Chính sách của các nước về kinh tế xanh và kinh nghiệm cho Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2022 | 10:21:08 AM

Việc chủ động học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, kết hợp hài hòa giữa nguồn lực trong nước và nguồn lực quốc tế có thể giúp Việt Nam tạo ra những chuyển biến ấn tượng trong quá trình 'xanh hóa' nền kinh tế.

Kinh tế xanh đang trở thành xu hướng phát triển tại nhiều quốc gia, trong bối cảnh các nước đều đang theo đuổi mục tiêu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Chính sách của các nước về kinh tế xanh và kinh nghiệm cho Việt Nam - Ảnh 1
Phát triển kinh tế xanh đang là xu hướng chung của thế giới. (Nguồn: UNDP)

Định nghĩa về kinh tế xanh (green economy) đã được đưa ra bởi nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nền kinh tế xanh được định nghĩa là đạt được mục tiêu cacbon thấp, hiệu quả tài nguyên và hội nhập xã hội.

Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), mục tiêu của kinh tế xanh là đáp ứng các nhu cầu của con người về lương thực, giao thông, năng lượng,... một cách công bằng và bền vững. Phòng Thương mại quốc tế (ICC) định nghĩa kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế và trách nhiệm với môi trường đi đôi với nhau, củng cố lẫn nhau, đồng thời hỗ trợ quá trình phát triển xã hội.

Nhìn chung, các định nghĩa về nền kinh tế xanh đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lồng ghép chính sách kinh tế hòa hợp với môi trường, hướng tới giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đối với môi trường. Chính sách kinh tế xanh liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau từ năng lượng, tài chính, nông nghiệp, đầu tư, sản xuất, du lịch, vận tải…

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới, đặc biệt khi Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Nước ta đã và đang có nhiều cơ hội trong việc xanh hóa nền kinh tế, nhiều khía cạnh đã được phát huy hiệu quả và đạt được những thành tựu nhất định, song trên một số khía cạnh tiềm năng vẫn còn lớn và đối mặt với không ít thách thức để chuyển hóa những lợi thế.

Trong thời gian tới, với chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, do đó kinh nghiệm từ các quốc gia được xem là bài học hữu ích để Việt Nam có thể theo kịp xu hướng kinh tế xanh.

Mỹ

Kinh tế xanh vốn không phải vấn đề mới trong tư duy phát triển kinh tế của các đời Tổng thống Mỹ, đặc biệt được thể hiện đậm nét trong những chính sách dưới thời Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, tiến trình này đã phần nào bị chững lại bởi chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống Donald Trump. Sự trở lại với kinh tế xanh được đánh dấu bằng những cam kết của Tổng thống Joe Biden.

Chính sách của các nước về kinh tế xanh và kinh nghiệm cho Việt Nam - Ảnh 2
Tổng thống Joe Biden tới thăm Trung tâm xe điện Rouge ở Dearborn, Michigan ngày 18/5/2021 nhằm quảng bá kế hoạch cơ sở hạ tầng bao gồm hàng tỷ USD đầu tư vào phát triển xe điện. (Nguồn: Getty Images)

Ngay sau nhậm chức, vị Tổng thống thứ 46 của Mỹ đã đưa nước này tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, là một trong những bước đi nhằm khẳng định sự trở lại của Mỹ với vai trò lãnh đạo các vấn đề mang tính toàn cầu.

Kể từ đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một số mục tiêu đầy tham vọng trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên của trái đất: giảm 50% lượng khí phát thải vào năm 2030 so với mức năm 2005 và tiến tới khử carbon hoàn toàn nền kinh tế vào năm 2050, mục tiêu khử carbon ngành điện vào năm 2035, doanh số bán ô tô điện ở Mỹ sẽ đạt ít nhất 50% vào năm 2030, xây dựng 500 nghìn trạm sạc xe điện đến năm 2030, năng lượng mặt trời sẽ chiếm đến 40% nguồn cung điện của Mỹ vào năm 2035 và 45% vào năm 2050…

Ngoài khuyến khích các ngành công nghiệp carbon thấp như xe điện, Mỹ còn thúc đẩy việc quản lý năng lượng trong các tòa nhà. Hôm 8/12/2021, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp hướng dẫn các cơ quan liên bang đạt không phát thải carbon vào năm 2050, bao gồm mục tiêu khử carbon trong các tòa nhà, phương tiện, điện và những hoạt động khác của chính phủ Mỹ.

Hay gần đây, vào ngày 13/6, Bộ Năng lượng Mỹ công bố tài trợ 39 triệu USD cho 18 dự án phát triển công nghệ biến các tòa nhà thành cấu trúc lưu trữ carbon ròng.

Liên minh châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) là một trong những khu vực hàng đầu trên thế giới có sự quan tâm và đạt được nhiều bước tiến lớn trong việc xanh hóa nền kinh tế. Gần đây, vấn đề này được thúc đẩy hơn nữa do tính cấp bách của việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Được thông qua vào năm 2019, kế hoạch "Năng lượng sạch cho toàn châu Âu” ra đời nhằm thúc đẩy các thành viên EU dần chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp.

Tháng 4 năm ngoái, Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên EU đã nhất trí mục tiêu giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990 và hướng tới trung hòa khí thải carbon vào năm 2050.

Tháng 5 vừa qua, 4 quốc gia EU gồm Đức, Bỉ, Hà Lan và Đan Mạch đã ra tuyên bố chung để biến Biển Bắc thành "nhà máy điện xanh” của châu Âu vào năm 2050. EU hiện đang đề ra một loạt biện pháp nhằm nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Tại Đan Mạch, chính quyền hướng tới chuyển đổi xanh với 3 trụ cột chính là xe đạp, năng lượng gió và xử lý rác thải. Từ những năm 1960, thủ đô Copenhagen đã đưa ra sáng kiến hình ​​thành văn hóa đi xe đạp, thông qua việc hạn chế đậu xe trong trung tâm thành phố, tăng thuế xe hơi và khí đốt, đồng thời lắp đặt giá treo xe đạp, làn đường và đèn giao thông.

Đan Mạch là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ gió và đặt mục tiêu biến Copenhagen trở thành thủ đô trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2025. Nằm ở khu công nghiệp cách thành phố Copenhagen chỉ 3km, nhà máy rác Amager Bakke của Đan Mạch có thể chuyển đổi chất thải thành năng lượng dùng để sưởi ấm thành phố.

Từ hướng tiếp cận tài chính xanh, tại Hà Lan, vào năm 2012, ngân hàng Triodos đã trở thành ngân hàng đầu tiên của nước này cung cấp khoản thế chấp liên quan đến việc sử dụng năng lượng hiệu quả của tòa nhà. Năm 2020, ngân hàng Triodos ngừng cung cấp khoản thế chấp cho tất cả tòa nhà có xếp hạng hiệu quả năng lượng thấp.

Đến tháng 6 vừa qua, ngân hàng Triodos đã ra mắt chương trình thế chấp mới dựa trên tính sinh học. Theo đó, những khách hàng mua hoặc xây nhà làm từ vật liệu tự nhiên như gỗ, lanh, rơm và thậm chí cả nấm... sẽ được hưởng lãi suất thấp hơn so với người mua nhà sử dụng các vật liệu thông thường khác.

Singapore

Nhắc tới phát triển kinh tế xanh ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á, Singapore được xem như hình mẫu với những thành tựu đáng kể. Là quốc gia thiếu thốn nguồn tài nguyên, đảo quốc sư tử ý thức mạnh mẽ về phát triển bền vững và giảm phát thải.

Chính phủ Singapore đã lần đầu đưa ra Kế hoạch Xanh vào năm 1992, sau đó tiếp nối sang Kế hoạch Xanh Singapore năm 2012. Tháng 2/2021, chính phủ tiếp tục công bố Kế hoạch Xanh Singapore năm 2030, một "phong trào toàn quốc” nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự quốc gia về phát triển bền vững và đạt mục tiêu không phát thải ròng "càng sớm càng tốt".

Một số sáng kiến ​​mới trong kế hoạch này như cho đến năm 2030 tất cả ô tô đăng ký mới phải là xe năng lượng sạch và tăng hơn gấp đôi số trạm sạc xe điện.

Singapore đã nâng công suất năng lượng mặt trời lên hơn 7 lần kể từ năm 2015 và là một trong những quốc gia có mật độ năng lượng mặt trời cao nhất trên thế giới. Tháng 7/2021, Singapore đưa vào hoạt động một trong những trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất toàn cầu, gồm 120 nghìn tấm pin mặt trời tại hồ Tengeh với công suất tối đa đạt 60 MW.

Singapore đã và đang thực hiện nhiều bước thúc đẩy kinh tế xanh, từ chuyển đổi năng lượng đến phổ cập các phương tiện xanh, xây dựng các mô hình sống xanh trên khắp đất nước.

Việt Nam và phát triển kinh tế xanh

Những thách thức từ các vấn đề môi trường cùng với những cam kết trong quá trình hội nhập quốc tế đã trở thành động lực để Việt Nam chú trọng phát triển nền kinh tế xanh. Trong "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020” được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vào tháng 1/2011, Việt Nam khẳng định "chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường”.

Chính sách của các nước về kinh tế xanh và kinh nghiệm cho Việt Nam - Ảnh 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh vào tháng 11/2021. (Nguồn: TTXVN)

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã thay đổi nền kinh tế thế giới trên nhiều lĩnh vực, nhưng đây cũng là cơ hội để các quốc gia trong đó có Việt Nam đánh giá lại mô hình phát triển kinh tế.

Theo đó, vào tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” thể hiện mục tiêu mạnh mẽ của nước ta về tái cơ cấu mô hình tăng trưởng hướng tới kinh tế xanh.

Tại Hội nghị Khí hậu COP 26, Việt Nam gây ấn tượng với cam kết đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0, nâng tỉ lệ năng lượng tái tạo trên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp và tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 43%.

Trên thực tế, Việt Nam có thể đi xa hơn và đạt được nhiều hơn mục tiêu đã đặt ra. Bởi 70% khí phát thải của nước ta đến từ công nghiệp năng lượng, trong đó hầu hết từ ngành sản xuất điện. Vì vậy, nếu Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ điện than sang điện gió và điện mặt trời sẽ giúp đóng góp nhiều hơn vào nỗ lực xanh hóa nền kinh tế chung.

Việt Nam cần xây dựng và không ngừng hoàn thiện các quy định của pháp luật về kinh tế xanh. Bởi luật pháp không chỉ là công cụ quản lý hữu hiệu của nhà nước mà còn giúp doanh nghiệp và người dân xác định những hành động cần thiết để phát triển đúng định hướng.

Việt Nam cần thiết lập chính sách hỗ trợ cho các ngành kinh tế xanh, chẳng hạn như giảm thuế, ưu đãi vốn, thúc đẩy nghiên cứu và nâng cao trình độ công nghệ, tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi kinh nghiệm giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế…

Chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của các hàng hóa và dịch vụ "xanh”, tạo động lực để các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng xanh hóa. Doanh nghiệp là tế bào cấu thành của nền kinh tế, vì vậy, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế quốc gia.

Bên cạnh nguồn lực của chính mình, Việt Nam cần huy động nguồn lực từ các đối tác quốc tế. Việt Nam cần tiếp tục triển khai các chính sách nhằm nắm bắt cơ hội thu hút dòng vốn và những dự án đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường cũng như chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực kinh tế xanh.

Không chỉ khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, Việt Nam cần chú trọng chuyển đổi trong tất cả lĩnh vực của nền kinh tế từ nông nghiệp xanh, du lịch xanh hay triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường.

Kinh nghiệm từ quốc tế cho thấy có nhiều cách tiếp cận đối với kinh tế xanh, nhìn chung đều đòi hỏi sự phối hợp của các cấp từ cơ quan quản lý trung ương cho đến địa phương, doanh nghiệp và người dân, những cam kết đưa ra cần thiết thực và cụ thể, những hành động bảo vệ cần được thực hiện nhanh chóng và xuất phát từ những việc nhỏ nhất.

Theo baoquocte.vn

Tags kinh tế xanh kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh

Các tin khác

Đại dương toàn cầu - các vùng biển trên Trái đất, bao gồm Bắc Cực, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các đại dương phía Nam - cung cấp hơn một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, đồng thời cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hoang dã kỳ diệu, từ sinh vật phù du nhỏ bé đến sinh vật lớn nhất từng tồn tại - cá voi xanh. Sự đa dạng đặc biệt của cuộc sống ở đại dương và những dịch vụ mà chúng cung cấp cho con người đã mang lại những giá trị to lớn.

Quy định bắt buộc về phân loại rác tại nguồn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, đến nay công tác chuẩn bị cho việc phân loại rác tại nguồn vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục