Nghiên cứu của TS. Hoàng Thị Huê - Đại học TN&MT đưa ra giải pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Trong nghiên cứu, TS. Hoàng Thị Huê chỉ ra khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh tại nông thôn chủ yếu là phần hữu cơ dễ phân hủy (thực phẩm thải, chất thải vườn) với độ ẩm thường trên 60%. Tuy nhiên, chất hữu cơ khó phân hủy, chất vô cơ (chủ yếu là các loại phế thải thủy tinh, sành sứ, kim loại, giấy, nhựa, đồ điện gia dụng hỏng...) và đặc biệt là túi ni lông xuất hiện ngày càng nhiều. Hầu hết CTRSH không được phân loại tại nguồn, nên tỷ lệ thu hồi chất thải có khả năng tái chế và tái sử dụng như giấy vụn, kim loại, nhựa... còn thấp và chủ yếu là tự phát. Theo số liệu thống kê, khối lượng phát sinh CTRSH nông thôn hiện nay là 28.394 tấn/ngày (tương đương 10.363.868 tấn/năm).
Ngoài ra, các CTRSH còn bao gồm hoá chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) có trong vỏ chai lọ đựng HCBVTV, rau củ quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, động vật tích lũy các HCBVTV, trong nước và không khí, cùng sự tích lũy sinh học của DDT (thuốc trừ sâu) theo chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái, chất thải thực phẩm dư thừa,… dẫn đến những hệ lụy có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có những điểm mới trong quản lý CTRSH về thu gom
TS. Hoàng Thị Huê đã đề xuất giải pháp thu gom, phân loại CTRSH bằng cách xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học, ủ chất thải thành phân hữu cơ vi sinh phù hợp với khu vực nông thôn hiện nay. Đây là phương pháp phân hủy sinh học chất thải thực phẩm có chủ định nhờ các loại vi sinh vật, men hay nấm để chế biến phân vi sinh qua mô hình ủ phân hữu cơ từ CTRSH như xây dựng bể/ hố xử lý chất thải thực phẩm tại hộ gia đình; Làm phân vi sinh bằng đống ủ; Sử dụng thùng nhựa xử lý chất thải thực phẩm tại các hộ gia đình hay nuôi giun quế và ủ chất thải thành phân vi sinh.
Nghiên cứu của TS. Hoàng Thị Huê chỉ ra rằng, chất thải sau khi phân loại cho vào thùng đậy nắp, lượng rác ước tính chỉ còn 20 – 30cm/2- 3 ngày, từ 30 – 45 ngày, chất thải sẽ phân hủy thành phân hữu cơ, đặc biệt không gây mùi, có thể sử dụng làm phân bón chăm tưới cây trồng. Mô hình làm phân vi sinh bằng đống ủ trên thực tế sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư bằng các vật dụng có sẵn để xử lý chất thải, vận hành đơn giản, đảm bảo vệ sinh, tiêu chuẩn môi trường và dễ dàng trong việc vận chuyển đến bãi chôn lấp để xử lý cũng như giúp người dân trong việc phân thải rác tại nguồn đạt hiệu quả cao hơn.
Ngoài ra còn có phương pháp xử lý chất thải rắn bằng nhiệt như hệ thống thiêu đốt và hệ thống nhiệt phân, hệ thống khí hoá, kết hợp công nghệ đốt. Điều này sẽ làm giảm thể tích chất thải rắn (giảm 80 - 90% khối lượng thành phần hữu cơ trong chất thải rắn trong thời gian nhanh nhất và xử lý triệt để), giúp thu hồi năng lượng và tổng hợp chất thải rắn cũng như xử lý chất thải rắn tại chỗ mà không cần phải vận chuyển đi xa, tránh được các rủi ro và chi phí vận chuyển.
Đối với các biện pháp xử lý chất thải nguy hại, các phương pháp hoá học và vật lý, sinh học, thiêu đốt hay chôn lấp chất thải nguy hại cần được áp dụng nhằm cô lập chất thải để giảm độc tính, giảm thiểu khả năng phát tán chất thải vào môi trường.
Theo Báo TN&MT