Nhận định được đưa ra tại hội thảo "Tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo kỹ thuật viên trong lĩnh vực dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí" do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức cuối tháng 6 vừa qua.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Mai Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, sự gia tăng lượng tiêu thụ nhanh chóng của các chất đặt ra rất nhiều thách thức trong việc đáp ứng nghĩa vụ tuân thủ của quốc gia. Từ năm 2024 không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC so với mức trung bình 03 năm 2020, 2021 và 2022; từ năm 2025 lượng tiêu thụ các chất HCFC giảm còn một nửa so với hiện nay.
Theo đánh giá, trên thế giới hiện có khoảng hơn 5 tỷ hệ thống làm lạnh, điều hòa không khí và bơm nhiệt đang hoạt động với hơn 15 triệu người đang làm việc trong lĩnh vực điện lạnh nhằm đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe và các tiện ích trong sinh hoạt của con người, đảm bảo năng suất lao động và môi trường thiết yếu cho thực phẩm, dược phẩm và dữ liệu kỹ thuật số...
Ước tính của Hội Lạnh Quốc tế năm 2019 cho thấy, lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí tiêu thụ khoảng 20% lượng điện năng và phát thải 4,14 tỉ tấn CO2 tương đương, chiếm khoảng 7,8% lượng khí nhà kính của toàn thế giới.
PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Thị trường điều hòa không khí tại Việt Nam có tốc độ tăng trung bình là 10 - 12% trong giai đoạn từ năm 2012 - 2022. Tổng số điều hòa không khí gia dụng hiện đang được sử dụng khoảng 22 - 25 triệu bộ, tương đương lượng môi chất nạp vào thiết bị trên 20.000 tấn và tỉ lệ rò rỉ cao với 7 -10%/năm lượng môi chất phát thải vào môi trường riêng trong lĩnh vực này 1500 - 2000 tấn. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao dẫn tới thực hành không tốt trong lắp đặt, vận hành, bảo trì thiết bị dẫn tới lượng rò rỉ môi chất lạnh trong lĩnh vực này chiếm phần lớn lượng các chất gây suy giảm tầng ô-dôn có trong môi chất lạnh (MCL) tiêu thụ tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, tổng số điều hòa không khí gia dụng hiện đang được sử dụng khoảng 22 - 25 triệu bộ
Tại Việt Nam từ năm 2018 đến nay, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT triển khai Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II) do Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới với mục tiêu loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (HCFC-22, HCFC-141b trộn sẵn trong polyol) trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, làm lạnh, sản xuất xốp và dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh, điều hòa không khí theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal.
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch HPMP II là:
- Loại trừ tiêu thụ 1000 tấn HCFC-22 trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị lạnh, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh.
- Loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong lĩnh vực sản xuất xốp.
- Giảm lượng phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng công nghệ thay thế không ODP và GWP thấp.
- Tăng cường kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất HCFC và tuyên truyền phổ biến công nghệ không sử dụng HCFC. Bên cạnh đó, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sang HFC-32 (R32).
- Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sang các chất thay thế không làm suy giảm tầng ô-dôn và có tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp.
- Chuyển đổi công nghệ sang công nghệ cyclopentane, HFO để loại trừ HCFC-141b trộn sẵn trong polyol; đào tạo và hỗ trợ công nghệ….
Hiện nay, Bộ TN&MT hiện đang lấy ý kiến tham vấn về Quy chuẩn kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát, dự kiến ban hành trong năm 2023.