Kinh nghiệm phân loại rác thải tại nguồn ở Nam Sách

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/2/2024 | 10:57:49 AM

Nam Sách là địa phương đi đầu, điển hình của Hải Dương trong thực hiện Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đặc biệt là hoạt động phân loại rác thải tại nguồn.



Rõ hiệu quả

Từ ngày 1/5/2022, Nam Sách đã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên phạm vi toàn huyện. Thời điểm đó, việc áp dụng thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 còn mới. Các văn bản hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác chưa được ban hành. Trên cả nước chưa có mô hình thí điểm hoặc địa phương nào triển khai phân loại rác với quy mô cấp xã, huyện, mới dừng lại ở việc thí điểm tại một cụm dân cư hoặc một số hộ.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Sách, trước khi thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện được chuyển đến các bãi rác của các thôn với khối lượng rất lớn. Trong khi đó, phần lớn các bãi rác trên địa bàn huyện đã lấp đầy, dẫn đến có tình trạng đổ trộm rác từ địa phương này sang địa phương kia. Tình trạng đốt rác tại các bãi rác thường xuyên diễn ra gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng này, để bảo đảm vệ sinh môi trường, ngày 22/3/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU về thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. UBND huyện cũng ban hành kế hoạch thực hiện phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn huyện kể từ ngày 1/5/2022.

Trước khi triển khai thực hiện, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND huyện tổ chức nhiều buổi tập huấn hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Huyện ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, xuất bản và in ấn hơn 40.000 cuốn "Sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn” để phát cho các hộ dân, trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.

Qua đánh giá của UBND huyện Nam Sách, sau gần 2 năm thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhân dân đồng tình ủng hộ. Ý thức của người dân về phân loại chất thải có chuyển biến rõ. Việc phân loại chất thải từng bước đi vào nền nếp. Việc thu gom chất thải vô cơ từ các hộ sau phân loại chuyển tới điểm trung chuyển được các hợp tác xã dịch vụ và các tổ thu gom thực hiện tốt, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp chuyển đi xử lý kịp thời. Việc xử lý rác hữu cơ tại ô ủ của các xã, thị trấn cơ bản bảo đảm. Từ ngày 1/5/2022 đến tháng 1/2024 trên địa bàn huyện có khoảng 21.000 tấn rác sinh hoạt hữu cơ đã được phân loại, xử lý và khoảng 9.000 tấn chất thải vô cơ được vận chuyển về nhà máy xử lý. Trước đây trên địa bàn Nam Sách có 68 bãi chứa rác thải tập trung nhưng đến nay chỉ còn sử dụng 24 bãi rác, 44 bãi rác không sử dụng đã được san gạt, lấp đất trồng cây xanh để bảo đảm môi trường.

Quyết tâm cao


Lãnh đạo huyện Nam Sách kiểm tra mô hình xử lý rác hữu cơ tại nhà ở xã Minh Tân

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Sách cho biết việc xây dựng ô ủ rác hữu cơ, điểm trung chuyển rác vô cơ là việc mới, không có thiết kế mẫu sẵn nên thời gian đầu huyện gặp nhiều khó khăn trong hướng dẫn cấp xã thực hiện. Tuy nhiên, phòng đã nghiên cứu, tham khảo ý kiến các sở, ngành của tỉnh, xây dựng mẫu thiết kế để cấp xã cùng bàn, thống nhất triển khai thực hiện.

Nhiệm vụ phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cũng là một trong những nhiệm vụ đột phá của huyện hằng năm. Nam Sách chủ động xây dựng kế hoạch và ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể, phù hợp tình hình thực tế; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá công tác quản lý và bảo vệ môi trường ngay từ đầu năm. Đặc biệt, huyện luôn đề cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn trách nhiệm cụ thể đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, đoàn thể của huyện, các xã, thị trấn trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ môi trường, lấy kết quả quản lý và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá thi đua. Địa phương coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là giải pháp căn bản để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Nam Sách là địa phương đi đầu phân loại rác tại nguồn, là cơ sở đánh giá điểm để nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn trong tỉnh. Năm 2023, sở đã phối hợp khảo sát hoạt động phân loại rác tại nguồn của 19 xã, thị trấn trong huyện Nam Sách. Qua đánh giá, chi phí xử lý rác thải sau phân loại giảm khoảng 50%. Huyện đã giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm cục bộ từ các bãi chôn lấp rác tập trung. Lượng mùn hữu cơ sau khi ủ cơ bản được tái sử dụng để cải tạo đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, cây trồng…

Theo Lan Nguyễn/Báo Hải Dương

Tags phân loại rác phân loại rác thải tại nguồn Nam Sách Hải Dương xử lý chất thải rắn

Các tin khác

Cùng với sự phát triển đi lên của kinh tế, xã hội ở Việt Nam, thì lượng CTRSH phát sinh từ các hộ gia đình ngày càng tăng. Việc phân loại CTRSH tại nguồn sẽ giảm tải rất nhiều cho các công đoạn xử lý CTR về sau. TP Lào Cai đã thực hiện việc phân loại CTRSH từ năm 2016 và đạt hiệu quả rất cao, việc phân loại CTRSH giờ đây đã trở thành thói quen của người dân nơi đây. Nghiên cứu này nhằm đánh giá những kinh nghiệm trong việc thu gom, phân loại CTRSH trên địa bàn TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Để lò đốt chất thải rắn sinh hoạt vận hành hiệu quả, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã trở thành phong trào rộng khắp, có sức lan tỏa mạnh mẽ; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, phong trào hành động cách mạng ở cơ sở.

Thời gian qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh Hà Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa”

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục