Thông tin từ lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh cho biết: Mặc dù đã có sự tập trung cao, tuy nhiên hiệu quả từ mô hình thu gom, phân loại rác trước đây của huyện vẫn còn thấp; khối lượng rác đưa đến nhà máy xử lý ngày càng tăng, trong đó chủ yếu vẫn là rác hữu cơ (trên 70%). Tính riêng năm 2021, toàn huyện phải bỏ ra 9,5 tỷ đồng cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, trong khi hàng năm lãng phí một lượng phân bón hữu cơ rất lớn.
Do đó, để khắc phục hạn chế, tối ưu hóa việc xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, huyện Kỳ Anh triển khai thí điểm mô hình phân loại triệt để rác thải sinh hoạt tại nguồn theo cách làm mới.
Người dân ở Kỳ Anh thực hiện phân loại rác.
Theo đó, rác hữu cơ, rác khó phân hủy sau khi phân loại tại hộ gia đình, được cho vào 2 túi chuyên dụng riêng biệt, đưa đi vận chuyển xử lý bởi 2 xe ô tô chuyên dụng khác nhau, với 2 màu khác biệt.
Rác hữu cơ được chở đến điểm xử lý tập trung, sử dụng men vi sinh của Công ty CP Tập doàn Quế Lâm để xử lý thành phân bón hữu cơ; rác khó phân hủy được chở đến Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Kỳ Tân. Mô hình được triển khai thực hiện thí điểm tại 3 xã: Kỳ Xuân, Kỳ Phú và Kỳ Khang.
Đến nay, sau hơn 1 tháng triển khai, vừa tổ chức thực hiện vừa tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn với phương châm "ai cũng biết cách phân loại rác”, với sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân, đã có 100% hộ gia đình của 3 xã tham gia phân loại rác theo cách làm mới với kết quả khả quan.
Riêng xã Kỳ Phú, mỗi tuần trọng lượng rác thải phải đem đi xử lý tại Nhà máy xử lý rác xã Kỳ Tân giảm từ 6 đến 8 tấn (giảm hơn 30 tấn rác/tháng) so với trước đây.
Là đơn vị chủ chốt trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn, HTX Môi trường và Quản lý đô thị huyện Kỳ Anh được huyện giao xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo cách làm mới. Theo đó, đơn vị đã chủ động xây dựng quy trình kỹ thuật xử lý rác dễ phân hủy thành phân bón hữu cơ, xây dựng và công bố chất lượng phân bón hữu cơ được chế biến từ rác.
Hiện tại, cùng với 2 xe ép rác chuyên dụng hiện có, HTX đã đầu tư trên 1 tỷ đồng mua thêm một xe ép rác để vận hành song song mỗi khi đi thu gom rác theo cách làm mới.
Đại diện HTX Môi trường và Quản lý đô thị huyện Kỳ Anh cho biết: "Khi đi vào vận hành mô hình mới, quy mô hoạt động được mở rộng thì từ nhân lực, phương tiện đều phải nâng cao một bước cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, đơn vị chú trọng kiện toàn đội ngũ xã viên theo hướng chuyên nghiệp hóa, không chỉ chuyên sâu trong việc thu gom, phân loại rác, mà còn đảm nhận vai trò tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu về thực trạng ô nhiễm môi trường và tích cực chung tay bảo vệ môi trường sống”.
Theo lãnh đạo huyện Kỳ Anh, từ hiệu quả bước đầu của mô hình thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn tại 3 xã: Kỳ Đồng, Kỳ Phú và Kỳ Xuân, huyện đang tiếp tục chỉ đạo các xã còn lại đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao hiệu quả thực chất công tác phân loại rác tại nguồn, việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ tại hộ gia đình, từng bước triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn.
Thanh Mai (T/h)