Các nhà quản lý nói gì về công tác quản lý chất thải đô thị?

  • Cập nhật: Thứ bảy, 27/8/2022 | 5:30:13 PM

QLMT - Hội thảo - Triển lãm quốc tế về Giải pháp và Công nghệ xử lý chất thải đảm bảo phát triển bền vững các đô thị tại Việt Nam được tổ chức ngày 25-26/8 vừa qua tại Đà Nẵng đã nhận được sự tham gia đóng góp của các nhà quản lý với những nhận định mang tính chuyên môn về công tác quản lý chất thải đô thị.

Các nhà quản lý nói gì về công tác quản lý chất thải đô thị? - Ảnh 1
Ông Nguyễn Hưng Thịnh
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn (CTR); giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 về giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật BVMT năm 2020 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, trong đó có nhiều quy định mới, cụ thể so với trước đây, trong đó nêu rõ bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên; giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác tối đa giá trị tài nguyên của chất thải; lần đầu tiên đã quy định nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; quy định phân loại chất thải tại nguồn, lộ trình hạn chế chôn lấp trực tiếp chất thải; tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH; thu giá, phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân theo khối lượng hoặc thể tích chất thải; hướng dẫn về phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH…

Tôi cho rằng, công tác quản lý chất thải, đặc biệt là CTRSH là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Đây cũng là vấn đề đã được các Đại biểu quốc hội và cử tri cả nước hết sức quan tâm, chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội. Do đó, việc đề xuất được các giải pháp đồng bộ từ mô hình quản lý, mô hình công nghệ xử lý chất thải nhằm kiểm soát, giải quyết được bài toán xử lý triệt tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải là vấn đề hết sức cấp thiết.

Cần trao đổi, thảo luận, đánh giá cụ thể và khách quan những mặt được và chưa được của công tác quản lý chất thải của Việt Nam trong thời gian qua, chỉ ra được những nguyên nhân và chia sẻ bài học kinh nghiệm để từ đó thống nhất đề xuất các giải pháp để đạt được những mục tiêu sau:

Một là, tổ chức thực hiện tốt các chính sách, quy định về quản lý chất thải trong Luật BVMT 2020 nhằm hình thành cách thức quản lý, ứng xử mới với chất thải, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó đề cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương. Một số tỉnh, thành phố lớn cần tiên phong trong việc triển khai cơ chế phân loại rác thải tại nguồn. Nhà sản xuất, nhập khẩu cần làm tốt trách nhiệm mở rộng của mình, ưu tiên khuyến khích doanh nghiệp chủ động xây dựng hệ thống thu gom, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì sau xử lý của mình.

Hai là, hình thành và triển khai cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích xã hội hóa trong công tác quản lý CTRSH, đặc biệt là trong việc khuyến khích đầu tư xây dựng và vận hành cơ sở xử lý CTRSH, triển khai áp dụng mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật về BVMT và Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và bền vững của dự án, phát huy và đa dạng hóa nhiều nguồn lực cho xử lý chất thải.

Ba là, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực: các địa phương cần bố trí quỹ đất cho khu xử lý CTRSH theo quy hoạch, bố trí đủ kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn.

Bốn là, đề xuất được các mô hình công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường để quảng bá, giới thiệu, nhân rộng trong phạm vi cả nước.

Tôi tin tưởng rằng, ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân cùng với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ thành công trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế dựa vào khả năng cung ứng của các hệ sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp; hoàn thành các mục tiêu của thập kỷ phục hồi các hệ sinh thái.  

Các nhà quản lý nói gì về công tác quản lý chất thải đô thị? - Ảnh 2
GS. TSKH Nguyễn Văn Liên
Nguyên Thứ Trưởng thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị 
và Khu công nghiệp Việt Nam

Nước ta đang trong thời điểm then chốt của quá trình phát triển đô thị, mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng giai đoạn 2016-2020 đã thúc đẩy quá trình phát triển đô thị cả về lượng và chất.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tính đến năm 2020 nước ta có 862 đô thị, tăng 60 đô thị so với năm 2016. Đô thị hóa, đồng nghĩa với việc tập trung dân cư và phát triển công nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh mặt tích cực, quá trình đô thị hóa  cũng tạo nên nhiều thách thức, trong đó có thách thức về ô nhiễm môi trường. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2016-2020, CTRSH ở các đô thị tăng từ 10% - 16%. Khối lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị trong cả nước là 35.624 tấn/ngày, chiếm khoảng 55% tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên cả nước. 

CTRSH sau khi thu gom được xử lý chủ yếu bằng các phương pháp sau: 71% khối lượng CTRSH được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; 16% khối lượng CTRSH được xử lý tại các nhà máy chế biến compost; 13% khối lượng CTRSH được xử lý bằng phương pháp đốt. Thực tế cho thấy công nghệ sử dụng trong các phương pháp nói trên nhìn chung còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; thiếu cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ từ khâu thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

Thông qua các hoạt động phong phú như: triển lãm, giới thiệu công nghệ thiết bị; triển lãm tranh thiếu nhi vẽ về môi trường, ngày hội đổi rác lấy quà, kết nối cung cầu và hai phiên hội thảo, Hội thảo và Triển lãm có ý nghĩa rất lớn là tạo cơ hội cho các đơn vị trong ngành có cái nhìn tổng quan về cơ chế chính sách mới, thực trạng quản lý và xử lý chất thải, môi trường tại các đô thị Việt Nam; là cơ sở đáng tin cậy để các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, các nhà đầu tư và cộng đồng người dân tìm hiểu, đề xuất giải pháp và công nghệ phù hợp để xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành tìm hiểu, ứng dụng công nghệ xử lý môi trường, công nghệ tái chế, tái tạo năng lượng, hướng tới công nghệ xanh, công nghệ sạch trong nền kinh tế tuần hoàn.

Các nhà quản lý nói gì về công tác quản lý chất thải đô thị?- Ảnh 3
ThS. Phạm Hồng Sơn
Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên, 
Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Về cơ chế công tác quản lý CTRSH, trong những năm qua, tình trạng chung trên cả nước và khu vực miền Trung và Tây Nguyên nổi bật lên là vấn đề văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, nhiều văn bản chồng chéo, trách nhiệm về quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn chưa rõ ràng giữa các ngành, các cấp. Phần lớn các tỉnh, thành phố đều thiếu nguồn vốn để thực hiện quy hoạch quản lý CTR. Nguồn vốn ngân sách các cấp đầu tư cho việc quản lý chất thải rắn ở khu vực công ích còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, khó khăn trong kêu gọi xã hội hóa do cơ chế, chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này còn thấp. Công tác đào tạo nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn cho cán bộ cấp huyện, cấp xã chưa được chú trọng đúng mức. Số lượng cán bộ làm công tác quản lý CTR các cấp còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu.

Hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể về thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn, cũng như chưa khuyến cáo công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt để áp dụng do đó địa phương còn gặp nhiều lúng túng khi lựa chọn công nghệ xử lý rác thải sinh họat. 

Việc nghiên cứu khoa học, công nghệ xử lý, tái chế, tái sử dụng nhằm phát huy tối đa giá trị từ rác thải chưa được chú trọng. Công nghệ xử lý rác thải hiện tại chủ yếu là chôn lấp; sử dụng diện tích đất lớn gây lãng phí tài nguyên, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; một số bãi chôn lấp thực hiện đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ý thức bảo vệ môi trường trong một bộ phận nhân dân và doanh nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là tại các khu vực miền biển, miền núi. Hiện vẫn còn xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường.

Các nhà quản lý nói gì về công tác quản lý chất thải đô thị? - Ảnh 4
Ông Lê Quang Nam
Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng

Trong những năm qua, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề tốt để tăng cường công tác BVMT thời gian tới.

Tuy nhiên, do sự phát triển KT-XH, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số đang diễn ra mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn tới môi trường khi lượng chất thải rắn (CTR) nói chung và đặc biệt CTRSH nói riêng đang phát sinh ngày càng nhiều, tính chất và thành phần phức tạp, chất thải nhựa chiếm tỷ lệ cao.

Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý loại chất thải này còn nhiều hạn chế…. Thực tế hiện nay cho thấy nguồn vốn ngân sách các cấp đầu tư cho việc quản lý chất thải rắn ở khu vực công ích còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, khó khăn trong kêu gọi xã hội hóa do cơ chế, chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này còn thấp; công nghệ sử dụng trong các phương pháp nói trên nhìn chung còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; thiếu cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ từ khâu thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

Các nhà quản lý nói gì về công tác quản lý chất thải đô thị? - Ảnh 5
TS. KTS. Tô Văn Hùng
Thành ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành đã đưa ra các quy định mới liên quan đến quản lý CTRSH như: quy định CTRSH được phân loại; quy định về nguyên tắc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH được tính dựa trên khối lượng CTRSH phát sinh và đã được phân loại theo quy định. Đồng thời, cũng quy định trách nhiệm của các bên liên quan như hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn chất tải, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tổ dân phố, tổ chức chính trị xã hội… trong công tác quản lý CTRSH.

Tuy nhiên, các quy định mới liên quan đến quản lý CTRSH vẫn chưa đầy đủ và bất cập: 

- Các cơ chế, chính sách tăng cường hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực tư nhân trong công tác BVMT chưa được quy định cụ thể.

- Quy định, cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế CTR chưa hoàn thiện, thống nhất và chưa đồng bộ.

- Lộ trình giảm thiểu và tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi nilon khó phân hủy chưa được ban hành.

- Phương pháp định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt chưa được quy định cụ thể.

- Thiếu các quy định về quản lý, sử dụng sản phẩm và vật liệu tái chế đối với các loại hình sản xuất tái chế từ các loại CTR.

- Chưa có quy định hướng dẫn sử  dụng cô-ta phát thải và hình thành thị trường chuyển nhượng cô-ta phát thải.

- Nguồn vốn ngân sách các cấp đầu tư cho việc quản lý chất thải rắn ở khu vực công ích còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, khó khăn trong kêu gọi xã hội hóa do cơ chế, chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này còn thấp

- Chưa có quy định cụ thể về thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn, cũng như chưa khuyến cáo công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt để áp dụng do đó địa phương còn gặp nhiều lúng túng khi lựa chọn công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt.

Với những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, kính đề nghị Lãnh đạo các Bộ, ngành,… tiếp tục quan tâm đối lĩnh vực quản lý chất thải để trong thời gian đến cơ chế, chính sách, giải pháp được tháo gỡ và hoàn thiện.

Hà Thắm (Thực hiện)

Tags nhà quản lý quản lý chất thải chất thải đô thị chất thải rắn sinh hoạt CTRSH

Các tin khác

Với nỗ lực từ nhiều bên, thị trường công trình xanh đã bước đầu ghi nhận những bước tiến lớn trong việc chuyển dịch dòng vốn hướng đến các công trình xanh.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 (APGN-8) được tổ chức trong bối cảnh cơn bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng cho Cao Bằng và hàng loạt địa phương trên cả nước cùng nhiều quốc gia lân cận, tuy nhiên, hàng trăm đại biểu vẫn tới tham dự và chia sẻ tại 6 phiên hội thảo chuyên đề về một số giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

9 yếu tố ảnh hưởng đến giá đất vừa được Hà Nội quy định rõ, trong đó có điều kiện về cấp thoát nước, cấp điện và điều kiện về giao thông.

Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 93/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục