1. Điều kiện phát triển môi trường du lịch biển
Quảng Ninh được thiên nhiên ban tặng tài nguyên và môi trường du lịch biển đảo đa dạng, làm điểm đến thường xuyên thu hút khách du lịch nội địa vào mùa hè, khách du lịch quốc tế đến quanh năm. Các điểm du lịch nổi tiếng gắn với tài nguyên, môi trường du lịch biển như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vịnh Lan Hạ, các huyện đảo/thành phố có tài nguyên, môi trường du lịch biển nổi tiếng. Vịnh Hạ Long với diện tích 1.553 km² bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của vịnh có diện tích 335 km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo. Lịch sử kiến tạo địa chất đá vôi của vịnh đã trải qua khoảng 500 triệu năm với những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau; quá trình tiến hóa karst đầy đủ trải qua trên 20 triệu năm với sự kết hợp các yếu tố như tầng đá vôi dày, khí hậu nóng ẩm và tiến trình nâng kiến tạo chậm chạp trên tổng thể. Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo, đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển và ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái. Khoảng 17 loài thực vật đặc hữu và khoảng 60 loài động vật đặc hữu đã được phát hiện trong số hàng ngàn động, thực vật quần cư tại vịnh. Các điểm nổi tiếng góp phần thu hút khách du lịch thăm quan vịnh như hòn Con cóc, hòn Đỉnh hương, hòn Gà chọi, đảo Ti Tốp, đảo Tuần Châu. Các hang động Sửng Sốt, Bồ Nâu, Mê Cung, hang Luồn, động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Trinh Nữ. Với những tài nguyên du lịch biển đảo, ngay trên vịnh Hạ Long đã có rất nhiều chương trình du lịch thu hút khách tham quan.
Vịnh Bái Tử Long với hơn 600 hòn đảo lớn, nhỏ trong đó nổi bật là Vườn quốc gia Bái Tử Long cùng 3 cụm đảo chính là ba Mùn, Trà Ngọ và Sậu. Ngoài những giá trị do thiên nhiên ban tặng, vịnh Bái Tử Long còn gắn liền với lịch sử của dân tộc Việt Nam, với di tích thương cảng Vân Đồn nổi tiếng cùng nhiều di tích lịch sử như: đồn Tĩnh Hải; thành nhà Mạc (trên đảo Ngọc Vừng), đình Quan Lạn (xã đảo Quan Lạn, H.Vân Đồn); chùa 100 gian (xã đảo Thắng Lợi, H.Vân Đồn). Ngày nay, các di tích, lễ hội gắn với các di tích trên là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tham quan tìm hiểu. Các đảo ở Bái Tử Long có dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, là hình ảnh cổ xưa của địa hình có tuổi kiến tạo địa chất khoảng 300 triệu năm, do quá trình vận động nâng lên, hạ xuống nhiều lần từ lục địa thành trũng biển. Quá trình karst bào mòn, phong hoá tạo ra một hình thái đặc biệt như một bức tranh thủy mạc được tạo ra từ biển và đảo. Trên các đảo đá của vịnh cũng có các hang động karst, đặc biệt là hang Quan (hang Hải quân) mà người ta dùng làm nơi trú ẩn của tàu thuyền xưa kia trong những khi biển động. Các đảo và cụm đảo khác nổi tiếng khác như Cặp Kỳ Nhảy, Cặp Kỳ Giã, Thẻ Vàng, cụm đảo Hòn Chồng, Hòn Vân Đồn, Hòn Ỏn, Hòn Ba Sao, núi Chân Nghĩa cũng là những điểm hấp dẫn cho khám phá. Ngoài ra, trên vịnh Bái Tử Long có nhiều đảo đất nên có nhiều dân cư sinh sống, chăn nuôi, trồng trọt như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Đông Chén, Thẻ Vàng. Hệ sinh thái biển đa dạng về các loại động vật biển gồm 391 loài. Hầu hết các loại động vật biển ở đây đều là loài hải sản có giá trị kinh tế cao và mang ý nghĩa khoa học rất lớn. Sự có mặt của ấu trùng sống phù du và sự có mặt của con non phản ánh chu kỳ khép kín của một vòng đời các loài hải sản. Sự tồn tại của hai dạng sống đồng thời này có được nhờ những hệ sinh thái biển thuộc vùng vịnh Bái Tử Long, nó là nơi phân bố, phát sinh, lưu giữ nguồn sống. Cụ thể, động vật phù du 51 loài, động vật đáy 132 loài, cá 19 loài, san hô 79 loài (trong đó có 17 loài ghi trong sách Đỏ Việt Nam). Trong đó có nhiều loài quý hiếm như bào ngư, hải sâm, sái sùng, trai ong còn gọi là bò hải ngưu (Sirenia) thế giới đã đưa vào loài quý hiếm cần được bảo vệ. Với những giá trị đặc biệt về mặt cảnh quan, địa mạo, sự đa dạng sinh học, cùng với sự tiềm ẩn trầm tích văn hóa của Vân Đồn là một trong những chiếc nôi văn hóa của người Việt cổ nên vịnh Bái Tử Long cần được sự quan tâm và bảo vệ xứng đáng.
Với chính sách thu hút đầu tư và phát triển du lịch địa phương trên cơ sở kế thừa những điểm mạnh của tài nguyên du lịch biển. Tỉnh Quảng Ninh đầu tư rất lớn trong việc phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sự phát triển du lịch, cụ thể hoàn thiện các tuyến đường giao thông huyết mạch, đường cao tốc, đường biển và đường hàng không, quy hoạch điểm đón khách du lịch bằng đường biển đường hàng không rất thuận lợi như điểm đón du khách Cảng Tuần Châu, điểm đón du khách quốc tế khi ghé thăm Quảng Ninh, Cảng hàng không Vân Đồn. Tất cả hướng tới đồng bộ hoá sự phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh trong tương lai.
Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, tính đến quý II năm 2022, hệ thống cơ sở lưu trú có để phục vụ du khách với tổng số 529 cơ sở lưu trú, trong đó có 222 khách sạn từ 1 đến 5 sao, 173 tàu lưu trú du lịch, 134 cơ sở lưu trú đạt điều kiện tối thiểu về cơ cở vật chất phục vụ khách.
2. Ảnh hưởng của du lịch đến môi trường biển ở Quảng Ninh
Trên thực tế, Quảng Ninh là một trong những tỉnh duy nhất ở phía Bắc Việt Nam có sự phát triển Du lịch rất mạnh trong những năm gần đây. Theo tác giả Thu Nguyên (2018) sự phát triển du lịch đã tạo ra sức ép rất lớn đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nhân văn. Đi đôi với sự gia tăng về lượng khách thì chất thải từ hoạt động du lịch ngày một tăng nhanh, nhất là ở các vùng trọng điểm phát triển du lịch. Khi hệ thống khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí gia tăng lên một cách nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của du khách thì một số đơn vị kinh doanh chỉ chú ý đến lợi ích trước mắt, bỏ qua hệ thống xử lý chất thải, coi nhẹ việc bảo vệ môi trường. Tại một số khu nghỉ dưỡng ven biển hiện nay chưa có hệ thống xử lý chất thải và nước thải chuyên nghiệp, dẫn đến việc nước thải chưa qua xử lý vẫn đang xả trực tiếp ra biển. Việc đầu tư xây dựng hàng loạt những khu nghỉ dưỡng sang trọng trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng kinh tế ven biển. Song điều đáng lo ngại là sự phát triển ồ ạt của các dự án đã và đang khiến quy hoạch du lịch biển bị phá vỡ, ảnh hưởng đến môi trường biển. Sự bùng nổ những khu nghỉ dưỡng ven biển còn làm gia tăng áp lực lên môi trường ven biển, tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển và làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo. Điều này nhận thấy rất rõ ở trung tâm du lịch Hạ Long khi mỗi trận mưa lớn xảy ra, nước biển vịnh Hạ Long khu vực ven bờ lại đổi màu. Tại một số địa phương mới phát triển du lịch, nhất là tại các tuyến đảo, như: Quan Lạn, Minh Châu (Vân Đồn), Cô Tô. Việc phát triển du lịch quá nhanh, đã gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường. Hiện tượng nước thải, rác thải xả trực tiếp ra biển vẫn còn xảy ra. Tình trạng xả rác bừa bãi gây mất mỹ quan tại một số khu di tích vào mùa lễ hội diễn ra thường xuyên. Tại một số điểm tham quan có phong cảnh đẹp như: Cột mốc biên giới, đồi cỏ lau Bình Liêu thu hút rất đông các bạn trẻ đến tham quan, dã ngoại. Tuy nhiên, trong những dịp cao điểm, lượng khách và người dân đến tham quan lớn, cộng thêm ý thức của một bộ phận khách tham quan còn kém nên tình trạng xả rác tại các cột mốc vẫn xảy ra. Trong đó, có không ít những loại rác khó phân hủy như: Túi ni lông, chai nhựa, lon bia vứt bừa bãi, ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên và cảnh quan khu vực.
Ngoài ra, phát triển du lịch đồng nghĩa với việc làm gia tăng lượng du khách tới các điểm tham quan du lịch, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên, do đó dẫn đến sự gia tăng áp lực của phát triển du lịch đến môi trường. Do tốc độ phát triển du lịch quá nhanh ở một số địa phương nên hoạt động du lịch đã vượt ngoài khả năng kiểm soát, đã tạo sức ép lớn đến khả năng đáp ứng của tài nguyên và môi trường, gây khả năng ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái môi trường lâu dài. Điều này thể hiện qua việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của du khách ngày càng lớn, đã tác động tiêu cực đến môi trường; Du lịch phát triển, lượng khách du lịch đông, nhu cầu cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, rác thải càng lớn. Nếu không có biện pháp xử lý tốt vấn đề nước thải, rác thải sinh hoạt hàng ngày tại các điểm du lịch khách sạn, nhà hàng thì nguy cơ ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi. Gây mất cảnh quan môi trường, lan truyền nhiều loại dịch bệnh và nảy sinh các xung đột xã hội; Phát triển du lịch có thể gây ô nhiễm khí thông qua phát xả khí thải của động cơ ô tô, xe máy và tàu thuyền, đặc biệt là ở các trọng điểm, trục giao thông chính, gây hại cho cây cối, động vật hoang dã; Du lịch phát triển kéo theo đó là gây ra tiếng ồn từ các phương tiện giao thông và du khách có thể gây phiền hà cho cư dân địa phương và các du khách khác kể cả động vật hoang dã; Việc phát triển hoạt động du lịch thiếu kiểm soát có thể tác động làm xói mòn đất, làm biến động các nơi cư trú, đe dọa các loài động thực vật hoang dã (tiếng ồn, săn bắt, cung ứng thịt thú rừng, thú nhồi bông, côn trùng...).
3. Giải pháp BVMT du lịch biển ở Quảng Ninh
Về phía Nhà nước cần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về môi trường du lịch và nâng cao nhận thức về môi trường đối với đội ngũ cán bộ hoạt động trong ngành Du lịch. Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên cơ sở có sự gắn kết giữa các trung tâm du lịch lớn trong nước trong khu vực và thế giới. Xây dựng các tuyến giao thông theo quy hoạch tổng thể về du lịch, xây dựng kết cấu hạ tầng đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ở các khu sân bay, bến cảng, bến tầu và những khu du lịch trọng điểm sao cho gắn kết phát triển du lịch với bảo vệ môi trường. Ưu tiên đầu tư cho các dự án du lịch đã có các giải pháp cụ thể để giải quyết ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường trực tiếp cho cộng đồng xã hội ở cả hiện tại và tương lai. Đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ mới về bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch.
Ngành Du lịch cần phối hợp với các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu tiến hành nghiên cứu có tính hệ thống về tài nguyên và môi trường du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch làm tốt công tác BVMT. Nâng cao hiệu lực quản lý về môi trường du lịch, kiên quyết yêu cầu các cơ sở du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn phải tuân thủ Luật BVMT và xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải, rác thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn quy định. Xây dựng quy chế về xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường; tuyên truyền giáo dục cộng đồng giữ gìn vệ sinh môi trường sinh thái trong sạch để làm tăng thêm giá trị của cảnh quan môi trường. Đồng thời, tỉnh đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ như đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; mở các lớp tập huấn phổ biến Luật Du lịch, Luật BVMT và các Nghị định hướng dẫn cho cộng đồng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch; khôi phục và mở rộng diện tích cây xanh, thảm thực vật vùng ven biển; khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái và các sản phầm du lịch hấp dẫn, thân thiện môi trường để bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững. Cần xây dựng chiến lược về bảo vệ môi trường ở các khu du lịch có kế hoạch cụ thể cho việc trồng và bảo vệ cây xanh ở những khu du lịch; quản lý tốt cơ sở hạ tầng và môi trường ở những khu du lịch; khuyến khích, hướng dẫn người dân và các cơ sở dịch vụ du lịch thực hiện thu gom rác một cách khoa học, hợp lý; nâng cao trình độ văn hóa của những người làm trong ngành Du lịch, gắn giáo dục môi trường với các chương trình đào tạo cho mọi đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch; có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trong vùng gắn với bảo tồn và khai thác vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, tăng cường hợp tác liên ngành và quốc tế BVMT trong lĩnh vực du lịch biển.
Các địa phương, ban quản lý các di tích, khu du lịch, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cũng xây dựng các sản phẩm du lịch xanh và triển khai các phương án để bảo vệ môi trường, mang lại vẻ đẹp cảnh quan, tạo ấn tượng tốt với du khách khi đến tham quan. Như Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo tốt cảnh quan môi trường tại các điểm tham quan, lưu trú trên vịnh; quan trắc hiện trạng môi trường nước vịnh Hạ Long định kỳ hàng quý để kiểm soát chất lượng nước; sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị triển khai ứng phó khi có sự cố tràn dầu trên vịnh xảy ra; hoàn tất việc thay thế phao xốp bằng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, để BVMT vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng bộ tiêu chí Nhãn sinh thái Cánh buồm xanh gắn cho tàu du lịch hoạt động trên vịnh. Nhãn hiệu Cánh buồm xanh là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường BVMT trong hoạt động tàu du lịch ở Hạ Long, nâng cao hình ảnh của các doanh nghiệp tàu du lịch trong con mắt du khách trong và ngoài nước quan tâm đến BVMT. Để người dân và du khách sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường khi đến Cô Tô, huyện Cô Tô cũng triển khai đề án "Hạn chế sử dụng túi ni lông”; cấp phát miễn phí hàng nghìn chiếc làn nhựa và túi đựng sinh thái cho các hộ gia đình trên đảo để đi chợ, vừa tiết kiệm chi phí, vừa hạn chế được lượng rác thải độc hại ra môi trường. Bên cạnh đó, địa phương cũng hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn, duy trì Ngày chủ nhật xanh, lắp đặt hệ thống thùng rác dọc theo tuyến đường trục chính trên đảo, tăng cường năng lực công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, đảm bảo môi trường sinh thái trên đảo luôn xanh, sạch, đẹp.
Tài liệu tham khảo
Vũ Thanh Ca (2009), Môi trường biển khái niệm và các vấn đề về môi trường biển, Viện Nghiên cứu Quản lý Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Phạm Hoạch (2021), "Quảng ninh ban hành kế hoạch BVMT đối với hoạt động du lịch biển đạo”, https://baotainguyenmoitruong.vn/ -335208.html
Thu Nguyên (2018), "Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường” https://baoquangninh.com.vn -2410807.html.
UBND tỉnh Quảng Ninh (2009), "Quy chế BVMT tỉnh Quảng Ninh”, ban hành theo Quyết định số 3076/2009/QĐ-UBND.
UBND tỉnh Quảng Ninh (2010), "Báo cáo hiện trạng môi trường tổng thể Quảng Ninh giai đoạn 2006-2010”.
ThS. Hoàng Thị Thương
ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền
Trường Đại học Hạ Long
Nguồn: Tạp chí Môi trường