Nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố Sơn La

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/7/2024 | 2:44:44 PM

Thời gian tới, TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được thực hiện đồng bộ trên 07 phường của thành phố trong đó ưu tiên tập trung thực hiện tại khu vực đô thị, đông dân cư, khu chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, trường học, cơ quan, doanh nghiệp,...

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ được thực hiện thí điểm tại phường Tô Hiệu, dần tiến tới đồng bộ trên phạm vi 7 phường trên địa bàn thành phố. Đối tượng thực hiện là các hộ gia đình, cá nhân; các tố chức, cơ quan hành chính sự nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La.

Việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực hiện theo Quyết định số 34/2023/QĐ-UBND ngày 02/11/2023 của UBND tỉnh, quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt ban hành kèm theo Công văn 9368/BTNMT-KSON ngày 2/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mục tiêu đến hết ngày 31/8/2024, thực hiện thí điểm tại phường Tô Hiệu, phấn đấu ít nhất 40% số hộ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại hộ gia đình. Tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp thực tiễn địa phương. Xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; thành lập đội ngũ tuyên truyền viên cấp thành phố, cấp xã để tuyên truyền việc phân loại đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.


Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ được thực hiện thí điểm tại phường Tô Hiệu, dần tiến tới đồng bộ trên phạm vi 7 phường trên địa bàn thành phố. Ảnh: NN. 

Đến ngày 31/10/2024, duy trì kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn phường Tô Hiệu, trong đó ít nhất 60% số hộ thực hiện phân loại. Với 6 phường còn lại, có ít nhất 30% số hộ thực hiện. Đến hết ngày 31/12/2024, trên 90% số hộ tại phường Tô Hiệu thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Với 6 phường còn lại, ít nhất 50% số hộ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại hộ gia đình.

Cùng với đó, tiến hành cải tạo, nâng cấp mạng lưới thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, đảm bảo thu gom, vận chuyển các loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại. Đồng thời, đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

Việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Quyết định số 34/2023/QĐ-UBND ngày 02/11/2023 của UBND tỉnh về ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sơn La và Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt ban hành kèm theo Công văn số 9368/BTNMT-KSON ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Nhóm 1: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, gồm: giấy thải, nhựa thải, kim loại thải,…. Nhóm 2: Nhóm chất thải thực phẩm, gồm: các phần thải bỏ từ sơ chế, chế biến thức ăn, các loại rau, củ, quả thải bỏ; thức ăn thừa; thực phẩm hỏng,…; Nhóm 3: Nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm: Chất thải rắn sinh hoạt có khả năng đốt cháy (lá cây, cành cây, gỗ...); chất thải trơ, chất thải khó phân hủy (chai, lọ thủy tinh, bình gốm, sứ không tái sử dụng, tái chế được thải bỏ,...); chất thải rắn cồng kềnh và chất thải rắn khác còn lại. Khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón, làm thức ăn chăn nuôi (hoặc ủ chất thải thành phân hữu cơ vi sinh bằng đống ủ; sử dụng thùng nhựa...). 

Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế: Chứa đựng trong các vật đựng, túi, bao bì thông thường do các hộ gia đình quyết định; lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Chất thải thực phẩm: Khuyến khích chứa đựng trong các vật đựng, túi, bao bao bì, thiết bị màu xanh; đảm bảo kín, không rò rỉ, ngăn ngừa mùi phát tán; được lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trước khi chuyển giao cho Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La. Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Chất thải rắn sinh hoạt khác: Khuyến khích chất thải rắn sinh hoạt có khả năng đốt cháy đựng trong bao bì, thiết bị có màu đen; chất thải trơ, chất thải khó phân hủy đựng trong bao bì, thiết bị có màu trắng; chất thải rắn sinh hoạt khác còn lại đựng trong bao bì, thiết bị có màu vàng. Lưu giữ trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn cồng kềnh: Lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường; khuyến khích tự tháo rỡ để giảm kích thước trước khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. 

Căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương quyết định phương án thu gom phù hợp và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, có thể theo các phương án như sau (do địa phương tự quyết định): Phương án 1: Rác thải sau khi được phân loại, tiến hành thu gom đến các điểm tập kết, tại điểm tập kết bố trí các thùng đựng rác phù hợp, sau đó bố trí xe thu gom riêng biệt đối với các loại chất thải đã phân loại về khu xử lý chất thải. Phương án 2: Thu gom cùng lúc các nhóm chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại hàng ngày (trong trường hợp đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng các yêu cầu thu gom các nhóm chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại).  

Hoặc phương án do UBND thành phố Sơn La thống nhất với Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La nhưng phải đảm bảo việc thu gom, vận chuyển riêng từng loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi đã được phân loại. Đối với chất thải rắn cồng kềnh, UBND thành phố (hoặc UBND xã, phường nếu được ủy quyền) có thể lựa chọn phương án thu gom tại điểm cố định hoặc thu gom tại nhà theo thời gian và thông báo rộng rãi. Khuyến khích tổ chức thu gom chất thải rắn cồng kềnh vào các ngày chủ nhật hàng tuần hoặc tối thiểu 01 tháng/lần để kịp thời thu gom, hạn chế việc người dân đổ thải không đúng quy định.


Căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương quyết định phương án thu gom phù hợp và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. 

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, biên soạn sổ tay, tờ rơi, tờ gấp về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền về công tác phân loại đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tại 7 phường của thành phố. Sở Xây dựng phối hợp với UBND thành phố rà soát quy hoạch xây dựng các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong các đồ án quy hoạch xây dựng làm cơ sở triển khai thực hiện (nếu có).

UBND thành phố bố trí phương tiện, nhân lực, kinh phí và các điều kiện cần thiết để thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa bàn đã chọn. Chỉ đạo UBND các phường quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch và chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. 

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thu gom, vận chuyển trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại. Điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới hương ước/quy ước/quy định bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại rác thải tại nguồn nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu trú; kết hợp tuyên truyền các quy định về xử lý vi phạm phân loại rác tại nguồn. Biểu dương người tốt, việc tốt và phê bình cá nhân vi phạm việc không phân loại rác, trên cơ sở thống nhất của địa phương và cộng đồng.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức Đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, phong phú về nội dung, đối tượng, chọn lọc những hình thức phù hợp với từng địa bàn dân cư. Tập huấn cho các Tổ tự quản tại địa bàn dân cư, Hội phụ nữ… xác định rõ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là tiền đề cơ bản, nòng cốt cho công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện. 

Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La thống nhất với UBND các phường, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom. Xây dựng kế hoạch đầu tư, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trang thiết bị để thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại được thuận lợi, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn. Phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.../. 

Theo Đoàn Khánh/thiennhienmoitruong.vn

Tags phân loại rác tại nguồn Sơn La chất thải rắn sinh hoạt

Các tin khác

Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 100% các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Rất nhiều địa phương trên cả nước "kêu khó" sau khi thí điểm trong phân loại rác tại nguồn.

Nếu thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm 60-75% lượng rác là rác thực phẩm, giảm 15-20% lượng rác là rác tái chế, góp phần giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.

Theo UBND huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, đến nay có 82 cơ quan, trường học tham gia thực hiện với khối lượng rác được thu gom gần 25 ngàn tấn/tháng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự