Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải có mức độ đa dạng sinh học cao
Theo báo cáo do Phó Cục trưởng Hoàng Thị Thanh Nhàn ký, Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải nằm trong danh mục các khu bảo tồn thiên nhiên được Bộ TN&MT công bố, cũng như nằm trong quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Do đó, đây là di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường.
Chế độ quản lý, điều chỉnh diện tích, ranh giới của khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải không chỉ tuân thủ pháp luật về lâm nghiệp mà còn phải tuân thủ pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường. Do vậy, tỉnh Thái Bình phải xin ý kiến của Bộ TN&MT.
"Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Cục chưa nhận được công văn xin ý kiến về nội dung quyết định điều chỉnh ranh giới và không nhận được quyết định chính thức sau khi UBND tỉnh ban hành”, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho hay.
Theo cơ quan quản lý về đa dạng sinh học, quyết định giảm 90% diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải (từ 12.500ha xuống còn hơn 1.320ha) của tỉnh Thái Bình sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học, chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết với quốc tế và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, quy hoạch trên sẽ ảnh hưởng tới bảo tồn đa dạng sinh học và các sinh cảnh đất ngập nước tự nhiên tiêu biểu, làm mất đi mắt xích quan trọng trong đường bay của các loài chim di cư quý hiếm trên thế giới, gây suy giảm các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ảnh hưởng đến khả năng thích ứng và chống chịu trước các rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
"Các cam kết của Việt Nam với quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học như công ước RAMSAR, Công ước Đa dạng sinh học, Khung Đa dạng sinh học toàn cầu 2020”, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho hay, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải không chỉ với Thái Bình mà còn ở vị thế quốc gia, quốc tế. Từ đó, đơn vị này đề nghị cần tiếp tục duy trì khu bảo tồn trên nguyên tắc "hài hòa bảo tồn và phát triển, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế”.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cũng ký văn bản đề nghị Thái Bình làm rõ cơ sở pháp lý của việc quy hoạch và báo cáo Bộ trước ngày 25/8.
Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho rằng, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải không chỉ là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng mà còn là một trong 63 vùng chim quan trọng (IBA) có ý nghĩa toàn cầu, đã được quốc tế công nhận.
Tổ chức này nhận định, cần cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế. "Do đó, việc điều chuyển quy hoạch các khu bảo tồn theo hướng thu hẹp, gây tác động tiêu cực đến bảo tồn cần hết sức cẩn trọng, phải dựa trên đánh giá tác động môi trường và tuân thủ chặt chẽ quy trình tham vấn tất cả các bên liên quan”.
Theo baophapluat.vn