Tại phiên kỷ niệm, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77, ông Csaba Kőrösi, bày tỏ quan ngại trước tác động của phát triển kinh tế, tình trạng sản xuất và tiêu thụ không bền vững đối với khả năng tái tạo của Trái Đất.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh sự giảm tác động lên môi trường, tôn trọng giới hạn sinh học, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa con người và hệ sinh thái, đồng thời tìm kiếm các giải pháp mới.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, ngày 24/4 đã tham gia chủ trì Phiên họp kỷ niệm Ngày quốc tế Mẹ Trái Đất. Ảnh: VOV
Các quốc gia đã tái khẳng định sự quan tâm và cam kết tăng cường bảo vệ Trái Đất, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống sinh học toàn cầu, đa dạng sinh học và thúc đẩy sự hài hòa với thiên niên và Trái Đất, qua đó thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và hướng tới một thế giới bền vững hơn.
Điều này cần được thực hiện thông qua nhiều biện pháp như tăng cường hợp tác toàn cầu, củng cố chủ nghĩa đa phương, bảo đảm nguồn lực, tri thức khoa học, chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực chung toàn cầu nhằm vượt qua các thách thức hiện nay.
Trong thông điệp nhân Ngày quốc tế Mẹ Trái Đất 22/4/2022, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định tình trạng khủng hoảng chồng khủng hoảng gồm biến đổi khí hậu, sự biến mất của môi trường tự nhiên và tình trạng ô nhiễm, đòi hỏi thế giới phải có hành động mạnh mẽ hơn.
Ông Guterres đánh giá: "Trái Đất đang phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng cùng lúc, gồm biến đổi khí hậu, sự mất đi của môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học cùng tình trạng ô nhiễm chất thải toàn cầu. Điều này đang đe dọa hạnh phúc và sự tồn tại của hàng triệu người."
Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng "các trụ cột" của cuộc sống hạnh phúc, lành mạnh gồm nước sạch, không khí trong lành, khí hậu ổn định và có thể dự đoán được đang bị xáo trộn khiến "các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới đang lâm nguy."
Nói về hy vọng tạo ra một chuyển biến tốt hơn, ông Guterres nhắc nhớ rằng 50 năm trước, người dân trên thế giới đã cùng có tiếng nói tại Hội nghị Stockholm và "đó là sự khởi đầu của phong trào môi trường toàn cầu. Kể từ đó, chúng ta đã thấy những gì có thể xảy ra khi chúng ta cùng hành động thống nhất."
Theo Tổng thư ký, chúng ta đã thu nhỏ lỗ thủng tầng ozon, mở rộng các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã và hệ sinh thái, chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu pha chì, ngăn chặn hàng triệu ca tử vong sớm. Bên cạnh đó, tháng trước, một nỗ lực toàn cầu mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn và chấm dứt ô nhiễm nhựa đã được khởi động.
Kể từ năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định chọn ngày 22/4 hàng năm làm Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất nhằm gia tăng nhận thức và nỗ lực toàn cầu trong bảo vệ Trái Đất, đa dạng sinh học và tính hài hòa giữa con người, các sinh vật khác và Trái Đất.
Hải Đăng (T/h)