Hiểm họa khôn lường khi bóc tách chất thải điện tử. Ảnh: Zing.
Trong một bài báo của tác giả Trương Thị Huyền - Bộ Giao thông vận tải được công bố trên Tạp chí Môi trường cho biết: Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính thức về tổng lượng RTĐT phát sinh tại Việt Nam, tuy nhiên, theo dòng chảy từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển, qua cả con đường hợp pháp và phi pháp, cộng với lượng RTĐT nội sinh đã khiến Việt Nam phải đối mặt và tập trung tìm giải pháp hiệu quả để xử lý bài toán này.
Số liệu thống kê của GESP cho thấy, riêng năm 2019, Việt Nam có 514.000 tấn sản phẩm điện tử được đưa ra thị trường, phát sinh 257.000 tấn RTĐT, với mức bình quân 2,7 kg/người. Ngoài RTĐT truyền thống, các tấm quang điện mặt trời, pin xe điện thải đang là thách thức lớn khi mà điện năng lượng mặt trời và các phương tiện giao thông chạy điện được khuyến khích sử dụng. Bên cạnh đó, lượng RTĐT được nhập khẩu dưới dạng phế liệu hoặc máy móc, thiết bị đã qua sử dụng có xu hướng tăng mạnh kể từ khi lệnh cấm nhập khẩu chất thải của Trung Quốc có hiệu lực năm 2018.
Cùng với đó, thống kê từ Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng chỉ ra, hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn RTĐT, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng và ước tính đến năm 2025, riêng rác thải ti vi có thể lên tới 250.000 tấn.
Đáng chú ý, RTĐT ở Việt Nam được xếp vào nhóm chất thải nguy hại. Từ năm 2013, các thiết bị điện - điện tử thải bỏ được xác định là 1 trong 6 nhóm sản phẩm phải thu hồi, xử lý, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể việc quản lý RTĐT.
Liên Hiệp Quốc dự báo, các quốc gia phát triển thải ra mỗi năm trên toàn cầu khoảng 65,4 triệu tấn các sản phẩm điện tử. Rác thải điện tử ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua các con đường ô nhiễm đất, nước, không khí, lao động có tiếp xúc trực tiếp với rác thải và bên cạnh đó còn tiềm tàng nguy cơ rò rỉ thông tin từ các chất thải.
Một chương trình thu gom rác thải điện tử. Ảnh: ITN
Hiện nay, quá trình thu gom và xử lý các rác thải điện tử ở Việt Nam mới ở mức độ thô sơ, việc xử lý rác thải điện tử vẫn còn là vấn đề bất cập. Nước ta hiện có khoảng 100 cơ sở thu mua và tái chế rác thải điện tử, tuy nhiên việc tái chế này đa phần chỉ dừng lại ở phạm vi thủ công. Còn những cơ sở áp dụng công nghệ cao một mặt còn gặp khó khăn trong việc đầu tư nhân lực, trang thiết bị, mặt khác còn thiếu sự đầu tư về khoa học và chuyển giao công nghệ.
LÂM HÀ