Xây dựng và thiết lập thị trường các-bon góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/11/2022 | 10:32:39 AM

Hiện nay, trên thế giới đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá các-bon, với tổng lượng khí nhà kính (KNK) được kiểm soát là 12 tỉ tấn CO2 tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải KNK toàn cầu [1].

Việc xây dựng và thiết lập thị trường các-bon là yêu cầu cấp thiết nhằm giảm nhẹ KNK, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.

Thị trường các-bon

Thuật ngữ thị trường các-bon bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto 1977 của Công ước Khung Liên hợp quốc về BĐKH. Theo Điều 17 Nghị định thư Kyoto 1997, thị trường các-bon được hiểu là các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu đã cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện một loại hàng hóa mới được tạo ra dưới dạng chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải KNK. Do các-bon (CO2) là KNK quy đổi tương đương của mọi KNK nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi các-bon, hình thành nên thị trường các-bon hay thị trường tín chỉ các-bon.

Từ khi Nghị định thư Kyoto ra đời, thị trường các-bon đã phát triển mạnh tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và châu Á với hai loại thị trường chính là thị trường các-bon bắt buộc và thị trường các-bon tự nguyện. Hiện nay, trong xu thế BĐKH toàn cầu, các quốc gia thông qua thỏa thuận Paris phải đệ trình Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), từ đó sẽ mở ra cơ hội lớn cho sự hình thành và phát triển thị trường các-bon trên thế giới nói chung cũng như thị trường các-bon tự nguyện nói riêng.

Cho tới nay, lượng tín chỉ các-bon trung bình hàng năm đến từ rừng và không phải từ rừng được giao dịch trên toàn cầu (trừ Australia) vào khoảng 6 MtCO2e đối với thị trường bắt buộc và 22 MtCO2e đối với thị trường tự nguyện, chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với lượng phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng hàng năm (2.270 MtCO2e). Điều này chứng tỏ nhu cầu hiện nay của thị trường các-bon là rất thấp và thị trường các-bon hiện nay chưa thể bồi hoàn cho việc mất rừng [2]. Tuy vậy, giảm phát thải từ các dự án lâm nghiệp lại có nhu cầu từ người mua lớn nhất trong thị trường các-bon tự nguyện (28%) và có nhiều bằng chứng cho thấy nhu cầu này sẽ còn cao hơn trong tương lai [3]. Thị trường bắt buộc này có thể ảnh hưởng đến thị trường các-bon tự nguyện.

Có nhiều giả thuyết về thị trường các-bon nhưng cho tới nay có 3 xu thế chính liên quan đến việc vận thành thị trường các-bon trong tương lai, đó là:

- Cho phép bồi hoàn các-bon tự nguyện được trao đổi với thị trường bắt buộc trong nước. Một số nước đã cho phép các bên phát thải được dùng chứng chỉ các-bon tự nguyện để áp dụng với các quy định giảm phát thải trong nước. Ví dụ, thuế xăng dầu các-bon của Colombia đã cho phép các doanh nghiệp mua tín chỉ các-bon từ thị trường tự nguyện thay vì phải trả thuế. Bang California cũng cho phép các dự án các-bon tự nguyện chuyển giao tín chỉ trong chương trình quy định phát thải của chính phủ thông qua sáng kiến "Hành động sớm” để đảm bảo có nguồn cung có thể giao dịch được ngay khi bắt đầu chương trình.

- Cho phép tín chỉ các-bon tự nguyện được trao đổi trên thị trường quốc tế và thị trường tự nguyện trao quyền cho các quốc gia theo quy định của Điều 6, thỏa thuận Paris. Trong Điều khoản 6 của thỏa thuận Paris khuyến khích các quốc gia xây dựng các giải pháp thương mại và trao đổi tín chỉ các-bon, xây dựng các đơn vị tính có thể chuyển giao được giữa các nước tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa đi đến thống nhất trên toàn cầu. Tháng 12/2019 đánh dấu thảo luận quan trọng trên quy mô toàn cầu về điều khoản 6 trong Thỏa thuận Paris khi thỏa thuận Paris chưa có quy định rõ ràng về cơ chế thương mại và trao đổi các-bon.

- Cho phép tín chỉ các-bon tự nguyện được thương mại và trao đổi trên thị trường Tín chỉ bồi hoàn các-bon của ngành hàng không (CORSIA).

Những cơ hội và thách thức đối với thị trường các-bon

Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi ứng phó BĐKH toàn cầu bước sang giai đoạn mới với việc các bên bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Paris. Trong đó, bao gồm đóng góp về giảm phát thải nhà kính được cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Trong bối cảnh đó, những cơ hội và thách thức đối với thị trường các-bon trên thế giới được đặt ra:

Cơ hội

Tiềm năng của thị trường các-bon tự nguyện là rất lớn bởi chỉ trong thập kỉ vừa qua, nhu cầu về bồi hoàn các-bon thông qua thị trường các-bon tự nguyện đã tăng 140 lần, từ chỉ 0,3 MtCO2e vào năm 2008 lên tới 42,8 MtCO2e vào năm 2018. Thị trường các-bon tự nguyện đã vận hành trên diện rộng. Từ năm 2005 - 2018, có 2008 dự án về thị trường các-bon tự nguyện (51% tại châu Á, 18% tại Bắc Mỹ, 11% tại châu Mỹ Latin, 11% tại châu Âu, 11% tại châu Phi và 1% ở châu Đại dương) hiện đang được thực hiện trên 83 quốc gia và chủ yếu được thương mại tự do giữa người mua và người bán trong cùng nước hoặc giữa các quốc gia với nhau [3]. Với lượng tín chỉ các-bon hiện nay đã được cấp chứng chỉ và sự trao đổi thương mại từ những dự án này là động lực chính để các nhà đầu tư tập trung vào thị trường các-bon tự nguyện.

Xây dựng và thiết lập thị trường các-bon góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu
Nguồn thu từ lượng tín chỉ các-bon đến từ rừng là rất lớn

Hiện nay, các nước đang xây dựng chính sách hỗ trợ thị trường các-bon nội địa. Có nhiều nước (châu Âu và Hàn Quốc) đặc biệt chú trọng xây dựng các chính sách khuyến khích trao đổi và mua bán tín chỉ các-bon nội địa. Bên cạnh đó, các dự án tại châu Á và Bắc Mỹ cung cấp lượng bồi hoàn các-bon lớn nhất (435,4 MtCO2e chiếm 39% và 26% trên toàn cầu, theo đó là châu Phi (13%), châu Mỹ Latin và vùng biển Caribe (12%), châu Âu (9%) và châu Đại dương (1%). 72% dự án liên quan đến thị trường các-bon tự nguyện tập trung ở 5 nước: Ấn Độ (442), Trung Quốc (426), Mỹ (351), Thổ Nhĩ Kỳ (124), Brazil (97). Các dự án này đều theo các tiêu chí và tiêu chuẩn American Các-bon Registry (ACR), Climate Action Reserve (CAR), Gold Standard, Plan Vivo, Verra’s Verified Các-bon Standard (VCS). Hiện nay đã có nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Colombia và Hàn Quốc xây dựng các chính sách bồi hoàn các-bon cụ thể và nhấn mạnh vào việc trao đổi và thương mại nội địa [3].

Từ lượng tín chỉ các-bon được cấp chứng chỉ và thương mại cho thấy, quy mô của thị trường hiện tại chưa thể hiện hoàn toàn về mức giảm phát thải và các lợi ích khí hậu, xã hội mà các dự án này có thể đem lại (tạo công ăn việc làm, bảo vệ nguồn nước và hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học). Bởi các chi phí để thẩm định các dự án tín chỉ các-bon thường rất tốn kém nên chủ dự án chỉ chi trả khi tìm được người mua cụ thể. Vì thế tác động thực sự của thị trường các-bon tự nguyện lên tiềm năng giảm phát thải có thể còn cao hơn lượng tín chỉ các-bon được cấp chứng chỉ.

Giá thành cao đi liền với đảm bảo và nâng cao đa dạng sinh học. Người mua tín chỉ các-bon tự nguyện rất đa dạng, từ cá nhân, công ty trong nước và đa quốc gia tới người du lịch mua để bồi hoàn cho việc đi lại của mình để thực hiện các cam kết về môi trường. Các dự án chứng minh được tác động về kinh tế và đa dạng sinh học thường được trả cao hơn.

Thách thức

Để có thể bán được tín chỉ các-bon, các bên cung ứng phải tuân thủ theo các tiêu chí chuẩn của thị trường tự nguyện, tùy thuộc vào loại hình, địa điểm, tiêu chí đánh giá nhưng tất cả các các tiêu chí và chuẩn mực này đều yêu cầu bằng chứng rằng dự án đã giảm phát thải, tạo tính bổ sung, có thể đo đếm và thẩm định được bởi một bên thứ ba. Do đó, chi phí để tiến hành thẩm định thường cao.

