Khu vực trung tâm nội thành gồm 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa có vị trí thuộc trung tâm Thủ đô, nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa, truyền thống lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, là trung tâm chính trị - hành chính, trung tâm thương mại - dịch vụ, nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của Thủ đô. Những quận này đều có mật độ dân số cao, nhiều hoạt động kinh doanh, thương mại, vui chơi, du lịch (4).
Bảng 2. Diện tích và dân số các quận thuộc khu vực nghiên cứu
Tăng hiệu quả thu gom là vấn đề chính được ưu tiên trong quản lý CTR dưới sự phát sinh nhanh chóng của CTR đô thị. Để đạt được các mục tiêu quốc gia đầy thách thức, Hà Nội cần xem xét các phương pháp và yếu tố để nâng cao hiệu quả hoạt động, thiết kế hợp lý cho việc thu gom và vận chuyển rác thải.
Ứng dụng quản lý xe thu gom bằng ứng dụng GPS
Để nâng cao hiệu quả đánh giá việc thu gom vận chuyển rác thải, công ty TNHH MTV Môi trường đô thi Hà Nội đã lắp đặt thiết bị định vị sử dụng chip GPS lên đội xe của đơn vị thu gom. Thiết bị được gắn trên đội xe vận tải hoặc bất cứ phương tiện nào doanh nghiệp quản lý với chức năng: Bắt sóng GPS của các vệ tinh để xác định vị trí; Gửi dữ liệu vị trí về máy chủ lưu trữ dữ liệu.
Ngoài chức năng cơ bản là xác định vị trí, nó còn được nhà sản xuất định vị phát triển thêm nhiều tính năng:
- Tính toán ra tốc độ thực của xe (dựa trên sự thay đổi tọa độ theo thời gian thực trong dữ liệu thiết bị định vị GPS gửi về).
- Mô phỏng được hướng di chuyển của xe trên bản đồ (được sử dụng nhiều nhất là google map).
- Tính toán, tổng hợp ra các báo cáo dưới dạng file excel hoặc PDF.
Phương án tổ chức thu gom, vận chuyển CTRSH hiện nay tại 4 quận
a, Công tác duy trì làm sạch hè, đường phố, nhặt rác bịch bọc bằng thủ công:
Các hoạt động thuộc công việc quét dọn và thu gom rác thực hiện bởi các công nhân thuộc khối thu gom sử dụng xe đẩy tay, công nhân sử dụng phần lớn thời gian vào việc nhặt rác trên đường phố. Tuy nhiên việc công nhân sử dụng phương pháp thu gom bằng xe đẩy tay và kẻng đã vô hình dung tạo một thói quen cho người dân là vứt rác ra đường khi chưa tới giờ đổ rác. Do đó, giảm gánh nặng cho công nhân thu gom và cải tiến hệ thống thu gom để tăng hiệu quả là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và lưu lượng giao thông tại khu phố cổ luôn xây ra ách tắc, chính vì vậy hệ thống thu gom của khôi công nhân thủ công bằng xe gom gây ra hiện trạng cồng kềnh và gây ách tắc giao thông trong thời giờ cao điểm (4).
Sử dụng xe ô tô chuyên dùng loại 500kg duy trì trên các tuyến phố thu toàn bộ rác mô, rác bọc do sự chấp hành chưa tốt của người dân đưa ra, toàn bộ rác do bán hàng, ăn uống,... còn tồn đọng sau đêm (duy trì với tần suất phù hợp đảm bảo sạch, không tồn đọng rác).
Hình 1. Hình ảnh tuyến thu gom trên ứng dụng GPS và các điểm dừng của xe tải cỡ nhỏ thu gom 500 kg tại quận Ba Đình.
b, Công tác thu, vận chuyển rác đường phố:
Xe cuốn ép 2,5T:
- Nhặt rác phát sinh trên lòng đường, hè phố kết hợp kịp thời cẩu các thùng rác đầy vào thời điểm giữa các lượt cẩu thùng bằng xe cuốn ép ≥ 2,5T.
- Thu rác tại các ngõ xóm lớn, khu tập thể.
- Thu rác trực tiếp từ hộ dân mặt phố, từ các điểm tập kết túi rác.
- Trung chuyển rác tại trạm trung chuyển Lâm Du: có công suất 300 tấn/ngày, bố trí điểm chuyển tải ở
Lâm du chỉ phục vụ được quận Hoàn Kiêm và 01 phần quận Hai Bà Trưng và Ba Đình. Cự ly vận chuyển từ các quận về Trạm khoảng 10 - 12km.
- Xe vận chuyển thẳng Nam Sơn: Xe chuyên dùng cuốn ép rác tải trọng ≥ 10 tấn thu gom rác ngõ xóm từ các xe đẩy tay, rác mặt phố, thùng thu chứa rác đi thẳng đến bãi rác Nam Sơn.
3. Đánh giá hiện trạng công tác thu gom và vận chuyển CTSH
Việc sử dụng lao động thủ công duy trì nhặt rác bằng xe gom rác đẩy tay hoặc thùng rác các loại vẫn mang tính thủ công, thu nhặt rác mất nhiều thời gian di chuyển, không tua được nhiều vòng. Thời gian và tuyến vận chuyển của các xe cơ giới bao gồm cả khoảng thời gian huy động xe và thời gian đi đổ xe cũng chiếm phần lớn hiệu suất làm việc của xe cơ giới. Việc sử dụng các loại xe trọng tải 7-13 tấn đã không còn phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng tại các quận nội thành trung tâm.
Nhiều điểm cẩu tập trung, thời gian chờ cẩu lâu, không đáp ứng được nhu cầu giải phóng xe gom và dẫn đến tình trạng lãn công của công nhân thủ công, năng suất lao động không cao.
Phương tiện quay vòng lâu nên phải sử dụng nhiều xe gom, thùng rác 240l để lưu chứa rác nên công nhân phải chờ đợi xe cẩu trong thời gian dài.
Công nhân sử dụng phần lớn thời gian vào việc nhặt rác trên đường phố hay thu gom rác trên phố, trong ngõ. Không quan tâm đến các vấn đề về hướng dẫn, vận động người dân, hộ gia đình giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực sinh sống hoặc tham gia các hoạt động vệ sinh cộng đồng hạn chế.
Phải sử dụng nhiều thùng rác đặt cố định để chứa rác (chi phí thùng rác lớn). Người thải rác và người thu gom rác chưa có sự thống nhất, kết hợp với nhau dẫn đến sự không đồng bộ trong quá trình thu gom, vận chuyển rác.
Khâu vận chuyển không hợp lý: Đường vận chuyển lên Bãi xử lý rác thải Nam Sơn dài (trung bình khoảng 60km). Trung bình một xe chuyên dùng chở rác vận chuyển thực hiện 1 vòng thu gom sau đó vận chuyển rác về bãi và quay lại thu gom vòng tiếp theo mất khoảng thời gian từ 4 - 5 tiếng. Như vậy, để thực hiện 2 vòng thu gom, vận chuyển của 1 xe sẽ phải mất khoảng 9 - 10 tiếng. Trong khi đó, thời gian phát sinh rác của người dân bỏ rác tập trung vào buổi chiều tối thường từ 18 giờ- 21 giờ (khoảng 3 tiếng). Điều này dẫn đến việc xe gom tập kết tại các điểm chờ cẩu lâu, không đáp ứng được nhu cầu giải phóng xe gom gây mất mỹ quan đô thị.
Đối với công tác thu gom rác bằng xe tải, có thể thấy đối với các xe cuốn ép phải di chuyển từ khu vực thu gom đến bãi rác Nam Sơn, tổng quãng đường di chuyển trong tháng thường > 3000 km/tháng, trong khi đó các xe tải nhỏ thu gom khu vực dân cư, hoặc xe quét hút trung chuyển tại điểm trung chuyển Lâm Du sau khi thu gom, chỉ di chuyển thu gom khoảng >1000 km/tháng. Điều này làm giảm thiểu lớn quãng đường và thời gian vận chuyển rác, đồng nghĩa với việc giảm thiểu chi phí, đồng thời nâng cao hiệu quả cho hệ thống.
Đề xuất giải pháp
Đối với các đô thị Việt Nam nói chung, và Hà Nội nói riêng, theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đề ra, cần triển khai phân loại rác tại nguồn, đưa ra các giải pháp cụ thể xử lý lượng lớn rác thải hữu cơ bảo đảm vệ sinh môi trường, thu gom tốt rác tái chế, từ đó giảm thiểu lượng rác thải thu gom. Lượng chất thải rắn hữu cơ chiếm khoảng 50% tổng lượng CTR đô thị, đây cũng là một vấn đề cần xem xét trong hệ thống thu gom vận vì đây là lượng rác thải dễ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời chiếm khối lượng lớn, cần thu gom thường xuyên, gây mất vệ sinh, làm mất mỹ quan đô thị.
Hiện nay, trong quá trình thu gom rác, hình thức cẩu rác là tập kết các xe gom rác, các xe tải nhỏ chờ cẩu lên xe chở rác cỡ lớn, vận chuyển đi khu xử lý rác Nam Sơn. Lượng xe gom tập kết nhiều gây ùn tắc giao thông cục bộ, mất mỹ quan đô thị, rác và nước rơi vãi, gây mùi mất về sinh môi trường. Để khắc phục các điểm tồn tại trên, tác giả bài viết xin đề xuất mô hình "điểm sang tải rác kín”. Về công nghệ vận hành và hạ tầng, đây là điểm chuyển tải rác kín theo tiêu chuẩn công nghệ của các nước tiên tiến. Rác được chuyển vào hệ thống cuốn ép rác kín liên tục, khi đầy sẽ vận chuyển đi ngay, không để tồn qua ngày. Hàng ngày, tiến hành phun khử mùi và vệ sinh sạch sẽ điểm chuyển tải. Nước rửa sàn, vệ sinh thiết bị được thu vào bể chứa và chuyển lên xe chuyên dùng chở đi xử lý tại Khu liên hợp xử lý CTR Nam Sơn.
Bố trí phát triển hệ thống các trạm trung chuyển, các khu liên hiệp xử lý CTR được coi là một trong những định hướng quan trọng của hệ thống quản lý CTR của thành phố Hà Nội. Xem xét trong bối cảnh tất cả các công nghệ xử lý CTSH hiện đang chưa được hình thành rõ thì việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải, đặc biệt là rác thải nhựa là điều vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Từ đó nâng cao hiệu quả quản lý CTR, cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồn và phát triển đô thị bền vững.
TS. NGUYỄN HỒNG ĐĂNG
Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.World bank (2018). Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp nguy hại các phương án và hành động nhằm thực hiện chiến lược quốc gia.
2.Bộ Xây Dựng (2020), Báo cáo công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
3.URENCO Hà nội (2019): Báo cáo kết quả phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
4.Nguyễn Thị Thanh (2021). Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận trung tâm thành phố hà nội. Luận văn thạc sỹ. Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.