Chẳng hạn, Trường THCS Trần Phú (phường 7, TP.Vũng Tàu) đã bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2023. Nhà trường đầu tư 2 hệ thống thùng rác phân loại tại nguồn, mỗi hệ thống gồm 3 thùng chứa. Thùng màu đỏ chứa rác tái chế. Thùng màu xanh chứa rác hữu cơ gồm các loại rác có nguồn gốc động, thực vật dễ phân hủy như: phế phẩm rau củ quả, thịt cá... bỏ ra sau khi sơ chế, có thể được tách riêng ra để tận dụng ủ làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thùng màu vàng chứa rác vô cơ rác thải không thể tái sử dụng hoặc tái chế như bao ni lông, giấy gói quà, các loại hộp, ly xốp, nhựa dùng đựng thức ăn nhanh, nệm, gối...
Rác thải sau khi được phân loại tại nguồn thì việc xử lý sau đó sẽ như thế nào? Trên thực tế, các rác thải sau khi phân loại, chỉ một số rác thải có thể tái chế sẽ được phân loại để bán ve chai, số còn lại, rác hữu cơ, rác vô cơ thì vẫn lại về chung một chỗ khi lên xe thu gom rác.
Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh cũng không khá hơn khi đã triển khai nhiều mô hình nhưng công tác phân loại rác tại nguồn vẫn ì ạch. Một trong những băn khoăn, trở ngại lớn nhất đó là hệ thống thu gom chưa đáp ứng được nhu cầu này. Từ lực lượng thu gom cho tới phương tiện vận chuyển chưa được cải tiến, nâng cấp để phù hợp với yêu cầu mới.
Một nhân viên vệ sinh môi trường chia sẻ, muốn phân loại thì khâu thu gom cũng phải phân làm 3 xe tương ứng với 3 màu thùng rác phân loại (màu đỏ: rác tái chế, màu xanh: rác hữu cơ và màu vàng: rác vô cơ). Nhưng như vậy cũng phức tạp vì công việc sẽ vất vả hơn rất nhiều, trong khi lực lượng công nhân ít. Nếu không có chính sách hỗ trợ thì khó khăn trong việc thu gom.
Chính vì vậy, khi rác đã được phân loại, đơn vị thu gom cũng phải đồng bộ về con người, kỹ thuật, năng lực quản lý, xử lý; vừa phải cân đối chi phí lãi lỗ, vừa phải thực hiện theo đúng quy định. Muốn như vậy, cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư các dự án liên quan chất thải rắn sinh hoạt cần cụ thể và kịp thời trong bối cảnh việc thu gom và xử lý rác như nguồn tài nguyên đặc biệt, vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư tư nhân.
Ở Nhật Bản đã chuyển đổi việc thu gom rác bằng hệ thống thùng cố định sang thu gom bằng túi trong giờ quy định, kết hợp thu phí vệ sinh trong giá bán túi đựng rác. Các loại túi có kích cỡ và dành cho từng loại rác có giá tiền khác nhau. Rác thải được thu gom từng loại theo các ngày quy định trong tuần. Chẳng hạn rác hữu cơ được thu gom 2-3 lần/tuần, sau đó sẽ được DN thu gom chuyển đi để tái chế thành phân hữu cơ cho cây trồng. Ở mỗi gia đình Nhật Bản, việc phân loại rác có thể chỉ dừng lại ở mức 3-6 loại nhưng khi các DN xử lý rác vào cuộc, rác sẽ được chia thành 28 loại, để họ có thể tận dụng triệt để nguồn tài nguyên rác phục vụ cho việc tái chế.
Mới đây, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh thông tin: Dự kiến trong năm 2023, Bộ TN-MT sẽ ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đây được coi như quy chuẩn thống nhất, trở thành kim chỉ nam cho các địa phương hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn.
Theo quy định, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được thực hiện muộn nhất tới ngày 31/12/2024. Để làm được điều này điều kiện cần là một quy chuẩn vận hành, còn điều kiện đủ là quy trình phân loại - thu gom - xử lý rác thải cũng phải được thực hiện đồng bộ. Có như vậy rác thải mới đi đúng vòng tuần hoàn mang lại lợi ích.
Theo Nguyễn Thi/Báo Bà Rịa - Vũng Tàu