Nhiều quốc gia còn thiếu các chính sách khuyến khích kinh tế phù hợp, chưa có khuyến khích cụ thể để đẩy mạnh sự tham gia của khối tư nhân vào giảm phát thải.

Trong khi giá tín chỉ các bon trên thị trường bắt buộc thường khá ổn định thì giá tín chỉ các-bon trong thị trường tự nguyện lại có mức dao động khá lớn, dao động từ 0,1 USD cho tới trên 70 USD/tCO2. Con số được tính dựa trên 1.239 giao dịch cho khoảng 16,6 MtCO2 được bán trên thị trường từ tháng 1- tháng 3 năm 2018 [3]. Mức dao động này phụ thuộc vào chi phí của dự án, nhu cầu và sở thích của người mua cũng như loại hình giao dịch. Người bán có thể trực tiếp bán cho người mua cuối cùng hoặc cho bên trung gian. Để tránh bị bán đi nhiều lần, các tín chỉ các-bon được bán sẽ phải đăng ký mã số truy xuất gốc nguồn gốc cụ thể.

Mặc dù thị trường các-bon tự nguyện được vận hành năm 2000 có tiềm năng hấp thụ, giảm phát thải và tránh phát thải khoảng 437,1 MtCO2e, tuy nhiên điều này chưa đáp ứng được nhu cầu cần có để giảm nhiệt độ ấm lên của Trái đất xuống dưới 2 độ (11.000 MtcCO2e so với dự tính của các nhà khoa học) [3].

Một số vấn đề ưu tiên cần xem xét đối với Việt Nam

Xây dựng thị trường các-bon là một trong những công cụ quan trọng nhất trong cuộc chiến chống BĐKH. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Pari về BĐKH và sẽ thực hiện trách nhiệm quốc gia trong ứng phó với BĐKH toàn cầu, chủ yếu thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), bao gồm những cam kết đóng góp bắt buộc về giảm phát thải KNK. Với những tiềm năng và cơ hội sẵn có, Việt Nam đang từng bước mở rộng con đường tham gia thị trường trao đổi tín chỉ các-bon.

Luật BVMT năm 2020 đã quy định việc tổ chức và phát triển thị trường các-bon. Đây là lần đầu tiên và là điểm mới nổi bật của Luật BVMT 2020 so với Luật BVMT năm 2014. Theo Điều 139 Luật BVMT quy định tổ chức và phát triển thị trường các-bon như sau: Thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Các cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK thuộc danh mục quy định tại khoản 3 Điều 91 của Luật này được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước. Cơ sở phát thải KNK chỉ được phát thải KNK trong hạn ngạch đã được phân bổ; trường hợp có nhu cầu phát thải vượt hạn ngạch được phân bổ thì mua hạn ngạch của đối tượng khác thông qua thị trường các-bon trong nước. Cơ sở phát thải KNK thực hiện giảm phát thải KNK hoặc không sử dụng hết hạn ngạch phát thải được phân bổ thì được bán lại cho đối tượng khác có nhu cầu thông qua thị trường các-bon trong nước. Cơ sở phát thải KNK tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế. Cơ sở phát thải KNK tham gia thị trường các-bon trong nước thực hiện trao đổi, đấu giá, vay mượn, nộp trả, chuyển giao hạn ngạch, tín chỉ các-bon; thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Để hình thành và phát triển thị trường các bon ở Việt Nam, một số nội cần tiếp tục được triển khai đồng bộ như xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê KNK, hệ thống giám sát phát thải KNK và hệ thống MRV cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải KNK cho từng ngành/tiểu ngành… Ngoài ra, Việt Nam cần xem xét các vấn đề ưu tiên:

Thứ nhất, sớm xác định hướng đi cho thị trường các-bon theo hướng tự nguyện hay bắt buộc. Hầu hết các quốc gia đều hướng tới cả hai thị trường này. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang triển khai những dự án trồng rừng mới và giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng thì định hướng theo thị trường tự nguyện sẽ dễ thực hiện hơn và nhu cầu mua tín chỉ tại thị trường cũng khả quan. Thực tế, Việt Nam cũng đang ưu tiên phát triển và kêu gọi đầu tư vào các dự án hướng tới thị trường này. Tuy nhiên thị trường tự nguyện đòi hỏi các bên liên quan, cả trong và ngoài nước, phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn các-bon tự nguyện. Đây là một yêu cầu khá phức tạp trong việc thẩm định hồ sơ, đặc biệt trong bối cảnh hành lang pháp lý trong nước vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Ở một khía cạnh khác, thị trường các-bon bắt buộc, đòi hỏi sự nhất quán cao về phương pháp và quy trình quốc tế. Trong khi thỏa thuận Paris vẫn chưa hoàn toàn thống nhất về luật chơi của thị trường các-bon toàn cầu. Tuy nhiên, tham gia thị trường bắt buộc là yếu tố quan trọng để tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế.

Thứ hai, tính kết nối giữa thị trường nội địa và quốc tế, cần xem xét ba yếu tố chính:

- Kết hợp và đa dạng hóa các công cụ chính sách để thành lập thị trường các-bon nội địa, bao gồm: (i) áp dụng thuế các-bon; (ii) xây dựng cơ chế thương mại phát thải dựa vào việc cấp hạn mức phát thải cho các ngành; (iii) cơ chế Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES). Việt Nam có thể cân nhắc kết hợp nhiều giải pháp, trong đó vẫn ưu tiên thúc đẩy giải pháp thứ ba.

- Hoàn thiện kết nối giữa thị trường trong nước và thị trường nội địa. Trong đó, ba yếu tố cần hoàn thiện chính gồm: xác định giá trị bổ sung; hoàn thiện hệ thống quản lý PFES nội địa, xây dựng hệ thống đăng ký các-bon rừng quốc gia theo hướng thuận lợi cho việc thương mại quốc tế; hợp pháp hóa quyền và chuyển quyền các-bon/chuyển nhượng kết quả giảm phát thải.

Thứ ba, hợp pháp hóa quyền và chuyển quyền các-bon/chuyển nhượng kết quả giảm phát thải. Theo đó, trong quá trình này cần xem xét năm điểm: Xác định hướng đi xây dựng một quy định và hướng dẫn chung quốc gia, cho mọi chương trình bao gồm cả Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải (ERPA), hay xây dựng hướng dẫn cho từng chương trình riêng lẻ; Xác định người sở hữu quyền các-bon và có trách nhiệm phân bổ quyền cho các bên có liên quan; Chuyển quyền các-bon và đóng góp vào NDC; Xây dựng năng lực cho hệ thống đăng ký và chuyển quyền các-bon; Trách nhiệm, hay mức phạt khi không thực hiện đúng các cam kết.

Nguyễn Thị Nga
Bộ NN&PTNT

Tài liệu tham khảo

[1].http://www.dcc.gov.vn/tin-tuc/3773/Hien-thuc-hoa-muc-tieu-phat-trien-thi-truong-cac-bon:-Canh-cua-lon-cho-thi-truong-cac-bon.html

[2].Zarin DJ, Harris NL, Baccini A, Aksenov D, Hansen MC, Azevedo-Ramos C và cộng sự. 2016. Can cácbon emissions from tropical deforestation drop by 50% in 5 years? Global Change Biology, 22(4),1336–1347.

[3]. Hamrick K & Gallant M. 2018. Voluntary Các-bon Market Insights: 2018 Outlook and First-Quarter Trends. Forest Trends’ Ecosystem Marketplace: Washington, DC, 31. Available at https://www.forest-trends.org/wp-content/uploads/2018/09/VCM-Q1-Report_Full-Version-2.pdf

Theo Tạp chí Môi trường

Tags thị trường các-bon ứng phó với biến đổi khí hậu biến đổi khí hậu

Các tin khác

Với nỗ lực từ nhiều bên, thị trường công trình xanh đã bước đầu ghi nhận những bước tiến lớn trong việc chuyển dịch dòng vốn hướng đến các công trình xanh.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 (APGN-8) được tổ chức trong bối cảnh cơn bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng cho Cao Bằng và hàng loạt địa phương trên cả nước cùng nhiều quốc gia lân cận, tuy nhiên, hàng trăm đại biểu vẫn tới tham dự và chia sẻ tại 6 phiên hội thảo chuyên đề về một số giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

9 yếu tố ảnh hưởng đến giá đất vừa được Hà Nội quy định rõ, trong đó có điều kiện về cấp thoát nước, cấp điện và điều kiện về giao thông.

Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 93/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục