Giải pháp, chính sách khuyến khích đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào xử lý nước thải khu công nghiệp và đô thị tại Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/6/2023 | 4:15:02 PM

Thời gian qua số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực nước thải của cả nước tăng nhanh, từ 132 doanh nghiệp năm 2010 (trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 97,7%) tăng lên 476 doanh nghiệp năm 2020 (doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 99,4%). Tuy nhiên, số lượng này vẫn khá khiêm tốn so với yêu cầu xử lý nước thải ở Việt Nam.

1. Mở đầu     

Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, đóng góp phần lớn vào phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của đất nước. Năm 2016, khu vực tư nhân trong nước chiếm 38,6% GDP (trong tỷ lệ này, doanh nghiệp đăng ký chính thức chiếm 8,2%, khu vực hộ kinh doanh chiếm 30,43%); khu vực tư nhân nước ngoài (FDI) đóng góp 18,95% vào GDP[1]. Với vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã quán triệt rõ phát triển kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa[2]. Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả "Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp;phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”[2]. Đây là chủ trương lớn của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển KT - XH, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới.

Trong lĩnh vực BVMT, lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn chỉ ra rằng không nhất thiết Nhà nước phải là người cung cấp trực tiếp các dịch vụ công đến tận tay người tiêu dùng. Đồng quan điểm đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khẳng định, ngoài việc cung cấp trực tiếp các dịch vụ công, Nhà nước có thể phối hợp với tư nhân, với cộng đồng hoặc các đối tác khác để thực hiện nhiệm vụ này. Trong  thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều định hướng, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT. Đối với lĩnh vực xử lý nước thải (XLNT), Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản như: Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 về thoát nước và XLNT; Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó, đã quy định đối với lĩnh vực đầu tư vào hệ thống thu gom,  XLNT, chất thải. Tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020[3] quy định về chính sách khuyến khích dịch vụ môi trường tại Điều 144, theo đó "Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề thu gom, tái chế, xử lý chất thải được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Điều 141 Luật BVMT năm 2020” và "UBND cấp tỉnh lập, thẩm định, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện dự án đầu tư đã được phê duyệt theo phương thức đối tác công tư về thu gom và XLNT sinh hoạt tập trung, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư”.

Đến nay, kết quả triển khai các chính sách trên đã góp phần cải thiện đáng kể việc đầu tư vào lĩnh vực thoát nước và XLNT. Hiện cả nước có khoảng 242 khu công nghiệp (KCN) đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống XLNT tập trung (chiếm 48%), 191 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động (chiến 78,9%) và 51 KCN còn lại vẫn đang có kế hoạch lắp đặt thiết bị quan trắc tự động (chiếm 11,1%). Tại các đô thị, phần lớn đều có hệ thống thoát nước chung cho cả nước mặt và nước thải với quy mô khác nhau tuy nhiên còn thiếu hệ thống thu gom và các trạm XLNT tập trung[4]. Theo Báo cáo từ Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hiện tại, đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 63 Nhà máy XLNT tập trung tại các đô thị từ loại IV trở lên đi vào vận hành, theo kế hoạch, đến năm 2021 có thêm 50 Nhà máy nữa, nhưng tỷ lệ thu gom và XLNT cũng chỉ đạt khoảng 20%. Chủ trương xã hội hóa ngành nước đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và vận hành các công trình cấp nước và XLNT. Tuy nhiên, về cơ bản mới chỉ xử lý được một phần nhỏ, chủ yếu là hoạt động thu gom và xử lý sơ bộ so với nhu cầu của ngành, nhiều dịch vụ đòi hỏi công nghệ cao thì các công ty môi trường hầu như chưa đáp ứng được. Cho đến nay, năng lực xử lý cung ứng dịch vụ môi trường mới đáp ứng được 2-3% nhu cầu XLNT đô thị, 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, khoảng 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại; nhiều lĩnh vực như tái chế dầu thải, nhựa phế liệu, chất thải điện, điện tử chưa phát triển.

