêng viết không chính xác. Nhiều phóng viên trẻ không làm như vậy. Họ luôn coi phóng viên là "người thầy của thiên hạ” việc gì phải để cho ai đọc bản thảo. Mình nói sao dư luận biết vậy. Suy nghĩ này thật tai hại cho những phóng viên chọn nghề báo là nghề suốt đời của mình.
Bước 5: Duyệt, đăng báo, xuất bản, phát hành, phát sóng
Tác phẩm báo chí là sản phẩm cá nhân sáng tạo ban đầu của phóng viên, nhưng sau khi hoàn thành sẽ được biên tập cho phù hợp với chủ đề, tôn chỉ mục đích... của tờ báo. Vì thế mà không thể bỏ qua khâu duyệt bài. Sản phẩm báo chí xuất hiện trước công chúng luôn có bàn tay, công sức thầm lặng của người biên tập. Người biên tập là những người đầu tiên thay mặt công chúng đọc (nghe, xem), thẩm định tác phẩm của nhà báo. Họ chỉnh sửa, cắt ngắn hoặc thêm bớt, kéo dài, hiệu đính các từ khoa học, tên tổ chức quốc tế... cho rõ ý, rõ câu chữ. Có tác phẩm phải biên tập nhiều, có tác phẩm phải biên tập ít tùy thuộc vào trình độ người viết bài và trình độ biên tập viên. Khi xuất bản tác phẩm phải đạt độ hoàn hảo nhất có thể. Mỗi bài báo khi được in, xuất bản là một công trình của tập thể, mặc dù có tên tác giả. Chúng tôi đã sửa nhiều bản thảo của phóng viên trẻ, có bài sửa chữa nhiều, gạch "mành mành”. Hôm sau thấy có bài đăng tên mình nhiều tác giả trẻ hãnh diện lắm mang đi khoe với đồng nghiệp, bạn bè.
Bước 6: Lắng nghe thông tin phản hồi
Sau khi phát sóng, tác phẩm báo chí sẽ nhận được các thông tin phản hồi của người đọc, người nghe, người xem. Thông thường thì nhà báo ít để ý đến những thông tin phản hồi của dư luận, bởi họ thường bận rộn và có quá nhiều sự quan tâm khác. Tuy nhiên, một nhà báo có trách nhiệm là nhà báo biết quan tâm đến những thông tin phản hồi từ công chúng để điều chỉnh thái độ đối xử. Theo dõi thông tin phản hồi để phóng viên biết mình viết có trúng, đúng vấn đề không? Hay có nội dung nào phát sinh từ đó lên kịch bản cho những bài viết tiếp theo.
Ths. Hà Hồng
Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam
Nguyên Trưởng ban Khoa giáo Báo Nhân Dân