Thừa Thiên – Huế: Lan tỏa các mô hình “xanh” giúp giảm nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/7/2023 | 10:24:46 AM

Thời gian qua, người dân tại Thừa Thiên – Huế đã luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, hình thành nhiều mô hình ý nghĩa, qua đó góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thay đổi diện mạo vùng quê theo hướng xanh – sạch – sáng hơn.

Nam Đông là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên – Huế, với 45% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện triển khai, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần giảm nghèo.

Đặc biệt, khoảng 2 năm qua, Hội LHPN xã Hương Phú (huyện Nam Đông) đã triển khai thực hiện mô hình "Biến rác thành tiền”. Việc thu gom rác vô cơ đã được chị em thực hiện mỗi ngày. Từ những vật dụng bỏ đi của gia đình như vỏ chai nước ngọt, nước mắm, dầu ăn, thùng giấy, thau nhựa hỏng… đều được các hội viên thu gom, phân loại và đem bán. Tiền bán được, mọi người góp vào để hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù số tiền không lớn, nhưng thông qua đó giúp chị em có thêm kiến thức về phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh, thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi của các hộ gia đình.

Các mô hình
Các mô hình "xanh” giúp giảm nghèo ở Thừa Thiên – Huế

Các xã vùng cao của Nam Đông cũng đã vận động bà con tổ chức phân loại rác tại nhà; các loại rác hữu cơ sẽ đào hố chôn lấp, còn rác vô cơ gom lại để đội thu gom rác vận chuyển đến bãi tập kết… Hội LHPN huyện Nam Đông thường xuyên tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên các xã, thị trấn về "Phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp vi sinh IMO, giảm thiểu rác thải nhựa”.

Tại huyện Phong Điền, Đoàn Trường THPT Phong Điền thành lập câu lạc bộ (CLB) "Thanh niên Phong Điền vì cuộc sống cộng đồng”. Sau mỗi buổi học hàng ngày, các thành viên trong CLB lại thu gom rác thải nhựa, giấy vụn từ các lớp học rồi tập kết vào kho. Mỗi năm 2 lần, vào dịp Tết Nguyên đán và tổng kết năm học, Đoàn trường đem phế liệu thu gom được bán để lấy tiền mua quà tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ mô hình này, trung bình mỗi năm CLB thu được 3 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng lại có tác dụng giáo dục lớn về ý thức bảo vệ môi trường ngay trong trường học; thương yêu đùm bọc nhau trong các em học sinh.

Còn ở TP. Huế, các mô hình hay, thiết thực như "Đổi phế liệu lấy cây xanh”, mô hình "Ngôi nhà xanh”, "Biến rác thải thành tiền”, "Đổi phế liệu lấy quà tặng”… đã được triển khai hiệu quả, đồng bộ. Tính đến nay có sự tham gia hưởng ứng của gần 413 ngàn lượt người; thu gom hơn 8 tấn phế liệu, 11 tấn rác thải, 50 ngàn vỏ bia, gần 4 tấn giấy vụn và ni lông, thu được hơn 150 triệu đồng từ nguồn thu gom bán phế liệu, đổi được hơn 1.000 cây xanh và trao quà cho trẻ em, hộ nghèo...

Mô hình
Mô hình "Ngôi nhà xanh” tại TP. Huế

Hội Liên hiệp phụ nữ phường Đông Ba - TP. Huế đã triển khai mô hình "Nuôi heo đất - tiết kiệm xanh”. Cụ thể mỗi hộ gia đình sẽ thu gom các loại rác thải nhựa, rác thải tái chế để bán gây quỹ tiết kiệm cho heo đất. Hội thi heo đất sẽ được tổ chức mỗi dịp cuối năm và sử dụng số tiền thu được hỗ trợ phụ nữ khó khăn khởi nghiệp.

"Giờ đây các loại rác thải tái chế đều được bọn trẻ giữ lại để nuôi heo đất. Ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa để phát triển kinh tế đã lan tỏa đến tất cả các thành viên trong gia đình”, chị Trần Thị Thu - hội viên chia sẻ.

Ở phường An Đông –TP. Huế, với sự hỗ trợ của dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) thực hiện, tổ hợp tác nghề ve chai, thu gom phế liệu đầu tiên của phường An Đông cũng như Thừa Thiên - Huế đã được hình thành với mục tiêu nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường triển khai phong trào "Phân loại rác thải tại nguồn”; giúp chị em trao đổi, chia sẻ các hoạt động từ nghề thu gom phế liệu; tuyên truyền, vận động phụ nữ, hội viên phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để động viên.

Chỉ mới ít tháng thành lập, tổ hợp tác nghề ve chai - phế liệu bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả với cách thức mua chung và bán chung ve chai, lợi ích được phân chia rõ ràng, 80% cho các thành viên, 20% trích lại quỹ nhóm. Mặc dù mức trích cao, nhưng các chị em cảm thấy vui vì có được một nguồn quỹ hỗ trợ thăm hỏi khi ốm đau, hoặc đôi khi là nguồn tín dụng nhỏ để vay mua bán khi cần, cải thiện được kinh tế gia đình.

Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Huế cho biết, công tác tuyên truyền cán bộ, hội viên, phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị từng bước được đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống người dân.

"Thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục triển khai và mở rộng các phong trào phụ nữ sống xanh, chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế...”, bà Ngân nói.

Theo Báo TN&MT

Tags Thừa Thiên - Huế Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế ngôi nhà xanh mô hình xanh chủ nhật xanh

Các tin khác

Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 100% các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Rất nhiều địa phương trên cả nước "kêu khó" sau khi thí điểm trong phân loại rác tại nguồn.

Nếu thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm 60-75% lượng rác là rác thực phẩm, giảm 15-20% lượng rác là rác tái chế, góp phần giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự