- Quá trình phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn vừa qua đã trải qua không ít khó khăn, thách thức, song đã đạt được nhiều thành tựu về mọi phương diện, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo Thành phố, tạo cơ sở cho sự phát triển không ngừng về kinh tế - xã hội và cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
- Thành phố đã quan tâm thực hiện Quy hoạch phát triển đô thị trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2025, tích cực chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu; cơ bản phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000; điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển đô thị phù hợp với điều kiện, đặc điểm Thành phố, gắn kết với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ; gắn quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị với quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch ngành – lĩnh vực.
- Các chỉ tiêu chủ yếu:
- Mô hình phát triển:
Theo Quyết định 24/QĐ-TTg: Mô hình phát triển của Thành phố theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển.
Chiến lược phát triển của Thành phố vẫn theo đúng mô hình định hướng phát triển đã đề ra. Tuy nhiên, thực tế không thực hiện được do việc triển khai đầu tư xây dựng các trung tâm cấp thành phố và đô thị vệ tinh chưa hình thành nên khu trung tâm hiện hữu vẫn tiếp tục quá tải, tiếp tục phát triển đô thị theo mô hình khu trung tâm (trung tâm hiện hữu và phát triển theo kiểu "vết dầu loang”).
Hình 2. Sơ đồ minh họa 4 hướng phát triển của thành phố Hồ Chí Minh
(Nguồn: Viện Quy hoạch Xây dựng)
- Cấu trúc đô thị: Phân vùng phát triển và các khu đô thị:
+ Khu nội thành cũ: cơ bản phát triển phù hợp với định hướng phát triển đô thị với đầy đủ công cụ pháp lý làm cơ sở quản lý.
+ Khu nội thành phát triển: Các Khu đô thị phía Đông – Bắc/các Khu đô thị phía Nam: đã hoàn tất phủ kín QHPK 1/2000. Đã hoàn thiện cơ bản lĩnh vực hạ tầng đô thị. Chưa xây dựng hoàn thiện các trung tâm cấp khu vực (ngoại trừ Khu đô thị Thủ Thiêm và khu A thuộc khu đô thị Nam TP).
+ Vùng phát triển công nghiệp: Khu công nghiệp, Khu chế xuất/Cụm công nghiệp tập trung đã hình thành theo quy hoạch nhưng chưa lấp đầy.
+ Vùng sinh thái du lịch: Đã triển khai lập và mời gọi đầu tư nhưng chậm triển khai.
+ Vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái: Quỹ đất sản xuất nông nghiệp đang giảm tại huyện Củ Chi, Hóc Môn và huyện Bình Chánh.
+ Khu dân cư nông thôn: Thành phố đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;
+ Vùng bảo tồn thiên nhiên: Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ với vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt.
Thành phố đã phát triển theo đúng Chiến lược đã đề ra thông qua các chủ trương, đường lối và chính sách rất cụ thể. TP. HCM luôn khẳng định được những lợi thế cạnh tranh tuyệt đối về Giáo dục, Khoa học, công nghê cao, Trí tuệ nhân tạo, nhân lực,..
Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể, hiện nay TP. HCM chưa xứng với vai trò, vị trí của hạt nhân trung tâm Vùng. Liên kết Vùng giữa TP. HCM ngày càng yếu do hệ thống giao thông vùng đầu tư quá ít và thiếu đồng bộ trầm trọng. Bản thân từng khu vực (từng tỉnh) sẽ tự tập trung phát triển các thế mạnh vốn có của mình mà không dựa trên tổng thể vùng, nên không thể phát huy sức mạnh tổng thể Vùng.
Một số vấn đề đặt ra
Vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh trong liên kết vùng và đô thị hóa
Quy hoạch xây dựng vùng TP. HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - Xã hội toàn vùng, là công cụ quản lý phát triển không gian toàn vùng, đã triển khai các dự án về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật liên kết vùng, giúp cho các tỉnh thành trong vùng có được một tầm nhìn chiến lược chung.
Đối chiếu với những gì đã thực hiện, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ được vị trí trung tâm nhưng chưa thực sự nổi bật, khả năng cạnh tranh và vị thế so với quốc tế còn hạn chế. Là trung tâm của vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố khai thác tốt nguồn lực về con người và tài nguyên tự nhiên, tăng cường hạ tầng khung thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển TP.HCM là trung tâm trí thức. Thành phố đã từng bước định hướng phát triển các công nghiệp sạch không gây ô nhiễm môi trường, có công nghệ hiện đại, hàm lượng khoa học cao và giá trị gia tăng lớn.
Đô thị hóa (dân số và đất đai): tốc độ đô thị hóa tự phát cao không theo định hướng (tại các hướng phát triển phụ) là do phát triển tự phát các khu dân cư ven các khu công nghiệp, hạn chế về công tác quản lý.
TP. HCM xác định phát triển theo Mô hình tập trung, đa cực nhằm một mặt phát triển thành phố, vừa giảm áp lực cho khu trung tâm hiện hữu vốn đang quá tải. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở bước lập quy hoạch, vấn đề kêu gọi đầu tư xây dựng, triển khai dự án đã gặp rất nhiều khó khăn và gần như chưa một đô thị nào được xây dựng trong hơn 10 năm qua. Qua rà soát, thực tế phát triển đô thị vẫn tập trung ở khu vực trung tâm hiện hữu, khu nội thành cũ lan rộng ra. Trong khi các đô thị vệ tinh, các trung tâm cấp thành phố ở các hướng phát triển chưa được đầu tư để hình thành các cực thu hút theo quy hoạch.
Vấn đề dự báo quy mô dân số và phân bố dân cư, lao động
Sự phát triển đô thị và dân số của TP.HCM diễn ra từ năm 2010 đến nay cho thấy những dự đoán và định hướng về gia tăng dân số và phân bố dân cư của đồ án QHC TP và các đồ án Quy hoạch chung xây dựng quận – huyện có những điểm phù hợp và cả không phù hợp so với thực tế. Một mặt, dự báo về mức tăng dân số của toàn Thành phố khá chính xác so với diễn biến thực tế (năm 2019: 8.993.082 người, sẽ đạt mức từ 10,18 triệu đến 10,53 triệu người vào năm 2025 so với dự báo trong đồ án là 10 triệu). Trong khi đó, sự phát triển đô thị và phân bố dân cư có rất nhiều điểm khác biệt giữa định hướng quy hoạch và thực tế vì những nguyên nhân sau:
- Tình hình phát triển dân số: do yếu tố dịch chuyển cơ cấu kinh tế xã hội giữa các hướng phát triển ảnh hưởng đến tỷ lệ tăng dân số cơ học cao, trong khi tỷ lệ dân số tăng tự nhiên có xu hướng chững lại.
- Về phân bổ dân cư: phân bổ dân cư không đồng bộ tại các khu vực (nội, ngoại thành) là do chưa chủ động nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhu cầu phủ kín quy hoạch phân khu để phục vụ công tác quản lý đô thị, quy mô dân số vượt xa dân số dự báo và phân bổ không cân đối theo định hướng QHC.
Thích ứng với những cơ hội và thách thức
Quy hoạch phát triển không gian TP.HCM được định hướng bởi nhiều bản quy hoạch, từ quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM cho đến quy hoạch chung TP.HCM (theo Luật Quy hoạch đô thị 2010), quy hoạch TP.HCM (theo Luật Quy hoạch 2017), quy hoạch kinh tế-xã hội TP.HCM (lần này sẽ được tích hợp trong bản quy hoạch TP.HCM vừa nêu.
Đối chiếu các bản quy hoạch vừa nêu hiện hành với bối cảnh toàn cầu những năm gần đây, rõ ràng là có những thách thức và cơ hội đã dần trở nên rõ nét hoặc hết sức đột ngột gây tác động, biến chuyển kinh tế toàn cầu. Chẳng hạn như:
- Biến đổi khí hậu: là xu thế đang dần rõ ràng toàn cầu với những hiện tượng thời tiết cực đoan, diễn biến khí hậu khó đoán định, ngập lụt, xâm nhập mặn và đảo nhiệt đô thị trở nên nghiêm trọng hơn; trong khi bản Quy hoạch chung TP.HCM hiện hành, được duyệt năm 2010, chỉ mới sơ bộ dự liệu mực nước biển tăng trong nội dung quy hoạch cao độ nền, chưa đưa kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia vào nghiên cứu, lựa chọn đưa ra quyết định về hướng phát triển, mô hình phát triển thành phố theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu.
- Đại dịch Covid-19: hơn 2 năm đại dịch vừa qua đã đặt ra bài toán mới cho các đô thị lớn trên thế giới, thậm chí làm thay đổi một số lý thuyết, quan điểm về quy hoạch đô thị… Những bản quy hoạch hiện hành nêu trên, kể cả Quy hoạch xây dựng Vùng TP.HCM được phê duyệt gần nhất (năm 2017) cũng trước Covid-19. Dễ nhận thấy yêu cầu đánh giá, điều chỉnh một số định hướng quy hoạch sử dụng đất và không gian Thành phố để ứng phó với những thay đổi bất ngờ trong tương lai.
- Không gian kinh tế toàn cầu và khu vực: thời gian gần đây cho thấy kinh tế thế giới và khu vực có những biến đổi sâu sắc; cán cân cạnh tranh giữa các thành phố lớn có sự thay đổi, sắp xếp lại… trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tài chính và chiến tranh ở các khu vực.
Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh có những nhìn nhận lại vị trí, vai trò của mình trong khu vực; đặt trong những chuyển biến mới trong định hướng quy hoạch phát triển thành phố để gia tăng sức cạnh tranh, hướng tới tầm nhìn vươn lên thành một hub quốc tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu.
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HƯỚNG ĐẾN THÀNH PHỐ TOÀN CẦU
Một số quan điểm về Thành phố toàn cầu
Nói về thành phố toàn cầu, cần phải nhắc đến vấn đề hội nhập toàn cầu. Đây không chỉ là một hiện tượng mà còn là một xu hướng phổ biến bắt đầu từ sau thời hậu chiến với khối lượng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các quốc gia tăng từ 5 nghìn tỷ USD năm 1990 lên 30 nghìn tỷ USD năm 2014, tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu tăng từ 24 phần trăm đến 39 phần trăm cho thấy bản chất của trao đổi toàn cầu có khuynh hướng chuyển dịch mạnh. Các thành phố trên thế giới cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng ngày càng lớn từ vấn đề hội nhập toàn cầu.
Quá trình toàn cầu hóa trong thị trường lao động, thương mại đã góp phần gây ra những bất ổn về kinh tế và gia tăng bất bình đẳng trong một quốc gia. Hội nhập toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, yêu cầu các thành phố phải kịp thời thích ứng và tận dụng triệt để cơ hội.
Ngày nay, thế giới đang chứng kiến một mạng lưới các thành phố rộng lớn và phức tạp với các thành viên tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế, dịch vụ, con người, vốn và ý tưởng với những đóng góp đặc biệt tạo cơ hội và kích thích tăng trưởng toàn cầu. Trên cơ sở đó, khái niệm Thành phố toàn cầu được đưa ra từ quá trình chuyển đổi nền kinh tế thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong đó, nền kinh tế thế giới không đơn thuần được tập trung tại một vài các khu vực trung tâm tài chính trọng điểm cổ điển như New York, London hay Tokyo; mà được định hình bởi mạng lưới các thành phố có luồng giao thương liên kết toàn cầu.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã nỗ lực định nghĩa, mô tả tính chất các thành phố toàn cầu nhằm đưa ra định hướng phát triển phù hợp với nguồn lực địa phương. Một số các tiêu chí, chỉ số, tiêu chuẩn được đưa ra nhằm định hình hình mẫu thành phố toàn cầu, trong đó đặc biệt cần thể hiện các tính chất cơ bản gồm đặc trưng chuỗi giao thương (tradable cluster), tính sáng tạo (innovation, talent) và kết nối hạ tầng (infrastructure connectivity). Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra, không nhất thiết có một hình mẫu nhất định cho các thành phố toàn cầu, mà bản thân giá trị đặc trưng của các địa phương định hình lợi thế cạnh tranh và vị thế của mỗi thành phố trong chuỗi liên kết toàn cầu...
Nhìn chung, động lực thúc đẩy sự hình thành của các thành phố toàn cầu được cho là nằm ở bối cảnh đô thị hóa, toàn cầu hóa và chuyển đổi công nghệ. Đó là đặc trưng của xã hội đương đại hiện nay, xuất phát từ sự phát triển và biến đổi đồng bộ của các hình thức kinh tế, trong đómôi trường đô thị tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự vận hành của các ngành kinh tế.
Một số nội dung chủ yếu thể hiện tại các Thành phố toàn cầu:
- Quan hệ đối tác đô thị toàn cầu.
- Bổ sung không gian đô thị để xã hội có được khoảng cách an toàn.
- Thúc đẩy phát triển Đô thị nén.
- Lập kế hoạch tương lai cho hệ thống giao thông công cộng
- Các thành phố toàn cầu là nơi đổi mới, tự động hóa, số hóa và "công việc của tương lai”.
- Phản ứng của các thành phố đối với sự phân hóa kỹ thuật số và môi trường.
- Hướng tới đổi mới có trách nhiệm.
Tài liệu nghiên cứu của viện Brookings cho thấy nhiều thành phố trong số những thành phố lớn trên thế giới đóng vai trò là tâm điểm của nền kinh tế quốc gia của nó khi các quốc gia tự do hóa thị trường cho các luồng thương mại, đầu tư. Các chỉ số đang được quan tâm và sử dụng để đánh giá, đo lường mức độ toàn cầu gồm có:
(i) Dòng vốn FDI
(ii) Sản lượng toàn cầu
(iii) Trường đại học nghiên cứu
(iv) Bằng sáng chế
(v) Cổ phiếu đầu tư mạo hiểm
(vi) Sân bay theo lưu lượng hành khách (quốc tế)
(vii)Số doanh nghiệp cấp độ toàn cầu đồn trú
(viii) Giá trị tạo ra bởi khu vực dịch vụ - số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ 2
Trong đó nhóm từ (vi) đến (viii) có yếu tố liên quan nhiều đến cấu trúc đô thị, không gian địa lý, sự tập trung của các hoạt động đô thị để có thể hình thành các chuỗi kết nối (clusters).
Thành phố toàn cầu và tính sáng tạo
Nhìn từ cả 2 phía, thành phố toàn cầu cần các đặc tính để được hình thành, nhưng ngược lại, từ những đặc tính đó thì cũng hình thành tính toàn cầu cho một thành phố (đương nhiên là thành phố này đã phải là những trung tâm lớn của quốc gia):
Thu hút tài năng (Talent magnets)
Lực lượng đông đảo dân số trẻ, năng động có trải nghiệm đa quốc gia được thu hút tại các thành phố có môi trường sống đầy đủ các yếu tố phục vụ cuộc sống, làm việc và giải trí.
Sáng tạo và chuyển đổi (innovative & transformative)
Các khu vực có sự tập trung giao lưu, trao đổi, tương tác ý tưởng sáng tạo, là môi trường thuận lợi cho các hoạt động khởi nghiệp và sản sinh ra sáng kiến, học tập và trao đổi.
Hệ sinh thái (eco-systemssytems)
Các chuỗi thành phố, đô thị lớn đi đầu trong nghiên cứu và phát triển đang là điểm tập trung của các trường đại học và có mối liên kết chặt chẽ với mạng lưới doanh nghiệp và cơ sở học thuật với nhiều điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, sáng tạo và chia sẻ kiến thức.
Môi trường đầu tư mạo hiểm (Venture Capital Hotbeds)
Thị trường với điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư vào doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp (startups) và nghiên cứu phát triển (R&D).
Định hướng trở thành thành phố toàn cầu đối với Thành phố Hồ Chí Minh
Bối cảnh quốc tế và trong nước
Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động lớn đến quy hoạch đô thị nhờ các giải pháp công nghệ đồng bộ. Trí tuệ nhân tạo đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, thay thế nhiều công việc thủ công, tốn sức lao động. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo ra tư duy mới của đô thị; giúp đem đến những hiểu biết sâu sắc, phân tích chính xác và cung cấp thông tin đáng tin cậy từ hạ tầng dịch vụ đô thị.
Một số mô hình kinh tế mới và những chuyển biến sau đại dịch Covid 19 làm thay đổi nhiều mô hình kinh tế truyền thống. Mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức như sửa chữa (repair), tái sử dụng (reuse), tái chế (recycle), và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ (sharing) hoặc cho thuê (leasing).
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. HCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Thành phố đã có những bước tiến lớn trong việc nối kết với quốc tế, mở rộng tham gia những chuỗi giá trị toàn cầu. Có thể thấy thông qua hoạt động đầu tư từ nước ngoài, gia tăng nhiều tuyến hàng không, đường biển đi và đến nhiều thành phố lớn của khu vực hoặc thế giới; số lượng doanh nghiệp sản xuất, tư vấn lớn nước ngoài đặt trụ sở và dần mở rộng qui mô thị trường; xuất nhập khẩu tăng đều qua thời gian…
Tầm nhìn về một thành phố có khả năng trở thành toàn cầu và vai trò quan trọng trong khu vực
Theo Điều chỉnh Quy hoạch vùng TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 22/12/2017), tầm nhìn phát triển vùng TP.HCM và mô hình phát triển vùng như đồ án đề xuất là "tập trung đa cực” tiếp nối từ Quy hoạch vùng năm 2008 và được điều chỉnh theo hướng thu gọn và nén hơn quanh các cực tăng trưởng trọng điểm và các trục hành lang phát triển kinh tế, nhằm sử dụng hiệu quả hơn quỹ đất và tài nguyên, thích ứng biến đổi khí hậu.
Cách tiếp cận của đồ án điều chỉnh này là quan điểm phân chia các tiểu vùng theo điều kiện tự nhiên, đặc điểm văn hóa-xã hội và tiềm năng, đặc điểm phát triển kinh tế; trong đó đặc biệt là khái niệm "vùng đô thị trung tâm”, bao gồm đô thị hạt nhân TP. HCM và vùng phụ cận liền kề (bao gồm các đô thị liền kề ở các tỉnh thành kế cận). Mô hình "vùng đô thị trung tâm” này hướng tới việc quy hoạch liên kết chặt chẽ trong "vùng đô thị trung tâm” về cấu trúc đô thị, cơ sở hạ tầng; xác định được phạm vi giới hạn của khu vực tập trung đô thị và đô thị hóa.
Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang đứng trước nhiều thách thức về phát triển. Mười năm vừa qua, không gian kinh tế và định cư của thành phố đã mở rộng lan tỏa và kết nối với các đô thị trong vùng thành một chùm đô thị cùng sự dịch chuyển của nhiều khu công nghiệp, ngành sản xuất và hệ thống logistics. Các trung tâm sản xuất mới và hành lang tăng trưởng đô thị - công nghiệp đang và sẽ phát triển lan tỏa nhanh hơn khi các dự án hạ tầng quốc gia đi vào hoạt động (sân bay quốc tế, cảng nước sâu, đường cao tốc). Tầng lớp trung lưu mở rộng, dân số trẻ có kỹ năng cao sẽ hấp thụ và thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế số. Công nghệ và dữ liệu thúc đẩy việc cung ứng và tiêu thụ các dịch vụ (ăn uống, mua sắm, đi lại, du lịch, học hành, chăm sóc sức khỏe, và giải trí) theo cách mới. Nhiều thay đổi sẽ tiếp tục tác động lên sự phát triển về kinh tế vùng TP.HCM như chính sách của địa phương trong vùng, chính sách của Bộ/ngành Trung ương, luật chơi mới trong giai đoạn đảo ngược toàn cầu hóa do cạnh tranh nước lớn, và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đây cũng là một bước chuẩn bị bài bản để tạo tiền đề cho việc hình thành những chức năng mới, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dẫn đến các cơ hội thu hút, gia tăng hoạt động đầu tư nước ngoài, kéo theo hàng loạt những yếu tố như phần trên đã phân tích, bao gồm lực lượng chuyên gia nước ngoài, các hoạt động dịch vụ doanh nghiệp, tài chính – bảo hiểm, hàng không, xuất nhập khẩu… Kết quả là tăng tính kết nối với toàn cầu.
Bài toán quy hoạch cho Thành phố Hồ Chí Minh với các yếu tố toàn cầu
Phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của thành phố trong các chương trình như Xây dựng chính quyền đô thị, điện tử; Xây dựng đô thị thông minh, trí tuệ nhân tạo; Định hướng phát triển mô hình kinh tế biển và phát triển hệ sinh thái dịch vụ Logistic; Phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông; Nghiên cứu chuyển đổi và phát triển vùng ven đô (đề án chuyển "Huyện thành Quận hoặc Thành phố”): Phát triển không gian ngầm v.v… là một số các định hướng quan trọng trong điều chỉnh QHC TP.
Định hướng phát triển hệ sinh thái dịch vụ làm nền tảng cho sức cạnh tranh của TP.HCM hướng tới Thành phố toàn cầu
Các ngành dịch vụ chủ lực ở TP.HCM và vùng cần thích ứng với xu hướng phát triển của công nghệ, đáp ứng yêu cầu và trình độ phát triển của thị trường, khai thác hiệu quả cấu trúc định cư và cấu trúc kinh tế mới của vùng. Nền kinh tế dịch vụ sẽ chuyển đổi và mở rộng nhanh hơn cùng quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế.
Nhu cầu đi lại của hành khách sẽ tăng nhanh trên trục hướng tâm và nhu cầu hàng hóa tăng nhanh ở đường vành đai, đường kết nối các trung tâm logistics. Cấu trúc vùng mới phải đáp ứng thách thức về giảm cự ly di chuyển và thời gian đến nơi làm việc, đặc biệt là giữa trung tâm và khu vực tăng trưởng nhanh, trên một số hướng phát triển chiến lược.
Hệ sinh thái đô thị vùng lõi (TP.HCM) cần điều chỉnh để duy trì vai trò dẫn dắt sự phát triển vùng; thành phố có lợi thế tự nhiên từ quy mô, tính đa dạng, và hiệu quả của hệ sinh thái đô thị, kết nối du lịch và thương mại với thị trường quốc tế, và đặc biệt là trung tâm tài chính quốc gia và vùng.
Tập trung vào ‘làm tổ’ cho các doanh nghiệp đầu đàn, có khả năng tạo sự hấp dẫn theo chùm và lan tỏa cao
Chủ động chuyển đổi các quỹ đất dành cho công nghiệp 2.0, logistics 2.0 sang công nghiệp 4.0, thương mại điện tử, và dịch vụ số.
Phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao
Đô thị sáng tạo tương tác cao là các khu vực đô thị phát triển theo các cụm ngành kinh tế, tập trung trong một không gian địa lý. Bằng cách thu hút, bố trí các viện nghiên cứu, các ngành hoạt động công nghiệp, nuôi dưỡng những mạng lưới sản xuất và hợp tác trong một không gian gần gũi về khoảng cách, những kết quả mới - điều mà được tạo ra bằng sự tương tác và thành công của mỗi cá thể - sẽ dẫn đến những ý tưởng mới, sự ra đời của việc làm kiểu mới, và sự đột phá về kinh tế cho Thành phố. Sự phổ biến của các sáng kiến thành phố thông minh, đô thị sáng tạo trên khắp thế giới là một phần trong chiến lược của các chính phủ để thu hút đầu tư và phát triển.
Chiến lược phát triển Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo cơ hội mạnh mẽ có thể thúc đẩy phát triển nhanh bên kinh tế bằng cách khai thác các mạng lưới xã hội - kinh tế sáng tạo có chiều sâu tại những Trung tâm đổi mới sáng tạo và những hệ sinh thái kinh tế đa lĩnh vực. Theo đó, mục tiêu cốt lõi nhằm phấn đấu đưa Khu vực phía Đông trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Thành phố và khu vực dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển.
Một số giải pháp kiến nghị bước đầu
Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh bền vững, góp phần vào sự nghiệp phát triển của Thành phố cũng như của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất một số định hướng giải pháp quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch, hướng tới một một thành phố toàn cầu như sau:
• Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, phối hợp và phát huy nguồn lực đầu tư và phát triển đô thị.
• Đổi mới công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo chỉnh trang và quản lý phát triển đa dạng các hình thái và khu vực đặc thù.
• Phát triển mạng lưới đô thị của Thành phố và vùng Thành phố với cấu trúc và quy mô phù hợp với nguồn lực thực tế, hướng tăng trưởng xanh, bền vững, có khả năng chống chịu và tự hồi phục.
• Xây dựng công cụ quản lý phát triển Thành phố hiện đại, khai thác hiệu quả công nghệ như một phần của nền tảng văn hóa sáng tạo.
Nguyễn Thanh Nhã
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo Rà soát đánh giá quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh hiện hành (Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 được duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính Phủ); 2021, Viện Quy hoạch xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Đề án Định hướng Phát triển Hạ tầng dịch vụ Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, hướng đến năm 2040, 2021, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Đề án Phát triển Kè sông và Kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2020-2045, 2021, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Đề án Phát triển Hạ tầng Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2020-2045, 2021, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, Nhiệm kỳ 2020-2025.
6. Khor, N., Arimah, B., Otienco, R., Oostrum, M., Mutinda, M. and Martins, J.O., 2022, World Cities Report 2022 - Envisaging the Future of Cities, UN-Habitat.
7. Sassen, S., 2013. The global city: New York, London, Tokyo. Princeton University Press.
8. Trujillo, J.L. and Parilla, J., 2016. Redefining global cities: The seven types of global metro economies. Brookings Institution.