Khó khăn, hạn chế trong thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư vào  xlnt ở Việt Nam

 Thời gian qua số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực nước thải của cả nước tăng nhanh, cụ thể, từ 132 doanh nghiệp năm 2010 (trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 97,7%) tăng lên 476 doanh nghiệp năm 2020 (doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 99,4%). Tuy nhiên, số lượng này vẫn khá khiêm tốn so với yêu cầu XLNT ở Việt Nam. Nguyên nhân do một số điểm nghẽn sau đây:

a. Khó khăn, hạn chế trong thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư vào XLNT KCN

Một là, quy định pháp luật, đặc biệt pháp luật BVMT năm 2020, mặc dù cơ bản phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên các pháp luật khác có liên quan như pháp luật về thuế, phí về môi trường theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý, khắc phục, cải tạo và phục hồi môi trường”, "người hưởng lợi từ giá trị môi trường phải trả tiền” chưa phát huy được vai trò công cụ kinh tế; thiếu đồng bộ để tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi khuyến khích phát triển dịch vụ môi trường. BVMT và đầu tư cho BVMT chưa thực sự được xem là lĩnh vực hấp dẫn, đặc biệt là dịch vụ XLNT.

Hai là, công tác lập, thực hiện quy hoạch KCN có nơi chưa phù hợp, gây áp lực cho công tác BVMT nói chung và XLNT nói riêng. Đặc biệt là công tác định hướng các ngành nghề thu hút đầu tư trong KCN còn thiếu các căn cứ pháp lý để quy định, mang cơ chế xin cho và phụ thuộc vào nhận thức của một số địa phương, doanh nghiệp, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Có những khu vực tập trung rất nhiều KCN được quy hoạch ngành nghề thuộc Danh mục 17 loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ví dụ như xi mạ, dệt nhuộm... Chưa hình thành được các mô hình KCN hỗ trợ, dịch vụ cung ứng. Mặc dù, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP không quy định nhưng trong thực tế đã phát sinh trường hợp sáp nhập KCN, do các thông tin không đầy đủ khi sáp nhập nên đã dẫn đến khó khăn trong việc xác định phạm vi công tác BVMT. 

Ba là, công tác báo cáo, cập nhật thông tin từ các chủ đầu tư KCN, Ban Quản lý KCN, các địa phương chưa được thực hiện đúng theo quy định tại các Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT, Thông tư số 19/2016/TT-BTNMT, Thông tư số 29/2019/TT-BTNMT của Bộ TN&MT dẫn đến việc đánh giá diễn biến chất lượng môi trường tại các KCN chưa được đầy đủ và chính xác, khách quan. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu tại Thông tư số 29/2019/TT-BTNMT, theo đó một số năm còn thiếu thông tin, số liệu KCN và KCN có hệ thống XLNT hàng năm để Bộ TN&MT rà soát, thống nhất báo cáo Chính phủ, Quốc hội.

Tỷ lệ các KCN đang hoạt động có Nhà máy XLNT tập trung đạt tiêu chuẩn quy định
Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 - 2020[4]

Hình 1. Tỷ lệ các KCN đang hoạt động có Nhà máy XLNT tập trung đạt tiêu chuẩn quy định

Bốn là, nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác BVMT nói chung và đầu tư cho BVMT các KCN nói riêng còn hạn chế. Chưa có quy định về việc sử dụng nguồn vốn dự phòng từ ngân sách trung ương ưu tiên bố trí cho các chương trình, dự án BVMT các KCN.

Năm là, công tác phổ biến chính sách pháp luật, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định pháp luật về BVMT còn hạn chế.

b. Khó khăn, hạn chế trong thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư vào XLNT đô thị

Một là, chi phí đầu tư cho XLNT đô thị cao do hệ thống thoát nước đô thị được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau không hoàn chỉnh, đồng bộ; các tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp, nước thải hầu như chưa được xử lý và xả thẳng vào nguồn tiếp nhận, nhiều đô thị đang xây dựng, hoặc chưa có trạm xử lý nước thải sinh hoạt hoặc nước thải được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại, sau đó theo các tuyến cống và xả trực tiếp ra môi trường, tỷ lệ các hộ đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn rất thấp. Nhiều tuyến cống không đủ tiết diện lớn để thoát nước; việc bê tông hóa kênh, mương cũng góp phần không nhỏ vào việc hạn chế thoát nước. Tình trạng ngập úng đô thị xảy ra liên tục tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội mỗi khi mưa lớn là minh chứng rõ nhất cho những bất cập trong việc đầu tư hạ tầng XLNT đô thị hiện nay.

    Hai là, cơ chế ưu đãi, khuyến khích chưa tạo ra động lực cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực XLNT. Mức thu hồi chi phí thấp tạo ra những quan ngại cho việc đầu tư vào mạng lưới hạ tầng thoát nước và XLNT. Điều này dẫn đến thiếu hụt về nguồn vốn đầu tư, các doanh nghiệp tư nhân chưa mặn mà với các dự án này, công tác cấp thoát nước và xử lý nước thải vì thế chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn ngân sách.

Ba là, các điều kiện thị trường (thông tin minh bạch, sự ổn định của chính sách, chính sách về cơ chế đối tác, hợp tác...) để nhà đầu tư triển khai kinh doanh hiệu quả chưa được hoàn thiện. Xu hướng thế giới cho thấy cần chuyển đổi và mở một số hoạt động để kêu gọi đầu tư tư nhân, cổ phần hóa công ty cấp nước, thay đổi chính sách phải theo hướng xã hội hoá, trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền và có tác dụng điều chỉnh hành vi chứ không chỉ để tăng thu ngân sách.

3. Một số kiến nghị, đề xuất về giải pháp, chính sách khuyến khích đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào xlnt kcn và đô thị tại Việt Nam

3.1. Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và chỉnh sửa các quy định liên quan đến khuyến khích đầu tư tư nhân vào XLNT KCN và đô thị  

+ Đề xuất bổ sung lĩnh vực XLNT vào Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư và Danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư.

Hiện nay, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP (ban hành ngày 26/3/2021) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư. Theo Phụ lục II, Danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư quy định tại mục A, phần III về BVMT, xây dựng kết cấu hạ tầng, bao gồm: Thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung; Xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng trong khu kinh tế; đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, kết cấu hạ tầng, vận tải và công nghiệp đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng thủy nội địa; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị; đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh chợ tại vùng nông thôn; đầu tư phát triển và vận hành, quản lý công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Như vậy, hoạt động XLNT KCN và đô thị vẫn chưa được đưa vào hệ thống Danh mục ngành nghề ưu đãi đầu năm 2022 trong lĩnh vực BVMT, do đó đề xuất bổ sung lĩnh vực XLNT vào danh mục.

+ Điều chỉnh, bổ sung đối với pháp luật về thuế BVMT trong lĩnh vực XLNT, cụ thể: Mở rộng đối tượng chịu thuế bao gồm các chất gây ô nhiễm môi trường (không chỉ là hàng hóa như hiện nay). Điều này cũng phù hợp với quy định mới tại Khoản 1, Điều 136 Luật BVMT năm 2020 về việc thuế BVMT được áp dụng không chỉ với các sản phẩm, hàng hóa mà còn cả các chất ô nhiễm môi trường. Mức thuế nên được quy định ở mức tối đa hoặc tối thiểu, mức cụ thể sẽ căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, doanh nghiệp để quy định.

+ Nghiên cứu bổ sung đối với pháp luật về tài nguyên nước, cụ thể: (i) nghiên cứu bổ sung quy định hạn ngạch phát thải có thể chuyển nhượng trong Luật Tài nguyên nước sửa đổi; (ii) có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư trong lĩnh vực phát triển công nghệ, sản phẩm liên quan đến xử lý nước thải; (iii) Ưu tiên khuyến khích tư nhân đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) vào các dự án phát triển hạ tầng thu gom, xử lý nước thải.

+ Đề xuất từng bước điều chỉnh phí BVMT đối với nước thải cho phù hợp với thực tế, nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức cá nhân đối với nước thải phát sinh. Kết quả khảo sát của Đề tài cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân đánh giá phí BVMT đối với nước thải là công cụ quản lý quan trọng.

+ Đề xuất xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án XLNT theo phương thức đối tác công tư (PPP) để thu hút đầu tư của tư nhân.

Trước đây, việc triển khai PPP trong lĩnh vực XLNT chưa có nhiều, có một số dự án thực hiện theo mô hình BT (xây dựng - chuyển giao) chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Mô hình BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) được đánh giá là mô hình hiệu quả nhất trong số hợp đồng đối tác công - tư trong lĩnh vực XLNT, chất thải rắn với lý do các công trình văn hóa, giáo dục, phúc lợi bao gồm cả các cơ sở nước thải không có lợi nhuận, do đó tổng chi phí dự án được trả về thông qua phí cho địa phương và Chính phủ thuê, chứ không do chi phí sử dụng.

Đến năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư [5] đã quy định: "Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP”. Lĩnh vực BVMT được quy định tại Điều 4 của Luật này bao gồm XLNT; xử lý chất thải. Tuy nhiên, sau khi Luật PPP có hiệu lực, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, phương thức đối tác công – tư trong lĩnh vực XLNT và chất thải rắn vẫn chưa được triển khai nhiều tại Việt Nam. Do đó, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong XLNT, đề xuất xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án XLNT và cơ chế, chính sách về tín dụng, phí dịch vụ, đất đai... để thu hút đầu tư của tư nhân.

+ Hoàn thiện quy hoạch thoát nước, XLNT KCN và đô thị phù hợp với đặc thù từng khu KCN và đô thị và phân vùng xả thải. Đây là điều kiện cần, tiên quyết nhằm giúp nhà đầu tư xem xét cân nhắc, đề xuất dự án đầu tư, giải pháp công nghệ triển khai thực hiện. Quy hoạch thoát nước, XLNT phải đồng bộ, cụ thể, khả thi. Thông tin về quy hoạch và thủ tục kêu gọi đầu tư cần được công khai, minh bạch.

+ Nghiên cứu bổ sung đề xuất giải pháp chính sách tạo điều kiện thúc đẩy nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, nhập khẩu các loại hình công nghệ XLNT phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

+ Tiếp tục hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến khuyến khích, ưu đãi đầu tư tư nhân trong lĩnh vực XLNT, gồm:

Cụ thể hóa quy định ưu đãi, hỗ trợ BVMT đối với hoạt động XLNT và xử lý chất thải trong các văn bản dưới Luật, đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể để nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư tư nhân yên tâm ra quyết định đầu tư.

Ưu đãi, hỗ trợ BVMT (Điều 141 – Nghị định số 08/2021/NĐ-CP) quy định XLNT và xử lý chất thải là các hoạt động đầu tư kinh doanh về BVMT được hưởng ưu đãi hỗ trợ. Những quy định này cần được cụ thể hóa trong các văn bản dưới Luật, đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể để nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư tư nhân yên tâm ra quyết định đầu tư. Các địa phương sớm ban hành lộ trình thực hiện và chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình tại các khu dân cư không tập trung theo quy định của Luật BVMT năm 2020. Cụ thể:

 Về thuế: Miễn giảm thếu thu doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu thiết bị của công trình XLNT, miễn giảm thuế VAT.

Về đất đai: Giao đất, không thu tiền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình XLNT.

Các ưu đãi khác: Tùy vào đặc điểm và điều kiện của từng địa phương có thể đưa ra các chính sách cụ thể như nhà đầu tư khi đầu tư xây dựng công trình XLNT  của tỉnh, thành phố… sẽ được giao một khu đất khác để đầu tư vào các lĩnh vực khác có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế và khả năng thu hồi vốn nhanh hơn, ví dụ: xây dựng nhà ở, văn phòng, KCN, khu du lịch vui chơi giải trí…

Bổ sung lĩnh vực XLNT là ngành, lĩnh vực đặc thù cần được ưu tiên xây dựng lộ trình thực hiện và hướng dẫn áp dụng mô hình KTTH. Hiện nay, KTTH đã được đưa vào Luật BVMT năm 2020 (Điều 142) và hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP tại Điều 138, 139 và 140. Hoạt động XLNT được coi là một mô hình đóng góp trực tiếp vào công tác triển khai, áp dụng mô hình KTTH trong sản xuất sản phẩm, xử lý chất thải. Trong thời gian tới, Bộ TN&MT có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH, theo đó cần xác định nhiệm vụ, lộ trình thực hiện KTTH đối với các ngành, lĩnh vực, trong đó xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện theo từng giai đoạn; xây dựng danh mục các ngành, lĩnh vực đặc thù phải có hướng dẫn áp dụng KTTH. Trên cơ sở đó, đề xuất bổ sung lĩnh vực xử lý nước thải là ngành, lĩnh vực đặc thù cần được ưu tiên xây dựng lộ trình thực hiện và hướng dẫn áp dụng mô hình KTTH.             

Bảng 1. Tổng hợp các chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung để khuyến khích đầu tư vào xử lý nước thải KCN và đô thị

STT
Loại hình văn bản pháp luật
Nội dung đề xuất
1 Pháp luật về Đầu tư
Bổ sung lĩnh vực XLNT vào Danh mục ngành nghề ưu đãi đầu năm 2022 trong lĩnh vực BVMT
2 Pháp luật về thuế BVMT
- Mở rộng đối tượng chịu thuế bao gồm các chất gây ô nhiễm môi trường

- Mức thuế nên được quy định ở mức tối đa hoặc tối thiểu, mức cụ thể sẽ căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, doanh nghiệp để quy định

3 Pháp luật về BVMT
- Cụ thể, chi tiết hóa ưu đãi, hỗ trợ xử lý nước thải (Điều 141);

- Giá dịch vụ thu gom xử lý nước thải cần được nghiên cứu và ban hành;

- Cụ thể hóa điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn vốn;

- Bổ sung quy định tiếp cận nguồn lực trái phiếu xanh được phát hành bởi Chính phủ và chính quyền địa phương đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị xử lý nước thải khu đô thị, KCN (Điều 150);

- Cụ thể hơn nữa nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; các công cụ kinh tế (Chương 11) (như thanh kiểm tra, xử phạt, khen thưởng..);

4 Pháp luật về hợp tác công tư
- Đề xuất xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án xử lý nước thải và cơ chế, chính sách về tín dụng, phí dịch vụ, đất đai,... để thu hút đầu tư của tư nhân
5 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP
- Ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án xử lý nước thải được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (Điều 154)

- Đề xuất đưa lĩnh vực xử lý nước thải vào loại hình lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH (Điều 139)

6 Pháp luật về tài nguyên nước
Bổ sung quy định hạn ngạch xả thải có thể chuyển nhượng. Ưu tiên khuyến khích tư nhân đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) vào các dự án phát triển hạ tầng thu gom, xử lý nước thải.

+ Đề xuất bổ sung Danh mục loại hình các dự án XLNT kèm theo tiêu chí và ngưỡng phân loại trong Danh mục phân loại xanh.

Dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh đang trong quá trình trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo đó, các dự án hoặc hạng mục của dự án đáp ứng cái tiêu chí môi trường sẽ được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Hiện nay, Dự thảo "Danh mục phân loại xanh" đã đề cập đến các dự án xử lý chất thải, trong đó có xử lý nước thải sinh hoạt, xử lý nước thải công nghiệp, xử lý nước thải y tế. Có thể thấy, quy định về tín dụng xanh, trái phiếu xanh là cần thiết, kịp thời và phù hợp với xu hướng, thông lệ quốc tế, góp phần tạo hành lang pháp lý để hình thành, phát triển thị trường sản phẩm tài chính tiềm năng này, góp phần định hướng lại dòng đầu tư và thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, KTTH.

Trên cơ sở đó, để phù hợp với định hướng xây dựng danh mục phân loại xanh, đề xuất bổ sung danh mục loại hình các dự án XLNT kèm theo tiêu chí và ngưỡng phân loại trong danh mục phân loại xanh, qua đó cũng thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư vào xử lý nước thải khu KCN và đô thị khi tiếp cận được nguồn vốn xanh này. Đặc biệt, các Bộ ngành có liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, BộTN&MT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại, chủ đầu tư các dự án xử lý nước thải khu đô thị, khu công nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh từ các định chế tài chính quốc tế.

 Bảng 2. Đề xuất danh mục loại hình dự án đầu tư XLNT được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh

STT
Loại hình dự án XLNT
Lợi ích BVMT
Tiêu chí sàng lọc
Chỉ tiêu

Thu gom nước thải đô thị, khu dân cư tập trung
Quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải
1. Chất lượng thu gom

2. Công trình hạ tầng, kỹ thuật thu gom

1. Đáp ứng yêu cầu về thu gom nước thải theo quy định của pháp luật BVMT

2. Đáp ứng yêu cầu về thoát nước theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng


Xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung
Quản lý hiệu quả nguồn nước và XLNT
1. Chất lượng xử lý

2. Công nghệ, kỹ thuật xử lý

1. Đáp ứng yêu cầu về xử lý nước thải theo quy định của pháp luật BVMT, đạt Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hiện hành về nước thải

2. Đáp ứng yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải theo pháp luật BVMT và xây dựng


Thu gom, XLNT y tế
Quản lý hiệu quả nguồn nước và XLNT
1. Chất lượng thu gom, xử lý

2. Công nghệ, kỹ thuật xử lý

1. Đáp ứng yêu cầu về thu gom và xử lý nước thải y tế theo quy định của pháp luật BVMT và liên quan, đạt các Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hiện hành về chất lượng xử lý nước thải y tế

2. Đáp ứng yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật xử lý chất thải theo pháp luật BVMT và xây dựng


Thu gom, XLNT từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

Quản lý hiệu quả nguồn nước và XLNT
1. Chất lượng thu gom, xử lý

2. Công nghệ, kỹ thuật xử lý

1. Đáp ứng yêu cầu về thu gom và xử lý nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật BVMT và đạt Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hiện hành về chất lượng xử lý

2. Đáp ứng yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật xử lý chất thải theo pháp luật BVMT và xây dựng

3.2. Đề xuất một số giải pháp nhằm nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về XLNT trong KCN và khu đô thị

Nâng cao vai trò của Ban quản lý KCN trong quản lý vấn đề xử lý nước thải KCN. Theo đó, cần giao thêm quyền cho Ban quản lý KCN trong quản lý vấn đề BVMT KCN nói chung, trong xử lý nước thải KCN nói riêng.

Xây dựng các tài liệu hướng dẫn áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đã được quy định trong pháp luật BVMT. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong KCN về quyền và trách nhiệm xử lý nước thải của họ. Nhấn mạnh về chế tài xử phạt nếu các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về xử lý nước thải trong KCN. Hình thức tuyên truyền, giáo dục gồm: đăng trên bảng tin của KCN, đài phát thanh, website, băng rôn, khẩu hiệu,…

Thanh tra, kiểm tra vấn đề thực thi các quy định pháp luật về XLNT KCN. Hoạt động này phải được thực hiện thường xuyên bao gồm cả thanh tra, kiểm tra có báo trước và thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Minh bạch thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký, đấu thầu dự án. Cần quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan; bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư theo tinh thần Luật đầu tư 2020, Luật BVMT năm 2020, Luật sửa đổi Luật đấu thầu 2022.

Hỗ trợ nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ XLNT trong nước. Các dự án nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ XLNT phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới cần có những chính sách hỗ trợ như được Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và Quỹ phát triển khoa học và công nghệ địa phương hỗ trợ kinh phí và được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, đào tạo nguồn nhân lực từ nguồn vốn của Quỹ BVMT Việt Nam và các nguồn quỹ khác.

 Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, bao gồm: Đào tạo đội ngũ cán bộ cho doanh nghiệp thông qua các buổi tập huấn tại địa phương; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên hợp tác đào tạo sinh viên các ngành kỹ thuật công nghệ môi trường tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; thu hút, sử dụng có hiệu quả người có trình độ cao, lực lượng trẻ tài năng hợp tác nghiên cứu, giảng dạy hàng hóa môi trường tại Việt Nam.

 Tạo điều kiện cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực BVMT, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường và đặc biệt là các dự án đầu tư vào lĩnh vực XLNT KCN và đô thị được tiếp cận các nguồn lực cho BVMT, tiếp cận được nguồn vốn tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

Xây dựng đề án riêng để xác định rõ lộ trình, phân công trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong việc huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào XLNT nói chung, KCN và khu đô thị nói riêng.

Lời cảm ơn: Bài viết dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ "Nghiên cứu đề xuất các giải pháp, chính sách khuyến khích đầu tư khu vực kinh tế tư nhân vào XLNT KCN và đô thị” mã số TNMT.2019.04.06 do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện.

Nguyễn Thị Thanh Huyền
Vũ Đức Linh
Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường
Theo Tạp chí Môi trường

Tài liệu tham khảo

1. Lê Duy Bình, Kinh tế tư nhân Việt Nam - Năng suất và Thịnh vượng. Sáng kiến Hỗ trợ  khu vực tư nhân Vùng Mekong (MBI), 2018.

2. Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. 2017.

3. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020.

4. Bộ TN&MT, Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. 2021.

5. Luật số 64/2020/QH14 ngày 18/6/2020 của Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư  (2020).

Tags đầu tư kinh tế tư nhân xử lý nước thải nước thải khu công nghiệp

Các tin khác

Với nỗ lực từ nhiều bên, thị trường công trình xanh đã bước đầu ghi nhận những bước tiến lớn trong việc chuyển dịch dòng vốn hướng đến các công trình xanh.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 (APGN-8) được tổ chức trong bối cảnh cơn bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng cho Cao Bằng và hàng loạt địa phương trên cả nước cùng nhiều quốc gia lân cận, tuy nhiên, hàng trăm đại biểu vẫn tới tham dự và chia sẻ tại 6 phiên hội thảo chuyên đề về một số giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

9 yếu tố ảnh hưởng đến giá đất vừa được Hà Nội quy định rõ, trong đó có điều kiện về cấp thoát nước, cấp điện và điều kiện về giao thông.

Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 93/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục