Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/4/2023 | 3:07:45 PM

QLMT - Chiều 20/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2023.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn dự và chỉ đạo Hội nghị.



Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Thiên tai chưa bao giờ cực đoan, khó đoán như hiện nay. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương cần tuyệt đối không chủ quan.

Phó Thủ tướng đánh giá: "Cộng đồng các địa phương đã rất trách nhiệm để hạn chế thiệt hại. Công tác phòng ngừa được chú trọng nhiều hơn. Việc tập huấn cũng đã sát hơn với thực tế. Công tác cảnh báo, dự báo có nhiều chuyển biến. Công tác ứng phó ngày một kịp thời. Việc khắc phục có sự tham gia của nhiều người, nhiều lĩnh vực hơn, trong đó có tổ chức quốc tế”.

Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả tích cực trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Thủ tướng chỉ ra những hạn chế. Đáng tiếc nhất là vẫn còn người thiệt mạng và mất tích vì thiên tai. Theo Phó Thủ tướng, tổn thất này là rất lớn vì sinh mạng con người là vô giá.

Ngoài ra, kế hoạch phòng, chống thiên tai có nơi chưa sát thực tế, có nơi còn chủ quan. Công tác dự báo, cảnh báo đối với một số loại hình thái thiên tai chưa có độ tin cậy cao. Khả năng chống chịu trên tổng thể của Việt Nam cũng yếu hơn trước đây, nguyên nhân lớn là đầu tư cho công tác ứng phó thiên tai không tăng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ ngành, địa phương sẵn sàng tâm thế là công tác phòng, chống thiên tai sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư chưa được cải thiện, cần quan tâm nhiều hơn đến những đối tượng bị ảnh hưởng của thiên tai.

Đối với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ ngành, địa phương thực hiện tốt 4 giải pháp. Cụ thể, thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh các chủ trương, chính sách về phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, tập trung cho công tác phòng ngừa nhiều hơn.

Ngoài ra, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế, cần tập trung nguồn lực cho công tác cảnh báo, dự báo, để dự báo, cảnh báo kịp thời hơn, bởi dự báo không đúng thì hệ luỵ khôn cùng. Tiếp đó là tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, để xây dựng ý thức chung trong cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong rằng các bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế quan tâm, hỗ trợ và dành nhiều nguồn lực hơn cho công tác phòng, chống thiên tai. Đặc biệt là lồng ghép các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với phòng, chống thiên tai. Đồng thời, có sự chăm sóc, đầu tư tốt hơn sau thiên tai cho các vùng bị ảnh hưởng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê. Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển, trong đó, ngay cuối tháng 3/2023 đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hoà Bình. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Mặc dù thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo, lãnh đạo Ban chỉ đạo, các bộ, ngành, lực lượng vũ trang đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Chính phủ, các Bộ ngành, UBND các cấp đã khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, hoàn thành việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; hoàn thiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức nghiên cứu, rà soát, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai đã được chú trọng và đổi mới theo hướng chặt chẽ, sâu sát, quyết liệt, linh hoạt, bám sát thực tiễn nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai. Công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, công tác tìm kiếm cứu nạn, công tác dự báo, cảnh báo sớm... được thực hiện tốt.

Tuy vậy, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, tình hình thiên tai năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường.

Để ứng phó hiệu quả với thiên tai trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật; tiếp tục rà soát bổ sung bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai.

Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng cần tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành; nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai; hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm để làm tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, Bộ TN&MT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn, hải văn trên phạm vi cả nước; cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thuỷ văn, hải văn nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, triều cường, sóng lớn…

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ và công cụ mới nhằm chi tiết hóa và truyền tải các thông tin dự báo, hoàn thiện công cụ, hệ thống dự báo; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, kế hoạch: Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn; Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia.

Ngành TN&MT duy trì và phát triển các loại thông tin và các hình thức truyền tải bản tin dự báo, cảnh báo KTTV mới tới người dùng như ứng dụng trên điện thoại di động, Facebook, Zalo, Youtube,...; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành một Quyết định điều chỉnh chung các quy trình vận hành liên hồ chứa...

Ngoài ý kiến của đại diện các Bộ ngành, các địa phương cũng đưa ra đề xuất để công tác phòng chống thiên tai ngày càng hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Năm 2022 là năm thiên tai diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các hiện tượng cực đoan như lốc, sét, rét hại, không khí lạnh, bão, áp thấp nhiệt đới. Thiên tai đã làm chết 12 người, 1 người bị thương, 100 nhà bị sập, 990 nhà bị hư hỏng, tốc mái... gây nhiều thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng, ước thiệt hại kinh tế khoảng 1.265 tỷ đồng.

Để khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai, ngay sau khi kết thúc các đợt thiên tai, lãnh đạo tỉnh và các đơn vị chức năng đã chỉ đạo, kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại theo đúng quy định; xác định ưu tiên và xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực tại địa phương, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Trung ương để khôi phục, tái thiết nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.

Minh Anh

Tags Hội nghị toàn quốc Công tác phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn

Các tin khác

Quy định bắt buộc về phân loại rác tại nguồn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, đến nay công tác chuẩn bị cho việc phân loại rác tại nguồn vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự