Hội LHPN tỉnh Hà Nam với phong trào 'Chống rác thải nhựa'

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/1/2024 | 2:14:37 PM

Thời gian qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh Hà Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa”

Qua đó góp phần tích cực giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Bà Trần Thị Tin, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Nghĩa (Bình Lục) cho biết: Hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa” BVMT do các cấp hội phát động, Hội LHPN xã đã triển khai mô hình "Ngôi nhà xanh thu gom rác thải nhựa gây quỹ vì phụ nữ nghèo” tại Chi hội Phụ nữ thôn 2 Cát Lại. Mô hình được thành lập từ tháng 10/2021, đến nay đã được đông đảo cán bô, hội viên, phụ nữ và người dân hưởng ứng nhiệt tình.

Rác thải nhựa đều được bỏ vào ngôi nhà thay vì vứt bừa bãi ra nơi công cộng, từ khi mô hình đi vào hoạt động đã bán và thu được hơn 30 triệu đồng từ bán phế liệu (kim loại, giấy vụn, vỏ lon các loại…). Số tiền thu được, hội đã mua tặng thẻ bảo hiểm y tế, sổ tiết kiệm… giúp hội viên phụ nữ nghèo. Mô hình tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, có sức lan tỏa trong cộng đồng, không những làm thay đổi nhận thức cũng như thói quen của cán bộ, hội viên và người dân đối với việc giữ gìn BVMT, mà còn trực tiếp đi đầu tham gia làm vệ sinh môi trường tại thôn xóm. Qua đó từng bước nâng cao ý thức BVMT, xử lý rác thải của người dân trong cuộc sống hằng ngày và trong sản xuất, kinh doanh.

Còn với mô hình "Tổ phụ nữ thu gom phế thải tiết kiệm giúp phụ nữ và trẻ em nghèo” BVMT tại Chi hội Phụ nữ thôn Phương Xá, xã Đồng Hóa (Kim Bảng) được thành lập năm 2014 với 50 thành viên, đến nay đã phát triển gần 300 thành viên tham gia. Các thành viên trong mô hình định kỳ hằng tuần, hằng tháng đi thu gom phế liệu tại các gia đình bán lấy tiền giúp phụ nữ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất không lấy lãi và tặng quà cho phụ nữ, học sinh nghèo vượt khó... Từ khi triển khai mô hình đến nay, "Tổ phụ nữ thu gom phế thải tiết kiệm giúp phụ nữ và trẻ em nghèo” BVMT đã tiết kiệm được gần 100 triệu đồng, giúp nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình; trao tặng 3 chiếc xe đạp cho trẻ em và 5 chăn ấm cho hội viên phụ nữ nghèo…

Có thể thấy, sau thời gian thực hiện mô hình không chỉ nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ giữa các hội viên, mà còn thu hút được đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt hội. Qua đó, góp phần thực hiện các tiêu chí "không đói nghèo”, "sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” của Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.


Các thành viên mô hình "Tổ phụ nữ thu gom phế thải tiết kiệm giúp phụ nữ và trẻ em nghèo” BVMT tại Chi hội Phụ nữ thôn Phương Xá, xã Đồng Hóa (Kim Bảng) thu gom phế liệu. Ảnh: Xuân Tuân

Qua tìm hiểu được biết: Hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa” do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo 100% hội LHPN các cấp tổ chức các hoạt động thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa” phù hợp với địa phương, đơn vị; tổ chức tuyên tuyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực thực hiện phong trào, góp phần BVMT.

Nhằm đẩy mạnh phong trào phát triển, 5 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tọa đàm phòng, chống rác thải nhựa; mít tinh, diễu hành hưởng ứng ngày môi trường thế giới; truyền thông kiến thức Phòng chống rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ hội chuyên trách, hội viên nòng cốt; tổ chức 6 buổi giao lưu tìm hiểu kiến thức về phòng, chống rác thải nhựa, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu tại 6 xã thu hút hơn 1 nghìn hội viên phụ nữ tham gia. Mở 70 lớp tập huấn, truyền thông kiến thức về BVMT, Luật Bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình, ủ phân hữu cơ bằng thùng compost cho gần 7 nghìn cán bộ, hội viên phụ nữ nòng cốt...

Hội LHPN cấp huyện, thị xã, thành phố đã trực tiếp tổ chức hơn 400 buổi tập huấn, tuyên truyền "Chống rác thải nhựa” thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và người dân tham gia; ra mắt và duy trì hoạt động hiệu quả 5 mô hình "Chi hội phụ nữ hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa”; tặng 1.640 làn nhựa, 200 túi thân thiện với môi trường, 7.500 xô đựng rác, 4.000 bình nước bằng thủy tinh có logo của hội phụ nữ và khẩu hiệu "Phụ nữ nói không với rác thải nhựa” cho hội viên; trao tặng 6.970 thùng đựng rác cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn... Thông qua phong trào "Chống rác thải nhựa” đã thu gom hơn 50 tấn rác thải nhựa, góp phần nâng cao ý thức BVMT trong cán bộ, hội viên và người dân, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Thời gian tới, hội LHPN các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Chống rác thải nhựa”; tăng cường tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông, phổ biến đến cán bộ, hội viên phụ nữ về ô nhiễm nhựa và nilon nhằm thay đổi thói quen, tiến tới từ bỏ sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần. Vận động cán bộ, hội viên phụ nữ là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng tăng cường tái sử dụng túi nilon, sử dụng các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Duy trì và nhân rộng mô hình "Chi hội phụ nữ hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa”, "Tổ phụ nữ thu gom phế thải tiết kiệm giúp phụ nữ và trẻ em nghèo”, "Ngôi nhà xanh”... Qua đó góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.

Theo Báo Hà Nam

Tags LHPN tỉnh Hà Nam chống rác thải nhựa Hà Nam phụ nữ

Các tin khác

Cùng với sự phát triển đi lên của kinh tế, xã hội ở Việt Nam, thì lượng CTRSH phát sinh từ các hộ gia đình ngày càng tăng. Việc phân loại CTRSH tại nguồn sẽ giảm tải rất nhiều cho các công đoạn xử lý CTR về sau. TP Lào Cai đã thực hiện việc phân loại CTRSH từ năm 2016 và đạt hiệu quả rất cao, việc phân loại CTRSH giờ đây đã trở thành thói quen của người dân nơi đây. Nghiên cứu này nhằm đánh giá những kinh nghiệm trong việc thu gom, phân loại CTRSH trên địa bàn TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Để lò đốt chất thải rắn sinh hoạt vận hành hiệu quả, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã trở thành phong trào rộng khắp, có sức lan tỏa mạnh mẽ; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, phong trào hành động cách mạng ở cơ sở.

Nam Sách là địa phương đi đầu, điển hình của Hải Dương trong thực hiện Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đặc biệt là hoạt động phân loại rác thải tại nguồn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục