Biến đổi khí hậu ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khoẻ con người

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/10/2023 | 4:17:03 PM

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm vì chúng không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, mà cả sức khỏe của con người.

Biến đổi khí hậu trái đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, biến đổi khí hậu đã xảy ra trên phạm vi toàn cầu, gây tác động ngày càng mạnh mẽ đến mọi quốc gia và sự sống trên trái đất, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người.

1. Các vấn đề về hệ hô hấp

Ozone là loại khí thường được thấy ở các tầng không khí phía trên của trái đất, đây là một lớp bảo vệ con người khỏi tia cực tím. Tầng ozone mặt đất rất nguy hiểm cho sức khoẻ con người, sinh ra do lượng khí thải ô nhiễm từ các hoạt động hàng ngày của chúng ta, như là từ các loại phương tiện cá nhân, các nhà máy hoá học. Việc tầng ozone mặt đất ngày càng gia tăng và lượng bụi mịn gia tăng trong không khí do các hoạt động của con người cũng gây ảnh hưởng tới các chức năng của phổi, đặc biệt là khi một người phải tiếp xúc với ô nhiễm ngay từ khi còn nhỏ.

Những vấn đề chính của hệ hô hấp do ô nhiễm không khí gây ra gồm: hen suyễn, viêm xoang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiễm trùng đường hô hấp.

Vào những ngày trời nóng bất thường, tầng ozone mặt đất có thể đạt đến độ có hại cho sức khoẻ, do đó nâng cao khả năng chúng ta sẽ hít phải khí ozone. Điều này có thể dẫn tới các tình trạng như ho, nhưng cũng có vấn đề nghiêm trọng hơn như khó thở, và tăng tần suất các cơn hen suyễn.

Với mức CO2 tăng lên, thì số lượng phấn hoa trong không khí cũng tăng lên do tốc độ quang hợp cao hơn. Điều này dẫn đến sự gia tăng các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, ho, ngứa mắt, đau đầu, đau tai.

2. Nhiệt độ tăngcao ảnh hưởng đến hệ tim mạch

Nắng nóng dẫn tới nhiệt độ tăng cao đang xảy ra thường xuyên hơn trên khắp thế giới. Có thể thấy mức nhiệt toàn cầu đã tăng hơn 1,5 độ C so với 20 năm trước. Chúng ta ngày càng được nghe nhiều thông tin hơn về các trận nắng nóng, các đợt hoả hoạn do khí hậu khô nóng. Nhiệt độ cao cực đoạn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 5 triệu người mỗi năm.

Nhiệt độ càng cao thì sức ép lên tim mạch càng lớn. Trái tim cần phải hoạt động mạnh hơn, nhanh hơn để tăng lượng máu tuần hoàn, nhằm hạ nhiệt cho cơ thể. Những người có bệnh tim, hoặc tim yếu thường rất có nguy cơ bị truỵ tim, sốc nhiệt do các cơ quan nội tạng thường gặp khó khăn khi hoạt động trong trạng thái áp lực như vậy. Khi các chất ô nhiễm trong không khí đi vào máu qua phổi và vào tim, các mạch máu dần thu hẹp và trở nên cứng lại, khiến cho nguy cơ các bệnh về tim và tuần hoàn tim cũng tăng lên. Với sự gia tăng ô nhiễm không khí, bụi mịn sẽ đi vào máu, khiến máu trở nên dính hơn và buộc tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Kết quả có thể dẫn đến cấu trúc của tim thay đổi với hai ngăn dưới cùng ngày càng lớn và giãn ra - một thay đổi thường thấy trong giai đoạn đầu của bệnh suy tim.

3. Gây tổn hại cho thận

Thận phụ thuộc vào nước để giúp loại bỏ chất thải ra khỏi máu dưới dạng nước tiểu. Mất nước do tiếp xúc với nhiệt có thể làm hỏng thận. Khi lượng nước dư thừa bị mất đi do mất nước, nước tiểu chứa nồng độ khoáng chất và chất thải cao hơn. Điều này có thể dẫn đến sự hình thành các tinh thể có thể trở thành sỏi thận, ảnh hưởng xấu đến chức năng thận và gây ra các triệu chứng đau đớn khác nhau như buồn nôn, đau thắt lưng và khó đi tiểu. Ở những người cao tuổi, khi mà chức năng thận đã yếu đi, mất nước thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

4. Ảnh hưởng đến giấc ngủ

Một nghiên cứu cho biết, nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu có thể làm giảm đáng kể thời gian ngủ của mỗi người. Thông tin thu thập được từ thiết bị theo dõi giấc ngủ đeo tay của 47.000 người thuộc 68 quốc gia. Giấc ngủ là cách cơ thể chúng ta phục hồi. Giấc ngủ không chỉ quan trọng cho sức khoẻ thể chất, mà còn cho cả sức khoẻ tâm thần của con người. Tuy nhiên, khi theo dõi giấc ngủ của những người tham gia khảo sát, nghiên cứu nhận thấy trời càng nóng thì giấc ngủ của mọi người càng ngắn lại. Nếu tình trạng này cứ liên tục kéo dài thì cuối cùng sẽ gây tác động tiêu cực tới sức khoẻ của con người.


Ảnh minh hoạ

5. Sức khoẻ tâm thần

Những thảm họa toàn cầu như cháy rừng, lũ lụt hoặc bão khiến các vấn đề sức khỏe tâm thần ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Một nghiên cứu toàn cầu được công bố vào năm 2021 cho thấy 60% trong số 10.000 thanh niên từ các quốc gia trên thế giới cảm thấy rất hoặc cực kỳ lo lắng về biến đổi khí hậu. 56% cho biết họ nghĩ rằng nhân loại đã diệt vong.

6. Giảm khả năng sinh sản

Một trong những tác động ít được biết đến của ô nhiễm không khí là khả năng sinh sản. Những người sống với mức độ bụi mịn cao hơn, chất lượng không khí không đảm bảo sẽ có nguy cơ vô sinh cao hơn khoảng 20%. Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng đến sự trưởng thành và chất lượng của trứng dẫn đến các bệnh lý khi mang thai hoặc các dị tật thai nhi...

7. Thiếu lương thực dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng

Khi nhiệt độ tăng, tình trạng thiếu lương thực cũng tăng theo. Điều này được nhìn thấy rõ ràng nhất ở các cộng đồng có sinh kế phụ thuộc vào nông nghiệp và đánh bắt cá. Lượng mưa thay đổi, nhiệt độ đại dương tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang góp phần vào tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng ở các nước đang phát triển. Suy dinh dưỡng dẫn đến một loạt các biến chứng sức khỏe: bệnh tim, ung thư, tiểu đường và suy giảm tăng trưởng. Và ở các nước phát triển hơn, tình trạng thiếu lương thực do biến đổi khí hậu sẽ khiến giá lương thực tăng cao.

Con người sẽ chỉ có thể đối phó bằng cách chuyển sang sử dụng các nguồn thực phẩm nghèo chất dinh dưỡng để làm đầy bụng, điều này có thể dẫn đến béo phì và suy giảm vi chất dinh dưỡng.

8. Vi nhựa được tìm thấy trong cơ thể con người

Các loại nhựa được sử dụng để làm chai nước uống, bao bì và túi mua sắm trong cuộc sống hàng ngày khá là phổ biến. Những vụn nhựa cực nhỏ trong môi trường được tìm thấy trong cơ thể con người và đặc biệt là được tìm thấy trong máu người. Các nhà khoa học lo sợ rằng những hạt nhựa li ti này có thể đi đến các cơ quan nội tạng con người qua đường máu. Với những tác động như vậy, nếu không có hành động khẩn cấp, sức khỏe con người sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng xấu bởi biến đổi khí hậu và tương lai cũng sẽ không còn tươi sáng./.

AN NA

Tags Biến đổi khí hậu sức khoẻ con người tầng ozone ô nhiễm không khí

Các tin khác

CNN đưa tin, một nghiên cứu từ Đại học Berkeley, California cho rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa nhiệt độ cao và sự hung hăng, cũng như khả năng xảy ra các hành vi xấu.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết châu Á chịu nhiều thiên tai nhất thế giới trong năm qua, trong đó bão lũ là nguyên nhân chính gây thương vong, thiệt hại kinh tế.

Một cảnh báo nghiêm trọng từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã đưa ra những số liệu lo ngại về hiện tượng tẩy trắng san hô lan rộng từ tháng 2/2023. Theo thông tin mới nhất, ảnh hưởng của hiện tượng này đang mở rộng đến các rạn san hô ở hầu hết 54 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mặc dù mùa đông vừa qua chứng kiến sự tăng nhanh của băng biển ở Bắc Cực, nhưng vẫn không đạt được mức trung bình và băng vẫn mỏng hơn so với những năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục