Chương trình nhằm tôn vinh, khen thưởng, khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ các quy định về xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh; có nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường; tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, nâng cao tính cạnh tranh, hội nhập quốc tế.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA khẳng định logo danh hiệu ‘Doanh nghiệp xanh” sẽ trở thành biểu tượng để người dân chọn lựa sản phẩm, cũng như là tấm hộ chiếu cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi các thị trường quốc tế.
Chủ tịch HUBA và Tổng biên tập báo SGGP ký kết chương trình xét chọn "Doanh nghiệp xanh" 2023
Thời gian vừa qua, để tạo nền tảng cho tăng trưởng xanh, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 4589 về "Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, tập trung xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh; tích hợp tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Trên thực tế, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Ở khía cạnh khác, xu hướng phát triển xanh - bền vững đã và đang hình thành "luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có "dấu chân carbon” lớn; nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.
Ông Tăng Hữu Phong, Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng cho rằng với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, việc đi theo con đường tăng trưởng xanh của các doanh nghiệp là tất yếu.
Theo ông Phong, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Trên thực tế, xu hướng phát triển xanh, bền vững đã và đang hình thành "luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có "dấu chân carbon” lớn; nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.
"Có thể khẳng định rằng, phát triển kinh tế xanh không những giúp doanh nghiệp vượt qua các khó khăn hiện tại mà còn đặt nền móng phát triển bền vững hơn cho tương lai. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được vấn đề này không phải dễ dàng. Bản thân mỗi doanh nghiệp sẽ phải chịu sức ép rất lớn về vấn đề tài chính, kỹ thuật, công nghệ, thị trường…", ông Phong nói.
Theo ban tổ chức, mục đích của việc xét chọn danh hiệu "Doanh nghiệp xanh” nhằm tôn vinh, khen thưởng, khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ các quy định về xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh; có nhiều nghiên cứu và sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường; tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững; và hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, nâng cao tính cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế.
Lễ tôn vinh danh hiệu "Doanh nghiệp xanh” dự kiến vào tuần thứ hai tháng 9/2023 và định kỳ hàng năm; thực hiện nhiều hoạt động kết nối, xúc tiến giao thương góp phần nâng cao nội lực của doanh nghiệp…
"Thời gian qua, các doanh nghiệp không tiếp cận xanh thì khó tiếp cận đơn hàng và thậm chí bị đối tác nước ngoài từ chối mua sản phẩm; trong khi các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh thì được rất nhiều đơn hàng, thậm chí có doanh nghiệp quá tải đơn hàng… Việc chuyển đổi thành công tiêu chuẩn xanh sẽ là giấy thông hành, tấm hộ chiếu để doanh nghiệp đi vào thị trường quốc tế một cách tự tin hơn”, ông Hòa nói.
Tuấn Anh