Do các vấn đề về biến đổi khí hậu, thời tiết, nhiệt độ và tài nguyên nước đang diễn ra phổ biến và dữ dội hơn ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều người phải đối mặt với các mối nguy hiểm gia tăng hơn bao giờ hết do sự gia tăng dân số, đô thị hóa và suy thoái môi trường. Vì vậy, cần hành động ngay bây giờ để bảo đảm thế hệ tương lai có thể tồn tại và phát triển trên hành tinh.
Theo đó, thông điệp này khẳng định giá trị của thông tin, thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước đối với xã hội đồng thời kêu gọi trách nhiệm của mỗi một cá nhân trên thế giới cần thể hiện vai trò và trách nhiệm trước cuộc sống hiện tại và tương lai nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường. Đây cũng là dịp tôn vinh những đóng góp của các cơ quan khí tượng thủy văn trên khắp thế giới đối với việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu
Khí hậu, thời tiết và tài nguyên nước là một vòng tuần hoàn, trong đó khí hậu là vòng tuần hoàn lớn bao trùm, với sự biến đổi khí hậu, kéo theo sự biến đổi của thời tiết mà nhiệt độ và phân bố mưa hay nguồn tài nguyên nước mặt là những hệ quả trực tiếp. Biến đổi khí hậu làm cho xu hướng nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên, trong khi đó các nghiên cứu còn cho thấy sự gia tăng của nhiệt độ cực trị, số ngày nắng nóng, đồng thời số ngày rét đậm, rét hại giảm, nhưng lại xuất hiện các đợt rét dị thường; phân bố lượng mưa có sự thay đổi theo không gian và thời gian.
Năm nay, Ngày Khí tượng Thế giới sẽ được tổ chức với nhiều sự kiện khác nhau như hội nghị chuyên đề, hội nghị giữa các nhà lãnh đạo cộng đồng và triển lãm dành cho các chuyên gia khí tượng. Vào ngày này, nhiều giải thưởng được công bố cho các nghiên cứu về khí tượng. Những giải thưởng này gồm: Giải thưởng của Tổ chức Khí tượng Quốc tế (IMO); Giải thưởng Giáo sư Tiến sĩ Vilho Vaisala; Giải thưởng Quốc tế Norbert Gerbier-Mumm.
Trong thông điệp về Ngày Khí tượng thế giới 23/3 năm nay, Giáo sư Petteri Taalas, Tổng Thư ký của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhấn mạnh, Ngày Khí tượng Thế giới năm 2023 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Đây là dịp kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Tổ chức Khí tượng quốc tế (IMO), tiền thân của WMO.
Trong suốt 150 năm qua, các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia đã thu thập và chuẩn hóa dữ liệu làm cơ sở cho dự báo thời tiết mà chúng ta đang thụ hưởng. Lịch sử trao đổi dữ liệu của WMO là một câu chuyện thành công về hợp tác trong khoa học bảo đảm an toàn tính mạng và sinh kế của người dân.
Giáo sư Petteri Taalas chia sẻ: "Tổ chức Khí tượng thế giới là cơ quan lâu đời thứ hai của Liên hợp quốc. Chúng tôi tự hào về những thành tựu đã đạt được và tôn vinh những thành tựu này trong một năm mang tính bước ngoặt khi Đại hội đồng Tổ chức Khí tượng thế giới sẽ ban hành các chiến lược ưu tiên để thúc đẩy tầm nhìn của chúng ta về một thế giới có khả năng chống chịu tốt hơn với các hiện tượng cực đoan của thời tiết, khí hậu, nước và các điều kiện môi trường khắc nghiệt khác”.
Người đứng đầu WMO cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hệ thống cảnh báo sớm cho mọi người. Hệ thống này sẽ là động lực định hướng thúc đẩy khả năng cảnh báo sớm nhằm bảo đảm trong vòng 5 năm tới, tất cả người dân trên thế giới đều được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm.
Ngày Khí tượng thế giới 23/3: Giật mình cảnh báo về thời tiết, khí hậu, nước. Ảnh: Internet
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã công bố sáng kiến Hệ thống cảnh báo sớm tại Ngày Khí tượng thế giới năm 2022. Sáng kiến này cũng đã được công nhận tại Hội nghị COP 27 tại Sharm-el-Sheikh, Ai Cập và nhận được sự ủng hộ của các nước phát triển, các nước đang phát triển trong cộng đồng Liên hợp quốc và các khu vực tư nhân.
Tổng Thư ký WMO nêu rõ, cần phải có hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai cho mọi người.
Một nửa số thành viên của WMO vẫn chưa có hệ thống Cảnh báo sớm đa thiên tai đầy đủ, đồng bộ. Và cần hoàn thiện những thiếu hụt này bằng việc hoàn thiện hệ thống quan trắc cơ bản, đặc biệt tại các quốc gia kém phát triển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển.
Hệ thống cảnh báo sớm được xem là "giải pháp dễ dàng nhất” để thích ứng với biến đổi khí hậu. Giải pháp này không quá tốn kém về chi phí và dễ thực hiện.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong 10 năm tới, thất bại trong ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai là những nguy cơ cao nhất tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Một nửa thảm họa trên trái đất đều liên quan đến nước.
Tại Hội nghị Liên hợp quốc về nước tại New York, Hoa Kỳ (diễn ra từ ngày 22 đến 24/4 sắp tới), WMO sẽ đưa ra minh chứng các thiên tai liên quan đến nước như lũ, hạn hán đang ngày càng gia tăng như thế nào. Biến đổi khí hậu và băng tan cũng sẽ là nguyên nhân gây ra khủng hoảng về nguồn nước. Tăng cường quản lý và giám sát tài nguyên nước là rất cần thiết. Và đây là lý do WMO đang triển khai Hệ thống thông tin về nguồn nước toàn cầu để nhằm thúc đẩy việc chia sẻ miễn phí dữ liệu thủy văn.
Việt Nam hưởng ứng thông điệp của Ngày Khí tượng thế giới 2023
Chủ đề tuyên truyền hưởng ứng Ngày Khí tượng Thế giới năm 2023 do Việt Nam đề ra là "Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau" nhằm phản ánh các vấn đề về tác động của biến đổi khí hậu đến biến động của thời tiết và tài nguyên nước đang diễn ra ngày càng rõ rệt.
Chia sẻ về ý nghĩa của chủ đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng châu Á, đại diện thường trực của Việt Nam tại WMO, cho biết, chủ đề tuyên truyền của nước ta có ý nghĩa khẳng định giá trị của thông tin, thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước đối với xã hội. Đồng thời, đây là lời kêu gọi trách nhiệm của mỗi một cá nhân trên thế giới cần thể hiện vai trò và trách nhiệm trước cuộc sống hiện tại và tương lai nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường. Đây cũng là dịp tôn vinh những đóng góp của các cơ quan khí tượng-thủy văn trên khắp thế giới đối với việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Giáo sư Trần Hồng Thái cho hay, biến đổi khí hậu hiện đã và đang có những ảnh hưởng lớn tới tài nguyên nước ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đã và đang có những ảnh hưởng lớn đến tài nguyên nước. Mưa lớn và đặc biệt lớn xảy ra thường xuyên trên diện rộng và cục bộ đã gây lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên phạm vi toàn quốc.
Trong đó, có thể kể đến các trận mưa đặc biệt lớn vào đầu tháng 8/2015 tại Quảng Ninh. Gần đây nhất, đợt mưa từ ngày 14-16/10/2022 tại Huế và Đà Nẵng với lượng mưa ngày trên 700mm ghi nhận tại Đà Nẵng gây ngập úng nghiêm trọng.
Lũ quét và sạt lở đất cũng xảy ra nhiều hơn, khốc liệt hơn ở vùng núi Bắc Bộ, Tây Nguyên và Trung Bộ nắng nóng gay gắt hơn. Ngày 20/4/2019, giá trị nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay được quan trắc tại Việt Nam tại Trạm khí tượng Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) là 43,4 độ C.
Chỉ trong khoảng 5 năm, Việt Nam đã phải đối mặt với hai mùa khô hạn hán, xâm nhập mặn đặc biệt nghiêm trọng (2015-2016 và 2019-2020), ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, ngành khí tượng-thủy văn thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao. Ngành thường xuyên giám sát các biểu hiện của biến đổi khí hậu, mà quan trọng nhất là các đợt thiên tai thông qua hoàn thiện thể chế, quản lý công tác quan trắc, dự báo và truyền tin. Mục tiêu chung là phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên phạm vi cả nước.
Dưới đây là những cách để chúng ta quan tâm đến Ngày Khí tượng thế giới:
- Dõi theo kênh thời tiết địa phương: Mỗi người nên biết thời tiết hàng ngày sẽ như thế nào tại nơi mình sinh sống. Tuy nhiên, vào Ngày Khí tượng Thế giới, hãy tìm hiểu những người đưa ra những dự báo này. Nhà khí tượng học ở địa phương góp phần quan trọng trong cộng đồng.
- Theo dõi lịch của WMO: Hàng năm, WMO tổ chức một cuộc thi ảnh và công bố những người chiến thắng. Các bức ảnh cho thấy thời tiết có thể tuyệt vời như thế nào. Lịch của WMO được cập nhật trên trang web của tổ chức này và có thể tải xuống miễn phí.
- Giúp đỡ các tổ chức cứu trợ thiên tai: Những cảnh báo sớm có thể cứu sống rất nhiều người, nhưng thật không may, chúng không phải lúc nào cũng tồn tại. Bão có thể gây thiệt hại hàng triệu USD trong vài giờ và đôi khi quá trình phục hồi diễn ra chậm. Hãy liên lạc với Hội Chữ thập đỏ địa phương để tìm hiểu cách chúng ta có thể giúp đỡ những người gặp khó khăn thông qua việc tình nguyện hoặc quyên góp.