Định giá carbon - giải pháp hữu hiệu để đạt phát thải ròng bằng ‘0’

  • Cập nhật: Thứ bảy, 1/10/2022 | 9:52:52 AM

QLMT - Định giá carbon là công cụ hữu hiệu và khả thi để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đó là ý kiến của các chuyên gia tại buổi tọa đàm "Định giá carbon: Nguồn lực định hình chiến lược khí hậu của Việt Nam” do Tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) tổ chức tại Hà Nội ngày 27/9/2022.

Tại hội thảo các chuyên gia cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy cả hai công cụ thuế carbon và thị trường carbon đều có thể được áp dụng song song một cách linh hoạt để tối ưu hóa việc cắt giảm phát thải. Tuy nhiên, thị trường carbon ngày càng trở nên phổ biến vì đạt được kết quả giảm phát thải một cách chắc chắn hơn và cho phép các doanh nghiệp được linh hoạt, chủ động trong lựa chọn biện pháp tuân thủ hạn ngạch phát thải, từ đó mang lại hiệu quả về chi phí trong cắt giảm phát thải.

Định giá carbon - giải pháp hữu hiệu để đạt phát thải ròng bằng ‘0’
Ảnh minh hoạ. ITN

Theo Báo cáo Kiểm kê khí nhà kính quốc gia mới nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện năm 2016, tổng lượng khí thải cả nước là 316 triệu tấn CO2 tương đương, dự kiến sẽ tăng lên 928 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030 và 1,5 tỷ tấn CO2 tương đương vào năm 2050 theo kịch bản phát triển thông thường. 

Kể từ năm 2000, lượng khí thải từ các hoạt động năng lượng (bao gồm giao thông vận tải, công nghiệp và dân cư) tăng nhanh, chiếm 65% tổng lượng khí thải vào năm 2016. So với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, cường độ phát thải trên một đơn vị GDP của Việt Nam khá cao, khoảng 0,35 kg CO2/1 USD.

Các chuyên gia tại Tọa đàm đã đưa ra những khuyến nghị về phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, đó là: 

Xác định rõ ràng cơ chế xử phạt với các đơn vị không tuân thủ hạn ngạch phát thải được cấp.

Thiết lập hạn ngạch phát thải một cách hài hòa giữa mục tiêu cắt giảm phát thải và phát triển kinh tế, xây dựng bộ hệ số phát thải quốc gia cho từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể, phản ánh đúng hiện trạng phát thải của Việt Nam. 

Thiết lập hạn ngạch phát thải theo hướng thúc đẩy các doanh nghiệp sớm áp dụng công nghệ giảm phát thải.

Thử nghiệm trao đổi hạn ngạch phát thải với các lĩnh vực dễ đo lường, giám sát như điện, công nghiệp, tòa nhà… trước khi mở rộng sang các lĩnh vực khác và có các điều chỉnh phù hợp để giảm thiểu tác động không mong muốn.

Xác định rõ cơ chế sử dụng doanh thu từ thị trường carbon để đảm bảo hiệu quả thúc đẩy công nghệ phát thải thấp, chẳng hạn thành lập các quỹ và thiết lập một cơ chế cụ thể và minh bạch để giảm thiểu tác động kinh tế đối với các nhóm dễ bị tổn thương.

Nâng cao năng lực các cấp (cơ quan quản lý, vận hành thị trường cacbon, ngành chủ quản, cơ sở phát thải) về kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, giám sát, xác minh, cách tham gia đấu giá, trao đổi hạn ngạch.
----
Thị trường carbon lần đầu tiên được đề cập trong Quyết định 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2012. Sau đó, Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 của Đảng và Nghị quyết 50-NQ/CP năm 2021 Chính phủ đã bao gồm xây dựng thị trường carbon trong các nhiệm vụ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường 2020 và gần đây nhất là Nghị định 06/2022/NĐ-CP về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn đã cụ thể hóa lộ trình thiết lập hệ thống trao đổi hạn ngạch carbon trong nước.

Ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 01/2022 về danh mục các ngành/phân ngành và cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính trong đó bao gồm 1662 cơ sở thuộc ngành Công Thương, 70 cơ sở thuộc ngành Giao thông vận tải, 104 cơ sở thuộc ngành Xây dựng, 76 cơ sở thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường.

Lâm Hà


Tags định giá carbon thị trường carbon phát thải ròng bằng ‘0’ chiến lược khí hậu

Các tin khác

Với nỗ lực từ nhiều bên, thị trường công trình xanh đã bước đầu ghi nhận những bước tiến lớn trong việc chuyển dịch dòng vốn hướng đến các công trình xanh.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 (APGN-8) được tổ chức trong bối cảnh cơn bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng cho Cao Bằng và hàng loạt địa phương trên cả nước cùng nhiều quốc gia lân cận, tuy nhiên, hàng trăm đại biểu vẫn tới tham dự và chia sẻ tại 6 phiên hội thảo chuyên đề về một số giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

9 yếu tố ảnh hưởng đến giá đất vừa được Hà Nội quy định rõ, trong đó có điều kiện về cấp thoát nước, cấp điện và điều kiện về giao thông.

Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 93/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục