Hội viên phụ nữ ấp Cây Gòn với mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/3/2024 | 10:41:09 AM

Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã trở thành phong trào rộng khắp, có sức lan tỏa mạnh mẽ; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, phong trào hành động cách mạng ở cơ sở.

Điển hình như mô hình "phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình” của Chi hội Phụ nữ ấp Cây Gòn, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè. Từ 15 hộ hội viên ban đầu được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Cầu Kè hỗ trợ, qua gần 06 tháng triển khai, Chi hội đã nhân rộng 60 hộ tham gia...


Bà Nguyễn Thị Thiền (bên phải), Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Cây Gòn trao dụng cụ và hướng dẫn hội viên thực hiện phân loại rác tại hộ.

Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Cây Gòn, bà Nguyễn Thị Thiền chia sẻ: lúc đầu chi hội được Hội LHPN huyện hỗ trợ sọt rác để giúp 15 hội viên thu gom và đựng rác, sau đó phân loại. Do đây là ấp NTM và xã đang XDNTM nâng cao; với quyết tâm xây dựng môi trường xanh - sạch và không có chai, vỏ nhựa, ni-lông thải ra môi trường. Qua công tác dân vận khéo, bản thân đã xin ý kiến xã và thành viên trong tổ tiết kiệm tín dụng để đóng góp xây dựng quỹ mua dụng cụ thu gom rác trao cho các hộ hội viên chưa có dụng cụ phân loại rác. Các thành viên trong tổ đều nhất trí cao và số hộ được nhận dụng cụ phân loại rác tăng theo từng tháng.

Toàn ấp Cây Gòn có 10 tổ tiết kiệm tín dụng, với 106 thành viên tham gia, với vốn trên 300 triệu đồng; hàng năm, thông qua tổ tiết kiệm tín dụng sẽ có trên 50 chị em được nhận vốn (chu kỳ 06 tháng) với số vốn nhận xoay vòng từ 05-09 triệu đồng/thành viên để đầu tư phát triển sản xuất, như mua thức ăn phục vụ chăn nuôi; phân bón cho cây trồng…

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thiền, để có số tiền hỗ trợ các chị mua dụng cụ thu gom và phân loại rác; mỗi lần các chị nhận vốn sẽ hỗ trợ 70.000 đồng. Số tiền này, ngoài việc hỗ trợ mua dụng cụ phân loại rác, còn mua quà cho các chị nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10… Từ tháng 10/2023 đến tháng 02/2024, Chi hội đã mua và trao trên 120 dụng cụ thu và phân loại rác cho 60 hộ gia đình hội viên.

Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình "Dân vận khéo” để chung tay tham gia xây dựng môi trường xanh - sạch với những việc làm cụ thể của Chi hội Phụ nữ ấp Cây Gòn, xã Phong Thạnh đã nâng cao nhận thức trong cộng đồng cũng như trong từng gia đình hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường; không vứt rác bừa bãi ra ngoài môi trường; đồng thời tạo điều kiện cho từng hộ gia đình thu giữ nguồn chai, vỏ nhựa để bán lại cho các điểm thu mua phế liệu.

Chị Đặng Thị Hồng Thi, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Cây Gòn cho biết: khi được Chi hội triển khai thực hiện phân loại xử lý rác sinh hoạt tại gia đình; bản thân thấy đây là mô hình có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường, nên đã tích cực tham gia. Được Chi hội hỗ trợ 02 sọt rác để phân loại; như rác hữu cơ sẽ chôn lắp để làm phân bón cho cây trồng; rác thải nhựa (các loại chai, bao bì, ni-lông) thu lại bán cho vựa phế liệu; riêng rác là miểng, chai lọ thủy tinh sẽ được thu gom riêng.

Theo đồng chí Huỳnh Thị Diễm My, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Thạnh: mô hình "phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình”, qua công tác dân vận khéo của Chi hội trưởng ấp Cây Gòn đã phát huy được vai trò của hội viên và nhân rộng ra trong ấp. Nguồn kinh phí đều do Chi hội vận động hỗ trợ cho hội viên mua dụng cụ thu gom và phân loại rác. Nguồn kinh phí ban đầu được Hội LHPN huyện hỗ trợ cho 15 hộ/ấp (06 ấp); mô hình dân vận khéo của chi hội trưởng Nguyễn Thị Thiền sẽ tiếp tục được triển khai để các chi hội còn lại học tập và nhân rộng; đây là một trong những mô hình cùng đồng hành để góp phần cùng xã hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao trong năm 2024.

Theo baotravinh.vn

Tags phụ nữ ấp Cây Gòn phân loại rác rác thải sinh hoạt

Các tin khác

Cùng với sự phát triển đi lên của kinh tế, xã hội ở Việt Nam, thì lượng CTRSH phát sinh từ các hộ gia đình ngày càng tăng. Việc phân loại CTRSH tại nguồn sẽ giảm tải rất nhiều cho các công đoạn xử lý CTR về sau. TP Lào Cai đã thực hiện việc phân loại CTRSH từ năm 2016 và đạt hiệu quả rất cao, việc phân loại CTRSH giờ đây đã trở thành thói quen của người dân nơi đây. Nghiên cứu này nhằm đánh giá những kinh nghiệm trong việc thu gom, phân loại CTRSH trên địa bàn TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Để lò đốt chất thải rắn sinh hoạt vận hành hiệu quả, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Nam Sách là địa phương đi đầu, điển hình của Hải Dương trong thực hiện Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đặc biệt là hoạt động phân loại rác thải tại nguồn.

Thời gian qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh Hà Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa”

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục